Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hướng dẫn các quy định liên quan đến chất hữu cơ khó phân hủy tại khu vực phía Nam

05/08/2022

    Ngày 3/8/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Hải quan phối hợp tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy” tại khu vực phía Nam. Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức và Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan Đào Duy Tám chủ trì.

Phó Tổng cục trường Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại Hội thảo

    Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, Việt Nam là thành viên của Công ước Stockholm và Chính phủ Việt Nam đã có chương trình hành động thực hiện Công ước nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học, môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) gây ra. Từ đó, xây dựng lộ trình, quy chuẩn để ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

    Về phía Tổng Cục Hải quan, ông Đào Duy Tám cho biết, sau khi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (NĐ 08) hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020 của Chính phủ được ban hành, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Môi trường đã phối hợp triển khai thực hiện một số quy định có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan địa phương có liên quan đến việc nhập khẩu chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

 

Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan phát biểu

    Tại Hội thảo, đại diện Vụ quản lý chất lượng - Tổng cục Môi trường cho biết, trong Luật BVMT 2020, nhiều quy định trong Công ước này đã được nội luật hóa thành một số điều luật nhằm quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu các chất POP và các nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, nguyên liệu, hàng hóa, thiết bị có chứa chất POP. Để hơn 70 doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo qua hình thức trực tiếp và hàng trăm doanh nghiệp tham dự qua hình thức trực tuyến nắm được những quy định mới trong Nghị định 08, Thông tư 02 hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020, đại diện Tổng cục Môi trường đã giới thiệu các quy định của Công ước Stockholm và Luật BVMT năm 2020 về quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký miễn trừ chất POP theo quy định mới.

    Cục Quản lý giám sát về hải quan - Tổng cục Hải quan cũng đã phổ biến đến doanh nghiệp về các quy định, biểu mẫu mới trong việc quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất POP.

    Trong phần thảo luận, đại diện Tổng cục Môi trường đã giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hiệp hội ngành nghề về những quy định mới liên quan đến việc nhập khẩu chất POP cũng như sản phẩm, hàng hóa có chứa POP. Đa số thắc mắc đều tập trung vào việc làm thế nào để doanh nghiệp có thể thực hiện việc đăng ký miễn trừ chất POP theo các mốc thời gian trong Luật BVMT năm 2020, NĐ 08 và Thông tư 02. Ngoài ra, đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra một số đề xuất, góp ý nâng cao tính phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến vấn đề này, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan, vừa đảm bảo được mục tiêu kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng dạng này đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường nhưng cũng không gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

    Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho rằng đây là nội dung trong Công ước Stockholm được Việt Nam chính thức luật hóa sau 20 năm tham gia Công ước. Cụ thể về mặt môi trường, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản liên quan đã chính thức đưa vào quản lý một số chất POP thuộc phụ lục A, B của Công ước, đây là những hóa chất độc hại, nguy hiểm với môi trường thuộc diện cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

 

Toàn cảnh Hội thảo

    NĐ 08 đã quy định 8 chất POP vào diện này và quy định quy trình thủ tục và hồ sơ đăng ký miễn trừ để kiểm soát. Những chất, hợp chất POP này phải được đăng ký miễn trừ, đối tượng là doanh nghiệp nhập khẩu về để làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp, không cho những doanh nghiệp làm thương mại như trước đây nhập về bán lại trên thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp làm thương mại có thể nhận ủy thác nhập khẩu với điều kiện phải được nhập khẩu ủy thác từ các doanh nghiệp đã đăng ký miễn trừ và được Bộ TN&MT chấp thuận đăng ký miễn trừ. Trong danh mục 8 chất hiện có một số chất còn thời hạn cho nhập khẩu ngắn (đến ngày 18/12/2023 hoặc ngày 03/12/2025). Theo đó, để gia hạn thời gian nhập khẩu, sử dụng những chất này trong sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp trong nước với Bộ TN&MT để Bộ sớm tổng hợp số liệu trình lên Ban Thư ký của Công ước trong cuộc họp sắp tới vào tháng 9/2022.

    Đối với ý kiến thắc mắc từ các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Môi trường ghi nhận để sắp tới cùng các bên liên quan có nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện các quy định (nhất là kể từ ngày 1/1/2023) để không bị chồng chéo, tránh gây ùn tắc, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Ngành môi trường xác định cần tích cực tăng cường tuyên truyền, trao đổi, phổ biến các quy định pháp luật trong quá trình triển khai thi hành Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn, nên Hội thảo được tổ chức là cơ hội để cơ quan môi trường nắm rõ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các quy định mới. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường mong muốn nâng cao hơn nữa sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan môi trường Trung ương, cơ quan môi trường địa phương và các cơ quan hải quan, nhất là cơ quan Hải quan các cửa khẩu trong quá trình làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp nhập khẩu các chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vừa đúng theo quy định pháp luật, lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo hạn chế được tác hại của các chất này đến môi trường - Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

 

Trường Sơn

Ý kiến của bạn