Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

PGS. TS Nguyễn An Thịnh: Giải thưởng Môi trường Việt Nam lan tỏa tích cực tới cộng đồng và tại các cơ sở giáo dục

06/09/2022

    Ngày 31/7/2022, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 và Giải thưởng Báo chí TN&MT lần thứ VI. PGS. TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự là một trong 10 cá nhân và 23  tổ chức, cộng đồng được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn An Thịnh để tìm hiểu thêm về những đóng góp của PGS trong lĩnh vực môi trường.

PGS. TS Nguyễn An Thịnh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

PV: Chúc mừng PGS được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân PGS?

PGS. TS Nguyễn An Thịnh: Đối với tôi, Giải thưởng này là một vinh dự, đồng thời là sự ghi nhận, động viên để tôi có điều kiện tiếp tục nghiên cứu sâu các dự án mang tính cấp thiết để đóng góp cho xã hội, cũng như phát triển tiềm lực nhóm nghiên cứu đào tạo mô hình nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, Giải thưởng Môi trường Việt Nam lan tỏa tích cực tới cộng đồng và tại cơ sở giáo dục mà tôi đang công tác.

    Nhiều năm công tác tại Trường Đại học TN&MT Hà Nội (từ năm 2015 đến 2018) và Đại học Quốc gia Hà Nội (từ 2018 cho đến nay), tôi nhận thấy nhà trường đã và đang có sự quan tâm, đầu tư rất lớn cho các giảng viên, học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học cũng như có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học để công bố các công trình chất lượng. Tôi cùng với các đồng nghiệp hiện đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cùng nhau chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu hữu ích cho cuộc sống. Giải thưởng này còn có ý nghĩa làm lan tỏa những khía cạnh tích cực của tinh thần, thái độ, ý thức, kiến thức và hành động BVMT trong cộng đồng người dạy và người học tại cơ sở giáo dục đại học nơi tôi đang công tác.

PV: Được biết, PGS được vinh danh trong lĩnh vực “Giáo dục, đào tạo, truyền thông, tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT”. Xin PGS cho biết một số đóng góp của ông trong lĩnh vực này? 

PGS. TS Nguyễn An Thịnh: Hiện tôi đang đảm nhận trách nhiệm quản lý chuyên môn, tổ chức các hội thảo và diễn đàn quốc tế, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo, giảng dạy nhiều lượt giáo trình, hướng dẫn thành công nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh trong, ngoài nước thực hiện đề tài nghiên cứu về quản lý TN&MT, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh nghiên cứu, giảng dạy, tôi còn tích cực tham gia các hoạt động truyền thông và giáo dục BVMT như: Sáng tạo bộ sản phẩm thương mại BoardGame “Thủ lĩnh môi trường” dành cho học sinh; tham gia đào tạo các khóa ngắn hạn về môi trường cho các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam; tham gia phát biểu tại các chương trình truyền hình và phát thanh về truyền thông và giáo dục BVMT. Tôi cũng đã chủ trì thành lập Câu lạc bộ sinh viên Khởi nghiệp xanh và Hành động vì môi trường (GSEA) tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; hướng dẫn 01 nhóm sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi VNU Innovation Startup 2021 về Khởi nghiệp xanh; hướng dẫn 01 nhóm sinh viên lọt vào vòng thi Bán kết tại Hội nghị Quốc tế “Lãnh đạo trẻ môi trường toàn cầu 2021” (Global Leaders Challenge 2021) tổ chức tại Singapo vào vào tháng 8/2022. Cùng với đó, năm 2021, tôi đã chủ trì mời tài trợ và đồng chủ trì tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm thủ lĩnh hành động vì môi trường Việt Nam 2021” dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021 cho PGS. TS Nguyễn An Thịnh

PV: Là người thầy tâm huyết, giàu năng lượng và luôn truyền cảm hứng tới các học trò, PGS làm gì để thắp sáng ngọn lửa đam mê với nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề về môi trường?

PGS. TS Nguyễn An Thịnh: Người thầy luôn phải là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước. Sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: “Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay”. Đối với tôi, giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề về môi trường đối với tôi diễn ra rất tự nhiên. Bên cạnh các kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành về môi trường ở giáo trình, trong chương trình giảng dạy, tôi luôn lồng ghép các câu chuyện, bài học về BVMT để khơi gợi lòng yêu thương, nâng cao nhận thức, ý thức và hành động vì thiên nhiên và môi trường của người học.

Nhóm sinh viên Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt giải Nhất cuộc thi VNU Innovation Startup 2021 về Khởi nghiệp xanh dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn An Thịnh

PV: Từ những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, PGS có kiến nghị, đề xuất gì cho công tác BVMT hiện nay?

PGS. TS Nguyễn An Thịnh: Khi nói đến BVMT, nhiều người vẫn còn suy nghĩ đó là những chuyện to lớn, là trách nhiệm của cơ quan chức năng nhưng theo tôi, nên bắt đầu từ ý thức, hành động cụ thể của từng mỗi cá nhân. Bất kỳ ai trong xã hội cũng có thể chung tay, góp sức để có được một môi trường sống tốt hơn. Học sinh, sinh viên là thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, những hành động thiết thực để các em nhận thấy trách nhiệm BVMT đối với tương lai của chính mình là rất quan trọng. Nếu ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường, các em có ý thức BVMT thì tôi tin rằng môi trường sống xung quanh chúng ta sẽ được bảo vệ hiệu quả và bền vững. Vì vậy, tôi luôn dạy học trò của mình rằng, hãy bắt đầu việc phân loại rác thải sinh hoạt, tái chế những thứ có thể dùng được, bỏ rác đúng chỗ… trước khi nghĩ đến những điều lớn hơn.

    Tôi quan niệm về BVMT một cách rất giản dị và đời thường. Thứ nhất là ý thức và hành động giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan và không gian công cộng sạch, đẹp, gọn gàng. Thứ hai là ý thức và hành động bảo vệ thiên nhiên, luôn thể hiện tình thương mến với đồng bào, nâng niu quý trọng từng nhành cây, ngọn cỏ, yêu thương từ những sinh linh nhỏ bé nhất cho đến Mẹ Trái đất vĩ đại. Kiến nghị của tôi về công tác BVMT tập trung vào hai nội dung này. Là người từng học tập, nghiên cứu, trải nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, tôi tin rằng một Thủ đô, một thành phố, một đất nước xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp với những công dân yêu thiên nhiên và bảo vệ tự nhiên sẽ luôn là điểm đến thực sự đáng sống, đáng yêu thương, trân trọng.

    Ngoài ra, hơn lúc nào hết, chúng ta cần xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Điều này không những để khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, mà còn góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS!

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2022)

Ý kiến của bạn