Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà

16/04/2024

    Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN). Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định, phê duyệt ban hành ngày 15/5/2023 cũng đề cập đến nguồn ĐMTMN, trong đó, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia), đặc biệt là nguồn ĐMT tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Việc các dự án ĐMTMN đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng đối với đất nước và hệ thống điện quốc gia.

    1. Hiện trạng ĐMTMN ở Việt Nam

    1.1. Hiện trạng

    Tính đến ngày 31/12/2023, các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực đang thực hiện Hợp đồng mua bán ĐMTMN với các tổ chức, cá nhân tại 103.509 hệ thống ĐMTMN, công suất khoảng 9.595.853 kWp, được lắp đặt theo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020-QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ, tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia trong năm 2023 là 11,135 tỷ kWh, chiếm 3,97% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống, cụ thể:

    Các hệ thống ĐMTMN đã ký hợp đồng PPA với EVN năm 2023

STT

Đơn vị

Tổng số dự án/hệ thống ĐMTMN

Tổng công suất đặt (kWp)

Tổng sản lượng bán cho EVN (kWh)

Sản lượng trung bình 1 kWp bán cho EVN /năm

Tỷ lệ lệ % theo công suất đặt

Tỷ lệ % theo sản lượng bán cho EVN

 

 

 

 

 

 

 

EVN

103.509

9.595.853

11.135.338.198

        1.160,43

 

 

 

 

1

EVNNPC

8.703

582.381

513.256.724

           881,31

       6,07

         4,61

 

 

2

EVNSPC

53.701

5.559.869

6.569.559.245

        1.181,60

     57,94

       59,00

 

 

3

EVNCPC

24.935

3.066.389

3.761.801.769

        1.226,79

     31,96

       33,78

 

 

4

EVNHANOI

2.088

33.350

17.879.217

           536,11

       0,35

         0,16

 

 

5

EVNHCMC

14.082

353.864

272.841.243

           771,03

       3,69

         2,45

 

 

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của EVN tháng 1/2024

    Các hệ thống ĐMTMN trên đều được lắp đặt, nghiệm thu và ký hợp đồng mua bán điện với EVN/đại diện của EVN trước thời điểm áp dụng biểu giá mua điện (FIT) 2 hết hiệu lực (ngày 31/12/2020).

    Sản lượng điện EVN mua từ hệ thống ĐMTMN năm 2023

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo của EVN tháng 1/2024

    Mặc dù cơ chế mới cho ĐMT vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành nhưng từ năm 2021 đến nay vẫn có nhiều hệ thống ĐMTMN được lắp đặt sử dụng theo tiêu chí “tự sản tự tiêu”: Theo thống kê sơ bộ, tính đến tháng 7/2023 có khoảng 1.030 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất khoảng 399,96 MWp đã được các tổ chức cá nhân lắp đặt (chủ yếu là các Công ty TNHH, khu công nghiệp) với mục đích tự dùng tại chỗ có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của EVN (những hệ thống này sử dụng Thiết bị chống phát ngược -Zero Export). Các hệ thống lớn cơ bản được thống kê như sau:

Thống kê các hệ thống ĐMTMN lắp đặt sau năm 2020

TT

Tỉnh/Thành phố

Số lượng hệ thống

Tổng Công suất lắp đặt (kWp)

Ghi chú

 

Ở miền Nam

 

1

Hồ Chí Minh

429

        27.610,00

80% số hệ thống lắp đặt tại hộ gia đình

2

Gia Lai

14

          1.564,34

Chủ yếu là công ty thương mại

3

Cà Mau

6

             818,85

Công ty, phòng Công an tỉnh, chùa Phật Quang

4

Sóc Trăng

11

          1.198,41

Chủ yếu là công ty, nhà hàng

5

Đồng Tháp

3

          2.390,24

Các công ty TNHH

6

Cần Thơ

11

        11.571,10

Các công ty TNHH

7

Quảng Ngãi

7

          3.459,64

Công ty cổ phần, Khách sạn

8

Long An

2

        27.100,00

Công ty TNHH

9

Bến Tre

4

          5.212,00

Công ty cổ phần, Công ty TNHH

10

Đã Nẵng

32

        15.350,84

Các công ty TNHH, dịch vụ

11

Khánh Hòa

45

          3.155,64

5 công ty TNHH = 2.846 kWp+ nhà dân

12

Ninh Thuận

7

          1.607,42

Các công ty TNHH, 4 nhà dân (186kWp)

13

Bạc Liêu

2

          1.039,12

Công ty TNHH, nhà dân 3,12kWp

14

Bình Phước

4

          4.030,67

Công ty NNHH, 2 nhà dân = 17,67 kWp

15

Bà Rịa- Vũng Tầu

42

             520,08

 

 

Ở Miền Bắc

 

1

Hà Nội

80

        32.018,00

Chủ yếu là tại nhà xưởng khu công nghiệp

2

Thái Bình

14

        15.836,23

 Của Công ty, 1 của Bệnh viên (29,93kWp)

3

Bắc Ninh

14

        12.821,84

Các Công ty TNHH

4

Vĩnh Phúc

114

        16.218,67

Công ty HonDa và Toyota hơn 6.000 kWp, một số công ty CP trong KCN

5

Hà Nam

11

        23.037,00

Các Cty TNHH trong khu CN

6

Ninh Bình

1

          3.800,00

 

7

Nam Định

23

          2.781,81

5 nối trung áp 18 nối hạ áp, thiếu hồ sơ pháp lý

8

Hải Dương

16

        18.179,00

Các công ty TNHH, sân gôn…

9

Nghệ An

19

        19.199,46

Các công ty TNHH, công ty Cổ phần

10

Phú Thọ

1

          1.144,00

Lắp đặt trên mái Trung tâm thương mại Big C

11

Hà Tĩnh

16

          9.700,20

 

12

Hải phòng

1

          2.151,68

Khu CN Đình Vũ tự sản tự tiêu

17

             637,48

 

3

        15.268,00

VSIP, Nomura, Đình Vũ

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của các Sở Công Thương năm 2023

    Để đạt được các kết quả như trên, về mặt chủ trương chính sách, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển NLTT trong các tài liệu: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).  Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích khác nhau cho các loại hình điện NLTT được đánh giá có tiềm năng lớn. Về ĐMT, cơ chế khuyến khích được chia làm 2 giai đoạn:

    Giai đoạn áp dụng biểu giá mua điện (FIT 1) đến hết ngày 30/6/2019

    Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam; Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg; Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT; Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT.

    Giai đoạn áp dụng biểu giá mua điện (FIT 2) đến ngày 31/12/2020

    Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho dự án ĐMT; Công văn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện phát triển ĐMTMN.

    1. 2. Nhận xét, đánh giá

    Thứ nhất, các Chủ đầu tư phát triển ĐMTMN chủ yếu lắp đặt trên mái nhà trang trại chăn nuôi, trồng trọt chiếm 59,73% công suất đặt, tiếp theo đến lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng khu công nghiệp chiếm 23,19%, còn lại lắp đặt trên mái nhà ở riêng lẻ, công trình dân dụng (văn phòng công ty, đơn vị hành chính sự nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, cơ sở tôn giáo, bệnh viện, trường học, công trình hạ tầng kỹ thuật) chỉ chiếm 17,07%.

    Thứ hai, tổng công suất đặt của các hệ thống ĐMTMN trong cả nước lớn hơn 500kWp chiếm tỷ lệ khoảng 76% (chủ yếu tập trung ở Miền Nam và Miền Trung) trong khi đó đối với các hệ thống < 50kWp chiếm 10,96%.

    Thứ ba, về đấu nối: các hệ thống ĐMTMN công suất đặt lớn đấu nối chủ yếu vào lưới điện trung áp chiếm 83,15% về công suất, nối hạ áp chiếm 16,85% về công suất.

    Thứ tư, về phân bố công suất đặt theo khu vực: các hệ thống ĐMTMN đều tập trung ở tại các khu vực Miền Nam (57,94%) và Miền Trung (31,96%), thành phố Hồ Chí Minh đạt 3,69%; Tỷ lệ công suất lắp đặt ĐMTMN tại Miền Bắc chỉ đạt 6,07%, Hà Nội đạt 0,35%.

    Thứ năm, về tỷ lệ bán điện lên lưới hệ thống điện quốc gia cho EVN: các hệ thống ĐMTMN do các Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Miền Trung quản lý đều cơ bản bán điện lên Hệ thống điện quốc gia tương ứng với tỷ lệ 59% (tại Miền Nam) và 33,78% (tại Miền Trung).

    1.3. Những lợi ích thiết thực từ ĐMTMN

    1.3.1. Lợi ích cho người dân:

    ĐMT mái nhà giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm buổi trưa hoặc giảm giá mua điện bậc cao (giá của bậc 5, 6); tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện dư, không sử dụng cho EVN với giá 8,38 Uscent quy đổi sang VNĐ, áp dụng đối với các dự án ĐMTMN có thời gian nghiệm thu, đưa vào vận hành và phát điện từ ngày 1/7/2019 - 31/12/2020, Hợp đồng mua bán ĐMTMN được ký với đơn vị điện lực được EVN ủy quyền trong 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện, tỷ giá đô la quy đổi lấy theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính cho năm tiếp theo. Ngoài ra, khi lắp đặt ĐMTMN không tốn diện tích đất, chỉ chiếm 5 - 6 m2 mái/1kWp, trong khi ĐMT trên mặt đất chiếm khoảng 11 - 13 m2 mặt đất /1kWp); chống nóng hiệu quả cho công trình.

    1.3.2. Lợi ích cho đất nước và Hệ thống điện quốc gia

    ĐMT mái nhà tận dụng tối đa tài nguyên bức xạ mặt trời, với quy mô phân tán, trực tiếp tại hộ tiêu thụ nên giúp giảm bớt phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại các giờ cao điểm buổi trưa, từ đó giảm áp lực huy động nguồn cung cấp cho hệ thống điện vào khung giờ cao điểm này; đồng thời, phát huy hết hiệu suất của nguồn phát vào giờ thấp điểm, giảm áp lực cho cơ quan điều độ hệ thống điện, tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội; giảm quá tải cho đường dây truyền tải trong giờ cao điểm buổi trưa, giảm bớt áp lực đầu tư nâng cấp đường dây truyền tải; giảm áp lực trong Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương.

    1.3.3. Góp phần BVMT

    ĐMTMN là nguồn năng lượng sạch, tái tạo, không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường, vì vậy, việc sử dụng ĐMTMN khi có lư trữ sẽ góp phần giảm thiểu lượng than, dầu khí cần thiết để phát điện truyền thống, từ đó giảm lượng carbon dioxide cũng như các khí nhà kính khác thải ra không khí. Đây là hành động thiết thực để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ĐMTMN là nguồn năng lượng độc lập, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia hay các nguồn nhập khẩu, do đó, sử dụng ĐMTMN giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống. Về tương lai lâu dài, sử dụng ĐMTMN khi có lư trữ còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế, bởi các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu cao về việc DN xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội…

    Ngoài ra, sự phục hồi kinh tế vĩ mô trong quý I/2024 báo hiệu sự khởi sắc về thương mại quốc tế, thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và xuất khẩu của quốc gia. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, các FTA thế hệ mới đòi hỏi những cam kết toàn diện về BVMT và phát thải nhà kính thấp. Vì vậy, ĐMTMN đang là nguồn năng lượng xanh hữu ích nhất, giúp DN giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “Chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội, BVMT.

    2. Một số khó khăn, vướng mắc

    2.1. Cơ chế giá

    Như đã trình bày, ở miền Bắc, công suất lắp đặt ĐMTMN chỉ chiếm 6,42%, nguyên nhân chính do cường độ mặt trời tại miền Trung và miền Nam lớn hơn miền Bắc từ 1,5 - 1,7 lần nên mặc dù giá điện Fit 2 là 8,38Uscent/kWh, có lợi nhuận tốt đối với các chủ đầu tư khu vực miền Trung và Nam, trong khi đó, việc thu hồi vốn đầu tư đối với khu vực miền Bắc là khó khăn, chủ đầuvì vậy, chủ đầu tư cũng không mặn mà cho việc lắp đặt.

    Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Trong khi đó, ĐMTMN là nguồn điện sạch, tái tạo, có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện, giúp giảm đỉnh phụ tải. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ chưa ban hành cơ chế cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn ĐMTMN với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (có thể bán phần nhỏ dư thừa lên lưới) để đáp ứng mục tiêu phấn đấu 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII.

    2.2. Quy định, trình tự, thủ tục

    Hiện nay, việc triển khai thực hiện các quy định, trình tự, thủ tục theo hướng dẫn tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương, cần có hướng dẫn bổ sung để phù hợp với tình hình mới như sau: Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành cơ chế phát triển ĐMTMN mới, ngành điện chưa thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống ĐMTMN mới lắp đặt vào lưới điện. Do đó, hiện chưa có biện pháp và chế tài xử lý đối với những trường hợp người dân đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN đấu nối với lưới điện, tự ý thay đổi công suất hệ thống mà không thông báo ngành điện hoặc tự ý thay đổi công suất dự án.

    Chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành nên hệ thống ĐMTMN (tấm pin, inverter, ắc quy..) dẫn đến chất lượng các hệ thống ĐMTMN chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn điện, an toàn PCCC, độ ổn định về chất lượng điện năng; chưa có quy định, hướng dẫn về việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN với chế độ zero export; chưa ban hành Tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn ĐMTMN, quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ... làm cơ sở áp dụng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả trong việc phát triển ĐMTMN; chưa có hướng dẫn, quy trình thu hồi các tấm pin năng lượng mặt trời, inverter, ắc quy lưu trữ đã qua sử dụng để đảm môi trường trong thời gian tới; chưa có nghiên cứu hoặc báo cáo chuyên sâu về ảnh hưởng của ĐMTMN đối với việc vận hành hệ thống lưới điện trung và hạ áp (chất lượng điện năng (sóng hài, quá điện áp, độ dao động điện áp, tổn hao,...), tỷ lệ tối ưu giữa điện lưới và ĐMTMN trong một phát tuyến trung/hạ áp...

    Đối với các hệ thống ĐMTMN đã phát triển trong thời gian qua, đơn vị điện lực thay mặt EVN quản lý chủ đầu tư chủ yếu thông qua hợp đồng mua bán điện (trên cơ sở hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành). Đối với các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành (sử dụng đất đai, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, hoạt động kinh tế trang trại, đăng ký kinh doanh), các công ty điện lực không có thẩm quyền, chức năng, chuyên môn để đánh giá và kiểm tra việc tuân thủ, chấp hành quy định của các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng không cung cấp thông tin đầy đủ nên công ty điện lực rất khó khăn trong việc phối hợp quản lý với các cơ quan chức năng.

    Việc bổ sung các hồ sơ liên quan về các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành (sử dụng đất đai, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, hoạt động kinh tế trang trại, đăng ký kinh doanh) của chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn từ các Sở/ban, ngành liên quan hoặc chưa có sự thống nhất giữa các địa phương. Ngoài ra, thời gian qua có hiện tượng ồ ạt lắp đặt ĐMT mái nhà, dẫn đến tính trạng bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa đảm bảo.

    Theo thống kê của EVN tại thời điểm tháng 8/2023, số hệ thống ĐMTMN còn vướng mắc các thủ tục về an toàn phòng cháy chữa cháy (1.313 hệ thống); an toàn công trình xây dựng (629 hệ thống); an toàn môi trường (162 hệ thống); đăng ký kinh doanh (774 hệ thống).

    3. Đề xuất giải pháp và kiến nghị

    Việc tiếp tục lắp đặt ĐMTMN cần phải có cơ chế rõ ràng, đảm bảo phát triển đồng đều giữa các vùng miền, tránh phát triển ồ ạt để khuyến khích các hộ dùng điện tự dùng và phải phù hợp với Quy hoạch điện VIII.

    Căn cứ vào các số liệu phân tích nêu trên, đề xuất Chính phủ xem xét, nghiên cứu chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

    Thứ nhất, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các phần tử cấu thành nên hệ thống ĐMTMN (tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...);  tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn ĐMTMN; quy trình kiểm tra, bảo dưỡng, thử nghiệm định kỳ để có thể kiểm soát một cách chặt chẽ, chất lượng thiết bị lưu thông và lắp đặt, tạo thuận lợi cho quá trình kiểm tra, nghiệm thu, đưa hệ thống ĐMTMN vào vận hành.

    Thứ hai, xây dựng hướng dẫn, quy trình thu hồi các tấm pin năng lượng mặt trời, inverter, ắc quy lưu trữ đã qua sử dụng để đảm môi trường.

    Thứ ba, tổ chức, giao nhiệm vụ nghiên cứu/báo cáo chuyên sâu về ảnh hưởng của ĐMTMN đối với việc vận hành hệ thống lưới điện trung và hạ áp (chất lượng điện năng, sóng hài, quá điện áp, độ dao động điện áp, tổn hao...), tỷ lệ tối ưu giữa điện lưới và ĐMTMN trong một phát tuyến trung/hạ áp...

    Thứ tư, rà soát các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành (sử dụng đất đai, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ, hoạt động kinh tế trang trại, đăng ký kinh doanh…). Cần có hướng dẫn từ các Bộ, Sở/ban, ngành liên quan và địa phương, tạo thống nhất trong cả nước để chủ đầu tư thuận lợi trong việc bổ sung các hồ sơ liên quan.

    Thứ năm, phải có quy định về tiêu chí, quy mô, công suất lắp đặt phù hợp với việc sử dụng của từng nhóm đối tượng (có thể chia ra nhiều nhóm); cần có định nghĩa về “tự dùng” để giải quyết vấn đề có nhiều hiện tượng ồ ạt lắp đặt ĐMTMN, khiến bị đội giá thành, chất lượng công trình chưa đảm bảo.

    Thứ sáu, xem xét, ưu tiên phần lớn phần công suất lắp đặt ĐMTMN nối lưới còn lại đến năm 2030 (2.200MW) cho các tỉnh miền Bắc. Hàng năm tiến hành đánh giá việc lắp đặt ĐMTMN và có thể điều chỉnh lại cho phù hợp.

    Thứ bảy, hỗ trợ tính toán phần công suất lắp đặt tối thiểu cho các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt (mức độ dùng điện, thời điểm dùng điện, điều kiện mặt bằng…) để phê duyệt phương án, hạn chế tối đa mức độ lãng phí do không được bán phần điện dư lên lưới.

    Thứ tám, xem xét, có cơ chế hỗ trợ giá đối với vùng sâu, vùng xa dùng ĐMTMN (trợ giá tiền/kWp lắp đặt).

    Thứ chín, do đặc điểm ở miền Bắc khí hậu chia 4 mùa, lượng bức xạ mặt trời các tháng có sự chênh lệch khá lớn, gây khó khăn cho việc tính toán công suất ĐMTMN nối lưới tự dùng; ở mức độ tính toán trung hòa, nhiều ngày có thể thừa lượng điện sinh ra, vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tạo cơ chế để EVN mua lại một phần lượng điện dư (nên quy định lượng điện dư tối đa chiếm bao nhiêu % sản lượng điện sinh ra từ hệ thống ĐMTMN) giá mua điện; quy định mức tối thiểu để chủ đầu tư không thể lợi dụng chính sách và không lãng phí sản lượng điện đã sinh ra từ hệ thống ĐMTMN.

Lã Hồng Kỳ

Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng

Châu Long

Ý kiến của bạn