Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

17/05/2023

    Tiếp nối chuỗi sự kiện về điện mặt trời mái năm 2021 và 2022, ngày 17/5/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức buổi Tọa đàm năm 2023 với chủ đề “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn” dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và sự phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp. Tọa đàm được diễn ra ngay sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

    Hiện nay, thị trường điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Với điện mặt trời mái nhà, đã hơn 2 năm qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, với ngành dệt may xuất khẩu, doanh nghiệp đang rất nỗ lực thực hiện “xanh hóa” để có đơn hàng vào các thị trường lớn.

    Trước nhu cầu cấp thiết của mục tiêu giảm phát thải với các ngành sản xuất, các điều kiện của hội nhập, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các kế hoạch chuyển dịch năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (Mục tiêu được nêu rõ tại Quy Quy hoạch điện VIII) do Chính phủ ban hành ngày 15/5/2023. Quan điểm của Quy hoạch nhấn mạnh, khuyến khích khai thác tiềm năng của năng lượng tái tạo để xuất khẩu điện, sản xuất nhiên liệu mới (hdro, amoniac) đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng trong nước và xuất khẩu; đặc biệt chú trọng phát triển các nguồn điện phân tán để giảm đầu tư hạ tầng đấu nối, giảm truyền tải, giảm tổn thất điện năng.

    Mục tiêu phát triển điện lực quốc gia cũng chỉ ra cần ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu, tới năm 2030 tổng công suất nguồn điện loại hình này ước tính khoảng 10.355 MW, sản xuất khoảng 15,5 tỷ kWh (chiếm 2,7% tổng điện năng sản xuất). Trong đó, cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng “0”, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn.

    Trong bối cảnh thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải các bon, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu)”. Việc hoàn thiện pháp lý nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích các ngành sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo thay dần năng lượng hóa thạch. Thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp mong muốn cần có cơ chế, chính sách rõ ràng về việc phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời các cơ quan ban, ngành cần có hướng dẫn cụ thể, về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mô hình thương mại, doanh nghiệp đầu tư, tự sử dụng.

    Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu. Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam cũng đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

    Với ngành năng lượng, Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm

    Tọa đàm đã được lắng nghe tham luận nội dung về: Mục tiêu phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII; Chứng chỉ xanh - Điều kiện tất yếu cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu… Trong đó, rại bài trình bày chia sẻ về mục tiêu phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất. Đồng thời, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra một số xu hướng cũng như giải pháp cho phép thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo…

    Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may hiện nay có khoảng gần 3 triệu lao động, trong quý I/2023 các nhà máy xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD. Ngành Dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sức tiêu thụ lớn…

    Theo ông Giang, tiêu chuẩn xanh chỉ là một trong những tiêu chuẩn, không phải tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu, nên việc nhiều đơn hàng hay ít thời gian của ngành không phụ thuộc vào vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.

    Khi đối tác nước ngoài đặt hàng thì những tiêu chuẩn đưa ra theo COP26 là một trong những điều kiện được hướng đến, tuy nhiên, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhân công, môi trường làm việc… rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chú trọng đầu tư vào môi trường làm việc cho công nhân, đây là yếu tố tác động sẽ hiệu suất làm việc. Vì vậy, việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tang tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra.

    Cùng với đó, các nhà làm thương mại, các nhà phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cũng cần phải có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng, để đem lại hiệu quả cho người dung. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

    Tại phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Theo các đại biểu, về mặt tích cực, việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, doanh nghiệp cũng gặp phải một số vướng mắc, khó khăn nhất định… Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất một số phương án tháo gỡ nhằm góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp; đề xuất đại điện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phổ biến hướng dẫn cụ thể về biện pháp phòng cháy theo quy định hiện hành mới nhất, giúp doanh nghiệp sản xuất chấp hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà được thuận tiện, nhanh chóng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất sự cần thiết sớm có cơ quan đầu mối để quản lý việc cấp phép triển khai điện mặt trời mái nhà, cơ quan cấp chứng chỉ chứng nhận xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy chuẩn, quy định về đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà…

    Căn cứ những ý kiến đóng góp từ các đại diện tham dự buổi Tọa đàm, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, trình Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm sớm có cơ chế, chính sách phù hợp, hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư thúc đẩy triển khai điện mặt trời mái nhà, đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn