Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Lễ trao tặng Kỷ niệm Chương cho Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục vì sự nghiệp khoa học và công nghệ

31/05/2024

    Nhằm ghi nhận, biểu dương những cống hiến đóng góp của các nhà khoa học trong quá trình xây dựng và phát triển của Bộ KH&CN nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, trong phiên buổi chiều ngày 30/5/2024, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), Bộ trưởng Bộ KH&CN Quyết định trao tặng thưởng Kỷ niệm Chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ đối với GS. TS. Trần Thục - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ TN&MT vì đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam. Lễ trao Kỷ niệm Chương diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “KH&CN - chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững” do Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và BĐKH (Bộ TN&MT), Văn phòng các Chương trình trọng điểm quốc gia (Bộ KH&CN) đồng tổ chức.

    Tham dự Hội thảo có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái; Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển; GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành khoa học Trái đất - Mỏ…

    Vinh danh nhà khoa học tiêu biểu vì sự nghiệp KH&CN

    Tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN đã công bố Quyết định trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN cho GS.TS. Trần Thục. Đây là phần thưởng cao quý dành tặng cho các nhà khoa học, nhà quản lý, cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển nền KH&CN Việt Nam. Kỷ niệm Chương đã tôn vinh, ghi nhận những thành tích quan trọng, cống hiến bền bỉ trong suốt sự nghiệp công tác của GS.TS. Trần Thục.

    

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành (ngoài cùng bên trái) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái (bên phải) tặng hoa chúc mừng GS. TS. Trần Thục

    Giáo sư là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo với hơn 40 năm cống hiến cho ngành KTTV, môi trường và BĐKH. Đặc biệt là sự đóng góp to lớn của GS trong sự nghiệp đào tạo, góp phần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực KTTV, BĐKH, thủy lợi... Sự cống hiến của GS là nguồn động lực lớn lao cho cộng đồng KH&CN, cho các thế hệ nhà khoa học học tập và noi theo.

    Gửi lời chúc mừng tới GS.TS Trần Thục, đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã chia sẻ, với 70 năm tuổi đời và hơn 40 năm công tác, GS đã để lại nhiều thành tựu to lớn cho đất nước và là niềm tự hào của ngành KTTV, TN&MT, quê hương Quảng Ngãi cùng với các thế hệ học trò được thầy dìu dắt. Những đóng góp của GS cũng như lớp nhà khoa học, nhà nghiên cứu đi trước đã tạo nền tảng vững chắc cho các ngành KTTV, tài nguyên nước, thủy lợi, môi trường, BĐKH nói riêng và ngành khoa học Trái đất nói chung trong tiến trình phát triển đất nước.

    Nhân dịp này, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo BộTN&MT, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, đồng nghiệp và các thế hệ học trò đã dành tặng những lẵng hoa chúc mừng tới GS.TS. Trần Thục.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhận ủy quyền của Bộ trưởng Bộ KH&CN và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước tặng hoa chúc mừng GS.TS. Trần Thục

    KH&CN - chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: “Trong những năm gần đây, tác động của BĐKH ngày càng rõ nét, những thảm họa thiên tai với tần suất và mức độ tàn phá gia tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của các quốc gia. Vì vậy, KH&CN đóng vai trò then chốt trong việc dự báo, phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro thiên tai, cũng như ứng phó hiệu quả với BĐKH và BVMT.

    Bộ TN&MT đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu và ứng dụng KH&CN nhằm BVMT và phát triển bền vững. Những thành tựu đạt được cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, là chìa khoá giải quyết các thách thức. Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững và toàn diện hơn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các Bộ, ngành và các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội thảo hôm nay là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, tầm nhìn để cùng thảo luận về các hướng đi mới, các giải pháp sáng tạo, phù hợp”.

    Tiếp tục chương trình đã diễn ra Hội thảo quốc tế “KH&CN - chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH, BVMT và phát triển bền vững”. Trình bày tham luận đề dẫn về các vấn đề liên quan đến giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH, GS. TS. Trần Thục nhấn mạnh, KH&CN có vai trò quan trọng trong việc xác định đo lường rủi ro và đánh giá hiệu quả giảm rủi ro. Đối với công tác dự báo KTTV cần quan tâm đến các vấn đề như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số (hạ tầng dữ liệu, thiết bị, công nghệ), dự báo dựa trên tác động về thời tiết... Hiện nay, những trạm quan trắc KTTV tự động dần thay thế các trạm quan trắc thủ công cũng góp phần tích cực trong công tác cung cấp số liệu dự báo, từ đó đưa ra các dự báo, cảnh báo KTTV sát thực để giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH.

    Đề cập đến những điểm mới trong xây dựng kịch bản BĐKH cho Việt Nam, Phó GS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH cho biết, Viện đã xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề cực đoan về khí hậu, trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH.

Toàn cảnh Lễ Công bố

    Ông Kazuo Saito, đại diện trường Đại học Tokyo Nhật Bản cũng chia sẻ một số vấn đề về thiên tai ở Việt Nam và Nhật Bản, các phương pháp dự báo mưa lớn cục bộ, mạng lưới quan trắc thời tiết bề mặt của cơ quan khí tượng Nhật Bản, kịch bản dự báo lượng mưa trong phạm vi ngắn của Nhật Bản, dự báo dựa trên tác động và dự báo tổng hợp để ước tính rủi ro thiên tai...

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xung quanh đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là những công cụ rất quan trọng, giúp “đi tắt đón đầu”, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, các nhà khoa học trẻ có nhiều lợi thế ứng dụng và cần tham gia nhiều hơn, trở thành đội ngũ kế cận các thế hệ nhà khoa học đi trước.

Châu Loan

 

Ý kiến của bạn