Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Một số đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng, thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề

01/12/2022

    Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Khoản 1 Điều 56 Luật BVMT năm 2020 quy định, làng nghề phải có phương án BVMT và UBND cấp xã có trách nhiệm lập, triển khai thực hiện phương án BVMT cho làng nghề trên địa bàn. Việc hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực tài chính để xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là vấn đề cấp thiết hiện nay.

1. Mở đầu

    Hiện nay, các làng nghề đã và đang đem lại những lợi ích kinh tế nhất định, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia được Bộ TN&MT công bố tháng 11/2021, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho BVMT làng nghề còn hạn chế. Luật BVMT năm 2020 quy định trách nhiệm lập và triển khai thực hiện phương án BVMT làng nghề thuộc UBND cấp xã nơi có làng nghề. Các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội cho xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề việc triển khai còn nhiều hạn chế nên nguồn lực huy động chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, thiếu nguồn lực đầu tư là thách thức lớn trong bối cảnh các vấn đề môi trường làng nghề ngày càng gia tăng, tích tụ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Mặt khác, còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực tại chỗ cho công tác xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề. Để có được nguồn lực tài chính ổn đỉnh, cần sớm ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề nhằm giải quyết và xử lý các vấn đề môi trường làng nghề.

2. Vai trò của nguồn lực tài chính trong xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề

    Nguồn lực tài chính để xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề bao gồm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương) và nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước (vốn từ các doanh nghiệp, vốn từ cộng đồng…).

    Nguồn lực tài chính là một yếu tố đầu vào quan trọng để đạt được yêu cầu về BVMT nói chung và công tác xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề nói riêng.

    Nguồn lực tài chính được huy động sẽ hình thành nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT, cho phép việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc… phục vụ, hỗ trợ cho công tác xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề.

    Nguồn lực tài chính mà chúng ta huy động được cho công tác BVMT làng nghề sẽ tạo điều kiện tiền đề, giúp nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ, để ứng dụng được công nghệ vào hoạt động sản xuất và đời sống, đáp ứng các yêu cầu về BVMT, đảm bảo mục tiêu duy trì phát triển kinh tế nhưng không gây hại quá mức đến môi trường.

    Nguồn lực tài chính huy động được từ các nguồn ngoài ngân sách có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung, hỗ trợ cho nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước các cấp.

    Nguồn lực tài chính hữu hạn vì vậy, để đáp ứng tốt cho hoạt động đầu tư, cần nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng các yêu cầu về BVMT làng nghề cần thiết phải duy trì một lực lượng tài chính ổn định và mang tính lâu dài, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

    Như vậy, có thể thấy nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng đối với công tác xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề phát triển kinh tế -  xã hội, cả về chất và lượng. Nó là điều kiện cần của công tác BVMT làng nghề. Điều kiện đủ là các nguồn lực tài chính này phải được sừ dụng có hiệu quả, tiết kiệm

3. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề

    Thực tế hiện nay, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho BVMT tại các làng nghề nói chung còn hạn chế. Các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội cho BVMT làng nghề đã có nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế nên nguồn lực huy động chưa đáp ứng được nhu cầu. Để tháo gỡ khó khăn và huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực cho công tác BVMT tại các làng nghề, đặc biệt là công tác xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề, cần đẩy mạnh thực hiện xây dựng, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực tài chính, như sau:

Thứ nhất, nguồn lực từ ngân sách

    Cần xây dựng khung chính sách thuế, phí… hoàn thiện chính sách BVMT; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, bán, cho thuê tài sản nhà nước…; Bổ sung, hoàn thiện cơ chế phân cấp và phân chia nguồn thu giữa NSTW và NSĐP, theo hướng đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương trong phân nhóm nguồn thu đặc biệt đối với nguồn thu từ tài nguyên và bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực trong thực hiện chính sách phân chia tỷ lệ phần trăm (%) giữa NSTW và NSĐP hoặc giữa các cấp NSĐP đối với một số khoản thu để hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính

    Hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích, kích thích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác BVMT thông qua sử dụng các công cụ tài chính như thuế, lãi suất, giá cả… hoặc công cụ tài chính khác (phát hành trái phiếu, vay nợ từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước…). Ngoài ra, ban hành các chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp tại làng nghề,… với các quỹ tài chính nước ngoài nhằm tiếp cận các gói tín dụng dụng đầu tư mới hoặc thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường.

Thứ ba, nguồn lực tài chính từ cộng đồng

    Xây dựng, ban hành một số chính sách mới nhằm huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng cho công tác BVMT trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của toàn dân vào công tác thực hiện phương án BVMT làng nghề ở Việt Nam. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trường, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác BVMT nhằm vận động người dân tham gia thực hiện phương án BVMT làng nghề; đa dạng hóa các hình thức của hoạt động tuyên truyền tạo ra phong trào tự vận động phát triển trong cộng đồng dân cư nông thôn.

Thứ tư, nguồn vốn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế

    Khuyến khích và hỗ trợ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT làng nghề và chú trọng chính sách ngoại giao kinh tế nhằm đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế thân thiện môi trường ở cấp Chính phủ, Bộ/ngành... với các hình thức đối thoại, họp tác đa dạng để chủ động kiến tạo các chương trình hỗ trợ quốc tế liên quan đến lĩnh vực BVMT làng nghề, hỗ trợ pháp lý trong huy động và triển khai các chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác lớn.  

Thứ năm, công khai, minh bạch trong quá trình sử dụng các nguồn lực

    Việc công khai và minh bạch quá trình sử dụng các nguồn lực cho sẽ tạo được lòng tin với cộng đồng và có ảnh hưởng lớn nhất đến sự sẵn lòng tham gia đóng góp nguồn lực để thực hiện. Để nâng cao kết quả huy động nguồn lực từ cộng đồng, cần thiết hoàn thiện các quy định, hướng dẫn từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nội dung công khai, minh bạch các nguồn lực thực hiện công tác BVMT làng nghề.

Thứ sáu, nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở

    Nâng cao năng lực mọi mặt cho đội ngũ cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức huy động nguồn lực tài chính cho công tác BVMT làng nghề. Chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng vận động tuyên truyền; kỹ năng tổ chức… cho tất cả các cán bộ tham gia trực tiếp xây dựng và công tác chỉ đạo thực thi phương án BVMT làng nghề. Cần tổ chức tốt các hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức tham quan học hỏi và phổ biến kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác thực hiện BVMT làng nghề ở các địa phương.

4. Kết luận

    Sự chuyển mình của các làng nghề đã mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân. Song, cũng kéo theo vấn đề môi trường có tác động đến sức khỏe của người dân tại các làng nghề. Do đó, cân bằng giữa phát triển kinh tế và BVMT là một trong những nội dung trọng tâm của công tác BVMT tại các làng nghề hiện nay.  Đối với công tác xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, nhằm đáp ứng các yêu cầu đối với công tác BVMT làng nghề, cần thiết chú trọng công tác xây dựng, ban hành cơ chế huy động tối đa các nguồn lực sẵn có của các địa phương như nguồn từ ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân địa phương…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật BVMT năm 2020.

2. Đoàn Thị Hà (2017), Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

3. GS.TS. Đặng Kim Chi (2005), Làng nghề Việt Nam và môi trường, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật.

4. TS. Đặng Trung Tú (2020), Nghiên cứu giải pháp phát triển mô hình kinh tế xanh tại các làng nghề thuộc hạ lưu lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, Đề tài KHCN cấp Quốc gia thuộc chương trình KC.08/16-20, Văn phòng các chương trình trọng điểm, Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2020.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020.

6. Chu Thái Thành (2009), “Làng nghề và BVMT làng nghề theo hướng phát triển bền vững”, Tạp chí Cộng sản.

7. Tuấn Lương (2011), Di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi làng nghề: nhiều dự án vẫn dậm chân tại chỗ, Báo Hà Nội mới, ngày 15/3/2011.

8. Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thu Hòa (2005), Tác động xã hội và môi trường của việc phát triển làng nghề, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Viện kinh tế Việt Nam.

9. Nguyễn Khắc Hoàn và Lê Thị Kim Liên, Giải pháp khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống ở Thừa Thiên - Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, tập 72B, số 3 năm 2012, trang 149-154.

10. Mai Thế Hởn (2003), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

​Phan Thị Thu Hương, Đặng Trung Tú, Phan Thị Kim Oanh, Vũ Đăng Tiếp, Phạm Thanh Hải, Nguyễn Quang Huy

Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn