Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)

22/08/2022

    Ngày 15/8/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức Hội thảo Phổ biến, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và hiệp hội, doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải.

Quang cảnh Hội thảo

    Luật BVMT năm 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về EPR. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có hai loại trách nhiệm là trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý.

    Đối với loại trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì áp dụng đối với các nhóm sản phẩm như: Pin, ắc quy; điện, điện tử; săm, lốp; dầu nhớt; phương tiện giao thông và nhóm bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện tái chế từ năm 2024 trở đi. Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức là tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự mình tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc kết hợp các cánh thức nêu trên. Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu không tự mình tổ chức tái chế mà lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ đóng tiền theo định mức tái chế (Fs) do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

    Đối với loại trách nhiệm xử lý chất thải áp dụng đối với các nhóm sản phẩm như: Pin dùng một lần; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; các sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp, nhà sản xuất nhập khẩu thực hiện trách nhiệm này từ năm 2022 bằng cách đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.

    Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, để triển khai quy định EPR, Bộ TN&MT đang khẩn trương soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) đối với các loại sản phẩm, bao bì và Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

    Tại Hội thảo, đại diện nhóm soạn thảo của Bộ TN&MT đã giới thiệu, giải đáp nhiều thắc mắc, câu hỏi cụ thể của các hiệp hội, doanh nghiệp trong thực hiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các Quyết định và Thông tư trên.

Trần Hương

Ý kiến của bạn