Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Nhìn lại Thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng

23/03/2023

    Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6 - 20/11/2022, với số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay, gồm các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và 40.000 đại biểu khác. Sau các cuộc đàm phán căng thẳng suốt đêm và kéo dài 2 ngày so với lịch trình ban đầu, sáng sớm ngày 20/11/2022 (giờ địa phương), Hội nghị COP27 đã thông qua Thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng tại phiên toàn thể bế mạc. Ngoại trưởng nước chủ nhà Sameh Shoukry, đồng thời là Chủ tịch COP27, đã gõ búa để biểu thị văn kiện thỏa thuận chính trị của COP27 được thông qua bằng sự đồng thuận. Thỏa thuận cuối cùng của COP27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, Thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo trong khi nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Điều khoản đáng chú ý nhất trong Thỏa thuận là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.   

Bước tiến lịch sử với việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại"

    Báo cáo của Liên hợp quốc về BĐKH được công bố hồi đầu năm 2022 từng cảnh báo khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng thêm 1,5°C. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 2°C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của BĐKH và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2°C và 3°C. Nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 0,9°C, 35% diện tích đất trên Trái đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá.

    Châu Âu là khu vực ấm lên tới tốc độ nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua. Các vụ cháy rừng thảm khốc ở châu Âu vào mùa hè năm 2021 đã thải ra lượng khí thải các bon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí và cướp đi mạng sống hàng triệu người. Trong khi đó, mặc dù có lượng phát thải chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu song châu Phi lại là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi ngày càng trầm trọng hơn, đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người, với thiệt hại ước tới 70 tỷ USD. Hơn 1.000 trận lũ lụt trong khoảng thời gian này khiến hơn 20.000 người thiệt mạng. Khoảng 172,3 triệu người châu Phi bị ảnh hưởng do hạn hán và 43 triệu người bị ảnh hưởng lũ lụt trong giai đoạn 2010 - 2022.

    Báo cáo khí hậu châu Á năm 2021 được công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP27 lại cho thấy mức độ dễ bị tổn thương bởi BĐKH của châu Á đang tăng cao, gây ảnh hưởng lên 48,3 triệu người. Ước tính thiên tai đã dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế là 35,6 tỷ USD, cao hơn mức trung bình của 2 thập kỷ qua.

    Trước thực trạng trên, tại COP27, các nước đang phát triển đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà BĐKH gây ra cho nhóm nước đang phát triển, kém phát triển. Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ. Tuy không thể định lượng chính xác nguồn tài chính cần cho nỗ lực giảm thiểu và thích ứng của các quốc gia đang phát triển, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu cần thiết có thể lên tới hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, các nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đã do dự vì lo ngại việc thiết lập một quỹ bồi thường có thể khiến các quốc gia này khác phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường không giới hạn có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Cuối cùng, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng, các bên đã thống nhất sẽ thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại".

    Việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại Hội nghị. Đây là thắng lợi lớn nhất của các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH. Không những thế, việc Hội nghị phải kéo dài hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu một mặt cho thấy các cuộc đàm phán, thảo luận diễn ra khó khăn, song mặt khác cũng phản ánh quyết tâm và ý chí chính trị cao nhất từ tất cả các bên trong ứng phó với BĐKH. Từ kết quả của COP27, các bên kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được thêm tiến triển về hành động khí hậu tại Hội nghị COP28, dự kiến diễn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào năm 2023.

    Theo đó, quỹ bồi thường sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của BĐKH, từ nhà cửa và cầu bị cuốn trôi do lũ quét tới nguy cơ biến mất các nền văn hóa và các hòn đảo do mực nước biển dâng cao. Các nước phát triển được yêu cầu đóng góp vào quỹ đền bù, cùng với các nguồn kinh phí tư nhân và quỹ công khác như các thể chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc thành lập ra quỹ, nhưng đóng góp cho quỹ như thế nào, nguồn lực được bao nhiêu thì con số này chắc chắn cũng còn phải mất nhiều thời gian, công sức để các bên tiếp tục đàm phán.

Cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp

    Tại phiên khai mạc Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP27, đã kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với BĐKH toàn cầu hiện nay. Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của COP27, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, Trái đất đang tiến nhanh đến các điểm tới hạn có thể khiến tình trạng “hỗn loạn khí hậu” không thể đảo ngược. Theo ông Antonio Guterres, hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề khí hậu. Vì vậy, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cần có một hiệp ước giữa các nước phát triển và đang phát triển về giảm lượng khí thải các bon, chuyển đổi hệ thống năng lượng nhằm tránh một thảm họa khí hậu. Một hiệp ước trong đó các quốc gia giàu có hơn và các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nền kinh tế mới nổi tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của riêng họ.

    Các quốc gia tham dự Hội nghị COP27 cũng đã thống nhất đưa ra một loạt các quyết định tái khẳng định cam kết hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp. Quyết định này cũng củng cố những biện pháp mà các nước thực hiện nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với những hậu quả không thể tránh khỏi của BĐKH, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực cần thiết cho các nước đang phát triển. Ngoài ra, Thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo trong khi nhắc lại những lời kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Song trên thực tế, tuyên bố cuối cùng này không chỉ ra nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra BĐKH, mà chỉ đề cập đến nhu cầu loại bỏ dần than đá và “loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”; đồng thời kêu gọi giảm nhanh lượng khí thải mà không đi sâu vào chi tiết. Theo các nhà phân tích, không có nỗ lực bổ sung nào được thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, các quốc gia đã không thể vượt ra ngoài những gì đã được quyết định tại Hội nghị COP26 ở Glasgow về việc giảm dần than đá và việc làm này có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt được mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C.

    Mặc dù COP27 chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khẩn cấp khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vấn đề cần thiết để ứng phó với tình trạng nóng lên trên toàn cầu, Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận rằng thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị COP27 đã cơ bản làm hài lòng các bên tham dự Hội nghị, nhất là các nước phát triển và các nước mới nổi khi đạt được tiến triển đáng kể liên quan đến giảm thiểu, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại.

    Về phía Việt Nam, tại Hội nghị COP27, Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật tới Ban thư ký Công ước. So với NDC năm 2020, NDC cập nhật 2022 đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU). Trong đó, đóng góp không điều kiện (Unconditional Contribution) là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia được thực hiện bằng các nguồn lực gồm: ngân sách Nhà nước, vốn vay, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng góp và đầu tư của người dân. Đóng góp có điều kiện (Conditional Contribution) là nỗ lực giảm phát thải của quốc gia khi được quốc tế cung cấp thêm tài chính một cách thích hợp và đầy đủ thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, phần ưu đãi trong vốn vay, các nguồn tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực theo các cơ chế hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về  BĐKH (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris. NDC 2022 cũng xác định các biện pháp giảm phát thải, tăng cường hấp thụ các bon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất; các biện pháp giảm phát thải khí mê tan nhằm giảm 30% lượng phát thải mê tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020 theo Cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu. NDC cập nhật một lần nữa khẳng định quyết tâm cao nhất của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Hội nghị COP 26.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn