Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Đồng Tháp: Đầu tư 92 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ

09/05/2023

    Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đây là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực thực hiện Dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

    Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cia sẻ, Vườn Quốc gia nằm ở hạ lưu sông Mekong và trung tâm của Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) với hơn 7.300 ha, chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5 và phân khu C (dịch vụ hành chính). Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật với 6 kiểu quần xã đặc trưng gồm sen, lúa ma, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc và rừng tràm; hơn 230 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 130 loài cá; 174 loài thực vật phiêu sinh; 110 loài động vật phiêu sinh; 23 loài động vật đáy; 44 loài lưỡng cư, bò sát.

    Với sự đa dạng sinh học, xuất hiện nhiều bãi cỏ năn nên những năm qua, Sếu đầu đỏ đã về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tìm thức ăn. Tuy nhiên, số lượng Sếu đầu đỏ tìm về vườn ngày càng giảm. Năm 2021, chỉ có 3 con Sếu đầu đỏ về Tràm Chim và từ năm 2022 đến nay, không thấy xuất hiện cá thể sếu nào tại đây. Hiện, Sếu đầu đỏ được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN).

Sếu đầu đỏ có tên trong Sách đỏ thế giới từng xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim

    Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim, mục tiêu của Dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp là phục hồi, phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim bằng biện pháp nuôi, thả lại tự nhiên.

    Trong vòng 10 năm (2023 - 2033), Dự án phấn đấu nuôi thả 150 cá thể sếu về tự nhiên với tối thiểu 100 cá thể sống sót. Đàn sếu được thả sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại, phát triển trong môi trường tự nhiên.

    Dự án có 4 nội dung chính, gồm nuôi, thả sếu tại Tràm Chim; cải thiện môi trường sống của sếu; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn; quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào Sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương. Tổng kinh phí thực hiện Dự án khoảng 92 tỷ đồng.

    Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang từng bước triển khai thực hiện Dự án. Về thiết kế chuồng phục vụ quy trình nuôi nhốt sếu và thả về thiên nhiên, đã thuê đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế theo ý kiến các chuyên gia. Tỉnh cũng đã thành lập đoàn sang Thái Lan để tập huấn chuyên môn, kỹ thuật nuôi sếu cho nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim; bàn thảo kế hoạch với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT) đưa sếu về Việt Nam để nuôi và huấn luyện sếu sinh sản.

    Song song đó, Trại bảo tồn sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim đã và đang khẩn trương thực hiện các hạng mục xây dựng phục vụ việc bảo tồn, phát triển sếu. Vườn Quốc gia Tràm Chim triển khai công tác cải thiện môi trường tự nhiên phục vụ cho việc thả sếu về tự nhiên; điều tiết nước khu A4 và A5 phù hợp với điều kiện phát triển quần xã thực vật, đặc biệt là cỏ năn kim (thức ăn chính của Sếu đầu đỏ); vận động người dân xung quanh phân khu A4 (nơi sẽ tổ chức thả sếu về tự nhiên) sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo môi trường sống thuận lợi “giữ chân” đàn sếu.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn