Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Nghiên cứu xác định thành phần loài của chi nấm Vân chi đỏ (Pycnoporus) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến phục vụ cho mục đích bảo tồn

13/12/2022

TÓM TẮT

    Kết quả nghiên cứu trình bày thành phần 3 loài của chi nấm Vân chi đỏ Pycnoporus, có giá trị y dược, bổ sung vào cơ sở dữ liệu nấm lớn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình, phục vụ cho mục đích bảo tồn. Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp: phương pháp bảo tồn lưu giữ loài nấm; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ các loài nấm có giá trị bảo tồn và phát triển. Kết quả nghiên cứu cung cấp một số thông tin về nguồn dữ liệu đa dạng sinh học nấm lớn có giá trị y dược tại tại KBTTN Thượng Tiến phục vụ công tác quản lý nguồn gen các loài nấm lớn nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Từ khóa: Pycnoporus, thành phần loài, Khu BTTN Thượng Tiến.

Nhận bài: 18/11/2022; Sửa chữa: 28/11/2022; Duyệt đăng: 3/12/2022

1. Đặt vấn đề

    Chi nấm Vân chi đỏ có tên khoa học là Pycnoporus thuộc họ Polyporaceae, bộ Polyporales. Chi nấm Pycnoporus nằm trong danh mục 125 loài nấm dược liệu quý hiếm của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng với giá trị dược tính cao. Mặc dù, chi nấm này có giá trị cao về các hoạt tính sinh học mang lại lợi ích trong y dược, nhưng các hoạt động nhân giống và phát triển loài này còn chưa phổ biến. Tại Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về nấm Vân chi đỏ, nhưng vẫn còn hạn chế trong nghiên cứu và phát triển trong nuôi trồng do một số loài nấm không có nguồn gốc bản địa có giá trị về dược liệu và thương mại đã chiếm thị phần lớn trong xã hội [1].

    Pycnoporus là nhóm nấm dược liệu quý được nhiều người dân tại một số các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, châu Âu, châu Mỹ… đưa vào sử dụng phổ biến. Hiện nay, trên thế giới chi nấm Pycnoporus được nhiều nhà khoa học quan tâm và áp dụng nghiên cứu mở rộng. Vào năm 1980, Ryvarden L, Johansen I đã công bố công trình nghiên cứu đầu tiên về một hệ thực vật đa bội ở Đông Phi [2]. Từ đó cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu tách lẻ các hoạt chất trong chi Pycnoporus. Cùng với năm đó, Bondartsev và Singer đã công bố công trình nghiên cứu chi Pycnoporus (Polyporaceae) được tạo thành bởi 3 loài: Pycnoporus sanguineus, P.cinnnabaruys, P.puniceus. Theo Elba C. Villegas, Lourdes Acosta-Urdapilleta và cộng sự (2014), đã công bố nghiên cứu về ảnh hưởng của pH đối với tốc độ tăng trưởng và sản sinh sắc tố của hai chủng Pycnoporus nhận được kết quả so sánh hệ sợi phát triển chênh lệch  khi đưa độ pH theo từng đĩa cấy khác nhau [3].

    Tại Việt Nam, việc nhân giống và nuôi trồng để sử dụng trong y học đã dần được quan tâm nghiên cứu, nhưng đa phần người tiêu dùng chủ yếu vẫn có thói quen sử dụng nấm Vân Chi đỏ từ nguồn nhập khẩu với giá thành cao. Nhằm phát huy tiềm năng, giá trị của chi nấm Vân Chi đỏ tại một số khu vực ở Việt Nam, nhóm tác giả đã đánh giá dựa trên các nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, khí hậu… của một số nghiên cứu trước đó, trong đó KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình là nơi có  điều kiện sinh cảnh và môi trường thích hợp cho sự phát triển của chi nấm Pycnoporus. Tại đây, nhóm tác giả đã thu được 18 mẫu, trong đó 3 loài đã được định danh và 2 loài chưa xác định. Nghiên cứu này sẽ bổ sung vào danh mục các loài nấm quý hiếm tại Việt Nam, cung cấp nguồn dược liệu quý có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi tỉnh Hòa Bình [4].

Hình 1:  Vùng định vị vị trí KBTTN Thượng Tiến - Hòa Bình

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2. 1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

    Đối tượng và phạm vi: Mẫu nấm thuộc chi Pycnoporus được thu tại KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp lấy mẫu

* Mẫu nấm được lấy theo hình xương cá dọc tuyến đường di chuyển, tuyến đường được sơ đồ hóa theo Hình 2

Hình 2. Lược đồ số hóa các tuyến đi tại KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình

Phương pháp bảo quản và xử lý mẫu vật

- Mẫu lấy được bảo quản nơi thoáng mát, dùng giấy bạc để bọc, tránh bị dập nát. Mẫu được mô tả, ghi chép những đặc điểm hình thái bên ngoài vào phiếu điều tra. Chụp ảnh toàn bộ cây nấm, chụp cắt lớp và chụp rõ mũ nấm.

- Nấm được xử lý bằng cách phơi khô tự nhiên, làm khô bằng cách sấy ở nhiệt độ 40-45oC. Sau khi nấm đã khô thì cho vào phong bì giấy dán nhãn ký hiệu mẫu cùng tên mẫu.

Phương pháp phân loại

- Quá trình định danh được tiến hành qua các bước sau:

+ Mô tả hình thái bên ngoài, ghi vào biên bản mô tả mẫu, vẽ lại mẫu nấm.

+ Mô tả hình thái cấu trúc khi soi kính hiển vi, vẽ và chụp ảnh lại các mẫu.

- Ngoài ra, những tài liệu về phương pháp định loại theo khóa phân loại được sử dụng phục vụ trong quá trình định danh, phân loại: (2019) [5] [6] [7] [8].

Phương pháp đánh giá độ phong phú

    Độ phong phú loài của chi nấm Pycnoporus tại Khu BTTN Thượng Tiến được tính dựa trên công thức của Kreds:

C% =  [5]

Trong đó:

C: Độ phong phú loài;

p: Số địa điểm thu mẫu có loài nghiên cứu

P: Tổng số điểm thu mẫu

Phương pháp bảo tồn

    Sử dụng môi trường PDA: Potato Dextrose Agar để lưu giữ mẫu thuần.

3. Kết quả và thảo luận

    Đánh giá chung về điều kiện môi trường sống của chi Pycnoporus tại KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình. Kết quả nghiên cứu tại KBTTN Thượng Tiến thuộc khu vực xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình sau 4 đợt đi khảo sát và lấy mẫu (2021-2022) đã thu được tổng số mẫu là 102 mẫu, trong đó có 18 mẫu phân loại được 3 loài thuộc chi nấm Pycnoporus.

Bảng 1: Vị trí tọa độ các mẫu nấm thuộc chi nấm Pycnoporus

STT

Loài

Mã hiệu

Vĩ độ

Kinh độ

1

Pycnoporus sanguineus

TT62

20.60951

105.4857

TT74

20.58187

105.4769

TT80

20.57994

105.46729

TT81

20.58508

105.46454

2

Pycnoporus aff. Coccineus

TT69

20.60849

105.47981

3

Pycnoporus cinnabarius

TT68

20.60597

105.4782

 

    Trong quá trình đi thực địa, khảo sát điều kiện tự nhiên, nhóm tác giả đánh giá được điều kiện môi trường phát triển thích hợp của chi nấm Pycnoporus cũng như sự phân bố các loài. Chi nấm Pycnoporus chỉ mọc ở các khu vực thoáng mát, có ánh nắng trực tiếp của mặt trời, mọc trên gỗ mục với thảm thực vật xung quanh đa số là các trảng cỏ thấp, địa hình dốc nhẹ. Xung quanh khu vực thu mẫu là các con suối nhỏ, xa hơn là thác lớn. Ở các khu vực rừng lá rộng, rừng tre trúc, cây hỗn giao hầu như không gặp các loài thuộc chi nấm này. Đây chính là điểm đặc biệt của môi trường sống đối với sự phân bố của chi nấm Pycnoporus này. 

3.1. Thành phần loài nấm thuộc chi Pycnoporus

Pycnoporus sanguineus

    (L.) Murrill, Bulletin of the Torrey Botanical Club 31 (8): 421 (1904).

    Syn.  Nova Acta Regiae Societatis Scientiarum Upsaliensis Ser. 3, 1: 75 (1851); Coriolus sanguineus (L.) G. Cunn., Bulletin of the New Zealand Department of Scientific and Industrial Research, Plant Diseases Division 81: 17 (1949); Boletus nitens Batsch, Elenchus fungorum: 109 (1783); Microporus sanguineus (L.) Kuntze, Revisio generum plantarum 3 (3): 497 (1898); (L.) G. Mey., Primitiae Florae Essequeboensis: 304 (1818);  (L.) Lloyd, Mycological Writings 7 (72): 1291 (1924);  (L.) Pilát, Atlas Champ. Eur., Polypor., B, 1: 319 (1940); (L.) Zmitr., Mycena 1 (1): 93 (2001); (L.) Imazeki, Bulletin of the Tokyo Science Museum 6: 73 (1943).

- Đặc điểm hình thái bên ngoài: Mũ nấm có dạng hình quạt, mép mũ nấm không đều, lõm nhẹ ở tâm mũ, có vân đồng tâm từ mép mũ nấm đến gần cuống nấm, vành mũ và bề mặt quả thể có ba màu tách nhau: hồng cam, cam nhạt, cam đậm nâu cam, càng vào tâm đến xuống cuống, màu càng đậm, một số nốt sần nhỏ gồ ghề trên bề mặt mũ nấm, bề mặt mũ có dạng phấn cam khi chạm lên quả thể; bề mặt quả thể mép vành bề mặt quả thể có màu hồng cam, kích cỡ: 17 x18 mm. Thịt nấm mỏng, có sợi kết cấu dày, có độ dai nhất định, xốp, đồng màu với màu mũ nấm. Cuống nấm ngắn 2-2.5mm, chân cuống nấm hơi xòe bám sát giá thể (gỗ). Lỗ nấm dày, nhìn thấy bằng mắt thường, có dạng hình tròn hơi thuôn, lỗ nấm dải đều từ mép mũ nấm đến sát cuống nấm gắn với mũ.

- Đặc điểm hình thái hiển vi: Bào tử có hình ellip ngắn, tròn 2 đầu, một đầu to và một đầu nhỏ, bề mặt bào tử nhẵn, thành có viền dày, kích thước bào tử từ 2,5-6µm. Hệ sợi nguyên thủy, rỗng ở giữa, thành hệ sợi dày bắt màu dạng hyaline, đường kính từ 3-7µm. Cuống sinh bào tử ngắn, đỉnh đầu có các mô nhỏ đính bào tử dạng chùy. Có xuất hiện hymenium xen kẽ trong các cuống sinh bào tử. 

    Môi trường sống: Mọc đơn lẻ trên các thân cây gỗ mục, gần với các khu vực có độ ẩm cao, bao quanh là các con suối nhỏ, dọc tuyến thu mẫu.

    Ký hiệu mẫu: TT62

    Tọa độ thu mẫu: 20 º36’34.23’N-105 º29’8.51’’E


Hình 3: Loài Pycnoporus sanguineus

(A. Quả thể; B. Lỗ nấm; C. Hệ sợi; D. Bào tử)
Scale bar: (A=  10mm; B=  10µm ;C= 5µm ;D= 5µm)

Pycnoporus cinnabarius

(Jacq.) P. Karst., Revue Mycologique Toulouse 3 (9): 18 (1881).

    Syn. Trametes cinnabarina (Jacq.) Fr., Summa vegetabilium Scandinaviae 2: 323 (1849); Polyporus cinnabarinus (Jacq.) Fr., Systema Mycologicum 1: 371 (1821) ; Polystictus cinnabarinus (Jacq.) Cooke, Grevillea 14 (71): 82 (1886); Coriolus cinnabarinus (Jacq.) G. Cunn., Bulletin of the New Zealand Department of Scientific and Industrial Research, Plant Diseases Division 75: 8 (1948) ; Leptoporus cinnabarinus (Jacq.) Quél., Enchiridion Fungorum in Europa media et praesertim in Gallia Vigentium: 176 (1886); Phellinus cinnabarinus (Jacq.) Quél., Flore mycologique de la France et des pays limitrophes: 395 (1888) ; Hapalopilus cinnabarinus (Jacq.) P. Karst., Finlands Basidsvampar (11): 133 (1899); Fabisporus cinnabarinus (Jacq.) Zmitr., Mycena 1 (1): 93 (2001); Trametes cinnabarinus (Jacq.) Fr., Summa vegetabilium Scandinaviae 2: 323 (1849).

    Đặc điểm hình thái bên ngoài: Mũ nấm có hình dạng phễu, hay lỗ rốn nhưng không tròn vành mà ngửa vành ra ngoài, kéo thẳng xuống cuống dài. Màu quả thể từ lúc còn non cho đến khi già màu chỉ đậm hơn, màu đặc trưng là màu cam sáng, phần bề mặt mũ quả thể màu có nhạt và sáng hơn. Bề mặt mũ nhẵn, nhưng sần nhẹ, vành dày. Kích thước đường kính của mũ là 15 mm. Thịt nấm có độ xốp, độ đàn hồi nhẹ, thịt dai. Độ dày thịt mũ nấm là 10mm. Độ dày thịt cuống nấm là 5mm. Cuống nấm dài, có dạng hình trụ đứng, đính kéo từ mũ xuống. Bề mặt bao quanh sần nhẹ, có vài nốt sần nhỏ. Lỗ nấm nhô ra xuống phần đầu cuống, lỗ có hai dạng là hình elip và hình tròn. Chân cuống xòe rộng bám vào giá thể (gỗ).

    Đặc điểm hiển vi: Bào tử có dạng hình tròn nhưng đầu hơi dẹt nhẹ, một số hình elip và hình cầu. Thành bào tử mỏng, kích thước đường kính là 5µm, chưa hình thành rõ nhân. Hệ sợi nguyên thủy, nhưng thành hệ sợi chia thành nhiều vách ngăn dài, có nhiều kích thước khác nhau, hymenium xuất hiện ở mép giữa thịt mũ và thịt lỗ; dạng trụ, các đầu cuống sinh bào tử đầu hơi nhọn, đính trên hệ sợi. Phần thịt mép mũ nâm có kết sợi dày hơn phần thịt lỗ.

    Môi trường sống:  Mọc dưới cành cây mục, ăn sâu vào trong thân giá thể, nằm sát đất, môi trường ẩm, cỏ và cây bụi mọc nhiều. Thích nghi tốt với điều kiện môi trường có ánh sáng.

    Ký hiệu mẫu: TT68                

    Tọa độ thu mẫu: 20°39’33’’N-105°31’12.508’’E

Hình 4: Loài Pycnoporus cinnabarius

(A. Quả thể; B. Thịt nấm; C. Bào tử; D. Hệ sợi và Cuống sinh bào)

Scale bar: (A = 20 mm; B =  5 µm; C = 5 µm; D = 2,5 µm)

Pycnoporus aff. coccineus

    (Fr.) Bondartsev & Singer, Annales Mycologici 39 (1): 59 (1941).

    Syn. (Fr.) Bondartsev & Singer, Annales Mycologici 39 (1): 59 (1941); Polyporus coccineus Fr., Nova Acta Regiae Societatis Scientiarum Upsaliensis Ser. 3, 1: 67 (1851); Scindalma coccineum (Fr.) Kuntze, Revisio generum plantarum 3 (3): 518 (1898); Fomes coccineus (Fr.) Cooke, Grevillea 14 (69): 21 (1885) ; Polystictus coccineus (Fr.) Lloyd, Mycol. Lett.: 7 (1916).

    Đặc điểm hình thái bên ngoài: Mũ nấm có nhiều hình dạng khác nhau, một số chủ yếu có dạng hình quạt, hình thận, có một vài quả thể mọc sát nhau, đính kết phần vành lại tạo thành một quả thể chung lớn. Bề mặt mũ nấm nổi sần nhẹ, ẩm, màu cam đặc trưng, viền vành mũ có đường vân trắng, bề mặt mũ có các đường vân màu sắc đậm nhạt đặc trưng của chi. Viền mũ nấm lượn sóng nhẹ, vành mũ không nhẵn. Thịt nấm dai, độ dày thịt mũ là 4-7mm; độ dày thịt cuống là 1-5mm. Cuống ngắn, nhưng đính rất chắc trên giá thể (gỗ) ẩm, cuống đính lệch, phần giữa bề mặt đổ trũng xuống kéo dài đến hết cuống nấm. Lỗ nấm không nhô, phẳng, mềm, mọc dày ở tâm, vành hạn chế hơn. Lỗ có hình tròn, và một số hình elip dẹt. Kích thước quả thể là 25 x 63 mm.  

    Đặc điểm hình thái hiển vi: Không có dạng hệ sợi nguyên thủy, hệ sợi dài, kích thước đường kính hệ sợi là 5µm, bên trong ống hệ sợi đang tạo rãnh, không có nhân, thành hệ sợi nhẵn. Bào tử phần đầu đính cuống bằng nhẵn, phần chóp sau nhọn, dạng hình elip nửa cầu, bên trong chưa tạo nhân, thành dày nhẹ, kích thước đường kính bào tử là 5µm.

    Môi trường sống: Môi trường xung quanh mở, ánh sáng chiếu trực tiếp lên quả thể, cây cỏ xung quanh ẩm ướt, có phân động vật.

    Ký hiệu: TT69                                       

    Tọa độ: 20°36’34.23’’N - 105°29’8.519’’E

Hình 5: Loài Pycnoporus aff. coccineus
(A. Quả thể; B. Lỗ nấm; C. Hệ sợi; D. Bào tử)
Scale bar: (A = 35 mm; B = 0,2 mm; C = 5 µm; D = 5 µm)

Nhận xét chung:

    KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình đa số có địa hình độ cao vừa phải, độ dốc không quá lớn ở các khu vực chân sườn núi và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho các hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh phát triển. Độ che phủ rừng tương đối cao với nhiều cây gỗ lớn phát triển giúp chắn ánh sáng lớn của mặt trời và tạo môi trường có độ ẩm cao, rất phù hợp cho sự phát triển của các loài nấm lớn. Qua 2 đợt thu mẫu và nghiên cứu thực địa, đã phân tích được môi trường thích hợp cho sự phát triển của chi nấm Pycnoporus tại KBTTN Thượng Tiến so với các khu vực khác.

Xây dựng lược đồ số hóa tuyến đi


Hình 6. Lược đồ phân bố của các loài thuộc chi Pycnoporus dọc tuyến thu mẫu

    Độ phong phú loài của chi nấm Pycnoporus tại KBTTN Thượng Tiến được tính dựa trên công thức của Kreds. Theo đó với tổng số mẫu thu được là n2 = 102 mẫu. Trong đó, nPycnoporus= 18 mẫu.

    Kết quả được thể hiện tại: Khu bảo tồn Thiên nhiên Thượng Tiến – tỉnh Hòa Bình; kết quả được thể hiện chi tiết tại bảng 2 và hình 7 dưới đây

Bảng 2: Thống kê độ phong phú loài của chi nấm Pycnoporus tại khu vực nghiên cứu

STT

Mã hiệu

Tên loài

Số lượng mẫu Pycnoporus

Độ phong phú
(%)

1

TT62, TT80, TT81, TT74

Pycnoporus sanguineus
(L.Murrill 1904)

13

72.2

2

TT69

Pycnoporus aff. Coccineus

((Fr.) Bondartsev (1941))

1

5.6

3

TT68,

TT73

Pycnoporus cinnabarius ((Jacquin) P. Karsten, 1881)

4

22.2

Tổng

18

100

 
 


Hình 7. Biểu đồ tỉ lệ độ phong phú loài nấm Pycnoporus

    Qua Hình 7 nhận thấy, trong 3 loài nấm Pycnoporus được tìm thấy ở khu vực nghiên cứu, loài xuất hiện nhiều nhất đó chính là loài Pycnoporus sanguineus với độ thường gặp là 72.2%. Còn lại, sự chênh lệch giữa 3 loài là tương đối. Đối với loài Pycnoporus aff. coccineus xuất hiện 1 lần, đây là loài có tỉ lệ gặp thấp so với loài P.sanguineus trong suốt tuyến thu mẫu chỉ chiếm 5,6%.

3.2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu

    KBTTN Thượng Tiến thuộc tỉnh Hòa Bình, là khu vực có địa hình đồi núi thấp thoải dài và sát với chân núi là đồng bằng nhưng dạng bậc thang thấp dần có độ cao từ 700 -1600 m so với mặt nước biển. Là khu vực giáp với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, môi trường khí hậu nơi đây thường mát mẻ, và mưa nhiều vào các tháng 7,8,9 và 1,2,3.  Về điều kiện tự nhiên, KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình, là khu vực đặc trưng với sinh cảnh rừng thường xanh và núi thấp thoải dài. Xung quanh là rừng hỗ giao, tre nứa, có các con suối nhỏ và thác lớn. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của KBTTN Thượng Tiến ở Hòa Bình rất thích hợp cho sự phát triển của các loài nấm lớn, đặc biệt là chi Pycnoporus. Là chi nấm ưa khí hậu lạnh, nơi có mưa nhiều hơn so với khu vực đồng bằng, quả thể sẽ thường lựa chọn mọc sát đất, trên các cành, thân gỗ xoan, sồi mục, nơi xuất hiện nhiều môi trường phân chất từ động vật thải ra. Khí hậu xung quanh mát mẻ, chênh lệch từ 17-23°C. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về sự đa dạng hay xác định thành phần loài của Pycnoporus ở KBTTN Thượng Tiến. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên tại KBTTN Thượng Tiến, tỉnh Hòa Bình rất thích hợp cho sự phát triển của nấm lớn nói chung và chi Pycnoporus thuộc họ nấm Lỗ Polyporaceae nói riêng.

4. Kết luận

    Dựa trên kết quả nghiên cứu tổng số mẫu thu được sau 2 đợt đi thực địa là 102 mẫu nấm, trong đó xác định được 18 mẫu thuộc chi nấm Pycnoporus bao gồm 3 mẫu được định tên và 1 mẫu có tính tương đồng: Pycnoporus sanguineus (TT62, TT74, TT80, TT81); Pycnoporus cinnabarius (TT68), và 1 mẫu tạm xác định tên loài là: Pycnoporus aff. coccineus (TT69).

    Độ phong phú và phổ biến của chi nấm Pycnoporus không cao ở các khu vực có điều kiện môi trường thiếu ánh sáng và độ ẩm thất thường, xuất hiện chủ yếu ở nơi có các trảng cỏ thấp, độ dốc trung bình và xung quanh là các cây bụi. Ngoài ra, chi nấm này còn khá ít xuất hiện ở các khu vực rừng thường xanh lá rộng trên núi đất và sinh cảnh rừng nửa rụng lá ẩm nhiệt đới.

LỜI CẢM ƠN: Nhóm nghiên cứu cảm ơn sự hỗ trợ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup có mã số VINIF.2021.DA00163 cho nghiên cứu của đề tài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cổng thông tin tổng hợp KBTTN Thượng Tiến – Hòa Bình, Thuongtiennaturereserve.com, http s://thuongtiennaturereserve.com, 15/07/2022.

2. Ryvarden L, 1980. Johansen I, African Polypores, Norway

3. Elba C. Villegas, Lourdes Acosta-Urdapilleta & p.r (10/2014), Effect of pH on the radial growth rate and pigment production of two strains of Pycnoporus, Santa María Huatulco, Oaxaca, México.

3. Lê Thanh Huyền, (2019). Phương pháp phân loại nấm lớn Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

5. Trịnh Tam Kiệt (2011), Nấm lớn ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội Tập 1, 2.

6. Trịnh Tam Kiệt (2014), Danh lục nấm tại Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

7. Teng S. C., 1996. Fungi of China, Mycotaxon Ltd., New York.

8. Thái Văn Trừng (1978), Thảm thực vật rừng Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

9.Thaísa Mioranza, José Renato Stangarlin, Odair José Kuhn, (6/2022). Substrate with lignocellulosic residues for pycnoporus sanguineus cultivation, Universidade Estadual de Maringá.

Lê Thanh Huyền*, Ngô Minh Hương, Mai Hoàng Anh

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2022)

 

Study to determine the species composition of the genus Pycnoporus at Thuong Tien Nature Reserve for conservation purposes

Le Thanh Huyen*, Ngo Minh Huong, Mai Hoàng Anh

Hanoi University of Natural Resources and Environment

Abstract

    The taxonomic morphological characteristics of the genus Pycnoporus at Thuong Tien Nature Reserve will be described in detail for 03 species. The research identified 03 valuable medicinal species and added them to the macrofungi database at Thuong Tien Nature Reserve for conservation purposes. The study proposes various solutions such as fungal conservation methods; raising awareness methods about the protection of valuable fungi. This study also provided information about biodiversity data sources of medicinal macrofungi at Thuong Tien Nature Reserve for genes management and conservation.

Key words: Pycnoporus, taxonomy, Thuong Tien Nature Reserve.

 

Ý kiến của bạn