Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 04/12/2024

Một số kết quả của Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam”

15/10/2024

    Nhằm chia sẻ một số kết quả đạt được của Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển ở Việt Nam” (3SIP2C) và thiết kế các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, từ ngày 14 - 15/10/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa tổ chức họp Dự án 3SIP2C theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu tại cuộc họp

    Phát biểu khai mạc cuộc họp, GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Nhận thức rõ được sự cấp thiết của vấn đề này, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

    Khẳng định việc giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, GS.TS Phạm Thành Huy nhấn mạnh, Trường Đại học Phenikaa, với vai trò là đơn vị đồng chủ trì dự án, rất vinh dự được đồng hành cùng các đối tác trong nước và quốc tế để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Với tầm nhìn trở thành một trường đại học thông minh, định hướng phát triển bền vững, Phenikaa luôn cam kết đóng góp vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thực hiện trách nhiệm xã hội.

GS. Michel Kaiser - Đại học Heriot-Watt, Giám đốc Dự án phát biểu tại cuộc họp

    Giới thiệu tổng quan Dự án 3SIP2C, GS. Michel Kaiser - Đại học Heriot-Watt, Giám đốc Dự án nhấn mạnh, Dự án 3SIP2C góp phần làm rõ hơn về nguồn phát sinh rác thải nhựa đại dương và tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế - xã hội của các cộng động cư dân ven biển, chất lượng môi trường, sức khoẻ của hệ sinh thái tự nhiên và sức khỏe con người. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các thành viên trong Dự án đưa ra những đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển tại Việt Nam.

Ông Thomas Wagner, Đồng chủ trì chia sẻ tại cuộc họp

     Đối với nội dung trường học không rác thải, bà Trần Thị Hoa - Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) đánh giá, học sinh, sinh viên là độ tuổi hưởng lợi nhiều nhất từ giáo dục, dễ thay đổi nhận thức hơn so với các độ tuổi khác. Học sinh và sinh viên cũng là đối tượng luôn chủ động tìm kiếm kiến thức mới, hào hứng với hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa một lần ở học sinh, sinh viên lại là một thách thức lớn. Do vậy, theo bà Trần Thị Hoa, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học  sinh, cha mẹ học sinh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống và  sức khỏe con người là rất cần thiết, thông qua đẩy mạnh các chương trình ngoại khóa, truyền tải thông điệp 5T (thay đổi, từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) nhằm góp phần thay đổi thói quen, hành vi sử dụng của toàn trường trong các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa nói riêng và chất thải nói chung. 

TS. Ngô Thị Thúy Hường, Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

    Tại cuộc họp, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được; khó khăn, thách thức trong thực hiện Dự án 3SIP2C. Đồng thời thảo luận, thiết kế các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các cộng đồng ven biển và các ngành kinh tế liên quan…

Quang cảnh cuộc họp

     Dự án 3SIP2C do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo - Vương quốc Anh (UKRI). Dự án được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt (Vương quốc Anh) và 6 đối tác tại Việt Nam gồm: Trường Đại học Phenikaa, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản; Viện Kinh tế Quy hoạch thủy sản và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Mục đích của Dự án nhằm đánh giá nguồn phát sinh rác thải nhựa, tác động của ô nhiễm nhựa đến các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đồng thời, phân tích các chính sách hiện có và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các cộng đồng ven biển và các ngành kinh tế liên quan như thủy sản, du lịch…

Hương Mai

Ý kiến của bạn