Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Lồng ghép phổ biến pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

02/04/2024

    Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và đưa đến nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang trở thành vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

    Ở Việt Nam do sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo áp lực lớn tới môi trường khi lượng CTRSH tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

    Để thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật bảo vệ môi trường và quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn được thực thi hiệu quả, điều quan trọng nhất có thể thấy rất rõ,  đó là ý thức của con người, yếu tố quyết định và vai trò quan trọng của giáo dục trong thay đổi nhận thức, hành vi phân loại CTRSH tại nguồn. Mà nhận thức trở nên bền vững và hành vi được duy trì thường xuyên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đòi hỏi phải xây dựng, bồi đắp nhận thức trong phân loại CTRSH đến thay đổi hành vi và nâng ý thức lên trở thành ý thức hệ phân loại CTRSH tại nguồn; đa dạng các hình thức tuyên truyền để mọi người nắm được tác dụng của phân loại CTRSH tại nguồn, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc tuân thủ nghiêm pháp luật việc phân loại rác tại nguồn ngay từ bây giờ sẽ không chỉ giúp họ thay đổi thói quen, đỡ bỡ ngỡ khi quy định thực hiện xử phạt có hiệu lực, mà còn giúp mỗi người thấy rõ lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn, từ đó thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, phân loại CTRSH tại nguồn nói riêng...

    Tuyên truyền, hướng dẫn, thay đổi nhận thức và tư duy của người dân có nhiều cách thức, một trong những cách thức đó là thực hiện lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn vào hoạt động tư vấn pháp luật của hội luật gia các cấp. Khi lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, về phân loại CTRSH tại nguồn nói riêng vào hoạt động tư vấn pháp luật sẽ góp phần tăng thêm hiệu quả, ý nghĩa xã hội của hoạt động tư vấn pháp luật của hội luật gia các cấp. Khi đó tư vấn pháp luật không chỉ phục vụ một người mà là phục vụ nhiều người cùng lúc. Đặc biệt, đây cũng là một cách thức hữu hiệu để thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường phát triển, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường. Căn cứ vào các mô hình tổ chức hội luật gia các cấp, hoạt động tư vấn lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn trên thực tế có thể thông qua hoạt động tư vấn pháp luật của hội luật gia các cấp theo các phương thức như: Thông qua quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kế hoạch và cơ chế phối hợp, hỗ trợ thực hiện; Cần lập kế hoạch hàng năm hoặc dài hạn tùy theo điều kiện của từng địa phương và hệ thống tổ chức, trong đó cụ thể hóa về hoạt động, tổ chức thực hiện, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác. Khi xác định rõ ràng mục đích và có kế hoạch thực hiện việc lồng ghép cụ thể thì quá trình tư vấn pháp luật kết hợp tuyên truyền pháp luật về phân loại CTRSH mới có tính định hướng, đem lại kết quả như mong muốn. Cần nhấn mạnh vai trò của các sở tư pháp - đầu mối trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương sẽ là cầu nối với hội luật gia các cấp để xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp và sở tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ khi cần thiết.

    Đặc biệt, cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, phân loại CTRSH tại nguồn đối với các tổ chức thực hiện tư vấn pháp luật trên cơ sở kế hoạch chung được hoạch định hoặc phối hợp theo từng hoạt động (hỗ trợ nhân lực, kinh phí thực hiện, tài liệu…); lồng ghép thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp của các trung tâm tư vấn pháp luật, của đoàn Luật sư và Luật sư, tổ tư vấn pháp luật, cán bộ đoàn thể.

    Đồng thời, tăng cường và khuyến khích các cuộc tư vấn pháp luật lưu động kết hợp tuyên truyền pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn tại trụ sở của tổ chức, doanh nghiệp, tại gia đình, trường học… Như vậy, khả năng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn thông qua tư vấn pháp luật có thể thực hiện đối với các trung tâm tư vấn pháp luật và chi nhánh của trung tâm tại các tỉnh, thành phố, các văn phòng Luật sư trong cả nước. Ngoài ra, có nhiều hình thức hoạt động khác có thể lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về phân loại CTRSH tại nguồn thông qua văn phòng tư vấn pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, các trung tâm hỗ trợ phụ nữ, nông dân, các câu lạc bộ pháp luật…

    Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý CTRSH trên địa bàn toàn quốc thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng mô hình về quản lý CTRSH, đặc biệt là nội dung về phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen phân loại CTRSH, từ đó giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, coi chất thải là tài nguyên, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo môi trường bền vững, mới đây, Bộ TN&MT và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ, nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) giai đoạn 2024 - 2027. Theo đó, Chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội LHPNVN sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm sau: (1)Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại CTRSH tại các cấp Hội Phụ nữ; trên hệ thống truyền thông của Hội LHPNVN (Cổng thông tin điện tử, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tờ Thông tin Phụ nữ, fanpage của Hội LHPNVN, fanpage Phụ nữ sống xanh và hệ thống fanpage của các tỉnh/thành Hội) và trên hệ thống truyền thông của Bộ TN&MT. (2) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện phù hợp về quản lý chất thải, phân loại CTRSH trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6); Tuần lễ quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 - 6/5); Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm); Ngày Quốc tế không rác thải (ngày 30/3 hàng năm)... (3) Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại CTRSH; xây dựng các mô hình về phân loại CTRSH; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại CTRSH tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước. (4). Tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH của hộ gia đình, cá nhân hội viên, phụ nữ.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn