Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Hành trình 20 năm của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam

02/10/2024

Mở đầu

    Bảo tồn Di sản địa chất (DSĐC) là một xu hướng mới của Khoa học Địa chất, đã trở thành vấn đề khoa học được nhiều quốc gia và tổ chức khoa học trên thế giới quan tâm. Hiện nay, DSĐC trở thành đề tài được thảo luận rộng rãi tại các Hội nghị quốc tế và khu vực về địa chất cũng như về chủ đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, trong thời gian trở lại đây, DSĐC nhận  đang được UNESCO và Hiệp hội Địa chất Quốc tế (IUGS- International Union of Geological Sciences) quan tâm và tích cực triển khai. Bảo tồn địa chất được hiểu là việc nghiên cứu, phân loại những phần tiêu biểu của tài nguyên địa chất, đưa chúng phục vụ lợi ích của con người, qua đó nâng cao kiến thức về thiên nhiên, tình cảm và trách nhiệm công dân của mọi người đối với việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên địa chất.

    Những năm đầu, người ta xác định các DSĐC, các Geotopes, Geosites riêng lẻ và tìm cách bảo tồn chúng một cách nghiêm ngặt, tương tự như cách làm truyền thống đối với các loài động, thực vật quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khái niệm về Công viên Địa chất (CVĐC) lần đầu tiên được giới thiệu tại Hội nghị Digne (Cộng hòa Pháp) năm 1991 như một phương thức để bảo vệ, phát huy các giá trị DSĐC và phát triển bền vững địa phương. Năm 1996, bảo tồn DSĐC - tiền đề cho việc thành lập CVĐC - lần đầu tiên được xác định là một trong những chủ đề chính tại Đại hội Địa chất quốc tế lần thứ 30 (30th Int. Geological Congress, IGC30) tổ chức tại Bắc Kinh, với tư tưởng: DSĐC là một dạng tài nguyên không tái tạo, vô cùng giá trị, cần được bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý. Tại Đại hội đã có riêng Hội nghị chuyên đề “Các DSĐC và Danh mục di sản thế giới” bàn về vấn đề thành lập các CVĐC ở châu Âu. Thiết lập CVĐC là phương thức mới và tối ưu để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên cùng mọi dạng tài nguyên khác, BVMT, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn thiên nhiên và tất cả các giá trị di sản, góp phần phát triển bền vững.

    Đặc biệt ngày 17/11/2015, phiên họp toàn thể Đại hội đồng UNESCO tại Paris (3-18/11/2015) đã thông qua Nghị quyết mới về Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế và CVĐC; hợp pháp hóa vị thế của CVĐC trong hệ thống của UNESCO: “UNESCO Global Geopark”. Điều này đã nâng cao vị thế, vai trò, tầm quan trọng của CVĐC nói chung và các giá trị DSĐC nói riêng một cách tổng thể, toàn diện hơn. Tính đến tháng 9/2024, Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đã có 213 thành viên thuộc 48 Quốc gia, trong đó Việt Nam có 3 CVĐC toàn cầu. Bài viết này trình bày về hành trình 20 năm thành lập và các đóng góp của mạng lưới CVĐC Toàn cầu trong việc bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững.

Hình 1. Sơ đồ phân bố các CVĐC toàn cầu UNESCO và công viên địa chất tiềm năng của Việt Nam

1. Tổng quan về bảo tồn DSĐC và phát triển CVĐC trên thế giới

    Năm 1997, Đại hội đồng UNESCO đã đề ra sáng kiến xây dựng mạng lưới toàn cầu các DSĐC có giá trị đặc biệt nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ các DSĐC thế giới, phổ cập các kiến thức địa chất, nâng cao giá trị của Khoa học Địa chất trong cộng đồng, mặt khác, tạo thêm cơ hội việc làm và tìm kiếm các hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. Đến năm 1999, tại kỳ họp lần thứ 156 của Ban Điều hành UNESCO, CVĐC đã được định nghĩa rõ thêm. Theo đó, CVĐC bao gồm một số DSĐC có giá trị khoa học đặc biệt, hiếm có hoặc đẹp, không chỉ có giá trị về địa chất mà còn có giá trị về khảo cổ, sinh thái, lịch sử, văn hóa. Theo Quyết định số 161 EX/Decisions 3.3.1, Ban Điều hành đã đề nghị UNESCO tiến hành thăm dò ý kiến các nước thành viên về việc thành lập các CVĐC.

    Năm 2000, tại Đại hội Địa chất quốc tế lần thứ 31 ở Rio de Janeiro (IGC31, Brasil) đã diễn ra 1 hội nghị về bảo tồn DSĐC. Ngay sau đó, Trung Quốc, Đức, Thụy Sỹ và Áo đã triển khai xây dựng các CVĐC của mình, từ đó, dần dần hình thành nên Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Năm 2001, Mạng lưới CVĐC châu Âu (European Geoparks Network-EGN) được hình thành (http://www.europeangeoparks.org/), tổ chức các hội nghị thường niên hàng năm. Năm 2004, Đại hội Địa chất quốc tế lần thứ 32 ở Florence (IGC32, Italia) có tới 3 hội nghị chuyên đề về các di sản văn hóa, DSĐC, DLĐC và CVĐC và cách tiếp cận của thế giới về những vấn đề này. Cũng trong năm 2004, UNESCO đã cho ra đời Mạng lưới CVĐC toàn cầu (Global UNESCO Network of Geoparks, GGN, website: http://www.worldgeopark.org/), đặt trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tháng 6/2004, Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về CVĐC họp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tính đến thời điểm đó Mạng lưới CVĐC toàn cầu đã có 25 CVĐC quốc gia tham gia (17 của châu Âu, 8 của Trung Quốc). Tháng 9/2006, Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về CVĐC họp tại Belfast, Ireland đã kết nạp thêm 13 CVĐC tham gia vào Mạng lưới CVĐC toàn cầu, đưa tổng số thành viên của Mạng lưới này lên 48. Từ đây, các hội nghị quốc tế về CVĐC do UNESCO bảo trợ được tổ chức 2 năm/lần: lần thứ 3 năm 2008 tại Osnabruek (CHLB Đức); lần thứ 4 năm 2010 tại Langkawi (Malaysia); lần thứ 5 năm 2012 tại Unzen (Nhật Bản); lần thứ 6 năm 2014 tại Saint John (Canada); lần thứ 7 năm 2016 tại Torquay (Vương quốc Anh); lần thứ 8 năm 2018 được tổ chức tại Brenta Geopart - Madonna Di Campiglia Italia. Hội nghị quốc tế lần thứ 9 được tổ chức tại CVĐC toàn cầu UNESCO Jeju (Hàn Quốc) (tháng 12/2021 dưới hình thức online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19); lần thứ 10 năm 2023 được tổ chức ở CVĐC TC UNESCO M’Goan Moronco. Hội nghị Quốc tế về CVĐC lần thứ 11 dự kiến sẽ được tổ chức tại Chi lê vào tháng 9/2025.

    Các nỗ lực thành lập Mạng lưới CVĐC khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu từ năm 2007 và đến năm 2008 đã trở thành hiện thực. Sau Hội nghị đầu tiên từ năm 2006 ở Trung Quốc, Hội nghị quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 đã được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) năm 2011 và từ đó trở đi diễn ra 2 năm/lần vào các năm: lần thứ 3 năm 2013 tại Jeju (Hàn Quốc); lần thứ 4 năm 2015 tại Sa’in Kaigan (Nhật Bản); lần thứ 5 năm 2017 tại Zhijindong (Trung Quốc) và lần thứ 6 năm 2019 tại Lombok (Indonesia); lần thứ 7 được tổ chức tại CVĐC toàn cầu UNESCO Satun (Thái Lan) vào tháng 9/2022 và lần thứ 8 vừa được tổ chức tại CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng từ ngày 8-15/9/2024. Đáng chú ý, Việt Nam đã là quốc gia thành viên tham gia sáng lập Mạng lưới ngay từ năm 2007. Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO châu Phi (Affrican) được thành lập tháng 11/2019.

Hình 2. Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức từ ngày 8-15/9/2024 tại  thành phố Cao Bằng

    UNESCO cũng quy định 6 nguyên lý chính cần tuân thủ khi đánh giá các CVĐC (Office of the World Geoparks Network, 2006): (1) Quy mô, diện tích của CVĐC; (2) Mức độ tổ hợp các di sản (số lượng các di sản trong khu vực); (3) Những mục tiêu kinh tế cộng đồng; (4) Mục tiêu bảo tồn; (5) Mục tiêu giáo dục và nghiên cứu; (6) Khung luật và biện pháp quản lý thích hợp.

    Kể từ sau khi trở thành danh hiệu chính thức của UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu đã đề ra 4 tiêu chí chính thức của một CVĐC muốn được công nhận phải đáp ứng, đó là: (1) Có một số DSĐC tầm cỡ quốc tế; (2) Có một Ban quản lý đủ mạnh, đủ quyền hạn và quản lý CVĐC một cách hiệu quả; (3) Nỗ lực quảng bá hình ảnh của mình; (4) Tích cực tham gia hội nhập quốc tế.

    Đồng thời, UNESCO cũng vạch định 10 nội dung mà các CVĐC toàn cầu cần chú trọng: (1) Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; (2) Nâng cao nhận thức về thiên tai, bao gồm cả tai biến địa chất; (3) Thích ứng với biến đổi khí hậu; (4) Đẩy mạnh giáo dục về DSĐC và sợi dây liên hệ với các giá trị khác di sản thiên nhiên, văn hóa và phi vật thể khác; (5) Hợp tác với các tổ chức khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu; (6) Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá; (7) Bình đẳng giới, tôn trọng nữ quyền; (8) Phát triển bền vững; (9) Kiến thức bản địa; (10) Bảo tồn địa chất.

    Có thể thấy là chỉ trong một thời gian ngắn, xu hướng bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững các DSĐC và CVĐC đã thực sự trở thành một trào lưu được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới. Với các tiêu chí khoa học rõ ràng, cơ sở pháp lý đầy đủ, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường. Bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững các DSĐC cùng với các giá trị văn hóa - tự nhiên khác đã thực sự trở thành một nhánh bảo tồn thứ ba của UNESCO, bên cạnh các Di sản Thiên nhiên Thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới thế giới (Hình 1).

    Tính đến tháng 9/2024, tổng cộng Việt Nam đã có 55 di sản được UNESCO vinh danh, cụ thể: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 9 khu ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar) và 3 CVĐC toàn cầu.

Hình 3. Hệ thống bảo tồn di sản của UNESCO

2. Sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

    Tiếp nhận xu hướng mới của thế giới về DSĐC và CVĐC, các nhà địa chất Việt Nam cũng sớm có một số hoạt động điều tra, nghiên cứu DSĐC, tiến tới thành lập CVĐC, cụ thể:

    Các nhà địa chất ở Viện Hải dương học và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hợp tác với các nhà địa chất Anh đã nghiên cứu giúp cho Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào các năm 1994 (theo tiêu chí về mỹ học) và 2000 (theo tiêu chí về địa chất - địa mạo) (Trần Đức Thạnh, 2002; Trần Văn Trị, Lê Đức An, Lại Huy Anh, Trần Đức Thạnh, Tony Waltham, 2003);

    Năm 2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới (theo tiêu chí về địa chất - địa mạo), nhờ những đóng góp của các nhà địa chất ở Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà nghiên cứu hang động Hội Địa lý Hoàng gia Anh và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Trần Nghi, 2003). Đến năm 2015, khu vực này tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí về đa dạng sinh học và hệ sinh thái;

    Năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới theo các tiêu chí về văn hóa, mỹ học và địa chất - địa mạo nhờ những đóng góp tích cực của các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện ĐCKS) cùng các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam, các nhà khảo cổ học ở Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và chuyên gia IUCN/ICOMOS (Trần Tân Văn và nnk., 2013, 2014);

    Từ năm 1998, dưới sự chủ trì của PGS.TSKH. Trịnh Dánh, Bảo tàng Địa chất đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của Đại học Colorado at Boulder và Sở Địa chất Hoa Kỳ (USGS) triển khai một loạt hoạt động điều tra, nghiên cứu theo hướng bảo tồn DSĐC ở nhiều vùng của Việt Nam. Đề án “Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam, 2001 - 2004”, do PGS.TSKH. Trịnh Dánh chủ trì, là đề án đầu tiên theo hướng bảo tồn DSĐC (Trịnh Dánh và nnk, 2004).

    Đặc biệt, những năm qua, các nhà địa chất Viện ĐCKS cũng đóng góp tích cực cùng với các tổ chức quốc tế, địa phương; các chuyên gia trong và ngoài nước triển khai điều tra, nghiên cứu các giá trị địa chất - địa mạo và cảnh quan tại nhiều địa bàn trên cả nước.

    Trong suốt quá trình từ năm 1991 đến nay, Viện ĐCKS đã hợp tác cùng các nhà nghiên cứu hang động Vương quốc Bỉ triển khai hàng chục đợt khảo sát hang động và địa chất karst, khảo sát hơn 400 hang động ở phạm vi một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam. Kết quả đã phát hiện nhiều hang động có giá trị địa chất, khảo cổ, du lịch... như hang Hoa (Tủa Chùa, Lai Châu), hang Nữ Hoàng (Sơn La), hang Rồng (Tân Lạc, Hòa Bình), hang Cống Nước (Tam Đường, Lai Châu) sâu nhất Đông Á (-602 m)...

    Cùng với các nhà khoa học của nhiều chuyên ngành khác nhau, thuộc nhiều trường đại học của Vương quốc Bỉ (Đại học Tổng hợp: Brucxel, Leuven, Antwerp, Ghent, Liege) và Sở Địa chất Bỉ, Viện đã thực hiện liên tiếp 2 dự án hợp tác Việt - Bỉ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đá vôi: (1) Phát triển nông thôn các vùng miền núi đá vôi Tây Bắc Việt Nam bằng các biện pháp quản lý bền vững đất, nước và giáo dục cộng đồng (VIBEKAP, 1998 - 2003); (2) Tăng cường sự trao đổi giữa các bên tham gia trong việc bảo tồn cảnh quan đá vôi Pu Luông - Cúc Phương (2002 - 2006) (Michiel Dusar, Camille Ek and Tran Tan Van, 2004);

    Liên tiếp trong các năm 2003 và 2004, Viện ĐCKS đã tiến hành điều tra, nghiên cứu các giá trị địa chất - địa mạo và cảnh quan ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pu Luông (Thanh Hóa) hiện có (Tran Tan Van và nnk, 2004) và giúp UBND tỉnh Hòa Bình quyết định thành lập mới Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Năm 2004, với sự ủng hộ của các đối tác Bỉ, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Viện đã tổ chức thành công Hội nghị liên ngành quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đá vôi (Transkarst 2004), trong đó, xây dựng các CVĐC được coi là giải pháp thay thế rất đáng quan tâm. Kết quả của Hội nghị đã được tổng kết và biên soạn thành cẩm nang “Phát triển bền vững các vùng đá vôi” được in ấn và gửi tới hơn 1300 cộng đồng địa phương ở những vùng có đá vôi ở Việt Nam (Trần Tân Văn và và nnk., 2005; Tran Tan Van and Nguyen Xuan Khien, 2006);

    Ngày 29/11/2006, với Quyết định số 131/QĐ-VĐCKS, Viện đã thành lập “Tổ nghiên cứu phát triển mạng lưới geopark ở Việt Nam” và nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức. Tại Công văn số 367/DSVH-DT ngày 16/04/2007, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ủng hộ đề xuất để Viện trở thành địa chỉ liên hệ chính thức của Việt Nam trong các hoạt động giao dịch, hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan đến CVĐC và bảo tồn DSĐC. Theo Quyết định số 130/QĐ ngày 11/03/2009 UBQG, UNESCO Việt Nam đã ủng hộ đề xuất này và thành lập Đầu mối Quốc gia về CVĐC đặt tại Viện ĐCKS. Ngày 21/06/2007, cùng với các đối tác Bỉ (các trường đại học Leuven, Brucxel, Ghent và Antwerp và Sở Địa chất Bỉ) và Việt Nam (Viện Dân tộc học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn) Viện đã chính thức khởi động dự án hợp tác Việt - Bỉ thứ ba “Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển CVĐC ở một số khu vực Đông Bắc Việt Nam”. Dự án do Hội đồng Liên trường các trường đại học Vương quốc Bỉ hỗ trợ thực hiện trong thời gian 5 năm với mục tiêu chính là nâng cao năng lực của các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực kể trên.

    Ngày 12/9/2007, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định số 1901/QĐ-BKHCN giao Viện ĐCKS chủ trì thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu các DSĐC và đề xuất xây dựng công viên địa chất ở miền Bắc Việt Nam”, mã số KC.08.20 thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng Bộ tiêu chí khoa học xác định, phân loại, đánh giá, xếp hạng các DSĐC và CVĐC; Đề xuất các khu vực có tiềm năng xây dựng CVĐC miền bắc Việt Nam; Đã triển khai điều tra, đánh giá sơ bộ tiềm năng DSĐC và triển vọng xây dựng CVĐC ở 25 khu vực miền Bắc Việt Nam, qua đó bước đầu xác định được 15 khu vực có triển vọng trở thành CVĐC quốc gia hoặc quốc tế. Cùng với các nghiên cứu của các dự án Việt - Bỉ nêu trên và kết quả của đề tài này, ngày 09/09/2009, CVĐC đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập trên 4 huyện vùng cao núi đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ theo Quyết định số 4844/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang. Ngay sau đó, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO xét công nhận là CVĐC toàn cầu. CVĐC CNĐ Đồng Văn - Công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu ngày 3/10/2010. Đây là một mốc son trong lịch sử phát triển của ngành Địa chất Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới, trong đó, vấn đề khai thác nguồn tài nguyên địa chất theo hướng bảo tồn các di sản địa chất và BVMT trường được đặc biệt chú trọng.

    Từ đó đến nay, Viện liên tục hỗ trợ CVĐC này và tỉnh Hà Giang trong hàng loạt các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản: Dự án “Điều tra khảo sát, khoanh vùng ranh giới di sản Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giangnhằm bảo tồn di sản, tăng cường sự quản lý bền vững và khai thác hợp lý các giá trị di sản của chính quyền và người dân địa phương trong việc phát triển bền vững của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhiệm vụ KHCN theo Nghị định thư: “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác bền vững tài nguyên nước ở các vùng đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” (2012 - 2018) nhằm góp phần cải thiện vấn đề cung cấp nước sạch cho cộng đồng địa phương ở các vùng miền núi đá vôi Việt Nam, đặc biệt là đồng bào trên khu vực CVĐC toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các tuyến tham quan trải nghiệm trên vùng CVĐC CNĐ Đồng Văn, hiện đã có 4 tuyến tham quan được giới thiệu đến khách du lịch.

Hình 4. Bản đồ khoanh vùng bảo tồn các cụm di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

    Đề án Chính phủ về “Bảo tồn DSĐC, phát triển và quản lý Mạng lưới CVĐC ở Việt Nam” do Viện chủ trì soạn thảo đã được phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở để các cơ quan và địa phương tiếp tục bảo tồn các giá trị di sản tài nguyên địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Trong các năm 2015 - 2016, Viện ĐCKS đã phối hợp với UBQG UNESCO Việt Nam và các chuyên gia quốc tế hỗ trợ UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Non Nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu. Ngày 12/04/2018, tại kỳ họp lần thứ 204 Hội đồng Chấp hành UNESCO ( Paris, Pháp) đã thông qua Nghị quyết công nhận Non Nước Cao Bằng là CVĐC toàn cầu UNESCO, qua đó trở thành CVĐC toàn cầu UNESCO thứ hai của Việt Nam; Kết quả “Điều tra khoanh vùng và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở khu vực CVĐC Non Nước Cao Bằng” (2018 - 2019) là cơ sở để BQL CVĐC Non Nước Cao Bằng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các DSĐC một cách tổng thể cùng các giá trị di sản khác và tích hợp vào trong các quy hoạch của khu vực CVĐC nói riêng và của tỉnh Cao Bằng nói chung.

    Cuối năm 2017, Bộ KH&CN đã phê duyệt nhiệm vụ KHCN độc lập (Quyết định số 2389/QĐ-BKHCN ngày 01/9/2017): “Nghiên cứu kiến thức bản địa về DSĐC, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số CVĐC Việt Nam” do Viện ĐCKS chủ trì. Kết quả nghiên cứu đã bổ sung một một dạng tài nguyên mới bước đầu được nghiên cứu và sử dụng trong vùng CVĐC Việt Nam đó là Tri thức địa phương (TTĐP) về DSĐC. TTĐP về DSĐC đã hỗ trợ trực tiếp BQL các CVĐC sử dụng trong việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC và các giá trị di sản của CVĐC (dưới dạng hệ thống các biển bảng thuyết minh, tờ rơi, tờ gấp, sách hướng dẫn, đăng tải trên trang web, tài liệu tập huấn các lớp học...), trực tiếp góp phần giúp CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ hai (2018, 2022) của UNESCO; hỗ trợ CVĐC Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO (2020); Hỗ trợ CVĐC Non Nước Cao Bằng tổ chức thành công Hội thảo quốc tế tháng 9/2019 và Hội nghị Quốc tế CVĐC lần thứ 8 khu vực châu Á - Thái Bình Dương tháng 9/2024 với chủ đề cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng CVĐC. Kết quả này cũng góp phần giúp các địa phương cũng như các Ban quản lý các CVĐC kể trên có được một bộ cơ sở dữ liệu khá đầy đủ về các dạng tài nguyên, tài nguyên địa chất, DSĐC và TTĐP về DSĐC để từ đó quản lý, bảo tồn và khai thác, sử dụng chúng một cách hợp lý, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển bền vững ở những khu vực này.

    Trong thời gian 2018 - 2019, Viện ĐCKS đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ: “Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản, xác định phạm vi, quy mô để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu Quảng Ngãi”. Kết quả của nhiệm vụ là cơ sở để xây dựng Hồ sơ CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) - đã được trình UNESCO vào cuối tháng 11/2019; Xây dựng 4 tuyến du lịch địa chất để đưa vào khai thác. Cùng khoảng thời gian này, Viện ĐCKS cũng đã phối hợp với Sở TNMT Đắk Nông và BQL CVĐC Đắk Nông thực hiện các nhiệm vụ: “Điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản, xác định phạm vi, quy mô để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu ở tỉnh Đắk Nông” và “Xây dựng Hồ sơ CVĐC Đắk Nông trình UNESCO công nhận là CVĐC Toàn cầu”. Ngày 7/7/2020, Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua quyết định của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO công nhận CVĐC Đắk Nông của Việt Nam là CVĐC toàn cầu, qua đó trở thành CVĐC toàn cầu thứ 3 của Việt Nam.

    Vấn đề đặt ra cần có một số chính sách, giải pháp quản lý hoạt động điều tra, đánh giá, bảo tồn và sử dụng bền vững DSĐC, CVĐC ở Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo. Bộ TN&MT đã có Quyết định số 2362/QĐ-BTNMT ngày 01/12 /2021 phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ mã số TNMT.01/21-25; “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về công tác điều tra, đánh giá và quản lý di sản địa chất, công viên địa chất” do Viện ĐCKS chủ trì thực hiện. Kết quả của đề tài đã phân tích, đánh giá tính đầy đủ, mức độ phù hợp của hệ thống quy phạm kỹ thuật hướng dẫn công tác điều tra, đánh giá DSĐC và CVĐC ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đã đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định liên quan đến quản lý nhà nước đối với DSĐC và CVĐC. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước đã đề xuất một số phương án luật hóa về DSĐC, CVĐC của Việt Nam. Đề xuất bổ sung sửa đổi Luật Khoáng sản, Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Kết quả nghiên cứu đã góp phần vào việc hoàn thiện khung chính sách, quy định quản lý, phát triển DSĐC, CVĐC ở Việt Nam.

    Từ năm 2021 đến nay, Viện ĐCKS đã và đang hỗ trợ UBND, BQLCVĐC Lạng Sơn thực hiện một số nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ khoa học CVĐC Lạng Sơn trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu. Hồ sơ đã được nộp vào cuối tháng 11/2023 và được thẩm định thực tế vào đầu tháng 7/2024. Trong kỳ họp lần thứ 9 của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO ngày 8÷9/9/2024 tại Cao Bằng Hồ sơ đề cử CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu đã được thông qua.

Hình 5. Sơ đồ các tuyến tham quan trải nghiệm trong vùng CVĐC Lạng Sơn

    Cùng trong chuỗi hoạt động này trong năm từ 2018 đến nay, Viện ĐCKS đã phối hợp với chuyên gia UNESCO, BQL CVĐC toàn cầu thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông xây dựng một số chiến lược về giáo dục cộng đồng; bảo tồn thiên nhiên, BVMT, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch địa chất...

Kết luận

    Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO với chặng đường 20 năm thành lập, đã vượt qua nhiều thách thức để phát triển mạnh mẽ với số lượng đến thời điểm hiện tại là 213 CVĐC thuộc 48 Quốc gia. Mạng lưới CVĐC toàn cầu với vai trò dẫn dắt thúc đẩy sự hợp tác giữa các CVĐC trên toàn thế giới, đã thực hiện được 3 mục tiêu chính là bảo tồn di sản địa chất;  Góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học Trái đất, khuyến khích học tập và nghiên cứu các khoa học về Trái đất và giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các DSĐC, góp phần vào chiến lược nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương và đất nước; Thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho cộng đồng địa phương.

    Tài nguyên DSĐC ở Việt Nam trong thời gian khoảng gần 20 năm trở lại đây đã bước đầu được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Bằng chứng là Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu ở Việt Nam đã được thành lập và có 03 CVĐC được công nhận là CVĐC Toàn cầu UNESCO và một số CVĐC Quốc gia được thành lập. Mạng lưới CVĐC Việt Nam đã được hình thành và hoạt động khá tích cực. Di sản địa chất, công viên địa chất là một phần quan trọng của tài nguyên địa chất. Các công viên địa chất nói riêng, di sản thiên nhiên nói chung đã được công nhận ở nước ta đang ngày càng phát huy tác dụng, nhất là trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương theo hướng bền vững, góp phần giải quyết công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân địa phương. Định hướng nghiên cứu của ngành tài nguyên - môi trường trong lĩnh vực DSĐC, CVĐC phải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia; góp phần nâng cao vị thế quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên (di sản địa chất và công viên địa chất); bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên di sản địa chất góp phần phát triển bền vững trong ngành TN&MT.

Đỗ Thị Yến Ngọc

 Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (Đã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris ngày 16/11/1972).

2. Đỗ Thị Yến Ngọc và nnk, 2022 - 2023. “Nghiên cứu kinh nghiệm Quốc tế về công tác điều tra, đánh giá và quản lý di sản địa chất, công viên địa chất”. Lưu trữ Cục Thông tin Khoa học và công nghệ Quốc Gia. Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Operational Guideline for National Geoparks seeking UNESCO’s assistance (Global UNESCO Network of Geoparks) Huangsahn Geopark of China. Paris, 12 January 2004.

4. Trần Tân Văn và nnk, 2008 - 2010, “Điều tra nghiên cứu các DSĐC và đề xuất xây dựng CVĐC ở miền Bắc Việt Nam. Lưu trữ Cục Thông tin Khoa học và công nghệ Quốc Gia. Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. Wolfgang Eder, Margarete Patzak, 2004. Geoparks - Geological Attractions: A Tool for Public Education, Recreation and Sustainable Economic Development. UNESCO, Division of Earth Sciences, 1, rue Miollis, F-75732 Paris Cedex 15, France, 2004

6. Zouros N.2016. Global geoparks network and the new UNESCO Global Geopark program.

7. Website Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO http://www.unesco.org/new/en/natural-sciences/environment/earth-sciences/unesco-global-geoparks/.

Ý kiến của bạn