Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Hiệu quả bước đầu trong thực hiện Nghị Quyết số 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

24/11/2022

    Nhằm quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết số 120-NQ/CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 28/3/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở/ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với tầm nhìn chiến lược và chủ trương phát triển “thuận thiên”, việc thực hiện Nghị quyết đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, các ngành, được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, hướng đến phát triển bền vững.

    Đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH

    Trên cơ sở Kế hoạch số 96/KH-UBND của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2021, Tỉnh ủy, UBND  tỉnh Tiền Giang tiếp tục ban hành các văn bản thực hiện Nghị quyết số 120-NQ/CP, như: Chỉ số 03-CT/TU ngày 29/6/2021 về việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chung tay BVMT”; Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 11/8/2021 về việc thực hiện Chỉ số 03-CT/TU; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 27/1/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2395/QĐ-UBND ngày 28/10/2020 của Bộ TN&MT về ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ-TTG ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch số 274/KH-UBND ngày 22/9/2021 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

Tập huấn kiến thức về BVMT và thích ứng với BĐKH

    Cũng trong naỉnh đã tổ chức triển khai Luật BVMT năm 2020 theo Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 3/3/2021; Giao Sở TN&MT ký kết liên tịch và hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân; Hội Cựu Chiến binh, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động thực hiện nội dung tập huấn, phổ biến, truyên truyền các quy định của pháp luật về BVMT; Ban hành Công văn số 2413/UBND-KT ngày 24/5/2021 về việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

    Sở TN&MT ban hành Kế hoạch số 2035/KH-STNMT ngày 25/5/2021 về việc tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 3569/STNMT-QLMT ngày 20/9/2021 gửi các địa phương đề nghị triển khai các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, trong đó, tập trung tuyên tuyền trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng và tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn theo đúng quy định.

    Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; Lồng ghép trực tiếp tại các buổi họp ở khu dân cư; sinh hoạt cộng đồng; Tại các ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc..  với 3.125 cuộc, thu hút 162.897 lượt người tham dự. Cùng với đó, tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên (1.461 cuộc, thu hút 61.324 lượt người dự); Nhận và cấp phát trên 12.000 quyển sổ tay công tác BVMT, 47.152 tờ bướm gửi đến Ban Công tác Mặt trận để tuyên truyền đến hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm trong việc BVMT; Phối hợp với ngành Văn hóa đặt 250 panô, 275 băng rôn trên các tuyến đường...

    Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp, lắp pano tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên biển; Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng, khai thác thủy sản theo quy định của Luật BVMT, Luật Thủy sản, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, BVMT, an toàn thực phẩm. Kết quả, từ ngày 1/12/2020 đến nay, ngành đã tổ chức 12 lớp tuyên truyền với 420 lượt người tham dự; lắp đặt 11 pano tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

    Một số dự án về phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH đã thực hiện

    Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ/dự án: Nhiệm vụ “Xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin, duy trì hoạt động hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về môi trường”; “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc xây dựng, thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; “Điều tra, đánh giá phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Tiền Giang”. Các Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Tiền Giang” (Dự án VILG); “Xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu về tài nguyên nước”.

    Các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước cũng được chú trọng. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh năm 2020 và sau năm 2020, tổ chức triển khai đến các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện theo chức năng; Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, cơ bản bảo đảm nguồn tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu về lượng cũng như về chất, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với bảo đảm sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước.

    Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh luôn định hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường đi đôi với kiểm soát, ngăn chặn các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư mạnh vào lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ xử lý chất thải công nghiệp tập trung theo khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, thu hút đầu tư khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Cụ thể:

    + Hệ thống điện mặt trời: Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có điện mặt trời mái nhà (không có dự án điện mặt trời mặt đất). Đến cuối tháng 10/2021, toàn tỉnh có 1.785 tổ chức, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 64.610,75 kWp (trong đó có 1.441 hộ gia đình, hộ kinh doanh với công suất 13.636,14 kWp; 344 tổ chức, doanh nghiệp với công suất 50.974,61 kWp).

    + Dự án Nhà máy điện gió: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có nhà đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng 2 dự án, gồm Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1, công suất 100 MW, ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2, công suất 50 MW, ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Nhà máy này đã đưa vào vận hành thương mại).

    Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH

    Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được một số kết quả nhất định: Sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng cao; Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; Việc triển khai thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” được xem là giải pháp hiệu quả và thành công trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt. Các công trình thủy lợi đã góp phần ổn định sản xuất, giữ vững, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đặc biệt đã chủ động ứng phó với hạn hán xảy ra liên tục trong những năm gần đây, giảm thiểu tác hại của lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn.

Chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng giúp nâng cao năng suất, thích ứng với BĐKH

    Trong lĩnh vực du lịch, Nghị quyết số 120/NQ-CP đã tác động tích cực đến việc đầu tư, phát triển du lịch của toàn tỉnh nói chung, từng địa phương nói riêng. Đây là cơ sở, nền tảng và điều kiện giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh phí đầu tư, nguồn nhân lực cho du lịch, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển bền vững. Ngoài ra, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng thêm các khu, điểm du lịch; đầu tư, tôn tạo các khu di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch; tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa - di tích lịch sử, góp phần gia tăng khách du lịch đến Tiền Giang.

    Tồn tại, hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

    Bên cạnh các kết quả đạt được trong thời gian qua, quá trình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Tiền Giang vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư nhưng thiếu tính đồng bộ, ảnh hưởng đến giao thông, thu hút đầu tư phát triển như: Quốc lộ 50 (đoạn qua Long An, TP. Hồ Chí Minh), đường cao tốc đi ĐBSCL, kênh Chợ Gạo, các tuyến giao thông kết nối nội vùng, liên vùng. Tình trạng xói lở, xâm thực khu vực đê biển nghiêm trọng và sạt lở bờ sông, kênh rạch xảy ra ở nhiều nơi....; Việc triển khai các nhiệm vụ lĩnh vực BĐKH còn bị động do nhu cầu vốn rất lớn nhưng nguồn lực của địa phương và Trung ương hỗ trợ hạn hẹp;

    Ngoại trừ có cụm công nghiệp (CCN) Gia thuận 1 có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) quy mô 1.845 m3/ngày, đêm, các CCN còn lại đang hoạt động vẫn chưa có hệ thống XLNT tập trung. Nguyên nhân một phần do lịch sử để lại, đa phần do các doanh nghiệp đầu tư trong các CCN Trung An, CCN-TTCN Tân Mỹ Chánh, CCN Song Thuận hiện nay đã đầu tư hệ thống XLNT để XLNT đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường (quy định trước đây cho phép) nên việc đầu tư hệ thống XLNT tập trung và thu gom nước thải từ các doanh nghiệp tại các CCN vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau (nhiều doanh nghiệp không đồng ý đấu nối nước thải vào hệ thống XLNT tập trung do đã tự đầu tư hệ thống XLNT đạt quy chuẩn môi trường). Tuy nhiên, khi các CCN không có hệ thống XLNT tập trung sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý về môi trường, đặc biệt là việc kiểm soát xả nước thải tại các CCN này;

    Chưa xây dựng hệ thống XLNT sinh hoạt tập trung cho các khu  đô thị, vì vậy nước thải sinh hoạt đô thị theo hệ thống cống dẫn ra hệ thống sông, rạch, kênh mương. Đây là nguồn xả thải lớn ảnh hưởng chất lượng nước mặt;

    Hiện nay, việc ô nhiễm môi trường do rác thải trên các trục lộ giao thông, các kênh mương vẫn còn diễn ra; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt của một số đơn vị cấp xã còn thấp; Vẫn có tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ... Nguyên nhân do ý thức BVMT của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; Điều kiện hạ tầng, kỹ thuật cho công tác thu gom, xử lý rác thải tại một vài địa phương chưa đáp ứng yêu cầu;

    Về du lịch, năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch tỉnh nhà, gây tổn thất nặng nề đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khu điểm du lịch, hộ dân tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Do vậy, việc triển khai một vài dự án còn chậm so với tiến độ, hoặc dời sang năm 2022…

    Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, một chủ trương được xem có tác động rất lớn và tích cực trong phát triển vùng ĐBSCL trong nhiều thập kỷ,  thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

    Đẩy mạnh triển khai, quán triệt Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; Chỉ đạo các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 28/3/2019 về thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, đảm bảo quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đã đề ra;

    Tiếp tục tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng gắn với định hướng phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh. Tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng sinh thái;

    Xây dựng Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH và điều kiện cụ thể của tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, trong đó xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: cây ăn quả - thủy sản - lúa gạo gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi cây ăn quả là sản phẩm chủ lực;

    Bên cạnh đó, cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển Vùng ĐBSCL và tiểu vùng sinh thái Đồng Tháp Mười; Triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp nông thôn; Tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, BVMT sinh thái; Tập trung thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình như theo dõi chặt chẽ nhằm dự báo, đánh giá đúng mức tình hình, khả năng xâm nhập mặn để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó có hiệu quả; Thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ sinh học trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ của ngành; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

    Từ thực tế những thuận lợi, khó khăn của địa phương, để thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu triên, địa phương kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào vùng ĐBSCL đối với các dự án thích ứng, ứng phó với BĐKH; Ưu tiên phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân, liên kết giữa các ngành, địa phương; Tập trung ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh; Cụ thể hóa việc thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, BĐKH, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững... vào khung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Quy định một số mục tiêu chính cần phải bắt buộc thực hiện, theo dõi, đánh giá, thống kê đầy đủ hàng năm và thể hiện trong báo cáo, Niên giám thống kê hàng năm. Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung của các đô thị do đây là những công trình cần nguồn kinh phí rất lớn; Sớm phân bổ nguồn vốn cho tỉnh thực hiện các dự án, công trình, nhiệm vụ đã được phê duyệt trong Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH thuộc nguồn vốn của Trung ương.

    Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có thể nói, tỉnh đang phát triển theo hướng “thuận thiên” để thích ứng với BĐKH, biến thách thức thành thời cơ để phát triển bền vững. Nhiều giải pháp phi công trình được triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn... Mặc dù quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, nhưng với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt và sáng tạo của các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng Tiền Giang sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong việc đưa Nghị quyết số 120/NQ-CP vào cuộc sống.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn