Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đưa Tây Nguyên trở thành vùng có nền kinh tế xanh, hài hòa và bền vững

18/07/2024

    Tây Nguyên là vùng có 5 tỉnh, thứ tự từ bắc vào nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, là “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia; có diện tích tự nhiên là 54.548 km2, lớn thứ ba cả nước với dân số gần 6 triệu người; cùng khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được; đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, và khoảng 10 tỉ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước. Tây Nguyên có hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và là đầu nguồn của 04 con sông lớn gồm sông Sê San, sông Srepok, sông Ba và sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, cung cấp nước ngọt cho khu vực hạ du của các địa phương thuộc hai vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Tây Nguyên cũng là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng.

    Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Đến nay, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các địa phương trong Vùng đã khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của mình. Cơ cấu kinh tế của Vùng dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp có xu hướng tăng, trở thành động lực tăng trưởng chính của vùng. Quy mô kinh tế của Vùng được mở rộng, tăng nhanh. Quy mô GRDP năm 2020,  theo giá hiện hành của vùng Tây Nguyên đạt 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14,1 lần năm 2002 và tăng gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hoá có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Tổng thu ngân sách trên địa bàn vùng Tây Nguyên được cải thiện, đáp ứng dần khả năng cân đối của địa phương. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được quan tâm. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng. Việc giao đất, cho thuê đất, định canh, định cư đã được triển khai thực hiện kịp thời, từng bước khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở…

Tây Nguyên là vùng có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2050, vùng Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

    Theo hướng phát triển, vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng; tập trung phát triển các cây trồng chủ lực: cây công nghiệp (như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, dâu, bông vải, mía), cây ăn quả (như sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít), cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, rau, hoa ôn đới gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu; phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản tập trung; thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm). Bên cạnh đó, hình thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng và hành lang kinh tế; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương.

    Vùng Tây Nguyên phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế rừng, khuyến khích trồng rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản; tiếp tục phát triển bền vững các vùng nguyên liệu đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến lâm sản...

    Về ngành công nghiệp, vùng Tây Nguyên ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Đồng thời, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vùng...

    Vùng Tây Nguyên phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng và ngoài vùng theo các hành lang kết nối vùng và với cảng biển lớn ra các thị trường quốc tế. Phát triển thương mại hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với điều kiện đặc thù của thị trường khu vực đô thị, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số cửa khẩu quốc tế chính.

    Ngoài ra, phát triển dịch vụ logicstics gắn với các trung tâm, hành lang kinh tế kết nối các hoạt động thương mại trong nội vùng, liên vùng và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất gắn với các thị trường trong nước và quốc tế; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng...

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn