Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi xanh

19/09/2023

    Ngày 18/9/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về các rào cản, thách thức và đưa ra đề xuất thúc đẩy đầu tư và phát triển công trình xanh (CTX) ở Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn và đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến CTX và tiết kiệm năng lượng.

    Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng… Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, CTX, công trình tự cân bằng năng lượng… đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc Tọa đàm

    Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, BVMT, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Cụ thể như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã nêu việc thúc đẩy phát triển  CTX. Phát triển CTX cũng là chỉ tiêu để đánh giá, phân loại đô thị theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế.

    Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, CTX được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, các CTX xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, hiện có khoảng gần 300 CTX được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng CTX được chứng nhận LEED.

    Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển CTX trong thời gian qua cũng đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, do sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút; các chủ đầu tư dự án CTX chưa được tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành CTX... Buổi tọa đàm hôm nay được tổ chức là một trong những hoạt động của Tuần lễ CTX Việt Nam năm 2023 và là dịp để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển CTX, chuyển đổi xanh trong thời gian tới.

    Đánh giá về thực trạng phát triển CTX, công trình tiết kiệm năng lượng tại Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội nhanh, sự bùng nổ dân số do gia tăng dân số cơ học kèm theo nhu cầu phát triển các công trình cao tầng (gồm nhà ở và các công trình thương mại dịch vụ) tại TP đã gây các nguy cơ về môi trường, thiếu không gian xanh đô thị, quá tải năng lượng…

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

    Với Thủ đô, mục tiêu phát triển CTX là giữ gìn BVMT, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Thủ đô Hà Nội khác với các TP trên thế giới do có 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh, không gian xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hóa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải cho môi trường. Vì vậy, mục tiêu quan trọng và lâu dài đối với TP. Hà Nội là giữ gìn “lá phổi xanh” song song với quá trình triển khai các CTX. Hà Nội hiện đang triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt liên quan đến thực hiện quy hoạch, triển khai hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW và các văn bản có liên quan...

    Tại Tọa đàm, đại diện Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đưa ra những nhận định, đánh giá về vai trò và tiềm năng của CTX để đóng góp vào các mục tiêu của VNEEP3 và chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

    Các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế, doanh nghiệp cũng chia sẻ về tiềm năng phát triển và đầu tư vào CTX ở Việt Nam và những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể; đánh giá về thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng CTX ở Việt Nam, đồng thời đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ các rào cản để phát triển CTX.

    Các đại biểu đến từ Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng… đề xuất, cần ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi, nhằm khuyến khích và ưu tiên phát triển CTX, công trình tiết kiệm năng lượng; sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế CTX nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành CTX, công trình hiệu quả năng lượng; Đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn CTX dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Châu Loan

Ý kiến của bạn