Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

15/09/2023

    Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng đã chỉ rõ "Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".

    Các nội dung về KTTH được thể chế hóa tại Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020. Đặc biệt, Đề án "Phát triển KTTH ở Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định, cần "tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội.

    Ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ), thì nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt khả năng cung ứng của trái đất. Vì vậy, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH là một giải pháp quan trọng cho tình trạng này.

    Theo Quỹ Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó. Mục tiêu chính của KTTH là: 1) giảm khai thác và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; 2) kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, sản phẩm; 3) hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

    Tại Việt Nam, các yêu cầu và xu hướng tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh, đặc biệt quy định từ các thị trường phát triển, sẽ là động lực để doanh nghiệp chuyển dịch sang các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

    Nắm bắt được xu hướng này, Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, phát triển bền vững” được phát động quy mô trên toàn quốc nhằm lan tỏa và tôn vinh những kinh nghiệm, ý tưởng, mô hình, sáng kiến hữu ích trong giảm thiểu và xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Đồng thời, nâng cao ý thức và trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng trong sinh hoạt và sản xuất nhằm giảm thiểu, quản lý và xử lý hiệu quả chất thải nhựa, góp phần thúc đẩy nền KTTH, phát triển bền vững. Cuộc thi do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

    Cuộc thi khuyến khích các hồ sơ có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng cao trong thực tiễn và các mô hình được xây dựng từ nguyên vật liệu có sẵn, giá thành rẻ, dễ sử dụng, kỹ thuật không quá phức tạp hoặc được tái sử dụng tái chế từ các phế liệu trong sản xuất, sinh hoạt,...

    Theo đó, Ban tổ chức kêu gọi các cá nhân, tập thể trên cả nước tham gia dự thi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền KTTH, phát triển bền vững”. Những ý tưởng và mô hình, giải pháp hay được trao giải từ Cuộc thi sẽ góp phần tạo lên nguồn tư liệu phong phú và các kinh nghiệm quý trong công tác quản lý, BVMT và phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thúc đẩy KTTH, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế.

    Cá nhân và tập thể quan tâm đến Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” có thể truy cập theo địa chỉ Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường: https://monremedia.vn/./.

Thời gian nhận hồ sơ: Tính từ thời điểm phát động đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Đối tượng dự thi: Gồm các cá nhân và tập thể có các sáng kiến, giải pháp và mô hình hiệu quả trong giảm thiểu và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa.

Hồ sơ dự thi: Gồm bản đăng ký theo mẫu của ban tổ chức, ảnh của cá nhân/tập thể, ảnh chụp về mô hình/sáng kiến, video mô tả chi tiết về quá trình thực hiện và vận hành sáng kiến,...

Địa chỉ nhận hồ sơ dự thi: Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện, Tầng 5, Tòa nhà Báo Tài nguyên và Môi trường, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Giải thưởng: Tổng số 20 giải thưởng gồm 2 giải nhất trị giá 15 triệu đồng/giải, 4 giải nhì trị giá 8 triệu đồng/giải, 6 giải ba trị giá 5 triệu đồng/giải, 8 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.

Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến vào quý III năm 2024.

An Vi

Ý kiến của bạn