Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/07/2024

Hiện trạng và giải pháp tăng cường quản lý đất ngập nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đồng bằng sông Hồng

10/07/2024

Tóm tắt

    Đất ngập nước (ĐNN) là hệ sinh thái rất đa dạng phong phú, có nhiều giá trị về kinh tế - văn hóa - xã hội, là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển KT-XH. Trong thời gian vừa qua, các hoạt động phát triển KT-XH đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, sử dụng, bảo tồn ĐNN tại nhiều địa phương, trong đó có vùng ven biển đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Bằng phương pháp tổng quan, phân tích tài liệu, khảo sát một số hệ sinh thái ĐNN ở các tỉnh thuộc vùng ĐBSH, bài viết phân tích hiện trạng sử dụng ĐNN gắn với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH, trên cơ sở đó đã đề xuất một số giải pháp quản lý ĐNN gắn với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH.

Từ khóa: Đất ngập nước, kinh tế- xã hội, đồng bằng sông Hồng.

Ngày nhận bài: 2/5/2024. Ngày sửa chữa: 4/6/2024. Ngày duyệt đăng: 19/6/2024.

CURRENT STATUS AND SOLUTIONS TO STRENGTHEN WETLAND MANAGEMENT IN ASSOCIATION WITH SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT IN THE COASTAL AREAS OF THE RED RIVER DELTA

Abstract

    Wetlands are a very diverse and rich ecosystem with many economic, cultural, and social values and are an important resource for socio-economic development. In recent years, socio-economic development activities have been seriously affecting the management, use, and conservation of wetlands in many localities, including the coastal area of the Red River Delta. Through methods of overview, document analysis, and survey of some wetland ecosystems in the provinces of the Red River Delta, the article analyzes the current status of wetlands use in association with the socio-economic development of the coastal region of the Red River Delta. On that basis, some solutions for the management of wetlands in conjunction with the socio-economic development of the coastal region of the Red River Delta have been proposed.

Keywords: wetlands, socio-economic, red river delta.

JEL Classification: O44, P48, R28

1. Mở đầu

    Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước (ĐNN) phân bố rộng khắp các vùng sinh thái (Trần Ngọc Cường, 2019), trong đó hai vùng là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có diện tích ĐNN lớn nhất. Nhiều vùng ĐNN được xác định có giá trị bảo tồn cao (nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên và nhiều khu đã công nhận là khu Ramsar), cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và BVMT. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (năm 1989).

    Vùng ĐBSH bao gồm 11 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Khu vực ĐNN vùng ven biển ĐBSH được đánh giá có mức ĐDSH cao, đặc biệt là rừng ngập mặn (RNM), bãi triều và vùng nước cửa sông là các hệ sinh thái (HST) đặc thù, quan trọng của địa phương và quốc gia; thành phần loài sinh vật đa dạng bao gồm cả các nhóm nước ngọt, nước lợ và biển. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ cần ưu tiên bảo vệ, nhiều loài có giá trị khoa học và kinh tế.

    Tuy nhiên, các hoạt động phát triển KT-XH đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, sử dụng, bảo tồn ĐNN. Trong bối cảnh hiện nay, ĐNN vùng ven biển ĐBSH đang chịu sức ép rất lớn bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và những tác động của BĐKH. Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp ven biển đang gia tăng nhanh chóng ở khu vực này. Mỗi tỉnh trong vùng đều có những chiến lược/kế hoạch phát triển kinh tế ven biển như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình ở huyện Thái Thụy (Thái Bình), KCN Dệt may Rạng Đông ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)... đã và đang có nguy cơ đe doạ môi trường sinh thái ven biển (Cục BVMT, 2006). Đặc biệt, trong những năm gần đây, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến khu vực ven biển vùng ĐBSH, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các HST ĐNN, làm suy giảm ĐDSH ở khu vực. Theo báo cáo của Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, nước biển dâng (NBD) cùng với triều cường làm cho rừng phi lao bị ngâm nước nhiều giờ trong ngày đã không thể thích ứng kịp nên đã bị chết đứng hàng loạt. Một số loài động thực vật thuỷ sinh khác cũng chịu tác động của sự thay đổi của mực nước biển khiến cho tập tính và sinh trưởng của loài không ổn định cũng như không đạt được năng suất sinh học... Do đó, nếu không kịp thời có những giải pháp để quản lý ĐNN vùng ven biển ĐBSH thì các HST ĐNN ven biển có thể sẽ bị suy thoái, kèm theo đó là các loài sinh vật nguy cấp, có giá trị khoa học và giá trị kinh tế bị suy giảm và khó có khả năng phục hồi. Do tính chất phức tạp và đa dạng của các loại ĐNN ở vùng ĐBSH, cũng như tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của vùng nên bài viết phân tích hiện trạng sử dụng ĐNN và mối quan hệ với phát triển KT - XH vùng ven biển ĐBSH, từ đó đề xuất giải pháp quản lý ĐNN gắn với phát triển KT - XH vùng ven biển ĐBSH.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    Đối tượng của nghiên cứu là vấn đề quản lý ĐNN và mối quan hệ với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu thứ cấp từ các báo cáo khoa học của các đề tài nghiên cứu các cấp, các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín…; một số số liệu mang tính chất dẫn chứng, minh họa được dẫn lại từ các trang thông tin điện tử, báo điện tử chính thức. Đồng thời, sử dụng kết quả khảo sát thực tế một số vùng ĐNN tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình. Đây cũng là những tỉnh điển hình có đầy đủ các loại hình ĐNN quan trọng vùng ven biển ĐBSH là đất lúa nước, đất nuôi trồng hải sản và đất RNM. Tại Nam Định, đề tài đã tiến hành nghiên cứu tại khu vực ĐNN thuộc huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực Ramsar Xuân Thủy, vừa đặc trưng cho RNM vừa có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của người dân cần được bảo tồn và phát triển. Tại Thái Bình, khảo sát tại khu vực ĐNN thuộc huyện Thái Thụy, nơi đây có dải RNM với diện tích khoảng 3.500 ha có tác dụng lớn trong phòng hộ đê biển, điều hòa khí hậu và có giá trị lớn về cảnh quan môi trường, bảo tồn HST ĐNN ven biển. Cả hai vùng ĐNN này đều có ĐDSH cao và có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc khai thác, sử dụng và quản lý ĐNN ven biển.

    Tại mỗi tỉnh, đã thực hiện phỏng vấn sâu 10 người, bao gồm Lãnh đạo và cán bộ các Sở ban ngành liên quan như: Sở TN&MT; Sở NN&PTNT; UBND huyện, xã và một số hộ gia đình sống ở khu vực ven biển có sử dụng ĐNN.

3. Một số đặc điểm HST ĐNN vùng ĐBSH

    Theo bản đồ ĐNN của vùng cửa sông ĐBSH tỷ lệ 1/100.000 (Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam bộ và Hội khoa học Đất Việt Nam, 2004 - Phụ lục C1), diện tích ĐNN ở vùng này là 229.762 ha (chiếm 76,01% diện tích tự nhiên), phân bố chủ yếu ở các cửa sông Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Ba Lạt, Lạch Giang, cửa Đáy (Bảng 1). Vùng ĐBSH có giá trị đa dạng sinh học phong phú với nhiều loài quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế. Nơi đây là bến đỗ của 200 loài chim quý, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng... Vùng còn có sinh cảnh đặc sắc là những cánh RNM rộng hàng ngàn ha, đầm lầy mặn, bãi bồi ven biển và cửa sông như: Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Mờ, Cồn Xanh...  RNM nơi đây cũng cung cấp nguồn lợi thủy sản phong phú cùng với 500 loài động thực vật thủy sinh, cỏ biển và nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng... Thành phần các loài thủy, hải sản của vùng đa dạng và phân bố rộng, có những nhóm sinh vật biển đặc trưng cho biển nhiệt đới. Tuy nhiên, số lượng cá thể của mỗi loài không lớn như ở các vùng ôn đới. Vùng ĐBSH có đa dạng HST như HST vùng triều cửa sông, HST RNM, HST bãi triều không có RNM… tạo nên tính đa dạng của các loài sinh vật (Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, 2023).

Bảng 1. Một số đặc điểm HST ĐNN vùng ĐBSH

ĐNN vùng cửa sông Văn Úc

Đặc điểm

Diện tích bãi bồi ven biển Hải Phòng là 17.000 ha, diện tích có RNM 11.000 ha, diện tích chưa có RNM 1.000 ha, đầm nuôi thủy sản nước lợ 5.00 ha.

RNM

50 loài thuộc 28 họ

Chủ yếu là loài bần chua, ngoài ra có trang, sú, ô rô biển, mắn biển, giá, cói

Các loài động, thực vật

Có 185 loài thực vật phù du, 306 loài động vật đáy, 90 loài cá, 5 loài bò sát và 37 loài chim, trong đó có các loài chim nước thường gặp như vịt trời, chim lặn, sâm cầm, cốc đế, gà lôi nước, gà nước.

Các loài chim dư cư

Các loài chim nước thường gặp như: Vịt trời, chim lặn, sâm cầm, cốc đế, gà lôi nước, gà nước.

Kinh tế địa phương

Người dân ở đây sống chủ yếu nhờ nuôi trồng thủy sản

ĐNN cửa sông Thái Bình – Trà Lý

 Đặc điểm

Vùng cửa sông điển hình, bãi triều được hình thành do sự bồi đắp phù sa hàng năm với tốc độ khá nhanh. Diện tích bãi triều là 11.409 ha, trong đó diện tích có khả năng trồng RNM là 6.775 ha

RNM

Diện tích rừng ngập mặn là 3.388 ha, với 52 loài thuộc 48 chi và 26 họ. Các loài chủ yếu là loài bần chua, trang, sú, giá, mắm quăn

Các loài động, thực vật

170 loài tảo, 108 loài động vật phù du, 37 loài động vật đáy, 152 loài cá, trong đó bộ cá vược, bộ cá trích và bộ cá bơn có số loài nhiều nhất

Các loài chim đặc hữu

Có loài cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, bồ nông, bồ nông chân xám, cò quắm đầu đen.

Kinh tế địa phương

Cộng đồng dân cư địa phương sống chủ yếu nhờ chăn thả vịt, nuôi thủy sản, đánh bắt cá và khai thác cát.

ĐNN cửa sông Ba Lạt (Tiền Hải – Giao Thủy)

Đặc điểm

Diện tích RNM 6.008 ha và diện tích bãi bồi 25.934 ha. Bãi triều được bồi đắp do phù sa hàng năm với tốc độ tương đối nhanh (26-67m/năm)

RNM

Thực vật ngập mặn có 95 loài, các loài phổ biến là bần chua, trang, mắm quăn, cóc kèn, mắm biển.

Các loài động, thực vật

Có 180 loài tảo, 165 loài động vật phù du, 200 loài động vật đáy, 56 loài cá thuộc 29 họ, 6 loài động vật có vú và 181 loài chim nước trong đó nhiều nhất là các loài của hộ sẻ

Các loài quý hiếm và đang bị nguy hiểm

Trong đó có 3 loài quý hiếm: rái cá, cá heo và cá đầu ông sư và có 9 loài được ghị vào Sách đỏ quốc tế. 

Nguồn: Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT) (2023)

4. Hiện trạng sử dụng ĐNN gắn với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH

    ĐBSH là vùng sản xuất lúa nước lớn thứ 2 của nước ta, sau vùng ĐBSCL. Đây cũng là vùng có diện tích ĐNN lớn, với nhiều kiểu HST khác nhau bao gồm: Đất trồng lúa nước; sông ngòi, hồ ao; các diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS); vùng nước cửa sông ven biển và vùng nước nông ven biển... Tuy nhiên, trong đó chỉ có một số một số loại ĐNN được xác định là có vai trò quan trọng và được quản lý chặt chẽ trong mối quan hệ đối với sự phát triển KT - XH trong vùng, đó là: Diện tích đất sử dụng cho trồng lúa nước, đất NTTS và RNM (Bảng 2).

Bảng 2. Diện tích các loại hình ĐNN phân bố ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSH,

TT

Tỉnh

Quảng Ninh

Hải Phòng

Thái Bình

Nam Định

Ninh Bình

1

Đất trồng lúa (nghìn ha)

31,4

56,8

151,6

143,0

71,2

2

Đất nuôi trồng thủy sản (nghìn ha)

29,0

11,0

16,1

14,8

14,4

3

Rừng ngập mặn (ha)

19.300

2,596.08

3,201.77         

2,568.29

633,25

Nguồn: [13,14,15,16]

3.1. Đất trồng lúa

    Trong sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước là hoạt động sản xuất có từ lâu của cư dân vùng ĐBSH. Sản xuất lúa gạo có vai trò đặc biệt đối với sinh kế nói chung và bảo đảm an ninh lương thực nói riêng ở ĐBSH. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích lúa nước của vùng giảm dần, do chủ trương chung của Nhà nước đang chuyển đổi dần một phần diện tích lúa nước sang gieo trồng một số cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Cơ cấu kinh tế của vùng cũng chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Mặc dù, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản đang có xu hướng giảm nhưng nông nghiệp vẫn là sinh kế quan trọng nhất của cư dân ven biển ĐBSH. Đây là khu vực trọng điểm về lương thực - thực phẩm thứ hai của cả nước, trong đó Nam Định và Thái Bình là các tỉnh có đóng góp quan trọng.

    Sự phát triển của nông nghiệp đã và đang thu hút lực lượng lao động lớn tại các khu vực ven biển. Điều đặc biệt là ở ngay các xã giáp biển thì tỷ lệ lao động làm nông nghiệp (dù là sinh kế chính hay sinh kế bổ sung) đều rất lớn. Nguyên nhân ở khu vực này có đường bờ biển bị lõm vào, cộng thêm nhiều sông và cửa sông nên người dân cải tạo thành đồng ruộng để cấy lúa. Mặc dù vậy, thiếu đất canh tác luôn là khó khăn trong phát triển kinh tế cho người dân ở khu vực này. Thống kê cho thấy, tính trên cả nước thì mỗi ha đất canh tác nông nghiệp có 2,7 lao động và nuôi 6,4 người thì ở vùng ven biển ĐBSH là 6,2 lao động và nuôi 15,7 người. Ở các vùng thuần nông canh tác lúa nước thì đất sản xuất nông nghiệp chỉ khoảng 111 m2/người (Trần Ngọc Cường, 2019).

3.2. Đất nuôi trồng thủy sản

    Trong những năm qua, do hiệu quả kinh tế cao nên diện tích của NTTS ở các tỉnh ven biển ĐBSH có xu hướng tăng khá nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sau năm 2016 (Hình 1).

Hình 1. Diện tích nuôi trồng thủy sản các tỉnh ven biển ĐBSH giai đoạn 2014-2022

(Nguồn. Tổng cục thống kê và tổng hợp của tác giả, 2022)

    Trong các tỉnh vùng ven biển ĐBSH, Quảng Ninh là tỉnh có diện tích NTTS lớn nhất, tiếp theo là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và ít nhất là Hải Phòng. Diện tích NTTS tăng nhanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến HST ĐNN. Các mối đe dọa chính đối với ĐNN là (1) làm giảm diện tích ĐNN và ranh giới các vùng nước do việc cải tạo đất thành các ao NTTS; (2) làm mất RNM dẫn đến phá hủy ĐDSH và sinh cảnh sinh sản của các loài thủy sinh và các loài chim; (3) ô nhiễm từ chất thải NTTS dẫn đến suy giảm chất lượng nước; (4) tăng trầm tích do làm giảm tốc độ dòng chảy và dẫn đến giảm khả năng hòa tan của nước.

3.3. Rừng ngập mặn

    RNM đóng vai trò quan trọng phát triển KT-XH, bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão và điều hòa khí hậu của vùng ĐBSH. RNM không chỉ cung cấp các lâm sản có giá trị kinh tế mà còn cung cấp nguồn thức ăn cho các loài thủy sản, là nơi cư trú cho các loài sinh vật khác. HST RNM có năng suất sinh học rất cao, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản.

    HST RNM vùng ĐBSH được phân bố ở vùng cửa sông, ven biển - nơi có thủy triều lên xuống hàng ngày - tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình. Các loài động thực vật phân bố ở RNM thường là các loài chim, động vật thủy sinh, thú quý hiếm (cá sấu nước lợ, khỉ đuôi dài …). Đặc biệt, các giống tôm, cua, cá trong RNM rất phong phú, sản lượng đánh bắt hàng năm cao. Thực vật ở RNM trong vùng chủ yếu là các loài bần chua, trang, Mắm, Sú, Vẹt… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, RNM cũng đã và đang bị phá hủy do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trong nhất là do khai thác tài nguyên RNM, chuyển đổi sang nuôi trồng hải sản... Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều biện pháp bảo vệ và trồng bổ sung hàng năm, nhưng diện tích RNM vẫn liên tục biến đổi theo xu hướng giảm dần.

    Quảng Ninh là tỉnh có diện tích RNM lớn nhất trong vùng phân bố ở tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh, bao gồm Quảng Yên, Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Cô Tô. Tiếp theo là các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình. Theo một số nghiên cứu thì trữ lượng các bon thu được từ RNM ở Quảng Ninh cao hơn hẳn so với RNM của các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình. Trữ lượng các-bon trung bình ước đạt 3,1 triệu tấn với tốc độ tăng trưởng sinh khối 0,35 triệu tấn/năm (Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh, 2020).

    Các hoạt động phát triển KT- XH trong sử dụng bền vững RNM vùng ĐBSH, bao gồm: Bảo vệ nghiêm ngặt HST RNM và môi trường sống của loài động, thực vật hoang dã quý, hiếm; kiểm soát tham quan, du lịch dưới mọi hình thức; nghiêm cấm các hoạt động, cụ thể: du nhập sinh vật ngoại lai xâm hại đến môi trường và ĐDSH; xâm hại khu RNM ven biển, gây ảnh hưởng xấu đến nơi cư trú, sinh sản của các loài; làm xói lở bờ kênh, mương, ao, hồ, lạch triều; tháo khô các kênh nước, ao hồ nơi sống của loài chim di cư..; tăng cường trồng rừng và tạo sinh thái cảnh quan trên các bãi triều.

5. Các giải pháp quản lý ĐNN gắn với phát triển KT-XH vùng ven biển ĐBSH

    Việc phát triển KT-XH tại khu vực ĐNN ven biển mang lại những giá trị tích cực cho người dân nhưng bên cạnh đó cũng mang lại những tác động tiêu cực đến vùng ĐNN vùng ĐBSH. Vì vậy, cần có những chính sách trong quản lý ĐNN vùng ĐBSH.

    Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và thống nhất đầu mối quản lý ĐNN: Nhà nước cần ban hành các văn bản về quản lý ĐNN, cụ thể như:  Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng ĐNN giai đoạn 2021 - 2030; ban hành và phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, phục hồi, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN quan trọng; xây dựng hướng dẫn về chi trả dịch vụ HST ĐNN và phương án chia sẻ lợi ích tại các vùng ĐNN quan trọng nhằm đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ HST ĐNN; ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý các KBT ĐNN, khu Ramsar và vùng ĐNN quan trọng nằm ngoài KBT; lồng ghép nội dung bảo tồn và sử dụng bền vững vùng ĐNN quan trọng vào quy hoạch quốc gia về ĐDSH và quy hoạch tỉnh; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát thực thi luật pháp về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN quan trọng trên toàn quốc.

    Các tỉnh vùng ĐBSH nằm trong Khu dữ trữ sinh quyển ĐBSH cần ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH theo hướng thống nhất đầu mối quản lý, phân công và phối hợp hoạt động giữa Sở TN&MT và Sở NN&PTNT; củng cố, rà soát, sắp xếp lại tổ chức và phân công trách nhiệm của hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH từ tỉnh, huyện, xã; xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý các vùng ĐNN quan trọng, sinh cảm liên kết của khu vực.

    Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý và nguồn lực cho quản lý ĐNN: Cần tăng cường năng lực quản lý ĐNN cho cán bộ chuyên môn về ĐDSH và ĐNN thông qua việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tại các trường đại học, viện nghiên cứu...; xây dựng các chương trình tập huấn về quản lý ĐNN cho các lực lượng chuyên ngành, đặc biệt là lực lượng quản lý bán chuyên trách tại cấp huyện, cấp xã; tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác quản lý ĐDSH và quản lý ĐNN. Hàng năm, xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước từ các nguồn sự nghiệp như: khoa học công nghệ, BVMT, kinh tế, hành chính, đào tạo, đầu tư phát triển cho việc thực hiện các nội dung có liên quan đến quản lý ĐNN. Huy động nguồn ngân sách từ các chương trình bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển RNM, từ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH.

    Cần sớm hoàn thành quy hoạch hệ thống các KBT ĐNN; thực hiện kiểm kê các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế của vùng ĐBSH theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, tiến tới xây dựng các dự án đầu tư cho công tác bảo tồn ĐNN trong vùng.

    Thực hiện xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch bảo tồn, cụ thể là kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức, các hội và cá nhân; kết hợp thực hiện hình thức quản lý ĐNN gắn với bảo tồn và phát triểu du lịch sinh thái; thu hút các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ vui chơi giải trí phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học tại các KBT/VQG.

    Thứ ba, hoàn thiện công tác kiểm kê đánh giá toàn diện về thực trạng và tiềm năng, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐNN: Kiểm kê và đánh giá thực trạng tiềm năng của các vùng ĐNN quan trọng cho phát triển KT-XH có ý nghĩa rất lớn nhằm sử dụng bền vững các vùng ĐNN ở vùng ĐBSH. Các vùng ĐNN phải được thống kê, kiểm kê và công bố theo quy định của pháp luật về đất đai; pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Điều tra, đánh giá các vùng ĐNN là cơ sở để đánh giá và xác lập cơ chế bảo tồn và sử dụng bền vững.

    Đặc biệt là xác định được các chức năng, dịch vụ HST cơ bản; các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, các mối đe dọa, hình thức bảo tồn và sử dụng vùng ĐNN. Đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng ĐNN cho phát triển KT-XH của địa phương ven biển.

    Thứ tư, thúc đẩy quản lý và sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN vùng ĐBSH: Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan (chính quyền từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước,cộng đồng) trong thực hiện quản lý và sử dụng khôn khéo ĐNN, như quản lý các bãi triều, vùng nuôi ngao, vạng, các đầm NTTS trong khu vực; triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết BVMT đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất xung quanh khu vực ĐNN, đặc biệt là việc xả chất thải ra môi trường; hướng dẫn cộng đồng địa phương, đặc biệt các xã vùng đệm về các vấn đề vệ sinh môi trường, yêu cầu các hộ gia đình nghiêm túc chấp hành các quy định BVMT khu vực.

    Huy động sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ RNM tại các khu vực ĐNN; thực hiện ký cam kết với các hộ gia đình đang có các hoạt động khai thác, NTTS trong khu vực ĐNN, bảo vệ các loài chim di trú và các loài động vật hoang dã trong khu ĐNN; hướng dẫn cho cộng đồng địa phương sử dụng hợp lý tài nguyên trong khu vực ĐNN, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan và thúc đẩy hoạt động quản lý ĐNN dựa vào cộng đồng.

    Thứ năm, quản lý hiệu quả vùng trồng lúa nước: Cần hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn để tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh, có sự tham gia của doanh nghiệp trong liên kết sản xuất (bao gồm cả cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm…). Quy mô cánh đồng đạt từ 30 - 50 ha.

    Áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới (gieo thẳng, gieo mạ khay, cấy bằng máy, hàng rộng hàng hẹp, thu hoạch bằng máy, làm đất bằng máy đa năng công suất lớn...) vào sản xuất lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí.

    Thứ sáu, quản lý các vùng ĐNN cho NTTS: Các tỉnh ven biển ÐBSH là khu vực thuận lợi trong giao thương, có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa. Tuy nhiên, NTTS cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường rất lớn, đặc biệt là môi trường đất và nước. NTTS cũng có ảnh hưởng đến các khu RNM ven biển và có nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường vốn có trong vùng. Do vậy, NTTS cũng cần có quy hoạch và tính toán hợp lý, vừa bảo đảm phát huy thế mạnh của từng vùng ĐNN, vừa không có những tác động xấu đến môi trường và phá vỡ cảnh quan môi trường địa phương.

    Việc phát triển NTTS cần phải được tính toán hợp lý để bảo đảm quá trình sản xuất, kinh doanh để có hiệu quả cao. Quy hoạch bảo vệ và khai thác bền vững các bãi giống ngao, cua, tôm tự nhiên. Vận động, tuyên truyền nông dân, ngư dân làm tốt công tác cải tạo ao, đầm, bảo vệ và xử lý môi trường ở các vùng nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh. Tăng cường kiểm soát việc lưu thông và sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh và chế phẩm sinh học trong NTTS nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản.

    Thứ bảy, quản lý RNM: Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng RNM để chỉ ra nơi nào, khi nào và loại tài nguyên gì cần được bảo vệ nghiêm ngặt, vùng nào sử dụng cho du lịch sinh thái. Công tác quy hoạch cần thực hiện với sự tham gia của nhiều ngành trên cơ sở những nhận thức khách quan, đánh giá toàn diện và tầm nhìn trong tương lai.

    Ngoài ra, cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững HST RNM. Cần thiết có nghiên cứu về sự phụ thuộc của các cộng đồng dân cư địa phương đối với các nguồn tài nguyên của RNM. Đánh giá những tác động của các dự án phát triển và các chính sách đối với các cộng đồng dân cư địa phương...

6. Kết luận

    Vùng ven biển ĐBSH có diện tích ĐNN khá lớn và đa dạng về các loại ĐNN, hiện nay hầu hết các diện tích ĐNN này đã và đang được sử dụng cho các quá trình sản xuất khác nhau. Những loại ĐNN có đóng góp quan trọng trong sinh kế và phát triển KT-XH của vùng ĐBSH bao gồm: Đất lúa nước, đất NTTS và RNM.

    Việc quản lý tốt các vùng ĐNN này sẽ có vai trò to lớn để duy trì tính bền vững và khả năng cung cấp các dịch vụ HST ĐNN, trước hết là bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp phát triển kinh tế trong vùng. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm và suy thoái các vùng ĐNN ở Việt Nam do quá trình sử dụng và quản lý không hiệu quả các vùng ĐNN, bao gồm sự chuyển đổi hoàn toàn và phân mảnh các vùng ĐNN, cũng như thay đổi HST do ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức các loài sinh vật và tài nguyên nước đã gây ra những tác động lên ĐDSH ĐNN trong trung hạn và dài hạn.

    Hiện nay, vấn đề quản lý các vùng ĐNN ven biển ĐBSH cũng được Nhà nước và các địa phương rất chú ý. Tuy nhiên, công tác quản lý ĐNN vùng ven biển còn tồn tại như: Sự thiếu rõ ràng về quyền hạn, vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ĐNN; Vấn đề quản lý ĐNN nằm rải rác trong các chính sách và văn bản; Hạn chế về nguồn lực phục vụ công tác quản lý ĐNN; Nhận thức về tầm quan trọng của quản lý ĐNN.

    Để quản lý và sử dụng hợp lý ĐNN ven biển vùng ĐBSH, cần có các nghiên cứu cụ thể cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và các chính sách quản lý cần được hoạch định gắn liền với chiến lược phát triển KT-XH của từng vùng cụ thể.

Nguyễn Song Tùng

 Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Trần Ngọc Cường (2019), Tăng cường hiệu quả quản lý và phát triển bền vững các vùng ĐNN”, Tạp chí Môi trường số 8/2019.

2. Cục BVMT (2006), Hệ thống phân loại ĐNN Việt Nam”.

3. Cục BVMT (2006), Điều tra, đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn ĐNN có ý nghĩa quốc tế, quốc gia”.

4. Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT) (2023)

5. Https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_d%E1%BB%B1_tr%E1%BB%AF_sinh_quy%E1%BB%83n_ch%C3%A2u_th%E1%BB%95_s%C3%B4ng_H%E1%BB%93ng.

6. Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (2021), “Đánh giá nguy cơ, mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái ven biển”.

7. Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) (2019), “Cơ hội và thách thức đối với quản lý RNM tại Việt Nam - Bài học từ các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình và Quảng Ninh”.

8. Cục Thống kê tỉnh Nam Định (2020), Niên giám Thống kê tỉnh Nam Định 2019, Nhà xuất bản Thống kê.

9. Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình (2020), Niên giám Thống kê tỉnh Ninh Bình 2019, Nhà xuất bản Thống kê.

10. Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh (2020), Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ninh 2019, Nhà xuất bản Thống kê.

11. Cục Thống kê tỉnh Thái Bình (2020), Niên giám Thống kê tỉnh Thái Bình 2019, Nhà xuất bản Thống kê.

12. Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2020), Niên giám Thống kê thành phố Hải Phòng 2019, Nhà xuất bản Thống kê.

13. Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, Ninh Bình (2022) Báo cáo Kết quả thực hiện dự án trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng.

14. Phạm Hoạch (2024)Quảng Ninh: Sinh kế dưới tán rừng ngập mặn“ Báo Điện tử của Bộ Tài nguyên và môi trường ngày 29/02/2024; https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-ninh-sinh-ke-duoi-tan-rung-ngap-man-370292.html

15. Hệ thống quản lý và giám sát tài nguyên rừng Việt Nam (2020), Biểu 5: Tổng hợp diện tích rừng ngập mặn phân theo đơn vị hành chính. https://rungngapman.ifee.edu.vn/ThongKeBaoCao/Index

16. Tổng cục thống kê (2022), Số liệu diện tích đất trồng lúa cả năm và diện tích đất mặt nước nuôi trồng thủy sản phân theo địa phương, https://www.gso.gov.vn.

Ý kiến của bạn