Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Đẩy mạnh phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Cà Mau

02/12/2022

    Cà Mau có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có 87 cửa sông thông ra biển nên chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng phiên bản cập nhật năm 2020 được Bộ TN&MT công bố cho thấy, nếu mực nước biển dâng 100 cm, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguy cơ bị ngập. Trong đó, tỉnh Cà Mau có nguy cơ ngập 57,69%, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

    Tác động của BĐKH tới môi trường

    BĐKH tác đồng ngày càng gay gắt, đặc biệt là đối với các hiện tượng cực đoan. BĐKH làm cho triểu cường - sạt lở, xâm nhập mặn, bão - lốc xoáy - giông và năng nóng ngày càng tăng lên cả về tần xuất và cường độ.

Tác động của BĐKH đến môi trường

    Triều cường - sạt lở (55,19%) diễn ra ngày càng khốc liệt tại Cà Mau. Nhiều tuyến đê biển cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra. Đã có hàng chục km đê biển ngày đêm bị ảnh hưởng, những vạt rừng phòng hộ ven biển bị cuốn trôi. Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra trong mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính đến hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm. Đặc biệt, khoảng 3 năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển đã đi sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều dãy rừng ngập mặn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, hiện tượng này đang có dấu hiệu lan rộng với quy mô ngày càng lớn. Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng này, nhất là vào dịp tháng 9, tháng 10 hàng năm.

    Xâm nhập mặn (50,37%) đã xảy ra ở nhiều địa điểm và  là hệ quả của mực nước biển tăng và sự thay đổi chế độ dòng chảy của Sông Mê Kông vào mùa khô đồng thời mực nước biển tăng do tác động của BĐKH sẽ làm trầm trọng thêm hiện tượng xâm nhập mặn. Cà Mau cũng bị ảnh hưởng bởi nước mặn, nồng độ muối 5 - 21% và sẽ thay đổi lớn trong điều kiện chịu ảnh hưởng của BĐKH, nước biển dâng và tác động của con người.

    Bão - lốc - xoáy (19,63%) đang gia tăng cả về tần số và cường độ do BĐKH là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Cà Mau cũng như vùng BSCL được đánh giá là khu vực dễ bị tác động nặng nề của bão, gió lốc do địa hình bằng phẳng. Trong tương lai, bão và giông lốc có thể gây thiệt hại ngày càng nặng nề với hệ thống lưới điện, cây trồng, nhà cửa và các công trình trên mặt đất nghiêm trọng. Nếu không có các hành động ứng phó, thì vào năm 2100, nếu mực nước biển dâng thêm 100 cm thì sẽ ảnh hưởng đến các khu vực dễ bị tổn thương nhất ở đồng bằng sông Cửu Long - chiếm 39% diện tích sẽ bị ngập lụt, ảnh hưởng đến 35% dân số sống tại đó, ngoài ra 40,5% tổng sản lượng lúa sẽ bị mất. BĐKH tác động chủ yếu lên người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương. BĐKH cũng làm cho nắng nóng tại Cà Mau ngày càng tăng lên.

    Từ các kết quả phân tích trên cho thấy, tác động của BĐKH đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và môi trường Cà Mau, do đó, cần có các gải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH tới môi trường và con người.

    Các văn bản chính sách pháp luật đã ban hành liên quan đến phát triển bền vững, thích ứng BĐKH tại địa phương

    Tại điểm 1, Điều 90, Chương VII Luật BVMT năm 2020 đã xác định rõ thích ứng với BĐKH là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động thích ứng với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT: tại điểm 1, mục IV, chỉ rõ tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT;

    Quyết định số 1633/QĐ-BTNMT ngày 20/8/2021 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc ban hành Kế hoạch của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/1/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TWcủa Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị tại điểm a, khoản 2, Mục II: “Tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT”.

    Trước những tác động xấu của BĐKH, UBND tỉnh Cà Mau đã xác định công tác ứng phó với BĐKH và nước biển dâng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ chuyên viên thực hiện Chương trình về ứng phó BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các Sở, ban ngành và địa phương thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, dự án liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Sở TN&MT là cơ quan thường trực cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về BĐKH. Theo đó, các văn bản đã được UBND tỉnh ban hành để thực hiện các chương trình mục tiêu biến đối khí hậu và kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, cụ thể: Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 28/KH-UBND, ngày 26/2/2020 của UBND tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT…

    Đặc biệt, ngày 16/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1332/QĐ-UBND. Mục tiêu của Kế hoạch mang tầm nhìn chiến lược đã được UBND tỉnh xác định tác động của BĐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực quản lý, giám sát BĐKH và tăng cường khả năng tiếp cận chủ động, linh hoạt thích ứng với tác động của BĐKH và các điều kiện tự nhiên khác, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế.

    Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư...; Tăng cường đầu tư các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển, nhằm chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ, chủ động di dời, bố trí, sắp xếp lại điểm dân cư sống ven đê, ven sông, ven biển, bờ kênh, rạch... có nguy cơ sạt lở cao, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; Phát triển đồng bộ và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng; Thu hút đầu tư phát triển các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối theo cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, gắn liền với phát triển rừng và bảo vệ bờ biển; Phát triển công nghiệp gắn liền với tăng cường quản lý, BVMT. Đến năm 2050, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh BĐKH và đảm bảo an toàn trước thiên tai. Tiếp tục thực hiện chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển nền kinh tế các bon thấp và tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế về BĐKH, khẳng định sự chủ động, nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong ứng phó với BĐKH; tích cực vận động hỗ trợ quốc tế mọi nguồn lực về năng lực, tài chính, công nghệ để ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH…

    Các dự án thích ứng BĐKH tại địa phương trong thời gian qua

    UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH theo Chương trình mục tiêu quốc gia, nên hầu hết các dự án, mô hình đều hướng lồng ghép yếu tố này. Chính vì thế, việc xác định được những mô hình thành công trong việc vừa hỗ trợ sinh kế cho người dân vừa thích ứng với BĐKH để nhân rộng cho các vùng phù hợp là điều cần thiết hiện nay.

    Trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã xác định 55 nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm ứng phó với BĐKH với nguồn kinh phí trên 19 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ và ODA trên 18 nghìn tỷ đồng. Các công trình trọng điểm ảnh hướng lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội được tỉnh đề ra trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2050 có thể kể đến như: Hồ chứa nước ngọt trên đảo Hòn Chuối; xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư Thị trấn Năm Căn; xây dựng nâng cấp đê biển Tây (đoạn từ Cái Đôi Vàm - Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau); xây dựng hệ thống thủy lợi Tiểu vùng XIV và XII - Nam Cà Mau; giai đoạn 2 của dự án xây dựng Kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Tây và kè tạo bãi khôi phục đai rừng phòng hộ biển Đông. Kế hoạch đưa yêu cầu xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Hòn Khoai (đảo Hòn Khoai); điều chỉnh, mở rộng Khu neo đậu, tránh trú bão Sông Đốc; Khu tránh trú bão cho tàu cá Bồ Đề. Về nuôi trồng thủy sản, sẽ đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau); đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Khu Kinh tế Năm Căn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung tại Phong Điền (Trần Văn Thời); hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung tại Tân Dân (Đầm Dơi, Cà Mau)...

    Hàng năm, UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, các chương trình mục tiêu cụ thể và được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và quốc tế đã từng bước chủ động thực hiện ứng phó BĐKH bước đầu có hiệu quả như: các công trình bảo vệ, phòng, chống sạt lở vùng cửa sông, cửa biển, khôi phục lại diện tích rừng ven biển, kè tạo bãi trồng rừng, nâng cấp hệ thống đê, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các dự án về ứng phó với BĐKH, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.... Các địa phương đã huy động tốt nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự đóng góp, tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, từ thiện trong công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Các dự án điển hình gồm: Xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây: Đang thực hiện ở các huyện ven biển U Minh và Trần Văn Thời, thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022, với kè dài 9.700 m và bãi bùn được tạo dài 1.561m, 75,4 ha rừng phòng hộ đã được trồng mới, mang lại hiệu quả kép trong việc phòng, chống sạt lở cũng như giảm nhẹ phát thải KNK thông qua việc hấp thụ CO2 nhờ quá trình quang hợp của cây để tăng trưởng sinh khối; Dự án gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ bờ biển khu vực Đất Mũi, thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020, với 89 ha rừng được trồng mới, góp phần giảm sóng, bảo vệ bờ biển khu vực Đất Mũi; Dự án Trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển: Đang thực hiện ở các huyện Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2021, với 14.510 m tường mềm và 2.000 m kè bê tông ly tâm, trồng mới 316,5 ha rừng góp phần giảm sóng, bảo vệ cửa sông, cửa biển đồng thời góp phần giảm nhẹ phát thải KNK…

    Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng

    Nhiệm vụ quản lý nhà nước về BĐKH liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và là lĩnh vực đặc thù, nên cần nâng cao nâng lực của cán bộ quản lý các cấp về BĐKH; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong ứng phó với BĐKH. Đặc biệt là cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về BĐKH, cụ thể:

    Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ứng phó với BĐKH; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số quy định về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn theo cơ chế chính sách của Trung ương phù hợp với tình hình địa phương;

    Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế, xã hội, phát triển theo ngành, lĩnh vực ở cấp tỉnh, cấp huyện phải được lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH;

    Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật cho một số hoạt động về BĐKH;

    Tăng cường xây dựng các văn bản hướng dẫn giám sát, đầu tư trang thiết bị giám sát BĐKH. Phục vụ công tác quản lý nhà nước dựa trên thông tin cơ sở dữ liệu BĐKH.

    Tài nguyên thiên nhiên có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong đảm bảo phát triển bền vững của cả nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Để đáp ứng với những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cộng đồng thì cần thiết phải áp dụng cách tiếp cận quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực thích ứng của địa phương thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai có sự tham gia là một hoạt động thường thấy trong nhiều dự án về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, thông thường các kế hoạch này thường được lập ở những cấp huyện, xã hay ấp. Mặc dù người dân được tham gia trong quá trình lập kế hoạch, hầu hết họ chưa có một kế hoạch hành động cụ thể và phù hợp hoàn toàn với nhu cầu và đặc điểm của gia đình mình. Vì thế, nhằm nâng cao năng lực cộng đồng trong thích ứng với BĐKH, cần triển khai một số nội dung như: Xây dựng, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân trong việc thích ứng với BĐKH; Tăng cường năng lực quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các hình thức sản xuất có tổ chức, chia sẻ kinh nghiệm giữa người tham gia sản xuất với nhau và với các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu liên quan; Phát triển các hoạt động tín dụng nhỏ và các nguồn tín dụng khác nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương tiếp cận với nguồn tín dụng đa dạng, tăng khả năng ứng phó với BĐKH trên phương diện tài chính. 

Phạm Phước An

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2022)

 

Ý kiến của bạn