Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hoàn thiện các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động đầu tư phát triển

10/10/2022

    Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đẩy mạnh chính sách mở cửa, khuyến khích đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, có nhiều dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả thì sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường. Để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam, các quy định pháp luật về ĐTM đã được quy định cụ thể trong Luật BVMT năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, bước đầu đã mang lại sự thông thoáng cho môi trường đầu tư nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu của công tác BVMT.

Hoàn thiện các quy định pháp luật về ĐTM

    Theo Báo cáo đề dẫn “Công tác ĐTM đối với hoạt động đầu tư phát triển” tại Hội ghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, công tác ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành từ khi ban hành Luật BVMT năm 1993, liên tục hoàn thiện, có điều chỉnh, bổ sung thông qua việc ban hành Luật BVMT năm 2005, 2014, 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển ở Việt Nam.

    Một số nội dung mới về ĐTM đã được quy định trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, cụ thể: Tại Chương IV, Mục 2, Điều 28 quy định tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm, bao gồm: Có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (nhóm I); có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (nhóm 2), ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (nhóm 3), không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (nhóm 4). Tương ứng với từng đối tượng dự án, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Theo đó, chỉ những đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (dự án nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

    Đối với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp giấy phép ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm (thông qua thanh tra, kiểm tra) khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã.

    Về các đối tượng tham vấn cộng đồng, tại Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường; Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm: UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án; Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nơi dự án nằm trong ranh giới quản lý; cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đối với dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi hoặc có chiếm dụng công trình thủy lợi; cơ quan quản lý nhà nước được giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường (nếu có); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp đối với các dự án có liên quan đến yếu tố an ninh - quốc phòng (nếu có).

    Đối với công tác thẩm định ĐTM, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã yêu cầu thống nhất quản lý công tác thẩm định ĐTM, cơ quan thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM chỉ còn BộTN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh) và UBND cấp tỉnh. Theo Luật BVMT năm 2020, thành phần Hội đồng thẩm định được quy định công khai và tạo điều kiện để nhiều thành phần được tham gia. Các chuyên gia tham gia vào Hội đồng thẩm định các cấp được chọn lựa và phần lớn đều là các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp; chất lượng chuyên gia tham gia hoạt động Hội đồng thẩm định ĐTM có khác nhau giữa các địa phương vì nhiều lý do khác nhau (yếu tố, địa lý, kinh phí...). Theo Luật BVMT năm 2020, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM được thay thế bằng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM.

Đối tượng tham vấn cộng đồng quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do dự án gây ra

Đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả của công tác ĐTM đối với hoạt động đầu tư phát triển

    Trong những năm gần đây, nội dung và chất lượng của báo cáo ĐTM có những tiến bộ nhất định. Nhiều dự án trước khi vận hành chính thức đã được xác nhận thực hiện các công trình BVMT theo yêu cầu của báo cáo ĐTM. Bên cạnh đó, việc giám sát BVMT đối với các dự án trọng điểm đã được tiến hành một cách chặt chẽ. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã được thiết lập từ cấp Trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác ĐTM tại Việt Nam, một số giải pháp được đề xuất bao gồm:

    Thứ nhất, cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng ĐTM của Việt Nam thông qua hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện ĐTM đối với các dự án đầu tư.

    Thứ hai, tiếp tục xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về ĐTM. Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và cơ sở dữ liệu về môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập và thẩm định, quản lý báo cáo ĐTM.

    Thứ ba, xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường góp phẩn triển khai thực hiện tốt Luật BVMT năm 2020.

    Thứ tư, cần sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên quan điểm phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học - kỹ thuật - pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án. Theo đó, từng dự án phải được xem xét kỹ các yếu tố chi phí - lợi ích, chẳng hạn như dự án đó sẽ đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, thu hút được bao nhiêu việc làm, tổn thất môi trường khi hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố. 

    Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về các quy định mới liên quan đến ĐTM trong Luật BVMT năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT. Truyền thông nâng cao nhận thức về ĐTM cho các cơ quan hoạch định chính sách, ra quyết định về chiến lược, quy hoạch, các cơ quan quản lý môi trường và cộng đồng; tăng cường sự hợp tác của các cơ quan có liên quan đối với công tác ĐTM và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập báo cáo ĐTM.

Châu Long

Ý kiến của bạn