Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi (trade-offs analysis) trong xây dựng chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên

27/04/2022

1. Mở đầu

    Trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, công tác quy hoạch trong những năm qua đã có những bước tiến quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đứng trước những tác động không nhỏ từ quá trình đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nhiều nhân tố khác đã buộc các nhà quản lý cần thay đổi tư duy theo hướng tích hợp, xây dựng nhiều phương án tổ chức không gian hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực hiện có.

    Phương pháp phân tích đánh đổi được nghiên cứu, phát triển từ phân tích chi phí lợi ích và lần đầu tiên được áp dụng cho nông nghiệp trong cuộc cách mạng xanh vào những năm 1970 để đánh giá tác động kinh tế của các công nghệ nông nghiệp mới nổi (Alaston, Norton, and Parkway, 1995). Một trong những công cụ hỗ trợ phương pháp phân tích đánh đổi được áp dụng phổ biến hiện nay là InVEST,  đây là hệ thống mô hình đánh giá cho các dịch vụ hệ sinh thái, kết hợp các đầu vào về kinh tế và môi trường trong định lượng sự đánh đổi giữa các mục tiêu chính sách tại nhiều quốc gia trên thế giới.

    Bài viết trình bày về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, bài học cho Việt Nam về áp dụng công cụ InVEST trong phân tích đánh đổi (trade-offs analysis) phục vụ xây dựng chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên.

2. Giới thiệu về mô hình InVEST

    InVEST (viết tắt của Integrated Valuation of Ecosystem Services and Tradeoffs – Đánh giá tích hợp các dịch vụ và đánh đổi hệ sinh thái) là một bộ công cụ mô hình được sử dụng để lập bản đồ, lượng giá các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được hợp tác phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford, Bảo tồn thiên nhiên (TNC) và Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF). Mô hình này sử dụng dữ liệu về môi trường để khám phá những thay đổi trong hệ sinh thái có khả năng ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích cho con người, từ đó đưa ra các kịch bản phát triển nhằm xây dựng chính sách về quản lý tài nguyên thiên nhiên (Duarte et al., 2016; Guerry và cộng sự, 2012) .

    Ngày nay, các chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức cho vay quốc tế và các tập đoàn đều quản lý tài nguyên thiên nhiên cho nhiều mục đích sử dụng và tất yếu phải tiến hành phân tích đánh đổi. InVEST cho phép các nhà ra quyết định đánh giá sự đánh đổi định lượng liên quan đến các lựa chọn quản lý thay thế và xác định các lĩnh vực mà đầu tư vào vốn tự nhiên có thể tăng cường phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội. Thiết kế mô-đun đa dịch vụ của InVEST cung cấp một công cụ hiệu quả để cân bằng các mục tiêu kinh tế và môi trường của các thực thể đa dạng này. InVEST có thể được sử dụng để đánh giá những thay đổi và tác động của các dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến thủy sinh, bao gồm lưu trữ carbon, hệ sinh thái và chất lượng nước, thụ phấn và sản xuất thực vật, xói mòn đất, sản xuất thủy sản và giải trí. Nhiều nghiên cứu đã tích hợp mô hình này trong hệ thống thông tin địa lý ArcGIS như một bộ công cụ hoàn chỉnh để xử lý những dữ liệu lý sinh, kinh tế xã hội và các dữ liệu có liên quan khác trong không gian và phi không gian, phục vụ cho quá tình ra quyết định  (Crossman và cộng sự, 2013; Prado và cộng sự, 2016).

3. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong áp dụng mô hình InVEST

    Tại Trung Quốc, nghiên cứu về phân tích đánh đổi các dịch vụ hệ sinh thái tại khu vực núi đá vôi được Yanqing Lang and Wei Son đến từ Viện Nghiên cứu khoa học địa chất và tài nguyên thiên nhiên, Học viện Khoa học Trung Quốc thực hiện dựa trên áp dụng mô hình InVEST (Tích hợp lượng giá dịch vụ hệ sinh thái và đánh đổi). Nhằm đạt được mục tiêu kép là cải thiện phúc lợi của con người và phát triển hệ sinh thái bền vững, việc hiểu và làm rõ sự xung đột giữa đa dạng hóa dịch vụ hệ sinh thái và tập quán sử dụng đất của người dân bản địa là điều kiện quan trọng.

    Khu vực núi đá vôi được đưa vào mô hình thử nghiệm nằm ở phía nam - tây nam Trung Quốc, có tổng diện tích khoảng 214.100 km2, độ cao từ 0-3000 m so với mực nước biển, cao dần từ đông nam lên tây bắc. Đây là khu vực có đặc tính môi trường sinh thái phức tạp và đa dạng, tính đa dạng sinh học cao, môi trường sinh thái rất mong manh và với việc tăng cường các hoạt động của con người, việc thiếu nước và các vấn đề khác như hạn hán và lũ lụt, phá hủy thảm thực vật, xu hướng cấu trúc hệ sinh thái đơn lẻ, xói mòn đất và sa mạc hóa đá đã trở thành hiểm họa của khu vực.

    Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá sự biến đổi theo không gian-thời gian của bốn dịch vụ hệ sinh thái khác nhau: năng suất nước, bảo tồn đất (dựa trên tỷ lệ trầm tích), duy trì chất dinh dưỡng và lưu trữ carbon, từ năm 1990 đến năm 2010; So sánh sự khác biệt về các dịch vụ hệ sinh thái giữa sáu loại hình sử dụng đất (đất cỏ, đất rừng, đất canh tác, đất xây dựng, đất mặt nước và đất chưa sử dụng); và xác định ranh giới khả năng sản xuất (dựa trên phương pháp đường biên hiệu quả) để làm rõ mối tương tác sự đánh đổi của bốn dịch vụ hệ sinh thái. Do đó, trọng tâm là xác định kịch bản phát triển kinh tế và xã hội và thay đổi mục đích sử dụng đất tối ưu nhất để phát triển tổng hợp các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trong cùng một khu vực nhất định.

    Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra sự suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái như năng suất nước, lưu trữ carbon và tiềm năng lưu trữ chất dinh dưỡng, chỉ có duy nhất chức năng bảo tồn đất có xu hướng tăng trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2010 (cụ thể ở Hình 1 và Bảng 1 ).

Năng suất nước

Bảo tồn đất - tỷ lệ trầm tích

Lưu trữ carbon

Tiềm năng lưu trữ chất dinh dưỡng

Nguồn: Yanqing Lang  and Wei Song (2018)

Hình 1. Kết quả định lượng sự thay đổi các dịch vụ hệ sinh thái bằng mô hình InVEST từ năm 1990 - 2010

Bảng 1. Kết quả định lượng dịch vụ hệ sinh thái dựa trên mô hình InVEST

Loại hình dịch vụ

Năng suất nước (mm/năm)

Lưu trữ cac - bon (kg/km2)

Bảo tồn đất - tỷ lệ trầm tích (tấn/ km2)

Tiềm năng lưu trữ chất dinh dưỡng (kg/ km2)

1990

992,60

3080,96

74.294,70

613,01

2010

968,10

3073,62

103.590,19

605,90

Nguồn: Yanqing Lang  and Wei Song (2018)

    Dựa trên kết quả đánh giá, định lượng đối với các loại hình dịch vụ hệ sinh thái trên, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích các mối quan hệ đánh đổi với từng cặp dịch hệ sinh thái dựa trên phương pháp phân tích biên khả năng sản xuất. Trong phân tích đánh đổi giữa các dịch vụ hệ sinh thái, hầu hết những sự phát triển của bất kỳ dịch vụ hệ sinh thái đều dựa trên sự suy giảm của một dịch vụ hệ sinh thái khác thông qua thay đổi mục đích sử dụng đất:

    Như được thể hiện trong đường biên giới hạn khả năng sản xuất, các mối quan hệ đánh đổi hiện có bao gồm:

(1) Năng suất nước và bảo tồn đất: Khi năng suất nước tăng, khả năng bảo tồn đất giảm; theo khái niệm giới hạn khả năng sản xuất, sản lượng nước có thể được coi là chi phí cơ hội của việc bảo tồn đất (Hình 2a). Do đó, chi phí cơ hội đầu tư cần thiết để đạt được một bảo tồn đất nhất định là khá khác nhau ở các giai đoạn khác nhau. Để tăng cường bảo tồn đất, chi phí cơ hội sẽ cần phải tăng dần.

(2) Khả năng giữ chất dinh dưỡng và năng suất nước: Năng suất nước tăng lên dẫn đến khả năng giữ chất dinh dưỡng giảm dần. Năng suất nước là chi phí cơ hội để giữ lại chất dinh dưỡng (Hình 2b). Để có được một sự duy trì chất dinh dưỡng nhất định, chỉ cần một chi phí cơ hội nhỏ ở giai đoạn đầu; khi các khoản đầu tư được thực hiện theo chi phí cơ hội, việc giữ lại chất dinh dưỡng giảm dần.

Năng suất nước

(m)

Bảo tồn đất (triệu tấn)

Năng suất nước

(m)

Lưu trữ chất dinh dưỡng (102kg)

Năng suất nước

(m)

Dự trữ carbon (103 t)

Bảo tồn đất (triệu tấn)

Lưu trữ chất dinh dưỡng (102kg)

Hình 2. Đường biên giới hạn khả năng sản xuất phục vụ phân tích đánh đổi các dịch vụ hệ sinh thái

(3) Dự trữ cacbon và năng suất nước: Tăng sản lượng nước dẫn đến giảm dần trữ lượng cacbon; do đó, sản lượng nước có thể được coi là chi phí cơ hội của việc lưu trữ carbon. (Hình 2c). Để có được một lượng dự trữ carbon nhất định, sản lượng nước cần được điều chỉnh giảm ở các giai đoạn khác nhau.

(4) Duy trì chất dinh dưỡng và bảo tồn đất: Gia tăng lượng trầm tích để bảo tồn đất sẽ làm khả năng duy trì các chất dinh dưỡng giảm dần, do vậy, việc bảo tồn đất có thể là chi phí cơ hội của việc duy trì chất dinh dưỡng (Hình 2d).

    Theo quy hoạch hiện nay, chính quyền khu vực đang ưu tiên phát triển kinh tế với việc mở rộng diện tích đất canh tác và đất xây dựng, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tăng năng suất nước trong vùng và phải hy sinh diện tích đất rừng và đất trồng cỏ. Diện tích đất rừng giảm sẽ dẫn đến giảm khả năng bảo tồn đất, giữ chất dinh dưỡng và lưu trữ carbon, điều này làm hạn chế khả năng bảo vệ sinh thái của khu vực. Từ kết quả của quá trình phân tích đánh đổi, phương án tốt nhất cho khu vực núi đá vôi này sẽ là tăng diện tích đất xây dựng có lợi cho việc tăng sản lượng nước, tăng diện tích đất rừng có lợi cho việc tăng lưu trữ carbon và bảo tồn đất, trong khi việc phục hồi thảm thực vật có tác động tích cực đến việc duy trì chất dinh dưỡng.

    Mô hình InVest cũng tính toán các kịch bản như: ưu tiên phát triển kinh tế (mở rộng diện tích đất canh tác và diện tích đất xây dựng, góp phần tăng sản lượng nước trong khu vực; nhưng sẽ phải hy sinh lượng lớn diện tích đất rừng và đất trồng cỏ), ưu tiên bảo tồn (tăng diện tích đất rừng nhằm phục hồi thảm thực vật có tác động tích cực đến việc giữ lại chất dinh dưỡng nhưng người dân hạ lưu sẽ có nguy cơ thiếu nước trầm trọng). Những kịch bản này sẽ làm căn cứ cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của khu vực. Đây được coi là kết quả tối ưu đối với mỗi nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ đất đai khi xây dựng quy hoạch tại các khu vực có điều kiện tự nhiên nhạy cảm, thường xuyên chịu tác động do các yếu tố thời tiết cực đoan.

3. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

    Tại Hoa Kỳ, công cụ InVEST được áp dụng nhằm tích hợp các giá trị dịch vụ hệ sinh thái vào các quyết định mang tính xã hội phục vụ cho lập kế hoạch sử dụng đất nhằm cân bằng giá trị sử dụng đất thuộc sở hữu tư nhân và công cộng tại Hawaii. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá các tác động môi trường và tài chính của 7 kịch bản quy hoạch sử dụng đất với các mục đích khác nhau như canh tác nguyên liệu phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học, canh tác cây lương thực, giữ nguyên hiện trạng (lâm nghiệp), chăn nuôi hoặc xây dựng khu dân cư và là yếu tố tham khảo cho quá trình ra quyết định sử dụng đất tại địa phương liên quan đến sự cân bằng giữa lợi ích tư nhân và lợi ích công cộng. Khu vực nghiên cứu là diện tích đất khoảng 10.600 ha ở vùng North Shore đã từng được sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và khoảng 2.200 ha đất canh tác đã được sản xuất mía liên tục trong hơn 100 năm. Cho đến năm 1996 khi Công ty Đường Waialua kết thúc hợp đồng thuê và ngừng sản xuất, phần lớn diện tích này không còn được sử dụng và đất đai có dấu hiệu bị suy thoái do  các loài thực vật xâm lấn. Do vậy, khi được chính quyền phê duyệt khoản đầu tư 7 triệu Đô la Mỹ nhằm khôi phục sản xuất, dự định ban đầu của đơn vị quản lý diện tích đất này (Trường Kamahameha) là cải thiện hệ thống tưới tiêu, cải tạo đất để tiếp tục phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, các nhà khoa học đã đưa ra các kịch bản khác nhau nhằm có được lựa chọn tối ưu nhất dựa trên kết quả từ công cụ phân tích đánh đổi. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 7 kịch bản như sau:

- Kịch bản 1: Các lựa chọn không liên quan đến cải tiến hệ thống thủy lợi là kịch bản 1, Hiện trạng (duy trì việc sử dụng đất hiện tại cho tương lai) và

- Kịch bản 2: Chuyển đổi tất cả các cánh đồng sang đồng cỏ chăn thả gia súc

- Kịch bản 3: Các lựa chọn liên quan đến việc cải thiện hệ thống thủy lợi, canh tác cây lương thực và phát triển lâm nghiệp;

- Kịch bản 4: Sản xuất nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học (tiếp tục sản xuất mía để sản xuất nhiên liệu sinh học);

- Kịch bản 5: Canh tác cây lương thực và lâm nghiệp xen kẽ với hệ thống suối, đất ngập nước nhân tạo;

- Kịch bản 6: Sản xuất nguyên liệu phục vụ nhiên liệu sinh học xen kẽ với các thảm thực vật.

- Kịch bản 7: Xây dựng các khu dân cư, đất nông nghiệp sẽ được bán để phát triển nhà ở

    Nhóm nghiên cứu đã đánh giá từng kịch bản dựa trên ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường : (i) lưu trữ carbon (yếu tố môi trường - góp phần giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu), được tính bằng phần carbon trong sinh khối trên và dưới mặt đất ; (ii) cải thiện chất lượng nước (yếu tố xã hội - ảnh hưởng đến các cộng đồng sống trong vùng nghiên cứu) và (iii) lợi ích về kinh tế (yếu tố kinh tế -  được tính bằng cách sử dụng thuế bất động sản dự kiến, giá thuê đất nông nghiệp và giá bất động sản nếu giao dịch đất nông nghiệp). Tại đây, công cụ InVEST đã góp phần định lượng ba yếu tố trên để cung cấp các điểm tham chiếu đo lường các kịch bản trong tương lai, từ đó dự đoán kết quả của các kịch bản để phân tích nhằm tối ưu hóa mục tiêu vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa góp phần gia tăng khả năng lưu trữ carbon. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình lưu trữ và hấp thụ cacbon InVEST Tier 1 để tính toán phần carbon trong sinh khối trên và dưới lòng đất theo mục đích sử dụng đất và tính toán ​​những cải thiện (hoặc suy giảm) đối với chất lượng nước dựa trên độ dốc, đặc điểm của đất và hệ số nitơ hòa tan gây ô nhiễm theo mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành dự báo giá trị hiện tại ròng của từng loại hình sử dụng đất bằng cách sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền trong khoảng thời gian 50 năm với tỷ lệ chiết khấu thực là 6% và phân tích độ nhạy là 3–12% nhằm tính toán khả năng sinh lời đối với mỗi một kịch bản.

Hình 3. Kết quả mô hình phân tích đánh đổi trong lựa chọn kịch bản sử dụng đất tại Hawaii, Hoa Kỳ

Nguồn: Joshua H. Goldstein và cộng sự (2012)

    Kết quả nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái lấy phát triển kinh tế là một thách thức chính mà những người có thẩm quyền quyết định sẽ cần phải đối mặt. Giải quyết bài toán này thông qua các phương pháp tiếp cận kinh tế, luật pháp và văn hóa vẫn là một thách thức chính đối với việc lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái trong quy hoạch sử dụng đất. Việc cân bằng giữa một bên là môi trường sinh thái với một bên là ưu tiên lợi nhuận cần phải được tính toán kỹ lưỡng dựa trên các mô hình phân tích đánh đổi, điều này sẽ tạo ra các cơ sở mang tính khoa học nhằm đóng góp ý kiến khi nghiên cứu lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở quy mô vùng và địa phương

5. Bài học cho Việt Nam

    Dựa trên những kinh nghiệm từ việc áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi thông qua công cụ InVEST đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại Trung Quốc, Hoa kỳ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh, đối chiếu và rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, phương pháp phân tích đánh đổi là cách tiếp cận hiệu quả nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đối khí hậu, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phương pháp này không chỉ góp phần cung cấp cơ sở khoa học để lựa chọn các quyết định chính sách hay kịch bản phát triển, mà còn giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng địa phương có được sự nhìn nhận khách quan, minh bạch về tính khả thi, hiệu quả khi đầu tư (đặc biệt là những mô hình đầu tư vào nông - lâm nghiệp hay nuôi trồng thủy sản). Do vậy, việc áp dụng linh hoạt phương pháp này trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch (đặc biệt là các quy hoạch về môi trường, đất đai) là cần thiết.

    Thứ hai, trong quy hoạch môi trường, đất đai, hệ sinh thái, cần lưu ý đến phân vùng chức năng cho từng khu vực, xây dựng và lựa chọn các kịch bản phát triển, nước ta có thể lưu ý đến kinh nghiệm của Trung Quốc về phân vùng môi trường theo 4 khu vực (Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt cấm xâm phạm;  Khu vực bảo vệ, bảo tồn được phép một số hoạt động phát triển;  Khu vực hạn chế phát triển; và Khu vực phát triển đa mục tiêu)

    Thứ ba, công cụ InVEST đã được thử nghiệm, mang lại kết quả nhất định trong định lượng, đánh giá, phân tích đánh đổi các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng, từ đó đề xuất các kịch bản cho phát triển. Mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển và bối cảnh kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.  

    Thứ tư, chính sách về quy hoạch ở nước ta đã có những sự điều chỉnh quan trọng kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (từ ngày 1/1/2019), theo đó, quá trình xây dựng quy hoạch các cấp, cơ quan có trách nhiệm xây dựng cần phải xem xét đến “phương hướng phát triển ngành có lợi thế; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên quy mô vùng/lãnh thổ”; ưu tiên phát triển các tiềm năng nổi trội của mỗi vùng để đưa ra các định hướng phát triển trọng điểm. Nghiên cứu thử nghiệm áp dụng phương pháp phân tích đánh đổi (trade-offs) sẽ góp phần tính toán, xây dựng các phương hướng phát triển các ngành có lợi thế, cân bằng giữa lợi ích của kinh tế và môi trường cũng như đảm bảo được tính liên ngành, liên vùng, từ đó lựa chọn được những phương án phát triển phù hợp.

6. Kết luận

    Mô hình InVEST (Mô hình đánh giá cho các dịch vụ hệ sinh thái) được hợp tác phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford, Bảo tồn thiên nhiên (TNC) và Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF). Mô hình này chứa nhiều mô-đun con khác nhau, bao gồm các mô hình tính toán về năng suất nước, quy hoạch sử dụng đất, chất lượng môi trường sống, lưu trữ carbon, khả năng giữ chất dinh dưỡng và tiềm năng sản xuất gỗ. Mục tiêu của công cụ hỗ trợ phân tích đánh đổi dịch vụ hệ sinh thái là tối ưu hóa lợi ích tổng thể. Do đó, trọng tâm là xác định kịch bản phát triển kinh tế và xã hội và thay đổi mục đích sử dụng đất tối ưu nhất để phát triển tổng hợp các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trong cùng một khu vực nhất định. Mô hình InVest đã được thử nghiệm thành công cho khu vực đá vôi phía nam - tây nam của Trung Quốc và tại đảo Hawaii, Hoa kỳ. Kết quả của những nghiên cứu này phục vụ đề xuất những kịch bản phát triển, làm căn cứ cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của khu vực. Đây được coi là kết quả tối ưu đối với mỗi nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích đánh đổi phục vụ phân bổ đất đai khi xây dựng quy hoạch tại các khu vực có điều kiện tự nhiên nhạy cảm, thường xuyên chịu tác động do các yếu tố thời tiết cực đoan và là bài học kinh nghiệm cho công tác quy hoạch tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1]. Alaston, Norton, and Parkway (1995). Science under 720 scarcity: principles and practice for agricultural research evaluation and priority setting 721 (No. A50 226). ISNAR, The Hague (Países Bajos).

[2]. Duarte GT, Ribeiro MC, Paglia AP (2016) Ecosystem Services Modeling as a Tool for Defining Priority Areas for Conservation. PLoS ONE 11(5): e0154573. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0154573

[3]. Anne D. Guerry. et al(2012) Modeling benefits from nature: using ecosystem services to inform coastal and marine spatial planning, International Journal of Biodiversity Science, Ecosystem Services & Management, 8:1-2, 107-121, DOI: 10.1080/21513732.2011.647835

[4]. Yanqing Lang  and Wei Song (2018), Trade-off Analysis of Ecosystem Services in a Mountainous Karst Area, China, Water, 10(3), 300; https://doi.org/10.3390/w10030300

[5]. Joshua H. Goldstein et al (2012), Integrating ecosystem-service tradeoffs into land-use decisions, proceedings of the National Academy of sciences of the United States of America (109-19); https://doi.org/10.1073/pnas.1201040109

[6]. Quốc Hội nước CHXHCNVN (2017). Luật số 21/2017/QH14: Luật Quy hoạch

ThS. Tô Ngọc Vũ

                                       Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

Ý kiến của bạn