Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Mô hình xây dựng hệ kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền

01/11/2022

    Vừa qua, tại Thủ đô Newdehli - Ấn Độ, Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) đã tổ chức Chương trình “Hội ngộ Kỷ lục Thế giới lần thứ 4”. Chương trình có sự tham gia nhiều Kỷ lục Thế giới, Châu Á mới và những danh hiệu cao quý dành cho các Kỷ lục Gia của Việt Nam. Tại đây, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư dự án khu công nghiệp (KCN) sinh thái Nam Cầu Kiền - Hải Phòng) đã vinh dự đón nhận danh hiệu Tiến sỹ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University - WRU), thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) với việc nghiên cứu, thực hiện các đề tài đạt nhiều Giải thưởng Quốc gia trong lĩnh vực BVMT để ứng dụng vào việc xây dựng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn tân Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư dự án KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền - Hải Phòng) về nỗ lực để nghiên cứu, tiên phong trong việc xây dựng mô hình KCN sinh thái tại TP.Hải Phòng.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (trái) vinh dự đón nhận Tiến sỹ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới

    PV: Xin chúc mừng ông vinh dự nhận danh hiệu Tiến sỹ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University - WRU), thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings). Danh hiệu này có ý nghĩa như thế nào đối với ông và Công ty CP Shinec?

    Ông Phạm Hồng Điệp: Được nhận Tiến sĩ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University - WRU) là một vinh dự lớn đối với tôi và Công ty Cổ phần Shinec, đó là minh chứng cả quá trình cá nhân tôi và tập thể Shinec làm việc sáng tạo không ngừng một cách nghiêm túc, khoa học và đầy hứng khởi để tạo nên một công trình khoa học từ lý thuyết đến thực tiễn khách quan áp dụng thực tế sản xuất vào một mô hình xây dựng hệ kinh tế tuần hoàn trong KCN sinh thái. Đây là công trình KCN sinh thái đầu tiên của Việt Nam do người Việt đầu tư. Có thể nói, rất khó có công trình khoa học nào mà giải quyết được song song hai vấn đề lý thuyết và áp dụng ngay vào mô hình thực tiễn, vì vậy đây là niềm tự hào của cả Shinec và cộng đồng các chủ đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền. Chúng tôi là một tập thể đoàn kết có quan hệ kinh tế cộng sinh đem lại giá trị gia tăng cho chính doanh nghiệp phát triển bền vững gắn chặt với BVMT theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước đang hướng tới. 

    PV: Có thể nói, trong suốt nhiều năm qua ông đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp trong lĩnh vực môi trường, vậy ông có thể điểm qua những công trình/giải pháp tiêu biểu mang lại giá trị cao khi áp dụng vào thực tiễn?

    Ông Phạm Hồng Điệp: Là một doanh nhân, tôi luôn nêu cao ý thức xây dựng kinh tế gắn chặt với BVMT, cụ thể từ năm 2005 đến nay tôi có 7 đề tài được giải cao về BVMT một cách sáng tạo từ thực tiễn lao động sản xuất như: Đề tài trồng cây gây rừng BVMT bằng việc áp dụng văn hóa truyền thống của từng địa phương; Xây dựng Quỹ sáng tạo trong môi trường bền vững; Xây dựng KCN hài hòa với BVMT kết hơp với an sinh nông thôn; Xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, xây dựng khu dân cư xanh; Xây dựng hệ kinh tế tuần hoàn trong KCN sinh thái từ lý thuyết đến thực tiễn; Nghiên cứu giải pháp xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời tiến tới trung hòa các bon áp dụng tại KCN Nam Cầu Kiền... Tất cả các đề tài nói trên đều được phát triển từ sản xuất và thực tiễn áp dụng để triền khai thành đề tài khoa học. Thông qua các đề tài này, cá nhân tôi vinh dự nhận được nhiều Giải thưởng cao quý về môi trường, đặc biệt năm 2014 tôi được Giải đặc biệt Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực môi trường.

    PV: Là Doanh nghiệp tiên phong triển khai xây dựng KCN Nam Cầu Kiền huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, trong quá trình hoạt động ông có gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

    Ông Phạm Hồng Điệp: Trong thực tiễn bắt tay vào xây dựng hạ tầng KCN chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn và thuận lợi như những “cung bậc cảm xúc theo năm tháng”. Đó là sự lao động miệt mài, sự sáng tạo không ngừng và phải vượt qua gian khổ khó khăn đến lúc thành công mới đem lại niềm hạnh phúc lớn lao. Chính vì vậy, cá nhân tôi thấy, đó là những “bản nhạc” thăng trầm của cuộc sống, nên cần thi vị hóa nó để trở thành một “bản nhạc” hay trong quá trình xây dựng thành công mô hình KCN sinh thái. 

    PV: Vừa qua, tại Hội thảo “Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ông có báo cáo tham luận hành trình chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái hướng đến trung hòa các bon. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm mà KCN Nam Cầu Kiền chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái?

    Ông Phạm Hồng Điệp: Để chuyển đổi từ KCN tổng hợp sang KCN sinh thái là cả một vấn đề khó khăn, từ cơ sở pháp lý đến kêu gọi đầu tư và xây dựng hệ thống doanh nghiệp sinh thái sống cộng sinh trong KCN; kêu gọi các nhà đầu tư cùng chung một ý chí xây dựng doanh nghiệp xanh xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến bằng công nghệ thông tin, tuyên truyền kiến thức nhất quán từ chủ đầu tư đến người lao động trong từng Nhà máy, sinh hoạt cộng đồng đa tầng. Theo đó, từ chủ đầu tư, cán bộ quản lý của các doanh nghiệp, các kỹ sư chuyên ngành, công nhân lao động để tất cả cùng có nhận thức chung về BVMT, thay đổi hành vi trong sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ tiến tiến... rất nhiều việc cho đến giờ phút này chúng tôi đã thành công trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp. Tới đây chúng tôi còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện mô hình sinh thái theo đúng nghĩa, và cộng đồng các nhà đầu tư trong KCN Nam Cầu Kiền quyết tâm đoàn kết để xây dựng hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp một cách bền vững, mặc dù còn quá nhiều khó khăn phía trước. 

Toàn cảnh KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) Công ty CP Shinec chủ đầu tư

    PV: Để triển khai hiệu quả mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam nói chung và tại KCN Nam Cầu Kiền nói riêng, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

    Ông Phạm Hồng Điệp: Tình trạng khó khăn chung hiện nay Doanh nghiệp gặp phải đó là hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ, vẫn đang còn trong quá trình sửa đổi và điều chỉnh, đây là vấn đề trở ngại lớn. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực xây dựng các điều Luật và các văn bản dưới Luật để hoàn thiện giúp cho nền kinh tế của Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới và đạt được cam kết tại Cop 26 mà Chính phủ đã ký với thế giới.

    PV: Luật BVMT năm 2020 có nhiều điểm mới nhằm phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp…trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, là Chủ đầu tư KCN, ông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật đến các doanh nghiệp và lao động nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống?

    Ông Phạm Hồng Điệp: Luật BVMT năm 2020 là một bộ Luật cấp tiến mở ra một hành lang rộng lớn bao trùm đời sống xã hội Việt Nam, điều tiết các vấn đề về BVMT. Để làm rõ về các điều Luật và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, KCN Nam Cầu Kiền đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Truyền thông về môi trường. Những năm qua, chúng tôi thường xuyên đón nhận học sinh, sinh viên, các lớp CEO, CFO, các lớp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của các trường Đại học ở Miền Bắc về học tập thực tế và tham quan mô hình, thông qua đó tuyền truyền pháp luật về BVMT và đem lại kiến thức kinh tế cho các đối tượng đến KCN. Đồng thời, Trung tâm còn tổ chức các buổi đào tạo tại chỗ cho cán bộ, công nhân lao động trong KCN. Bản thân tôi còn mở một chuyên mục giải đáp pháp luật thông qua kênh youtube…với mong muốn tất cả mọi người cùng cập nhật, nâng cao ý thức về BVMT để thay đổi hành vi trong cuộc sống một cách tích cực làm cho chất lượng cuộc sống của chính chúng ta ngày một đẹp hơn và đất nước Việt Nam là điểm đến an toàn thân thiện của thế giới... 

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

Ý kiến của bạn