Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Đề án một triệu ha lúa giảm phát thải - Cơ hội và thách thức

20/02/2024

    Ngành lúa gạo có vai trò quan trọng trong ổn định xã hội và đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 50% sản lượng lúa gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, trái ngược với những thành công rực rỡ của ngành lúa gạo thì hiện nay, thu nhập của người nông dân trồng lúa là thấp nhất trong ngành nông nghiệp và ngành lúa gạo đang đóng góp lượng phát thải khí nhà kính (KNK) lớn nhất (khoảng 50% lượng phát thải KNK của ngành nông nghiệp). Nhiều hạn chế từ ngành sản xuất lúa gạo đã và đang giảm sự phát triển bền vững của ngành trong bối cảnh hiện tại. Nhằm tạo động lực mới để phát triển một ngành lúa gạo hiệu quả, bền vững và giảm phát thải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ đem lại nhiều cơ hội nâng cao thu nhập của các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc sản xuất lúa gạo có trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, việc xác định các phương thức đầu tư hợp lý và tính toán hiệu quả đầu tư một cách khôn ngoan để vừa đảm bảo được các mục tiêu về môi trường lại vừa tăng được thu nhập của các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là thu nhập của người nông dân trồng lúa, là hết sức cần thiết để Đề án có thể được thực hiện thành công như kỳ vọng.

    1. Thực trạng của ngành lúa gạo Việt Nam - Những thành tựu và hạn chế

    Ngành lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam sản xuất hàng năm khoảng 43 - 45 triệu tấn lúa, tương đương 26 - 28 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn ở tốp đầu thế giới, đạt mức từ 5 - 7 triệu tấn/ năm với giá trị đạt trên 2 tỷ USD (số liệu thống kê từ 2016 - 2022).

    ĐBSCL là vựa lúa chủ lực của Việt Nam với diện tích tự nhiên 4,092 triệu ha, trong đó 2,575 triệu ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và xuất khẩu trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

    Bên cạnh những thành công đạt được, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khắc phục nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững. Một số hạn chế đã được xác định như: (i) Thu nhập của nông dân trồng lúa còn khá thấp; (ii) Các biện pháp canh tác lúa vẫn còn chưa bền vững -  sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh và lãng phí tài nguyên nước dẫn đến giá thành sản xuất còn khá cao; (iii) Thất thoát sau thu hoạch còn cao; (iv) Chất lượng lúa gạo còn chưa đồng đều; (v) Sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết bền chặt giữa người trồng lúa với các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp; (vi) Lượng phát thải KNK trong trồng lúa cao.

    Thu nhập của người nông dân trồng lúa hiện nay là thấp nhất trong ngành nông nghiệp (trích lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, 2023). Trung bình, năng suất lúa ở ĐBSCL đạt 5 - 7 tấn/ ha/ vụ, một năm người dân làm từ 2 - 3 vụ lúa. Giá lúa gạo bán ra dao động theo thị trường từ 6.000 - 8.000 VNĐ/kg. Người trồng lúa sở hữu đất sẽ đạt lợi nhuận khoảng 40% sau khi trừ các chi phí sản xuất, còn nếu phải đi thuê đất thì lợi nhuận sẽ chỉ còn khoảng 20-30%. Nếu tính trung bình mỗi hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL có 1,24 ha đất (số liệu thống kê năm 2020) thì một hộ trồng lúa làm 3 vụ lúa cũng chỉ có thu nhập khoảng 40 - 60 triệu VNĐ/năm. Thu nhập này rất khó đủ để trang trải các chi phí cho một hộ nông dân trồng lúa khoảng 4 người. Do vậy, nếu giá lúa bấp bênh và năng suất lúa ở mức thấp khi thời vụ không thuận lợi thì người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL rất dễ bị rơi vào nợ nần và nghèo đói.

    Một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận trong trồng lúa thấp là giá thành sản xuất lúa cao do sử dụng quá nhiều giống trong gieo sạ, bón nhiều phân bón hóa học và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh hơn mức cần thiết. Theo số liệu thống kê năm 2022, mặc dù người nông dân đã giảm lượng lúa giống gieo sạ so với 10 năm trước nhưng lượng giống gieo sạ ở ĐBSCL vẫn phổ biến ở mức 100 - 150 kg/ha. Việc sử dụng nhiều giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không chỉ dẫn đến giá thành sản xuất lúa tăng mà còn gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lên tới 10%, cao hơn nhiều so với Thái Lan là 4,2% (Đào Thế Anh, 2018).

    Chất lượng lúa gạo thành phẩm của Việt Nam không đồng đều là một điểm yếu chí tử của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân là do chất lượng sản xuất giống lúa của Việt Nam chưa cao, khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến còn yếu. Mặc dù số lượng nông dân sử dụng giống lúa xác nhận đã tăng nhanh trong 10 năm qua lên đến trên 75% lượng giống gieo sạ nhưng công tác quản lý giống lúa trên thị trường vẫn còn một số hạn chế dẫn đến chất lượng lúa giống chưa đồng đều. Phơi sấy và bảo quản lúa vẫn là một điểm yếu quan trọng của nông dân vùng ĐBSCL so với các nước xuất khẩu lúa gạo trong khu vực. Diện tích sản xuất nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng hạt gạo của Việt Nam không đồng đều.

    Mặc dù số lượng hộ nông dân trồng lúa ở Việt Nam lớn nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, do vậy, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo rất khó bền chặt bởi lẽ, các doanh nghiệp phải quản lý một số lượng rất lớn hộ nông dân dẫn đến chi phí quản lý tăng cao, làm giảm lợi nhuận của các bên tham gia chuỗi giá trị. Gần đây, nhiều HTX đã hình thành nhằm tăng cường mối liên kết giữa các hộ nông dân, tạo thuận lợi cho tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn và giúp giảm đầu mối liên kết cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trình độ quản lý của các HTX thấp cũng đang gây cản trở cho các mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

    Trồng lúa là ngành gây phát thải lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 50,31% lượng phát thải (tương đương gần 50 triệu tấn CO2 mỗi năm) với hơn 75% lượng khí thải metan (CH4) của ngành nông nghiệp (BUR3, 2020). Với đặc thù sản xuất lúa nước, đất ruộng thường xuyên ngập nước, nên chất hữu cơ trong đất sẽ phân hủy trong điều kiện kỵ khí và thải ra khí mê tan. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều phân hóa học (phân đạm) khiến lượng khí N2O phát thải nhiều hơn. Đối với tác động làm nóng lên toàn cầu, 1 kg CH4 tương đương 28 kg CO2, và 1 kg N2O tương đương 256 kg CO2 (IPCC, 2014). Ngoài ra, thất thoát sau thu hoạch cũng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu khi lượng phát thải do tổn thất sau thu hoạch chiếm đến hơn 10% tổng lượng khí phát thải sinh ra trong vòng đời sản xuất lúa gạo.

    Tóm lại, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian qua và có những đóng góp quan trọng trong ổn định xã hội và phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của nền sản xuất nông nghiệp, ngành sản xuất lúa gạo đã và đang bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục để tạo thêm động lực hướng tới phát triển sản xuất bền vững. Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023 tại Quyết định 1490/ QĐ-TTg nhằm mục đích phát triển một ngành hàng lúa gạo Việt Nam có chất lượng cao, bền vững và thân thiện với môi trường.

    2. Giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp

    Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải KNK, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

    Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Đề án là đạt được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, trong đó, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1P5G, SRP, AWD… và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Về tổ chức sản xuất sẽ có: (i) 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; (ii) Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; (iii) Trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Về BVMT và tăng trưởng xanh sẽ có: (i) Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; (ii) 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; (iii) Giảm trên 10% lượng phát thải KNK so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

    Đề án sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam xây dựng ngành sản xuất lúa gạo bền vững và thân thiện với môi trường, tăng thu nhập cho người trồng lúa và tăng cường giá trị gia tăng cho ngành sản xuất lúa gạo. Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Đề án là khoảng 650 triệu USD, chia làm 2 giai đoạn: (i) Giai đoạn 1 cần khoảng 60 triệu USD để củng cố diện tích 180.000 ha đã được đầu tư của dự án VnSAT; (ii) Giai đoạn 2 cần 590 triệu USD để mở rộng thêm khoảng 820.000 ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp.

    Một trong những yếu tố then chốt để Đề án thành công là khả năng nâng cao thu nhập của nông dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị lúa gạo. Để đạt được mục tiêu này, các hoạt động của Đề án sẽ tập trung vào giảm giá thành sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo bán trên thị trường.

    Việc giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 70 kg/ha sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí về giống cho người nông dân. Tuy nhiên, để làm được điều này thì chất lượng giống và hệ thống kiểm soát chất lượng giống cần phải được nâng cao hơn nữa so với hiện tại. Việc sử dụng giống với chất lượng cao hơn nhưng chi phí mua giống tương đương hoặc thấp hơn so với hiện nay cũng sẽ là thử thách đáng kể với hệ thống cung ứng giống hiện tại. Bên cạnh đó, việc giảm 30% phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học cũng đang gặp khó khăn tương tự về chi phí. Trong thời gian vừa qua, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học đã giảm đáng kể so với trước đây nhưng không thể phủ nhận chi phí sử dụng phân bón hữu cơ và các thuốc trừ sâu sinh học vẫn còn khá đắt đỏ so với người nông dân trồng lúa.

    Việc tổ chức lại sản xuất của nông dân trong các HTX sẽ giúp giảm đáng kể chi phí mua vật tư đầu vào do người nông dân có thể mua sỉ với giá rẻ hơn. Hơn nữa, tham gia các HTX sẽ tạo cơ hội cho người dân đầu tư chung các thiết bị sản xuất và bảo quản chế biến sau thu hoạch, giúp nâng cao chất lượng lúa gạo và giảm giá thành sản xuất. Theo tính toán của Cục Trồng trọt, việc tham gia cánh đồng mẫu lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và tăng từ 20 đến 25% giá trị sản lượng.

    Một mục tiêu quan trọng của Đề án là giảm phát thải KNK và hỗ trợ tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp. Với biện pháp “1 Phải 5 Giảm” (1P5G) bao gồm: Phải sử dụng giống xác nhận, Giảm lượng Giống, Phân bón, Thuốc bảo vệ thực vật, Nước tưới và Thất thoát sau thu hoạch của Đề án đều có thể giúp giảm ô nhiễm môi trường và phát thải KNK. Tuy nhiên, do lượng phát thải KNK lớn nhất trong trồng lúa được sinh ra khi để ruộng lúa ngập nước trong suốt thời vụ gieo trồng nên để giảm được đáng kể lượng phát thải trong trồng lúa hiện nay thì biện pháp Nông - Lộ - Phơi (AWD) là biện pháp giảm phát thải chủ yếu. Biện pháp AWD chỉ có thể được áp dụng trên những cánh đồng có diện tích lớn và có hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản để tưới và tiêu thoát nước linh hoạt. Để làm được điều này, những người nông dân trồng lúa nhỏ lẻ ở ĐBSCL sẽ hầu như không đủ vốn để đầu tư mà chỉ nhà nước hoặc doanh nghiệp mới có thể thực hiện được. Mặt khác, việc tiêu thoát nước giữa vụ lúa (AWD) hầu như không giúp tăng năng suất hoặc chất lượng lúa đáng kể so với để ngập nước suốt vụ nên đối với doanh nghiệp, việc đầu tư một hệ thống thủy lợi bài bản chỉ nhằm mục đích giảm phát thải KNK vẫn là một bài toán khó trong bối cảnh các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất lúa ở nước ta vẫn còn rất khó khăn về nguồn lực. Chính vì vậy, việc đầu tư hệ thống thủy lợi để có thể thực hiện AWD trên diện tích 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL vẫn phải phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước và sự trợ giúp của các nhà tài trợ quốc tế.

    Thu gom rơm làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm... hiện vẫn đang được thực hiện khá phổ biến ở ĐBSCL và đem lại lợi nhuận đáng kể cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, việc thu xử lý các gốc rạ sau thu hoạch vẫn còn khó khăn do giá trị của gốc rạ không cao mà chi phí thu gom lại khá lớn. Đã có nhiều công nghệ xử lý gốc rạ tại ruộng để làm phân bón hữu cơ và giảm ô nhiễm môi trường được giới thiệu cho người dân nhưng quy mô áp dụng vẫn còn khá khiêm tốn.

    Hiện nay, xu thế sử dụng các sản phẩm thương hiệu các-bon thấp, thân thiện với môi trường cũng đang tạo lợi thế về thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu đối với các mặt hàng được chứng nhận giảm phát thải. Thậm chí, một số nước phát triển đang xem xét đánh thuế các-bon đối với các sản phẩm nhập khẩu. Do vậy, việc đầu tư sản xuất theo hướng BVMT là một xu thế tất yếu đối với nhiều ngành, bao gồm cả ngành sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, việc so sánh và cân đối giữa các nguồn thu có thể có như bán tín chỉ các-bon, nâng cao giá trị gia tăng thương hiệu gạo, giảm thuế các-bon... và chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng sản xuất lúa giảm phát thải cũng cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo đầy đủ hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tại thời điểm quyết định đầu tư. 

    3. Kết luận

    Việc phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo động lực mới cho phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam bền vững và thân thiện với môi trường. Đây là một cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nhằm tái cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo trong giai đoạn hội nhập với thế giới, khi mà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, giảm phát thải KNK là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc xác định các phương thức đầu tư hợp lý và tính toán hiệu quả đầu tư một cách khôn ngoan để vừa đảm bảo được các mục tiêu về môi trường lại vừa tăng được thu nhập của các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là thu nhập của người nông dân trồng lúa, là hết sức cần thiết để Đề án có thể được thực hiện thành công như kỳ vọng.

TS. Nguyễn Thế Hinh

Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2024)

Ý kiến của bạn