Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Giám định động vật hoang dã - Công cụ hỗ trợ phục vụ công tác điều tra và truy tố tội phạm động vật hoang dã

08/09/2022

    Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến tình trạng gia tăng đáng kể các hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn khi điều tra và tiến hành truy tố tội phạm về động vật hoang dã là thiếu các giám định cần thiết để xác định các sản phẩm từ động vật hoang dã bị buôn bán hoặc săn bắt trái phép và nguồn gốc xuất xứ của chúng. Như vậy, giám định là một công đoạn quan trọng trong các vụ xử lý vi phạm hay các vụ án liên quan đến buôn bán động thực vật hoang dã để xác định nhóm, loài, bộ phận và tình trạng của chúng. Khi đó, giám định viên sẽ đưa ra những bằng chứng khoa học đáng tin cậy để cơ quan hữu trách hoàn tất hồ sơ vụ án. Có thể thấy đây là một thủ tục cần thiết mà các cơ quan chức năng phải thực hiện trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD, đặc biệt là trong các vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Các quy định liên quan đến công tác giám định ĐVHD

    Việt Nam cũng đã ban hành một số Luật và văn bản hướng dẫn như: Luật Tố tụng hình sự; Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 28/2016/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật… Tuy nhiên, các văn bản này cũng đều chưa quy định rõ nội dung giám định mẫu vật động, thực vật hoang dã.

    Theo Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018 và năm 2020), các tổ chức giám định tư pháp công lập bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng và một số tổ chức giám định tư pháp khác chuyên về pháp y và pháp y tâm thần. Ngoài ra, hàng năm các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng lựa chọn, lập và công bố danh sách một số tổ chức và chuyên gia giám định tư pháp có chuyên môn phù hợp để thực hiện yêu cầu giám định trong một số lĩnh vực cụ thể. Trong các trường hợp đặc biệt, các cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện nhưng không có tên trong danh sách đã công bố vẫn có thể được trưng cầu để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do.

    Theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP), Cơ quan khoa học CITES Việt Nam là cơ quan giám định mẫu vật CITES. Theo đó, Quyết định số 2249/QĐ- BNN-TCLN ngày 17/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ định bốn cơ quan là Cơ quan khoa học CITES Việt Nam, trong đó có 2 cơ quan chuyên môn để giám định ĐVHD là Viện Sinh thái Tài nguyên và Sinh vật (lĩnh vực Động vật và Thủy sinh vật) và Viện Nghiên cứu Hải sản (lĩnh vực Thủy sinh vật).

Lấy mẫu giám định sừng tê giác ở Hà Nội

Quy trình giám định loài ĐVHD

    Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào về giám định loài ĐVHD được quy định trong pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, hai phương thức giám định loài đã được các Cơ quan Khoa học CITES sử dụng là giám định hình thái và phân tích bằng kỹ thuật phân tử (AND).

    Phương pháp hình thái học: Xác định các loài dựa trên những đặc điểm hình thái, đối với những mẫu vật còn nguyên vẹn hoặc tương đối nguyên vẹn. Phương pháp này hiệu quả cao, ít tốn kém và thời gian đòi hỏi không nhiều, đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan chức năng khi xử lý vụ việc. Tuy nhiên phương pháp này còn một số bất cập như số lượng động, thực vật thu giữ ngày càng tăng, địa bàn hoạt động của các đối tượng vi phạm lại rộng, chúng lại rất đa dạng, nhưng số lượng cán bộ có trình độ giám định tốt lại mỏng (biên chế có hạn), chuyên môn của các cán bộ rất hẹp nên một lúc không thể đáp ứng được đối với tất cả các nhóm loài và tới được tất cả các địa điểm. Mặt khác hiện nay Việt Nam mở cửa với tất cả các đối tác nên số vụ buôn bán quốc tế trong lĩnh vực động, thực vật hoang dã tăng đáng kể. Nhiều loài động vật, thực vật không có phân bố ở Việt Nam nên nhiều lúc không thể xác định tại chỗ được mà cần phải thời gian để tra cứu tài liệu. Hiện nay tình trạng làm giả các mẫu vật trở nên phổ biến, gây khó khăn không ít cho công tác giám định qua các đặc tính về hình thái, đặc biệt khi tiến hành giám định qua ảnh chụp.

    Phương pháp phân tích bằng kỹ thuật phân tử: Phương pháp phân tích di truyền để xác định các loài hiện nay được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam tuy phương pháp này cũng đã được áp dụng nhưng chưa rộng rãi mà chỉ tập trung vào một số cơ quan khoa học lớn như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Phương pháp này đòi hỏi phòng thí nghiệm phải có trang thiết bị hiện đại như máy PCR hay máy đọc trình tự, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải có đội ngũ cán bộ có đủ trình độ sử dụng máy móc, phân tích di truyền, xác định các loài hoặc nhóm loài một cách chính xác và có đủ kiến thức trong phân loại học. Ngoài ra phương pháp này rất tốn kém, đòi hỏi kinh phí cao (một mẫu để đọc trình tự có giá trừ 2,5-3,0 triệu đồng) và thời gian cũng cần từ 7-10 ngày. Dùng biện pháp phân tích ADN có thể đưa đến kết luận chính xác tuyệt đối, nhưng mất nhiều thời gian và biện pháp này thường chỉ áp dụng với những mẫu vật quá phức tạp. Vì vậy, công việc giám định vẫn phụ thuộc nhiều vào các giám định viên.

    Thông thường, giám định hình thái được các cơ quan giám định thực hiện trước tiên. Nếu thông qua giám định hình thái đã có thể xác định được loài thì không cần thiết phải thực hiện phân tích ADN. Giám định hình thái có thể được thực hiện thông qua tiếp xúc trực tiếp với cá thể động vật hoặc sản phẩm của chúng, hoặc gián tiếp thông qua hình ảnh được các cơ quan chức năng có liên quan gửi đến, đặc biệt là đối với trường hợp động vật còn sống. Khi không thể đưa ra kết luận giám định loài thông qua phương thức giám định hình thái như trường hợp giám định các sản phẩm của ĐVHD (ví dụ: sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê) thì sẽ cần phải thực hiện phân tích ADN. Phân tích ADN sẽ có chi phí cao hơn và mất nhiều thời gian hơn để có kết quả (thường là hai tuần).

    Tuy nhiên, qua công tác điều tra, truy tố và xét xử loại tội phạm này cho thấy một số quy định, thủ tục liên quan đến công tác giám định và xử lý vật chứng đối với ĐVHD hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập khiến hiệu quả giám định, xử lý vật chứng chưa cao và chưa hỗ trợ được nhiều cho quá trình điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm trong hoạt động buôn bán động hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trái phép ở Việt Nam. Hầu hết các địa phương hiện đều không có giám định viên trừ một số tỉnh có giám định tư pháp theo vụ việc. Vì vậy, khi vụ án được phát hiện, việc tịch thu tang vật làm mất rất nhiều thời gian cho quá trình giải quyết vụ án vì phải chờ kết quả giám định. Để giám định ADN, mẫu vật phải gửi tới cơ quan chức năng, do đó cơ quan thực thi gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản tang vật, vận chuyển và chi phí chăm sóc (đối với các cá thể còn sống), nhất là hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc tang vật là các loài ĐVHD còn sống sẽ được chăm sóc, cứu hộ bởi cơ quan nào trước khi có kết luận giám định.

    Hiện nay, cơ chế phối hợp còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và thi hành pháp luật như lực lượng cảnh sát, kiểm lâm, hải quan và các cơ quan khoa học. Trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, tạ Điều 14 có quy định bốn Cơ quan khoa học của CITES. Nhiệm vụ của các cơ quan khoa học như nhau nên để trưng cầu giám định, các cơ quản quản lý có thể gửi cho một trong các cơ quan khoa học và kết quả giám định của một trong các cơ quan là sử dụng được trong các vụ xử lý vi phạm. Tuy nhiên kết quả trưng cầu và kết quả giám định của một cơ quan chưa được cung cấp cho các cơ quan khác để tham khảo và thống kê, nên số lượng các vụ thẩm định chưa có con số thống nhất và đầy đủ. Những cơ quan quản lý và cơ quan thừa hành pháp luật cũng chưa có nhiều thông tin về các cơ quan khoa học CITES nên gặp khó khăn trong việc gửi trưng cầu giám định. Số lượng loài và nhóm loài rất đa dạng và phong phú, số lượng chuyên gia của các cơ quan khoa học hiện còn mỏng, một cơ quan khó có thể đảm nhận được công việc thẩm định của tất cả các vụ việc, của tất cả các nhóm loài, nên nếu trưng cầu không đúng chuyên môn sẽ có ảnh hưởng tới công việc xử lý như thời gian có thể bị kéo dài. Bên cạnh đó còn có những khó khăn vướng mắc như một số quy định của pháp luật còn có sự chồng chéo; chế tài, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đa dạng sinh học còn nhiều bất cập; kinh phí còn hạn hẹp; việc xác định loài cũng còn nhiều vướng mắc.

 Kiến nghị và giải pháp

    Để phục vụ công tác điều tra các hành vi vi phạm trong buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thi hành phát luật, xin được đề xuất một số kiến nghị:

    Sửa đổi Luật Giám định tư pháp theo hướng luật hóa việc giám định mẫu vật động thực vật hoang dã; xây dựng một khung hướng dẫn chung về quy trình giám định động thực vật hoang dã, đồng thời ban hành các hướng dẫn cụ thể cho một số mẫu vật phổ biến như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê…

    Cần có cơ chế phối hợp trong công tác giám định và xử lý vi phạm giữa các cơ quan khoa học và các cơ quan quản lý, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc trưng cầu giám định.

    Tổ chức tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực giám định loài động vật cho các cơ quan quản lý, thi hành luật và cơ quan khoa học.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2022)

Ý kiến của bạn