Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Phát triển năng lượng bền vững trong thực hiện Tiêu chuẩn về Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) tại các doanh nghiệp Việt Nam

30/10/2024

1. Đặt vấn đề

    Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng lớn về biến đổi khí hậu (BĐKH) và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, do đó, việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững (PTBV) trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng - vừa là đầu vào thiết yếu cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội (KT - XH), vừa là nguồn gây phát thải khí nhà kính (KNK) chính - đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi này. Theo số liệu của Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp tiêu thụ hơn 50% tổng mức năng lượng toàn quốc và phát thải khoảng 70% tổng lượng khí nhà kính của Việt Nam, chi phí năng lượng đối với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp hiện vẫn đang chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm (Thanh Nguyễn, 2021)... Vì vậy, trong giai đoạn này, việc chuyển đổi sang mô hình sử dụng năng lượng bền vững là cấp thiết đối với Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp.

    Với xu hướng chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, khái niệm ESG (Environmental, Social, and Governance - Môi trường, xã hội, quản trị) đang ngày càng được chú trọng trên phạm vi toàn cầu như là một Bộ tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp. ESG không chỉ là công cụ đánh giá tính bền vững và tác động xã hội của doanh nghiệp, mà còn là công cụ quản trị rủi ro và tạo giá trị dài hạn. Theo Bùi Thị Thu Loan và cộng sự (2024), các công ty có điểm số ESG cao thường có hiệu suất tài chính tốt hơn và khả năng phục hồi cao hơn trước các cú sốc của thị trường. Còn theo KPMG Big shifts (2022), các doanh nghiệp tích cực áp dụng các tiêu chuẩn ESG có thể giảm chi phí năng lượng từ 5-20% thông qua các biện pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

    Tại Việt Nam, mặc dù khái niệm ESG còn khá mới, nhận thức và việc áp dụng, thực thi các tiêu chuẩn ESG của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang ngày càng gia tăng. Trong đó, các hoạt động nhằm phát triển bền vững năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong khung ESG khi tác động trực tiếp đến cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị. Việc chuyển đổi, phát triển mô hình năng lượng sạch và tái tạo của các doanh nghiệp nhằm giúp giảm phát thải KNK và BVMT. Về mặt xã hội, năng lượng bền vững đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện chất lượng sống và tạo việc làm. Đồng thời, việc xây dựng chiến lược năng lượng bền vững đòi hỏi cấu trúc quản trị tốt, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, việc đầu tư, thay đổi về chiến lược phát triển năng lượng của doanh nghiêp theo hướng bền vững hơn, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế về nguồn lực tài chính, điều kiện kỹ thuật công nghệ đến tầm nhìn, nhận thức của doanh nghiệp. Bài viết nhằm phân tích vai trò, đóng góp của phát triển bền vững năng lượng trong việc thực hiện các tiêu chuẩn ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua việc đánh giá hiện trạng, xác định điều kiện thuận lợi, khó khăn, bài viết đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy thực hiện phát triển năng lượng bền vững, góp phần hoàn thiện ESG của doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững tại Việt Nam.

2. Khái quát về ESG tại Việt Nam

    ESG là một khái niệm đánh giá tính bền vững và tác động của doanh nghiệp đối với xã hội, gồm ba khía cạnh chính: (i) Môi trường (E), đánh giá tác động của doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên, bao gồm các vấn đề như BĐKH, sử dụng tài nguyên, ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học; (ii) Xã hội (S), tập trung vào mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan, bao gồm nhân viên, khách hàng, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung; (iii) Quản trị (G), đề cập đến cách thức doanh nghiệp được điều hành và quản lý, bao gồm cơ cấu quản trị, đạo đức kinh doanh, và tuân thủ pháp luật. Khái niệm này được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2004 trong Báo cáo "Who Cares Wins" của Liên hợp quốc (UN, 2004) và từ đó đã trở thành một công cụ quan trọng trong đánh giá doanh nghiệp toàn cầu.

    Tại Việt Nam, nhận thức và sự quan tâm của các doanh nghiệp về ESG đang dần được nâng cao, đặc biệt là sau khi Chính phủ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP 26. Tuy nhiên, mức độ áp dụng và công bố Báo cáo ESG còn khá khiêm tốn và không đồng đều giữa các doanh nghiệp; việc áp dụng ESG chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có hoạt động xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, việc áp dụng ESG còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế về nhận thức của doanh nghiệp và thiếu hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý.

    Mặc dù, ESG đang ngày càng được chú trọng tại Việt Nam, việc áp dụng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững năng lượng trở thành một phần quan trọng của ESG và là động lực để doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu hành trình hướng tới phát triển bền vững toàn diện.

3. Mối liên hệ giữa phát triển bền vững năng lượng với ESG

    Phát triển năng lượng bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của SDGs 2030, hướng tới (i) Đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ năng lượng hiện đại; (ii) Tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng; (iii) Tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng. Sự phát triển bền vững năng lượng quốc gia phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển bền vững  năng lượng của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế. Ngược lại, với nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng, sản xuất và sử dụng năng lượng theo hướng bền vững có ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô và định hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển bền vững năng lượng và chiến lược ESG của doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ, thể hiện qua ba khía cạnh Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G).

    Về mặt môi trường (E): PTBV năng lượng đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tác động môi trường của doanh nghiệp, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính. Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo trực tiếp góp phần vào mục tiêu môi trường trong ESG bằng cách: (1) Giảm phát thải khí nhà kính; (2) Bảo tồn tài nguyên; (3) Giảm ô nhiễm.

    Về mặt xã hội (S): PTBV năng lượng có tác động tích cực đến xã hội thông qua việc đảm bảo an ninh năng lượng, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này phù hợp với các mục tiêu xã hội trong ESG về (1) An ninh năng lượng; (2) Tạo việc làm; (3) Sức khỏe cộng đồng; (4) Phát triển địa phương.

    Và về mặt quản trị (G): Việc xây dựng và thực hiện chiến lược PTBV năng lượng đòi hỏi (1) Định hướng chiến lược dài hạn; (2) Quản lý rủi ro; (3) Minh bạch và trách nhiệm giải trình; (4) Khuyến khích đổi mới và thích ứng, phù hợp với các nguyên tắc quản trị tốt trong ESG.

    Trên thực tế, trong hầu hết các Bộ chỉ tiêu đánh giá ESG đang áp dụng, năng lượng thường chiếm một phần quan trọng, đặc biệt trong khía cạnh môi trường. Ví dụ như Bộ chỉ tiêu Global Reporting Initiative (GRI) có đến 5 chỉ tiêu liên quan đến năng lượng trong mục GRI 302. Một nghiên cứu đánh giá ESG của các doanh nghiệp ASEAN cũng chỉ ra, năng lượng là chủ đề đuợc công bố nhiều nhất trong Báo cáo bền vững, với tỷ lệ công bố lên tới 65,4% (NUS và ASEAN CSR Network, 2018).

    Như vậy, có thể thấy, mối liên hệ giữa PTBV năng lượng và kế hoạch phát triển ESG của doanh nghiệp là toàn diện và đa chiều. PTBV năng lượng là động lực thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực hiện ESG. Nó tác động đến tất cả các khía cạnh của ESG, từ giảm thiểu tác động môi trường, cải thiện điều kiện xã hội, đến tăng cường quản trị doanh nghiệp. Hiểu rõ mối liên hệ này giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện ESG toàn diện và hiệu quả, tạo ra giá trị bền vững cho tất cả các bên liên quan.

4. Thực trạng vấn đề phát triển năng lượng bền vững trong thực thi ESG tại Việt Nam

    Cùng với các Chiến lược về Tăng trưởng xanh, sản xuất sạch hơn... Việt Nam cũng đã và đang thực hiện những chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu ưu tiên cho việc khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo với hàng loạt các chính sách, bao gồm cả các ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp quản lý và sử dụng năng lượng theo hướng bền vững.  Sau cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP 26, Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng năng lượng theo hướng bền vững.

    Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, đã bắt đầu có những hành động tích cực để phát triển năng lượng sạch và tái tạo.Về mặt môi trường, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch giảm phát thải các-bon, trong đó chuyển đổi sang năng lượng sạch được coi là giải pháp chính. Hiện đã có hơn 10 nhà máy xi măng sử dụng 35-40% nhiên liệu thay thế từ rác thải để giảm phát thải (Hải Yến, 2024). Vingroup cũng cam kết đạt mức phát thải bằng “0” vào năm 2040 thông qua sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu suất năng lượng.

    Về mặt xã hội, với tiềm năng và điều kiện khai thác thuận lợi, mục tiêu phát triển năng lượng sạch cho phát triển KT - XH cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Cả nước hiện có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 5000 MW, tiêu biểu như: Cụm nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận với công suất 330 MW; Nhà máy GT&Associates và Mashall&Street Ltd tại Quảng Nam có công suất 150MW.... Đồng thời, một nghiên cứu gần đây của WWF-Việt Nam và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho thấy, tính khả thi của việc cung cấp 100% nhu cầu điện năng trong nước bằng năng lượng tái tạo vào năm 2050 với sự hỗ trợ của tổng cộng khoảng 60 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

    Tuy nhiên, về mặt quản trị, việc thực hiện và công bố thông tin ESG liên quan đến năng lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam còn khá hạn chế. Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 (PwC, 2022) , chỉ có 35% doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam đã đặt ra cam kết ESG, trong khi 58% có kế hoạch thực hiện trong 2 - 4 năm tới. Những thách thức chính khi triển khai ESG tại Việt Nam là thiếu các quy định ESG rõ ràng và thiếu lãnh đạo ESG trong tổ chức để thúc đẩy cam kết. Về thực hành báo cáo phát triển bền vững, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết được nghiên cứu tại Việt Nam đều công bố các mục tiêu ESG ngắn hạn và trung hạn (lần lượt là 84% và 70%). Tuy vậy, chưa đến một nửa (48%) tiết lộ các mục tiêu dài hạn (trên 5 năm) và chỉ có 8% tiết lộ mục tiêu NetZero. So với khu vực châu Á Thái Bình Dương, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với khoảng cách lớn trong thực hành báo cáo bền vững liên quan đến quản trị cấp cao và trách nhiệm của họ đối với các vấn đề ESG. Việt Nam cũng chỉ có một quỹ đầu tư ESG khoảng 14 triệu USD, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như Thái Lan (61 quỹ giá trị 1,36 tỷ USD), Malaixia (27 quỹ, giá trị 393 triệu USD) (Thúy Ngà, 2024).

    Nhìn chung, mặc dù đã có những chủ trương, chính sách và nỗ lực quan trọng từ phía Nhà nước cũng như các doanh nghiệp lớn, tích hợp phát triển năng lượng bền vững vào thực thi ESG của đa số doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 97% tổng số các doanh nghiệp), vẫn còn nhiều hạn chế.  Các rào cản chủ yếu bao gồm: hạn chế về nhận thức,  thiếu nguồn lực tài chính và công nghệ để triển khai, cũng như khó khăn trong việc đo lường, báo cáo và công bố thông tin ESG đạt chuẩn. Do đó, để thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững trong khung ESG trở thành một xu hướng lan tỏa, vừa cần có cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể hơn từ phía Nhà nước, vừa cần sự nỗ lực hơn nữa của các doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức, đầu tư nguồn lực và xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp.

5. Thuận lợi và khó khăn của việc thực hiện chỉ tiêu phát triển năng lượng bền vững trong ESG

    Về thuận lợi, xu hướng ESG và năng lượng bền vững đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, tạo động lực chuyển đổi mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo KPMG Big shifts, small steps (2023), hiện có 64% nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn cho doanh nghiệp Việt Nam có hiệu quả ESG tốt, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Chính phủ cũng đang tăng cường hỗ trợ thông qua các ưu đãi phát triển năng lượng xanh. Bên cạnh đó, thông qua đầu tư vào năng lượng bền vững, doanh nghiệp có thể mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu với các tiêu chuẩn cao về ESG và tiềm năng giảm chi phí năng lượng trong dài hạn (IFC, 2022).

    Về khó khăn, rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ước tính cần khoảng 16 tỷ USD đầu tư cho năng lượng sạch tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2030. Bên cạnh đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ khi Việt Nam vẫn thiếu các quy hoạch, chiến lược dài hạn và lộ trình cụ thể cho phát triển năng lượng tái tạo (VCCI & Deloitte, 2022). Nhận thức và kiến thức về năng lượng bền vững trong ESG của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế. Khó khăn trong đo lường, thống kê và báo cáo các chỉ tiêu cũng là một rào cản đáng kể, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào hệ thống thu thập dữ liệu và nâng cao năng lực báo cáo (PwC, 2022).

    Như vậy, bên cạnh động lực quan trọng từ xu hướng thị trường, yêu cầu của nhà đầu tư và hỗ trợ của Chính phủ, tích hợp năng lượng bền vững trong ESG vẫn còn nhiều khó khăn từ chính doanh nghiệp, hạn chế về tài chính, công nghệ, nhận thức cho đến năng lực đo lường và báo cáo. Đây là những vấn đề phức tạp và đa chiều, cần sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều bên để tháo gỡ. Tất cả cần được cân nhắc đầy đủ trong quá trình xây dựng và thực thi giải pháp thúc đẩy năng lượng bền vững trong khung ESG, tạo ra môi trường thuận lợi và đồng thuận để doanh nghiệp có thể tích cực tham gia và đi đầu trong quá trình chuyển đổi này.

6. Một số khuyến nghị nhằm phát triển năng lượng bền vững doanh nghiệp nhằm cải thiện ESG

    Để phát triển năng lượng bền vững trong thực thi ESG tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp như:

    Thứ nhất, xây dựng chiến lược năng lượng bền vững dài hạn, gắn với định hướng phát triển chung của doanh nghiệp. Chiến lược này cần dựa trên đánh giá toàn diện về tiềm năng, điều kiện của doanh nghiệp và xu hướng thị trường, đồng thời đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tham vọng nhưng khả thi. Việc lồng ghép chiến lược năng lượng bền vững vào các chiến lược và quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp cũng rất quan trọng để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trog triển khai.

    Thứ hai, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Bên cạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đổi mới sáng tạo nội bộ, khuyến khích người lao động đóng góp ý tưởng, sáng kiến cải tiến công nghệ và quy trình quản lý năng lượng. Đầu tư vào hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến, tự động hóa cũng giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn việc sử dụng năng lượng, giảm lãng phí.

    Thứ ba, thường xuyên đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực về năng lượng bền vững, ESG cho các cấp quản lý và người lao động. Nội dung cần bao quát các chủ đề về chính sách, thị trường, công nghệ, thực hành tốt, cũng như kỹ năng lập kế hoạch, vận hành, giám sát và báo cáo liên quan. ây dựng văn hóa tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp cũng rất cần thiết để tạo sự lan toả và duy trì quá trình chuyển đổi (VCCI, 2021).

    Thứ tư, tiếp tục cải thiện chất lượng công bố thông tin năng lượng và ESG, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, vừa giúp doanh nghiệp nhìn nhận bức tranh tổng thể để điều chỉnh chiến lược phù hợp. Việc tham chiếu và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ tốt về báo cáo ESG trong khu vực và quốc tế sẽ giúp thông tin minh bạch, tin cậy và dễ so sánh hơn. Bên cạnh báo cáo định kỳ, các kênh truyền thông đa dạng cũng nên được sử dụng để lan toả thông điệp phát triển bền vững của doanh nghiệp tới cộng đồng.

    Cuối cùng, hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan như cơ quan quản lý, hiệp hội ngành, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Thông qua hợp tác, doanh nghiệp không chỉ nhận được hỗ trợ về chính sách, tài chính, kỹ thuật, thị trường mà còn có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để từng bước hoàn thiện hoạt động của mình.

    Với sự nỗ lực và hành động đồng bộ, kịp thời từ chính các doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ, đồng hành của các bên liên quan, hoạt động phát triển năng lượng bền vững và thực thi ESG hiệu quả sẽ dần trở thành hiện thực, nhằm phục vụ cho chính nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp cũng như góp phần thiết yếu vào quá trình phát triển bền vững chung của quốc gia.

Nguyễn Thị Thục

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Bui Thi Thu Loan, Tran Thi Lan Anh and Trang Hoang (2024). ESG disclosure and financial performance: Empirical study of Vietnamese commercial banks. Banks and Bank Systems, 19(1), 208-220. doi:10.21511/bbs.19(1).2024.18.

2. Hải Yến (2024). “Thúc” doanh nghiệp sớm tham gia thị trường carbonhttps://baodautu.vn/thuc-doanh-nghiep-som-tham-gia-thi-truong-carbon-d224597.html.

3. KPMG(2022). Big shifts, small steps -  Survey of Sustainability Reporting 2022. https://assets.kpmg.com/content/dam/kpmg/xx/pdf/2022/10/ssr-small-steps-big-shifts.pdf.

4. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). (2022). Change - Báo cáo PTBV 2022.

5. NUS và ASEAN CSR Network 2018. Sustainability reporting in ASEAN countries- Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore and Thailand.

6. PwC. (2022). Từ tham vọng đến hành động Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022.

7. Thanh Nguyễn.2021. Chi phí năng lượng của nhiều ngành chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. https://haiquanonline.com.vn/chi-phi-nang-luong-cua-nhieu-nganh-chiem-hon-60-gia-thanh-san-pham-143971.html.

8. Thúy Ngà. (2024). Dữ liệu ESG là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp niêm yết. https://dantri.com.vn/kinh-doanh/du-lieu-esg-la-rao-can-lon-nhat-voi-doanh-nghiep-niem-yet-20240924112513108.htm.

9. UNDP. (2022). Báo cáo Phát triển Con người Việt Nam 2022: Chuyển đổi Năng lượng công bằng.

10. United Nations (2004). Who Cares Wins: Connecting Financial Markets to a Changing World

11. VCCI. (2020). Chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) 2020.

12. VCCI. (2021). Tài liệu Hội thảo "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng bền vững". https://vcci.com.vn/wp-content/uploads/2021/11/tai-lieu-hoi-thao-thuc-day-DN-tham-gia-phat-trien-nang-luong-ben-vung.pdf. 

13. VBCSD (2022). Hướng dẫn Tích hợp Phát triển bền vững vào Chiến lược doanh nghiệp. Hà Nội: NXB Tài nguyên Môi trường.

14. VCCI. 2022. Khảo sát về chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

15. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.2024. Tăng cường năng lực báo cáo và kiểm kê khí nhà kính hướng đến xây dựng thị trường các-bon trong nước.

Ý kiến của bạn