Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 15/11/2024

Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi: Thách thức và cơ hội

13/09/2024

    Ngày 13/9/2024, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi: Thách thức và cơ hội”.

Quang cảnh Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Phạm Thị Xuân chia sẻ, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải mê tan 30% tính đến năm 2030. Mục tiêu này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi trước sự phát triển như hiện nay. Với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã đề xuất những ý kiến, góp ý, chia sẻ các định hướng và giải pháp thực tiễn để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP 26. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Phạm Thị Xuân mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các vị đại biểu, đóng góp cho thành công của Diễn đàn. Sau Diễn đàn, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở ra những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.

    Về thực trạng phát thải trong ngành chăn nuôi, TS. Nguyễn Thế Hinh, Bộ NN&PTNT cho biết, phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: khí CH4 từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Trong số các động vật có phát thải khí mê tan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 68 kg khí CH4/con/năm. Tiếp theo là bò thịt và trâu, từ 47-55 kg CH4/con/năm, ngựa có hệ số phát thải thấp, chỉ 18 kg khí CH4/con/năm. Các động vật ăn cỏ còn lại như dê, cừu có hệ số phát thải không đáng kể, khoảng 5 kg khí CH4/con/năm. Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hang năm từ bò thịt lên tới 245 nghìn tấn, tiếp theo là trâu với 138 nghìn tấn và bò sữa là 19 nghìn tấn/năm. Nhằm giảm phát thải trong chăn nuôi, một số giải pháp đã được thực hiện và mang lại hiệu quả gồm: giảm lượng phát thải khí CH4 từ dạ cỏ của trâu bò (bằng cách cung cấp thức ăn ủ chua thay thế thức ăn thô xanh, cung cấp bánh dinh dưỡng MUB hoặc các chế phẩm dinh dưỡng khác); Giảm lượng phát thải khí CH4 và N2O từ phân động vật (thông qua đầu tư công trình khí sinh học nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, đồng thời sử dụng triệt để khí mê tan phục vụ cho đun nấu, phát điện); Bón phân chuồng hợp lý trên đất để giảm N20… Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thế Hinh, Chính phủ cần cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường của nhiều trang trại chăn nuôi lớn như hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNNT cũng cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi.

    Bàn về giải pháp công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi ở Việt Nam, PGS.TS Cao Thế Hà, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay có nhiều giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, đầu tư công trình khí sinh học nhằm xử lý chất thải chăn nuôi đồng thời sử dụng triệt để khí mê tan phục vụ cho đun nấu, phát điện; sử dụng máy tách ép phân, ủ phân chuồng làm phân bón hữu cơ, sử dụng nước thải chăn nuôi tưới cho cây trồng, chăn nuôi lợn tiết kiệm nước… Mặc dù có nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp đã được nghiên cứu và đề xuất nhưng khả năng áp dụng và nhân rộng của mỗi công nghệ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả kinh tế mà công nghệ có thể đem lại cho nông dân bên cạnh hiệu quả về môi trường. Do vậy, theo PGS.TS Cao Thế Hà, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để tiếp tục nghiên cứu các giải pháp này trên từng địa bàn cụ thể nhằm đảm bảo người dân vẫn tiếp tục áp dụng và nhân rộng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp kể cả khi không còn nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

    Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách, pháp luật và công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả; các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như cơ hội tiếp cận tài chính xanh; vướng mắc, bất cập trong triển khai các quy định tại địa phương và các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại… Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp giúp các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP 26.

Hương Mai

Ý kiến của bạn