Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030

01/11/2023

    Ngày 26/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1251/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hoàn chỉnh hệ thống tổ chức lực lượng và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

    Mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2025: Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia, kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia;

    Hoàn thành việc xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn và thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ sự cổ mỗi trường cấp quốc gia trên phạm vi cả nước;

    Hoàn thiện hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia;

    100% kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương được ban hành;

    Tăng cường hợp tác quốc tế trong giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường.

    Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.

    Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 đề ra 6 nhiệm vụ, bao gồm:

    Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Thứ hai, hoàn thiện hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Thứ ba, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo của các trạm quan trắc phục vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Thứ tư, nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Thứ năm, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Trong đó, đối với nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia”, gồm: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia cho lực lượng của các bộ, ngành, địa phương trong hệ thống ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện chế độ, chính sách cho lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực, quản lý tài chính trong thực hiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

    Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đặt ra yêu cầu: Xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia làm cơ sở cho công tác chỉ huy, điều hành và phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; trang bị phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương, trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức, đầu tư trang thiết bị cho các lực lượng nòng cốt tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường quốc gia; tổ chức huấn luyện, đào tạo, nâng cao trình độ cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia (05 năm một lần hoặc đột xuất); đảm bảo dự trữ quốc gia về các mặt hàng thiết yếu, các trang thiết bị ứng phó sự cố môi trường.

    Ứng phó sự cố môi trường bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Xác định nguyên nhân sự cố môi trường; loại, số lượng, khối lượng chất ô nhiễm bị phát tán, thải ra môi trường; đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật; thực hiện các biện pháp cô lập, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động; thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, sinh vật và môi trường; thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm; thông báo, cung cấp thông tin về sự cố môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố môi trường.

    Xem chi tiết Quyết định tại đây.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn