Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nhận diện chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

04/10/2022

    Ngày 28/9/2022, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT), Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Nhận diện chuyển đổi số trong lĩnh vực BVMT”. Hội thảo nhằm mục tiêu đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực BVMT nói riêng theo chủ trương, định hướng của Chính phủ và thực hiện Kế hoạch BVMT ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 8/9/2020, nội dung về hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) môi trường ngành Công Thương trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Đồng thời, nhằm thúc đẩy phát triển đa dạng các sản phẩm số của ngành Công nghiệp môi trường.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo,  ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam nhấn mạnh đến những lợi ích, hiệu quả thực tế mà chuyển đổi số mang lại và khẳng định đây sẽ là xu hướng không thể đảo ngược… Luật BVMT năm 2020 cũng đã có một số quy định liên quan đến chuyển đổi số như: Xây dựng CSDL môi trường quốc gia; Xây dựng CSDL của Bộ, ngành, địa phương liên thông với CSDL môi trường quốc gia; Toàn bộ thông tin về hoạt động BVMT của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải được cập nhật trên CSDL (Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra, xử phạt...); Quan trắc môi trường tự động liên tục; Phát triển thị trường các bon…

Toàn cảnh Hội thảo

    Chuyển đổi số trong hoạt động BVMT ngảnh Công Thương chủ yếu là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý môi trường như: Quan trắc tự động, liên tục; Phần mềm quản lý môi trường nội bộ; Vận hành hệ thống xử lý nước thải tự động; Theo dõi lộ trình vận chuyển chất thải thông qua hệ thống định vị... Hoạt động BVMT ngành Công Thương hướng tới các mục tiêu trọng tâm là: Phát triển, hoàn thiện CDSL môi trường Ngành trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn, đồng thời, xây dựng và phát triển CSDL ngành công nghiệp môi trường; Hình thành và phát triển thị trường phế liệu trong ngành công nghiệp, thị trường sản phẩm tái chế, hàng hóa, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường trên nền tảng thương mại điện tử; Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ IoT, AI trong lĩnh vực quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải và giám sát an toàn các hồ chứa quặng đuôi.

    Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã được trình bày như: Chuyển đổi số tại Việt Nam và Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương; Giới thiệu Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025; Một số nội dung chuyển đổi số trong Luật BVMT năm 2020 và nhận diện chuyển đổi số trong hoạt động BVMT ngành Công Thương; Mối quan hệ giữa chuyển đổi số với quản lý chất thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn… Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động BVMT, tập trung vào một số nội dung như quy định pháp luật về chuyển đổi số, tài chính, nhân lực, truyền thông; Nhận diện công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động BVMT. Trên cơ sở đó, đưa ra đề xuất cần có phương thức kết hợp, số hóa trong quản lý chất thải vào quản lý chính sách; Sớm hoàn thiện hệ thống CSDL quốc gia về BVMT; Kết nối liên thông để có thể chia sẻ, phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách cho công tác quản lý Ngành… Mặt khác, vẫn phải tính đến giải pháp để đảm bảo an toàn bảo mật, tránh nguy cơ mất dữ liệu trong quá trình áp dụng số hóa, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác BVMT thời gian tới.

Gia Linh

Ý kiến của bạn