Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Khu công nghiệp sinh thái - Mô hình phát triển bền vững

05/12/2022

Sự cần thiết và thực tế triển khai khu công nghiệp sinh thái

    Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, Việt Nam lại là một trong số các quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang mô hình sản xuất bền vững hơn, dựa vào hiệu quả sản xuất là cần thiết. Kinh nghiệm của Tổ chức phát triển công nghiệp liên hợp quốc (UNIDO) cho thấy, mô hình KCN sinh thái là một trong những giải pháp tối ưu cho phát triển bền vững hoạt động công nghiệp. Các lợi ích kinh tế -  xã hội, môi trường thu được từ KCN sinh thái là đáng kể, đa dạng và vượt xa các lợi ích kinh doanh thông thường, bao gồm tạo việc làm thông qua áp dụng các giải pháp sinh thái và hợp tác cộng sinh công nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, KCN sinh thái có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn. Lợi ích môi trường của KCN sinh thái đạt được thông qua giảm ô nhiễm và phát thải khí nhà kính (KNK) từ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên (nguyên liệu, nước, năng lượng) và giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải, từ đó góp phần bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học tại địa phương. Lợi ích xã hội từ KCN sinh thái bao gồm tăng việc làm có chất lượng tại địa phương thông qua cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cho cộng đồng xung quanh.

    Tại một số nước phát triển trên thế giới, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được triển khai từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Đan Mạch, KCN sinh thái Kalundborg với 20 mạng lưới cộng sinh công nghiệp nội khu thực hiện từ năm 1982 đến 1997 đã giúp tiết kiệm 19.000 tấn dầu, 30.000 tấn than, 600.000 m3 nước và 130.000 tấn CO2. Năm 2001, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã tiết kiệm 160 triệu USD khi tham gia mạng lưới cộng sinh. Yếu tố quan trọng tạo nên thành công là sự hợp tác và kết nối truyền thông tốt giữa các thành viên của KCN sự tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong KCN.

    Trong khu vực châu Á, Chương trình KCN sinh thái của Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chuyển đổi 51 KCN thông thường sang hoạt động theo mô hình KCN sinh thái tạo ra lợi ích kinh tế quy đổi khoảng 1,3 tỷ USD và hoàn thành thực hiện chuyển đổi 151 KCN sinh thái vào năm 2020. Hệ thống thể chế, chính sách của Hàn Quốc tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của chương trình KCN sinh thái quốc gia gồm: Khuyến khích phát triển bền vững, chính sách công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường và chính sách năng lượng tái tạo, trong đó  quy định về sản xuất sạch hơn và một hệ thống quản lý môi trường (EMS) đáp ứng tiêu chuẩn ISO 14001 đóng vai trò nền tảng. Đồng thời, việc phát triển các chiến lược cộng sinh công nghiệp đóng vai trò quan trọng dẫn đến thành công của Chương trình KCN sinh thái ở Hàn Quốc.

    Tại Trung Quốc, mô hình KCN sinh thái được triển khai cuối những năm 1990, đóng quan trọng trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn do Cục BVMT đề xuất 2001. Để phát triển mô hình này, Cục BVMT đã xây dựng hướng dẫn về KCN sinh thái bao gồm khái niệm, tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá năm 2006. Riêng năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ 745 triệu RMB cho 22 KCN để thực hiện các giải pháp chuyển đổi, chiếm khoảng 8,5% tổng chi phí đầu tư của mỗi dự án chuyển đổi sang KCN sinh thái. Theo đánh giá của Chính phủ Trung Quốc, các KCN sinh thái đều có cơ sở hạ tầng tốt; đạt hiệu quả trong thực hiện sản xuất sạch hơn và khung kinh tế tuần hoàn với nhiều mạng lưới cộng sinh. Các KCN sinh thái có năng suất lao động cao, đạt nhiều lợi ích kinh tế nhờ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải.

    Trong giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm Mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Theo đó, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm, tiết giảm được 22.000 Mwh điện, trên 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giúp cắt giảm được 32 Kt khí CO2 hằng năm bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân (207 tỷ đồng).

    Trong giai đoạn 2020 - 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO tiếp tục hỗ trợ 3 KCN tại TP. Hồ Chí Minh (KCN Hiệp Phước), Hải Phòng (KCN Đình Vũ) và Đồng Nai (KCN Amata) chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế về KCN sinh thái. Kết quả bước đầu cho thấy, với 41 doanh nghiệp dự kiến thực hiện 146 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn có tiềm năng tiết kiệm 141 tỷ đồng/năm tiết giảm được 64.000 Mwh điện, trên 77.000 m3 nước sạch, giúp cắt giảm được 55 Kt khí CO2 hằng năm.

    Các kết quả trên cho thấy, việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái là một chính sách đúng đắn và cần thiết, giúp huy động nguồn lực từ  khu vực tư nhân góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu

Chính sách thúc đẩy KCN sinh thái tại Việt Nam

    KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế tuy nhiên việc thực hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến áp dụng các giải pháp về sử dụng hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp, đặc biệt đối với việc tái sử dụng chất thải, phế liệu vào quá trình sản xuất và phục vụ các mục đích khác.

    Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, trong đó bổ sung thêm các quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu yếu tố đầu vào, đầu ra của hoạt động sản xuất trong KCN, cơ chế giám sát và báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm phát thải, được tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về KCN, khu kinh tế; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn trong KCN, khu kinh tế. Đồng thời, Nghị định cũng đã quy định về việc hình thành KCN sinh thái mới nhằm thúc đẩy định hướng phát triển KCN sinh thái ngay từ đầu tại một số địa phương trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.

    KCN sinh thái cũng được coi là một trong những giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn được quy định tại pháp luật về BVMT, đồng thời, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.

    Với 407 KCN được thành lập trong đó có 291 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 91,7 nghìn ha, việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết phát triển bền vững của Việt Nam tại chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ mới 2021-2030 và Cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào 2050 tại Hội nghị COP 26.

    Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên quy mô toàn quốc. Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái (green-field) được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN thông thường sang KCN sinh thái (brown-field).

    Tuy nhiên, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Theo đó, cần phải có thêm văn bản hướng dẫn từ các Bộ/ngành, đặc biệt đối với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện các mạng lưới cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và nước thải. Ngoài ra, việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng,… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.

    Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, việc chuyển đổi các KCN theo hướng bền vững trên cả 3 khía cạnh: môi trường, kinh tế - xã hội là tất yếu khách quan để khắc phục các hạn chế của KCN truyền thống, đồng thời thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân đối với phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

TS. Vương Thị Minh Hiếu

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT

TS. Nguyễn Trâm Anh, ThS Bùi Hồng Phương

Ban Quản lý Dự án Khu công nghiệp sinh thái, Bộ KH&ĐT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn