Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Một số đề xuất về cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

04/10/2022

    1. Cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp (DN) thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)

    Nhằm thúc đẩy, phát huy mạnh mẽ hơn sự tham gia của DN và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, VACNE được Bộ TN&MT giao triển khai “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy DN và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH”. Đề tài nghiên cứu đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy sự tham gia của DN và các hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

    Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm vấn đề BVMT, trong đó có quản lý CTRSH, thông qua việc ban hành một số chính sách, pháp luật quan trọng có liên quan DN thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH như: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 13/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Luật BVMT số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 có hiệu lực từ 1/1/2022; Luật DN số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 có hiệu lực từ 1/1/2021; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp dịch vụ môi trường Việt Nam đến năm 2025…

    Đảng và Nhà nước đã coi trọng vai trò kinh tế tư nhân, trong đó có đóng góp không nhỏ của các DN, cụ thể: (i) Coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; khuyến khích, tạo Điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững. (ii) Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho BVMT. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ DN và người dân tham gia BVMT. (iii) Huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường. Triển khai mạnh mẽ các hình thức đối tác công tư (PPP), đẩy mạnh sự tham gia của các DN tư nhân, thực hiện cổ phần hóa các DN nhà nước trong BVMT. (iv) Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, được thực hiện trên cơ sở tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa quản lý CTRSH. (v) Xây dựng lộ trình, kế hoạch và triển khai cổ phần hóa các DN nhà nước quản lý CTRSH. Thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xử lý CTRSH theo hình thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

    Một số quy định về sự tham gia của DN và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH gồm:

     Luật BVMT năm 2020, Mục 2: Quản lý CTRSH quy định từ Điều 75 đến Điều 80 về phân loại, lưu giữ, chuyển giao CTRSH; Điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH; Thu gom, vận chuyển CTRSH; Xử lý CTRSH; Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH [1];

     Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, Mục 2: Quản lý CTRSH quy định từ Điều 58 đến Điều 64 về Quản lý CTRSH của cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; Lựa chọn chủ đầu tư, chủ xử lý CTRSH; Lộ trình hạn chế xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp; Trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH; Quyền và trách nhiệm của cơ sở xử lý CTRSH; Trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý CTRSH; Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa [1];

    Tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022, Mục 2: Quản lý CTRSH, các Điều từ 26 đến Điều 32. [3]

    Nhìn chung, Đảng và Nhà nước đã có khung pháp lý khá đầy đủ, quy định cụ để tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ DN tham gia quản lý CTRSH. Tuy nhiên quá trình áp dụng các văn bản cơ chế, chính sách này vào thực tiễn vẫn còn nhiều Điều chưa thuận lợi, cần được cụ thể hóa và hoàn thiện hơn nữa.

    2. Đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy DN thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

    Hiện nay, có một số rào cản đối với sự tham gia của DN thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đang tồn tại như: Ngân sách dành cho quản lý CTRSH còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh chất thải rắn nhỏ trong khi việc liên kết vùng rất hạn chế, khó thu hút các DN tư nhân với công nghệ hiện đại. Việc tổ chức lựa chọn các DN cung ứng dịch vụ quản lý CTRSH còn chưa được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các DN. Các quy định pháp luật chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa. Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP mới được ban hành, vẫn còn nhiều quy định cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện.

    Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy DN xử lý CTRSH

    Trong khi đó, năng lực của DN tư nhân trong quản lý CTRSH còn hạn chế. Theo yêu cầu của pháp luật, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về BVMT với công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp trực tiếp (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 78). Trường hợp sử dụng công nghệ xử lý có xuất xứ từ các nước châu Âu, nhóm các nước công nghiệp phát triển thì khí thải, nước thải phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương ứng của các quốc gia đó và của Việt Nam (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 59). Các tổ chức, đơn vị được nhà sản xuất, nhập khẩu thuê để thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu BVMT (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 79), trong khi nhiều cơ sở tái chế ở nước ta đang là cơ sở phi chính thức, quy mô hộ gia đình ở các làng nghề.

    Các nhà đầu tư chưa quan tâm đến quản lý CTRSH do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và chưa đồng bộ, đầy đủ. Tính hấp dẫn của các dự án xử lý CTRSH đô thị chưa cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn. Các yếu tố cơ bản cho các hoạt động thị trường thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa thật sự rõ ràng.

    Nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế: Kinh phí cho thu gom và xử lý CTRSH đô thị chủ yếu là từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó cho thu gom, vận chuyển chiếm tới 95%, còn lại 5% là từ nguồn khác (chủ yếu là thu phí vệ sinh môi trường từ hộ gia đình)

    Từ những phân tích trên, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp đề xuất về cơ chế, chính sách thúc đẩy DN thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

     Nhóm các giải pháp chung được khuyến nghị: Tiếp tục cụ thể hóa văn bản pháp luật liên quan trên cơ sở các văn bản mang tính định hướng đã có hiệu lực; Tiếp tục bổ sung những văn bản hướng dẫn thực hiện và cụ thể hóa cơ chế đảm bảo thực hiện; Rà soát các văn bản hiện nay chưa có quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN ngoài nhà nước tham gia đầu tư xử lý CTRSH ở các khu vực có địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn để bổ sung; Nghiên cứu, tổ chức đối thoại với DN và các bên liên quan để xây dựng cơ chế phù hợp nhất, thu hút được DN đầu tư; Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tốt cho thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật; Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các DN tham gia quản lý CTRSH; Tăng cường năng lực cho các DN tư nhân về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số trong quản lý CTRSH; Thúc đẩy liên kết giữa các DN tư nhân trong quản lý CTRSH, ví dụ giữa các DN xử lý với các DN thu gom, vận chuyển; giữa các DN Nhà nước với các DN tư nhân, DN FDI...

    Thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân phát triển trên nguyên tắc: (i) CTRSH là nguồn tài nguyên tương lai có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn; (ii) Nhà nước tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, tôn trọng nguyên tắc thị trường minh bạch cho phép DN và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH có thể thu được lợi ích kinh tế; (iii) Đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý và minh bạch trong các quy định chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa theo nguyên lý “các bên cùng thắng”; (iv) Dành một khoản ngân sách cho đầu tư “mồi” đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia.

    Cải thiện cơ chế thúc đẩy đầu tư biến CTRSH thành điện: Cụ thể hóa chính sách ưu đãi, có cơ chế cho điện rác để thu hút và thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong lĩnh vực này.

    Khuyến nghị về phía Bộ TN&MT: Hướng dẫn việc cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; tài trợ, đồng tài trợ và hỗ trợ khác từ Quỹ BVMT Việt Nam. Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam theo cơ chế để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 82, 85). Công bố tiêu chí xác định dự án được hỗ trợ, hướng dẫn cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải theo cơ chế EPR lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 82, 85). Thiết lập hệ thống giám sát, theo dõi, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (danh mục phân loại xanh) (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 154).

    Khuyến nghị đối với các Bộ, ngành khác:

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tập trung, bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 156).

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Hướng dẫn phân loại dự án thuộc danh mục phân loại xanh để tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hàng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Điều 157).

    Khuyến nghị đối với UBND cấp tỉnh: Xây dựng phương án quản lý CTRSH trong quy hoạch tỉnh, trong đó đưa ra phương án thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; công bố công khai đến các DN quản lý chất thải; Đánh giá lại định mức và đơn giá xử lý rác mà tỉnh/địa phương đang trả cho DN đảm bảo thu đủ bù chi; Ban hành quy định chi tiết về quản lý CTRSH; quy định giá cụ thể, hình thức thu, mức phí đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Mức giá xử lý cần khuyến khích các công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng; Tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, tạo lập sự cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu để lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công tư trong đầu tư xử lý CTRSH; Hướng dẫn việc cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; tài trợ, đồng tài trợ và hỗ trợ khác từ quỹ BVMT tỉnh. (Điều 132, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); Tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý CTRSH; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ, ThS. Nguyễn Quốc Công,

CN. Nguyễn Danh Trường, ThS. Phạm Thị  Bích Thủy

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2022)

    Tài liệu tham khảo

  1. Luật BVMT số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
  2. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
  3. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT ngày 10/1/2022 quy định thực hiện một số điều của Luật BVMT.
  4. Trần Hiếu Nhuệ (2019). “Các thách thức ô nhiễm chất thải rắn đô thị, công nghiệp và công nghệ xử lý Các DN Việt Nam với sự nghiệp BVMT và Phát triển bền vững Quốc gia”. Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội 2019.
  5. Trần Hiếu Nhuệ và nnk (2022), “Vai trò của cộng đồng DN và hộ gia đình tham gia quản lý CTRSH và BVMT”, Tạp chí Môi trường, Tổng cục Môi trường, số 01/2022, ISSN: 2615-9597, tr. 59-61.
  6. Nguyễn Văn Phương (2022), Pháp luật, chính sách thúc đẩy DN và hộ gia đình tham gia quản lý CTRSH ở Việt Nam, VACNE, 12/8/2022, Hà Nội.
  7. Phùng Chí Sỹ (2022), Một số giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải tại Việt Nam, VACNE, 22/6/2022, TP. Hồ Chí Minh.
Ý kiến của bạn