Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Phát huy giá trị các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững

06/11/2023

    Ngày 3/11/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia (UBQG) Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) tổ chức sự kiện Tổng kết Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới của Việt Nam 2023 và Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị các KDTSQ thế giới của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế về KDTSQ. Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch UBQG MAB Việt Nam; bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, cùng sự hiện diện của 11 Ban quản lý (BQL) KDTSQ thế giới tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch UBQG MAB Việt Nam phát biểu tại sự kiện

    Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch UBQG MAB Việt Nam cho biết: “Hội nghị thường niên Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam là dịp để 11 KDTSQ nhìn lại một năm hoạt động. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như cùng nhau định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo. Theo GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, KDTSQ là khái niệm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đưa ra năm 1971, nhằm công nhận và thiết lập các khu vực rộng lớn có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, văn hóa cao, bao gồm trong đó các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, vùng đất ngập nước, biển, ven biển… KDTSQ là “nơi học tập để phát triển bền vững”, nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trong đó, việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương là rất quan trọng.

    Nhìn lại một năm hoạt động của các KDTSQ thế giới của Việt Nam với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng cho đến nay các KDTSQ đã vượt qua thách thức và vững vàng đi lên. Hiện nay, trên thế giới đã có 748 KDTSQ thuộc 134 quốc gia, trong đó Việt Nam đóng góp vào mạng lưới này 11 KDTSQ trên toàn bộ lãnh thổ. Ngay từ những ngày đầu tiên với mục đích xây dựng cơ sở khoa học cho sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cho đến nay hoạt động của Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam đã phát triển cùng với xu hướng chung của thế giới đó là mỗi KDTSQ thế giới đều là một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế. KDTSQ thế giới Cần Giờ với mô hình khôi phục hệ sinh thái thành công được thế giới đánh giá cao. KDTSQ thế giới Đồng Nai với mô hình bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp văn hóa, lịch sử truyền thống. KDTSQ thế giới Cát Bà đã khẳng định tầm quan trọng của sự tham gia cộng đồng và các bên liên quan vào hoạt động của KDTSQ thế giới. Sau khi tham gia Mạng lưới KDTSQ thế giới của Việt Nam, KDTSQ thế giới Kiên Giang đã chủ động thành lập Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Phú Mỹ, thuộc tỉnh Kiên Giang, góp phần vừa gia tăng hiệu quả bảo tồn, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Tây Nghệ An là KDTSQ thế giới có sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến thay đổi hành vi của tất cả các cấp từ cán bộ tới người dân. Điều này cũng được khẳng định ở KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Cát Bà và Cà Mau. Hai KDTSQ thế giới mới thành lập Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng mặc dù còn khó khăn trong công tác tổ chức, đã cố gắng triển khai công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. KDTSQ thế giới Langbiang và Kon Hà Nừng tạo nên phong trào du lịch trách nhiệm và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức nước ngoài.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Trưởng ban KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An phát biểu chia sẻ kinh nghiệm

    Tại sự kiện Tổng kết, các đại biểu đã được nghe báo cáo Tóm tắt kết quả kỳ họp MAB ICC lần thứ 35 và các hoạt động quốc tế của mạng lưới KDTSQ thế giới – UBQG UNESCO Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế và quản lý, bảo vệ KDTSQ thế giới; Quy định pháp lý và định hướng quản lý, bảo vệ KDTSQ thế giới tại Việt Nam; Các hoạt động nổi bật của Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam 2023. Tiếp đó, các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ của đại diện 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam về hoạt động cũng như những thuận lợi và khó khăn, từ đó đưa ra những kiến nghị và đề xuất nhằm hoàn thiện về hành lang pháp lý, cơ cấu tổ chức, huy động nguồn lực để các KDTSQ ngày càng phát triển.

    Chiều cùng ngày, Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị các KDTSQ của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” đã diễn ra với các bài tham luận chia sẻ kết quả bước đầu của Đề tài khoa học và công nghệ: Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng dẫn quản lý KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam; Nghiên cứu hiện trạng, nhu cầu, đề xuất và áp dụng thử mô hình xây dựng, sử dụng và quản lý nhãn sinh thái cho các sản phẩm, dịch vụ tại KDTSQ thế giới của Việt Nam. Qua đó, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp phát huy giá trị các KDTSQ thế giới của Việt Nam nhằm phục vụ phát triển bền vững.

Quang cảnh sự kiện Tổng kết

    Nhìn chung, để thực hiện mục tiêu mỗi KDTSQ thế giới là một mô hình phát triển bền vững của địa phương, trong thời gian tới, Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam sẽ thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước theo hướng xây dựng khung cơ cấu quản lý thống nhất, phát triển nhãn sinh thái KDTSQ thế giới, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và theo dõi, giám sát các loài nguy cấp, quý hiếm, phát triển du lịch sinh thái, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa và cải thiện sinh kế cho người dân, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nam Việt

Ý kiến của bạn