Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Nỗ lực “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” ở Sóc Trăng

17/04/2023

    Trong những năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở hạ tầng giao thông, đê biển cũng như sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là tại các địa phương ven biển.

    Rừng ngập mặn vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng phân bố 72 km bờ biển, rừng giữ vai trò phòng hộ chắn sóng bảo vệ đê biển, ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, lợ gần cửa sông nên loài cây chủ yếu là bần chua phân bố ở huyện Trần Đề, Cù Lao Dung; rừng ngập mặn xa cửa sông phân bố ở TX. Vĩnh Châu, các loài cây chủ yếu là đước, đưng, các loài mắm... với diện tích có rừng 6.727 ha. Rừng ngập mặn đã và đang đem lại nhiều lợi ích sinh thái quan trọng đối với cuộc sống của con người. Rừng góp phần bảo vệ bờ biển chống sạt lở, triều cường, giảm thiểu xói mòn bờ biển, ứng phó với thực trạng nước biển dâng và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt rừng ngập mặn có vai trò bảo vệ đới bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ đê biển. Khi rừng ngập mặn tự nhiên được trồng đủ rộng sẽ tạo thành bức tường vững chắc, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị sạt lở. Thông qua những lợi ích rừng đem lại, hàng năm đơn vị đều phối hợp các đơn vị liên quan, các tổ chức triển khai các đợt trồng rừng, nhằm mở rộng và phát triển diện tích rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ đê biển, tránh sạt lở. Mỗi một cây trồng xuống là công sức của rất nhiều người, không chỉ của những người đã tham gia đóng góp mà còn là sự kiên trì, tận tâm của những người dân địa phương, những cán bộ địa phương đã trồng rừng, chăm cây mỗi ngày.

    Rừng phòng hộ ven biển giữ vai trò phòng hộ là chính do mới khôi phục và phát triển các loài cây trồng thích hợp với điều kiện ngập mặn nên chủ yếu tạo môi trường sinh thái và chưa thực hiện việc khai thác rừng. Một trong những hoạt động trồng cây gây rừng mà được cộng đồng hưởng ứng nhiệt tình là việc trồng cây ven các bãi bồi ven biển trên địa bàn TX. Vĩnh Châu vừa qua, với việc trao tặng 10.000 cây mắm đến Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng. Hoạt động này nằm trong Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” do Panasonic Việt Nam và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp triển khai thực hiện trong năm 2022- 2023. Đây là hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, cộng đồng tham gia; đồng thời, hoạt động trồng rừng góp phần lan tỏa Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Cây mắm là một trong những loại cây điển hình của hệ sinh thái vùng ngập mặn. Đây là loại cây đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn việc nước biển xâm lấn, kéo theo tình trạng tăng thủy triều và biến đổi khí hậu. Cây mắm có thân thẳng, lá dày và bóng, xanh tốt quanh năm. Thân và quả của cây có vị mặn. Bộ rễ cây khỏe, “gồng” mình uốn cong khỏi mặt đất bùn đầy sức sống. Dưới môi trường khắc nghiệt, giữa triền khơi đầy nắng, gió và vị mặn mòi của muối biển, cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Cây mắm nhân giống bằng quả và khi quả rụng xuống lại mọc tiếp hoặc theo nước biển cuốn đi gặp bãi triều để bám rễ. Quả mắm màu xanh, hình bầu dục, thường có nhiều vào dịp tháng bảy, tháng tám âm lịch hằng năm...

Đức Anh

Ý kiến của bạn