Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 15/11/2024

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai thông qua Hiệp ước nhằm giải quyết hàng loạt cuộc xung đột, các mối đe dọa về môi trường

24/09/2024

    Ngày 22/9/2024, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. (Ảnh: TTXVN)

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, thế giới đang ở trong giai đoạn chuyển mình và Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai lần này là thời khắc quan trọng để đề ra những biện pháp mang tính đột phá cho các vấn đề đang dần vượt ngoài khả năng giải quyết hiện nay như xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai được đánh giá là cơ hội “duy nhất trong thế hệ này” để cộng đồng quốc tế thống nhất về tầm nhìn và cách thức kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

    Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ và toàn diện đối với các thể chế đa phương, tăng cường vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong các thể chế tài chính toàn cầu, góp phần huy động đủ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh chóng, các đại biểu kêu gọi sớm xây dựng nền móng cho một khuôn khổ quản trị toàn cầu mới đối với các công nghệ mới nổi, trong đó có Trí tuệ nhân tạo (AI).

    Phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên của Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, trí tuệ con người đã giúp thay đổi thế giới và cuộc sống con người, song cũng chính con người là tác nhân gây ra nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự suy kiệt tài nguyên hay chế tạo các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt... Ngay lúc này đây, sự lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai của chúng ta. Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất. Theo đó, thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai, tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói giảm nghèo, cũng như cần thúc đẩy hợp tác, không được biến thành công cụ để chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hoà bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc.

    Để làm được điều đó trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các nước cần tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; tăng cường đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu trong các lĩnh vực phục vụ con người như y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân.

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, các nước, nhất là các nước lớn, cần hành xử có trách nhiệm, chia sẻ các thành tựu chung về nghiên cứu khoa học-công nghệ để cùng phát triển; ủng hộ vai trò trung tâm và đi đầu của Liên hợp quốc, cùng với các tổ chức khu vực, gồm có ASEAN, trong thúc đẩy hợp tác và ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học công nghệ.

    “Việt Nam hoan nghênh những văn kiện được thông qua tại Hội nghị và hy vọng những nội dung văn kiện sẽ được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Chúng tôi mong muốn Liên hợp quốc với vai trò trung tâm, điều phối và các tổ chức quốc tế tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn trong mục tiêu ngăn ngừa hiểm họa đối với sự phát triển nhanh, bền vững của thế giới ngay từ ngày hôm nay. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

    Tại Hội nghị, với đa số ý kiến tán thành, các thành viên Liên hợp quốc đã thông qua "Hiệp ước cho tương lai" nhằm giải quyết hàng loạt cuộc xung đột, các mối đe dọa về môi trường cũng như những thách thức công nghệ mà nhân loại đang phải đối mặt. Tổ chức đa phương này đánh giá đây là bản kế hoạch tương lai "mang tính đột phá". Hiệp ước nêu rõ 56 hành động, trong đó có các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình. Hiệp ước cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đồng thời thực hiện những nỗ lực mới để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ vũ khí và nêu định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Nội dung hiệp ước còn nhấn mạnh niềm tin vào "con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại". Việc thông qua hiệp ước diễn ra trong khuôn khổ sự kiện mở màn Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York (Mỹ) - nơi quy tụ hàng chục nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo Chính phủ các nước.

    Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai là sáng kiến do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra tại Báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” vào năm 2021, nhằm thúc đẩy thảo luận và hợp tác, xây dựng các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển khoa học-công nghệ, công bằng và tiến bộ xã hội, cũng như tăng cường hiệu quả của quản trị toàn cầu.

Hương Mai

Ý kiến của bạn