Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất

22/02/2023

    Ngày 20/2/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm

    Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương 236 Điều, phạm vi sửa đổi toàn diện các lĩnh vực, các nội dung, chính sách. Mục tiêu của việc sửa đổi này là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai, góp phần thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ13, Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm bảo Luật Đất đai thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong Luật Đất đai, làm sao giải quyết hài hòa các vấn đề giữa các chủ thể tham gia: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai đóng vai trò trung tâm của hệ thống pháp luật. Qua gần 10 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, đất đai ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo quốc phòng an ninh. Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và đưa đất đai phát triển là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thông hóa các Nghị quyết của Đảng.

    Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội ngày 13/06/2022 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội theo quy trình 3 kỳ họp: trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, cho ý kiến lần 2 vào Kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW và trên cơ sở Nghị quyết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã có dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10, 11/2022. Vừa qua, trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hiện đang chỉ đạo các cấp, các ngành lấy ý kiến của nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo quy định, ngày 15/3/2023 sẽ hoàn thiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật này. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng đang thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, cùng với Bộ TN&MT tham mưu với Quốc hội và Chính phủ để hoàn thiện nội dung liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất.

    Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về quy định liên quan đến các khoản thu tài chính về đất đai, các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai, căn cứ thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Đồng thời, cho ý kiến về nguyên tắc, phương pháp định giá đất; kỳ ban hành giá đất, các trường hợp áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quy định của hội đồng thẩm định giá đất…

    Góp ý vào các quy định liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông cho biết, trong thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường gây thu thất thu ngân sách Nhà nước, nhiều tiêu cực, tham nhũng. Nguyên nhân việc xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa phù hợp sát với giá trên thị trường. PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, đó là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện. Các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong “Tiêu chuẩn định giá tài sản của Việt Nam”, bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…

    Về tổ chức tư vấn định giá đất, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về tổ chức này, trong đó nên bổ sung vào quyền hạn của tổ chức này được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước quản lý thông tin về đất đai cung cấp những thông tin để phục vụ cho nhiệm vụ của tổ chức...

    Phát biểu kết luận Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có 13 ý kiến của các đại biểu, chuyên gia phát biểu. Qua thảo luận, các ý kiến đều thống nhất về vai trò, vị trí của chính sách liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Nhiều ý kiến đề nghị các quy định cụ thể trong các điều khoản giữa Luật Đất đai và các luật khác thì cần được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa. Tất cả ý kiến tham gia của các đại biểu sẽ được tiếp thu và ghi nhận, Ủy ban Kinh tế cùng với lãnh đạo Bộ TN&MT sẽ có buổi làm việc cụ thể hơn để tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các điều khoản cụ thể.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn