Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần ở Việt Nam

19/02/2024

    Sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần là những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, có công dụng, tính năng tương tự, có thể đáp ứng được một phần, hoặc toàn bộ các yêu cầu của khách hàng như đối với sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Hiện nay, nhận thức về ô nhiễm nhựa đang dần được nâng cao nên việc đưa ra sản phẩm thay thế có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh số kinh doanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam vẫn còn eo hẹp do các nguyên nhân về giá thành, chất lượng sản phẩm, kênh phân phối… nên để thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thay thế cần có các chính sách, giải pháp tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm này, bên cạnh việc có các biện pháp, cơ chế nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Các loại túi thay thế túi ni-lông khó phân hủy

1. Mở đầu

    Ô nhiễm nhựa trên diện rộng toàn cầu hiện đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội. Ước tính hàng năm, có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương trên thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, Việt Nam là một trong 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu trên thế giới. Hàng năm, ước tính, có khoảng 2,8 - 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương.

    Tại Việt Nam, các sản phẩm nhựa dùng một lần được sử dụng nhiều do tính tiện dụng, giá thành rẻ và xu hướng tiêu dùng hiện nay. Theo Bộ TN&Tg, mỗi người dân Việt Nam tạo ra hơn một chiếc túi mỗi ngày và số lượng túi ni-lông thải ra môi trường hàng năm là khoảng 31,4 tỷ túi, chỉ 17% trong số đó được tái sử dụng và tái chế. Loại nhựa sử dụng một lần này nhanh chóng được đưa vào bãi chôn lấp, hoặc thải ra môi trường do hệ thống quản lý chất thải không phù hợp. Do đó, việc tiêu thụ nhựa sử dụng một lần và quản lý chất thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường nhức nhối ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

    Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni-lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm; sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni-lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

    Sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần là những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, có công dụng, tính năng tương tự, có thể đáp ứng được một phần, hoặc toàn bộ các yêu cầu của khách hàng như đối với sản phẩm nhựa dùng một lần. Hiện nay, nhận thức về ô nhiễm nhựa đang dần được nâng cao, nên việc đưa ra sản phẩm thay thế có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh số kinh doanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa do đó bắt đầu trở thành một phần trong chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam vẫn còn khá eo hẹp do nhiều nguyên nhân về giá thành, chất lượng sản phẩm, kênh phân phối… nên để thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thay thế cần có các chính sách, giải pháp tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm này, bên cạnh việc đồng thời có các biện pháp, cơ chế để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

2. Khái quát về thị trường các sản phẩm thay thế ở Việt Nam và các cơ chế, chính sách liên quan

    Để thay thế cho túi nhựa dùng một lần, hiện nay, tại thị trường Việt Nam có khá nhiều loại túi thân thiện môi trường, có khả năng phân hủy sinh học. Một loại là túi sinh học dùng nguyên liệu có gốc thực vật như bắp, khoai mì, đường mía… (trên thị trường hiện gọi là túi vi sinh), loại thứ hai là hỗn hợp nhựa truyền thống và nhựa gốc thực vật…, loại thứ ba là túi tự phân hủy sinh học dùng nguyên liệu nhựa có bổ sung phụ gia tự hủy với đặc điểm là xúc tiến oxy hóa. Loại túi vi sinh hiện giá thành còn cao, khoảng 3 - 4 lần túi nhựa thường, và để có thể phân hủy sinh học đúng nghĩa, hai loại túi còn lại có gốc thực vật cần thu gom tập trung để ủ trong môi trường công nghiệp thích hợp. Túi ni-lông thân thiện với môi trường - tự phân hủy sinh học hiện có giá thành chỉ cao hơn khoảng 10 - 20% túi ni-lông thông thường.

    Ngoài các loại túi thay thế cho túi ni-lông thì trên thị trường còn nhiều sản phẩm làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật: Bát, đĩa, khay, cốc được làm từ xơ tre, bột sắn, khay cơm được làm từ mo cau, ống hút tre, ống hút gạo, ống hút sậy…để thay thế cho các loại sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến hiện nay. Những sản phẩm làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật này có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, không giải phóng chất độc hại cho thực phẩm bên trong. Tuy nhiên, cần phải bảo quản những sản phẩm này khá nghiêm ngặt, tránh hiện tượng nấm, mốc phát sinh. Một số sản phẩm thay thế khác thì đường làm từ các loại vật liệu có giá thành cao hơn như các sản phẩm ống hút thủy tinh, hay các loại khay, hộp đựng thức ăn làm từ kim loại.

    Mặc dù, các sản phẩm thay thế như trên có ưu điểm thân thiện với môi trường, nhưng vẫn chưa thực sự làm thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng bởi còn những nhược điểm như kém hữu dụng, chưa phong phú và giá thành cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng không được bán rộng rãi ở các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa… nên cũng là trở ngại để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm thay thế này. Trong khi đó, việc tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy diễn ra phổ biến, vẫn còn tình trạng cửa hàng, siêu thị cho miễn phí người tiêu dùng để bao, đựng sản phẩm do giá thành rẻ. Tiêu dùng trong các chợ, cửa hàng nhỏ, lẻ không thể kiểm soát. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng chưa được chú trọng, chưađủ mạnh để thay đổi được hành vi tiêu dùng và xả rác của người dân. Một bộ phân lớn người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm thân thiện môi trường có giá thành cao hơn, còn khó thay đổi thói quen tiêu dùng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Do đó, để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần trong thời gian tới, cần có những chính sách cả về hành chính và tài chính để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế hiện nay trong việc phát triển các sản phẩm này, bên cạnh các giải pháp để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Hiện nay, trên thế giới, các quốc gia, tổ chức xã hội và khu vực tư nhân đang có xu hướng ngày càng phát triển những chính sách và hành động nhằm giải quyết tác động môi trường của các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong thập kỷ qua. Những can thiệp này đã được ghi nhận ở nhiều cấp độ từ quốc tế, khu vực, tới quốc gia và địa phương.

    Ở cấp quốc gia, đã có sự tập trung đáng kể vào các hành động liên quan đến việc quản lý sử dụng túi nhựa dùng một lần, với một số hình thức chính sách nhằm loại bỏ dần các sản phẩm này và các hành động đang được thực hiện ở cấp quốc gia, hoặc địa phương ở hơn 150 quốc gia. Một loạt các công cụ chính sách đang được các cơ quan quản lý ở cấp địa phương, vùng và quốc gia sử dụng để giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Trong số đó, các công cụ phổ biến nhất với sản phẩm nhựa dùng một lần đang được các quốc gia áp dụng là các công cụ liên quan tới hạn chế, công cụ thị trường (thuế phí) và các lệnh cấm (sản xuất, nhập khẩu, mua bán, tiêu dùng) với sản phẩm nhựa dùng một lần. Tính đến năm 2021, đã có 127 trong số 192 quốc gia (66%) đã thông qua Luật quản lý túi nhựa.

    Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số văn bản chính sách, pháp luật về hạn chế, cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy như: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020, trong đó đặt ra lộ trình giảm thiểu và tiến tới không sản xuất, nhập khẩu, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần kể từ 1/1/2031.

    Như vậy, những chính sách cấm và hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy đã được ban hành. Qua đó cho thấy, cam kết và quyết tâm của Việt Nam về giảm thiểu sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni-lông khó phân hủy. Các đề án, chỉ thị về quản lý chất thải nhựa cũng được các Bộ, ngành và địa phương ban hành, những quy định này xây dựng lộ trình hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất, cung cấp các loại túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần góp phần giảm thiểu chất thải nhựa.

    Với các sản phẩm thay thế, túi ni-lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thay thế khác thuộc nhóm sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các nguyên liệu, vật liệu, công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ, bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe con người và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc công nhận. Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường là một loại hình ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động BVMT, trong đó Danh mục hoạt động được ưu đãi, hỗ trợ liên quan đến sản phẩm thân thiện môi trường cụ thể gồm: Ưu đãi về mặt bằng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của  pháp luật đất đai; Ưu đãi về huy động vốn đầu tư từ Quỹ BVMT Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường địa phương và tổ chức tín dụng khác; Các dự án sản xuất mới được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; Trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường; Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thân thiện môi trường khi xuất khẩu; Hỗ trợ về giá và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường, các ưu đãi về thuế, phí khác...

    Tuy nhiên, trên thực tế các ưu đãi về nguồn vốn, công nghệ, giao đất, thuê đất, thuế BVMT, thuế thu nhập doanh nghiệp… đã được đề cập, nhưng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, thiếu sự liên thông, kết nối chặt chẽ giữa các quy định về ưu đãi trong các văn bản pháp luật trên với Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Thuế BVMT… Nguyên nhân một phần là do các văn bản này được ban hành trong các giai đoạn khác nhau và các chính sách liên quan chưa có sự đồng bộ. Hơn nữa, khi triển khai thực hiện các ưu đãi này, trên thực tiễn vẫn còn nhiều rào cản, khó thực hiện. Các công cụ, cơ chế trong quản lý chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng chưa được áp dụng hiệu quả; còn nhiều vướng mắc, bất cập trong áp dụng thuế BVMT đối với túi ni-lông, cũng như phí đóng góp xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần theo quy định của Luật BVMT năm 2020.

3. Một số đề xuất nhằm thúc đẩy sản phẩm thay thế tại Việt Nam

    Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, một số đề xuất các giải pháp cơ bản để thúc đẩy quá trình thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam trong giai đoạn tới tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

    Quy định về hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra: Trong khi sản xuất, nhập khẩu và bán hàng đối với sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn được cho phép, việc phân phối tại điểm bán hàng cần hạn chế, trừ khi khách hàng yêu cầu (hoặc phải trả tiền/phí). Các chính sách này có thể từ các biện pháp tự nguyện, chẳng hạn như các đơn vị bán lẻ, khách sạn và nhà hàng lựa chọn cắt giảm sử dụng nhựa trong các cơ sở của mình, trước khi chuyển sang thành các quy định mang tính bắt buộc. Hình thức cuối là cấm việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tuy nhiên, quy định này cần có lộ trình phù hợp với quy định của Chính phủ.

    Quy định về áp dụng thuế, phí nhằm hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần: Xây dựng các quy định về tăng thuế BVMT, áp dụng phí đối với sản phẩm nhựa dùng một lần vì hiện nay các quy định hiện hành về thuế BVMT được coi là không hiệu quả trong việc hạn chế sản xuất, tiêu dùng đối với túi nhựa dùng một lần cũng như với các sản phẩm nhựa dùng một lần. Quy định tăng thuế, phí với sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời, giúp các sản phẩm thay thế tăng được tính cạnh trạng về giá trên thị trường so với sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Quy định về tỷ lệ tái chế tối thiểu bắt buộc đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, cũng như quy định về quy chuẩn nhận diện các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường: Việc đặt ra quy định về tỷ lệ, hàm lượng tái chế tổi thiểu bắt buộc trong sản phẩm là rất cần thiết để thúc đẩy quá trình nâng cao tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên. Cần đưa ra những quy định chi tiết, cụ thể về nguyên liệu cho loại sản phẩm thay thế, với sự tham khảo từ các quốc gia tiên tiến đã đưa vào quy định sử dụng các sản phẩm tự hủy sinh học và hướng dẫn công nhận cụ thể. Cần nghiên cứu cơ chế cho phép công nhận đối với các sản phẩm thay thế của Việt Nam đã được chứng nhận phù hợp bởi các tổ chức tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá có uy tín của thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống chứng nhận sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường của riêng mình.

    Quy định về khuyến khích, thúc đẩy các hành động tự nguyện giảm thiểu, không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần: Hỗ trợ chuyển đổi thị trường, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, thông qua các các chương trình hành động tự nguyện, hướng đến đối tượng doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp như siêu thị, cửa hàng dừng cho, tặng miễn phí sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy, tự nguyện áp dụng các biện pháp thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.

    Quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn công nhận với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần: Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, nâng cao năng lực kiểm định, kiểm soát, chứng nhận chất lượng các sản phẩm thay thế trên thị trường. Cần sớm ban hành các quy định hoặc hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng nhận đối với các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần để tạo điều kiện cho các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi về BVMT, cũng như hỗ trợ truyền thông tiếp thị với các sản phẩm này.

    Quy định, hướng dẫn cụ thể về tiếp cận nguồn vốn, thuế, phí và các ưu đãi hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường: Cung cấp các khoản tín dụng và ưu đãi thuế cho các công ty áp dụng phương pháp sản xuất bền vững, chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đầu tư vào các sản phẩm bền vững, hoặc tham gia sản xuất và bán lẻ các sản phẩm thay thế bền vững. Những ưu đãi này sẽ giúp cho việc sản xuất và bán các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trở nên khả thi hơn về mặt kinh tế.

    Hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm thay thế tới người tiêu dùng: Cần có các giải pháp liên kết với các thương hiệu trong/ngoài nước và ưu đãi thuế, phí, đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Tăng cường vai trò của Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; cũng như nghiên cứu về việc thành lập một liên minh chính thức gồm các doanh nghiệp bền vững hợp tác với Nhà nước để cùng nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, đề xuất cung cấp các thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động triển lãm, giúp doanh nghiệp truyền thông về các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần ở trong và ngoài nước.

4. Kết luận

    Các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và giải pháp trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường, có tiềm năng thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng một lần ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường với các sản phẩm thay thế ở trong nước vẫn khá nhỏ hẹp. Đối với các doanh nghiệp thì thị trường chính dành cho sản phẩm thay thế của họ là xuất khẩu, do nhu cầu trong nước hạn chế vì nhiều nguyên nhân như sản phẩm thay thế có giá thành cao hơn, trong khi các đặc tính về độ bền, dẻo dai, tiện lợi… so với sản phẩm nhựa dùng một lần lại kém hơn, do thói quen tiêu dùng bền vững chưa thực sự phổ biến. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cho biết, còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận, hay có được những công nhận, hướng dẫn, ưu đãi cụ thể từ chính sách của Nhà nước để phát triển các sản phẩm thay thế. Vì vậy, để khuyến khích việc phát triển thị trường sản phẩm thay thế tại Việt Nam, cần có những quy định, cơ chế cụ thể và hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư trong lĩnh vực này.

    Dựa trên kết quả rà soát, phân tích hiện trạng, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế, một số đề xuất các giải pháp chính sách cơ bản để thúc đẩy và khuyến khích việc phát triển các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần tại Việt Nam trong thời gian tới đã được xác định, bao gồm cả các các công cụ mệnh lệnh - hành chính và kinh tế trong việc hạn chế, tiết giảm quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời cũng đề cao việc xây dựng, phát triển các giải pháp khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ cho các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Jambeck et al., (2015). “Plastic waste inputs from land into the ocean”, Science 347. No.6223: 768 - 771.

2. Neufeld, F. Stassen, R. Sheppard, T. Gilman, Eds. (2016), The New Plastics Economy: Rethinking the Future of Plastics (World Economic Forum, 2016)

3. Ngân hàng Thế giới. Báo cáo tóm tắt chính sách: “Giảm thiểu nhựa dùng một lần ở Việt Nam”.

4. Báo TN&MT (2018), Cảnh báo “ô nhiễm trắng”: Thảm họa mới của môi trường, https://baotainguyenmoitruong.vn/canh-bao-o-nhiem-trang-tham-hoa-moi-cua-moi-truong-222844.html.

5. United Nations Environment Programme (2021). Addressing Single-use Plastic Products Pollution Using a Life Cycle Approach. Nairobi.

6. Ngân hàng Thế giới (2022). Hướng tới một Lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam: Các lựa chọn chiến lược để giảm thiểu nhựa dùng một lần cần ưu tiên.

         Nguyễn Minh Khoa

Chuyên gia tư vấn về môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2024)

        

Ý kiến của bạn