Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Hội thảo tham vấn xây dựng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs)

23/03/2023

    Ngày 23/3/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã phối hợp với Đại sứ quán Na Uy, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Tổ chức Norway Innovation tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs). Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế như IFC, UNDP, IUCN, USAID, WWF, KOICA và các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các hiệp hội, doanh nghiệp tái chế chất thải.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ kỹ thuật của IFC, WWF, nhóm chuyên gia tư vấn của Bộ TN&MT đã tổ chức khảo sát thực tế tại nhiều cơ sở tái chế trên toàn quốc để thu thập thông tin và đề xuất Fs cho từng loại sản phẩm, bao bì. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã phối hợp và đề nghị Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đề xuất Fs cho từng sản phẩm, bao bì trên cơ sở thực tiễn tái chế của các thành viên của Hiệp hội. Ông Phan Tuấn Hùng cũng cho biết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia sẽ có Fs khác nhau do công nghệ, chi phí lao động, phân loại, thu gom… khác nhau. Theo quy định của pháp luật, Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và chi phí quản lý; tuy nhiên, việc đề xuất Fs cho các loại sản phẩm, bao bì cũng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

    Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm và bao bì sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm (gồm pin-ắc quy, săm lốp, dầu nhớt) và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm) sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 1/1/2025; các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phương tiện giao thông sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 1/1/2027.

    Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, đó là tự mình tổ chức tái chế đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Theo kế hoạch, Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs trong năm 2023 để nhà sản xuất, nhập khẩu có cơ sở đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam nhằm hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì kể từ ngày 1/1/2024.

Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất Fs gồm 02 loại là FS cơ bản và FS nâng cao (áp dụng hệ số cho các loại bao bì). Fs cơ bản là chi phí áp dụng chung cho tất cả sản phẩm, bảo bì và Fs nâng cao là chi phí áp dụng đối với các loại bao bì, nếu bao bì dễ thu gom và có giá trị tái chế cao thì hệ số thấp và ngược lại. Do vậy, nếu Fs thấp thì sẽ không tạo động lực để nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường, thiết kế vì tái chế, PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng lưu ý.

    Bên cạnh đó, Tiến sỹ Fritz Flanderka, Giám đốc Tổ chức Reclay Group đến từ CHLB Đức đã chia sẻ cách tiếp cận trong việc xác định chi phí tái chế của các nước EU và cho rằng Fs khi đóng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cần phải cao hơn so với chi phí mà nhà sản xuất, nhập khẩu chi trả cho các PROs (các tổ chức được ủy quyền của nhà sản xuất, nhập khẩu).

    Đại diện Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đề xuất Fs cụ thể cho tái chế dầu nhớt, bao bì giấy carton, bao bì nhựa ni lông, lốp xe cao su, ắc quy, linh kiện điện tử. Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đề xuất Fs cho các loại bao bì và đề xuất Fs phải bao gồm chi phí quản lý, truyền thông… Công ty Ball Việt Nam đề xuất Fs cho các loại bao bì và kiến nghị Fs nên dựa theo tỷ lệ tái chế bắt buộc vì tỷ lệ tái chế bắt buộc đã thể hiện mức độ dễ thu gom và giá trị tái chế của sản phẩm, bao bì. Công ty Long Long đề xuất cụ thể Fs cho tái chế săm lốp.

    Kết luận Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu và cho rằng Hội thảo lần này các chuyên gia và các nhà tái chế đã đưa ra đề xuất Fs rõ ràng và cụ thể cho từng sản phẩm, bao bì. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tổng hợp, đề xuất Fs để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn