Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu

29/06/2023

    Với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình “chuyển đổi xanh”, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng “tăng trưởng xanh”, bền vững, thực hiện cam kết về Net-zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới, ngày 27/6/2023 tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu”.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh. Cụ thể, về hệ thống chính sách thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định của pháp luật, hướng đến bảo vệ môi trường thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách: Một là, các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường… Hai là, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.

    Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường các-bon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như: Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.

    Đối với thị trường các-bon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Từ nay đến hết năm 2027 sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028. Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì tiến hành nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư, cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh. Trong đó, lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp lượng tiến độ tăng trưởng xanh. Trên cơ sở đó, các dự án xanh có điều kiện tiếp cận nguồn tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới.

    Về phía Bộ TN&MT, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, dự kiến tháng 12 năm nay, Dự thảo Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sẽ được trình Chính phủ. Quan điểm trong Kế hoạch quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn tập trung vào các nội dung: Kinh tế tuần hoàn nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu hóa thạch; Kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; giảm rác thải ra môi trường và không gây tác động xấu đến môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách khuyến khích liên quan đến ưu đãi về đất đai, trái phiếu xanh, khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi xanh; Thứ hai, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, doanh nghiệp có vai trò thiết kế, sáng tạo tích hợp toàn bộ chính sách của doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng bền vững; Thứ ba là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Huy động nguồn lực quốc tế và sử dụng nội lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới…

    Theo thống kê, 37 tỷ tấn là lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900. Không đơn thuần là câu chuyện về môi trường, giảm phát thải - trung hoà các-bon còn là mục tiêu chung hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - “Net Zero” nếu không có sự chuyển dịch cục bộ và toàn diện. Hiện có 137 quốc gia đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net Zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050. 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn