Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Đẩy mạnh giám sát công tác thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp

04/11/2022

    Nhằm triển khai hiệu quả công tác BVMT trong hoạt động sản xuất công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai đã ban hành Thông báo số 2278/TB-KCNĐN về giám sát việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và tình hình xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo kế hoạch, từ ngày 1 - 24/11, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với Sở TN&MT, UBND cấp huyện nơi có KCN để làm việc với các công ty đầu tư hạ tầng về việc thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và tình hình xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN.

    Theo số liệu thống kê, Đồng Nai có 31/33 KCN có dự án đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10,2 nghìn ha, chiếm 10% diện tích đất công nghiệp, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN. Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết, 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 181.670 m3/ngày, đêm. Hiện nay, tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 127.754 m3/ngày, trong đó lượng nước thải của các doanh nghiệp thu gom đấu nối về các hệ thống xử lý nước thải tập trung là 99.821 m3/ngày (chiếm tỷ lệ 78,14%); lượng nước thải của các doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp là 27.902 m3/ngày (chiếm tỷ lệ 21,84%); lượng nước thải còn lại của các doanh nghiệp chưa đấu nối khoảng 31 m3/ngày, đêm (chiếm tỷ lệ 0,02%).

Các KCN được hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo dõi, giám sát (Ảnh: Nhã Chi) 

    Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 9 KCN có công suất tiếp nhận, xử lý nước thải lớn, trên 10 nghìn m3/ngày, đêm, trong đó có 7 khu đã hoàn thành đầu tư, 2 khu đã đầu tư 50%. Ngoài ra, 25 KCN được tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo dõi, giám sát. 

    Ngoài ra, theo quy hoạch, tỉnh Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.496,8 ha, trong đó, tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 900 - 1.000 m3/ngày. Nhằm khắc phục hạn chế, đảm bảo tiêu chuẩn hoạt động của các CCN trên địa bàn, địa phương đang nỗ lực tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu 100% CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2025.

    Sở TN&MT tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải hơn 1 nghìn m3/ngày, đêm đã được cấp phép xả thải đưa nước thải về nhà máy xử lý nước thải KCN để thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát. Các KCN chưa có hệ thống quan trắc nước thải tự động hoặc hệ thống quan trắc đã xuống cấp phải hoàn thành đầu tư, nâng cấp trạm quan trắc nước thải và kết nối truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Việc giám sát thu gom, đấu nối nước thải của các doanh nghiệp và vận hành nhà máy của các nhà máy xử lý nước thải nhằm đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp phải tuân thủ quy định về môi trường đối với nước thải, kiểm soát khối lượng phát sinh và chất lượng nước thải sau xử lý, việc đầu tư công trình phòng ngừa và hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường. 

Châu Long

Ý kiến của bạn