Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Nâng cao vai trò của báo chí trong trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường không khí

23/08/2022

    Ngày 23/8/2022, tại Vĩnh Phúc, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền về BVMT không khí. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường; Đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc; Các chuyên gia, nhà quản lý cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

    Luật BVMT năm 2020 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành. Điểm mới trong Luật BVMT năm 2020 là lần đầu tiên, Luật đưa ra quy định chi tiết về vấn đề BVMT không khí, cụ thể: Quy định chung về BVMT không khí (Điều 12); Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí (Điều 13); Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí (Điều 14). Trong đó, các quy định chung về BVMT không khí được quy định tại Điều 12 như sau: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật; Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật; Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo, cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng; Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá, kiểm soát theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, những quy định về BVMT không khí trong Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách về BVMT không khí trong giai đoạn hiện nay. Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của cơ quan quản lý là phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới cơ quan, tổ chức, người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, nhất là các quy định về BVMT không khí trong Luật và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Do vậy, Hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền về BVMT không khí có ý nghĩa quan trọng, là dịp để Tổng cục Môi trường giới thiệu những quy định mới về BVMT không khí cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ tuyên truyền viên, qua đó tham vấn, đề xuất giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong trong công tác tuyên truyền về BVMT không khí.

Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường cho biết, với quan điểm quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả, lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí xung quanh, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025, phân công trách nhiệm các Bộ/ngành tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ do Bộ/ngành quản lý, trong đó, Bộ TN&MT được giao trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý môi trường không khí cấp tỉnh, đồng thời bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến môi trường không khí; Tăng cường đầu tư cho hoạt động quan trắc môi trường không khí tại các đô thị lớn và thông tin cảnh báo chất lượng không khí tới người dân, cộng đồng… Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT thường xuyên tổng hợp các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và đăng tải chính thức trên website của Tổng cục Môi trường tại địa chỉ vea.gov.vn để phục vụ công tác chuyên môn về giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.

Toàn cảnh Hội nghị

    Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về BVMT nói chung, BVMT không khí nói riêng với nhiều hình thức đa dạng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Vì vậy, Thông qua Hội nghị lần này, hy vọng các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ được cập nhật đầy đủ quy định mới cũng như hiểu rõ hơn về mục tiêu, tinh thần của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, giúp việc triển khai thực hiện Luật được chính xác, thống nhất, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về BVMT. Mặt khác, đội ngũ phóng viên, báo chí cần tích cực tuyên truyền, cổ vũ gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới có nhiều đóng góp trong công tác BVMT, đồng thời, thông tin những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường, giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt để có biện pháp xử lý phù hợp.

    Tại Hội nghi, các đại biểu tham dự đã lắng nghe tham luận và tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung chính: Các quy định về BVMT không khí tại Việt Nam; Hiện trạng môi trường không khí tại một số đô thị; Giải pháp tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường trên địa bàn Vĩnh Phúc; Tác động ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người - Nguyên nhân và giải pháp; Đẩy mạnh công tác truyền thông về BVMT không khí - Một số gợi ý…

    Chia sẻ về tác động ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người - Nguyên nhân và giải pháp, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế cộng đồng, Bộ Y tế cho biết, cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu, tuy nhiên, có hai cơ chế được tán thành, bao gồm phản ứng viêm (inflammation), ứng kích oxy hóa (oxidative stress) với các độc tố trong các thành phần trong chất ô nhiễm. Đối với phản ứng viêm, chất ô nhiễm không khí có thể kích hoạt phản ứng của cytokin (một dạng tế bào truyền tin trong hệ thống miễn dịch) và hoạt hóa phản ứng viêm để cơ thể chống lại những tác nhân ngoại lai. Phản ứng viêm này được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ, nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD).

    Theo TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, một trong những biện pháp hiệu quả để phòng tránh ô nhiễm không khí trong nhà là sử dụng máy lọc không khí, có khả năng lọc các loại bụi và khí gas, thường được sử dụng trong các tòa nhà. Mặt khác, sử dụng khẩu trang là một trong những biện pháp làm giảm mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở cấp độ cá nhân. Một số những loại khẩu trang đạt chuẩn được sử dụng trên thế giới bao gồm N95 tại Hoa Kỳ, KN95 tại Trung Quốc và FFP2 tại các quốc gia châu Âu. Khác với các loại khẩu trang thông thường, các loại khẩu trang này được trang bị với màng lọc (có thể loại bỏ hơn 95% tạp chất trong không khí, ngăn chặn những hạt bụi nhỏ tới 0,3 micron) và được thiết kế để khít với mặt.

    Đại diện cho hơn 40 phóng viên, biên tập viên tham dự Hội nghị, Nhà báo Trần Bá Dung - Nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam trình bày nội dung về đẩy mạnh công tác truyền thông BVMT không khí; cơ sở pháp lý và cách tiếp cận thông tin về môi trường; Giới thiệu Luật Tiếp cận thông tin, các quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân; Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường; Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong BVMT…

Thu Hằng

 

Ý kiến của bạn