Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 06/12/2024

Đánh giá tổng hợp mô hình phát triển kinh tế rừng đa dụng gắn với bảo tồn các hệ sinh thái rừng tại tỉnh Sơn La

10/07/2024

Tóm tắt:

    Hiện nay, một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng (như trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển du lịch sinh thái…) đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, qua đó giúp giảm nguy cơ xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất hay khai thác tài nguyên rừng quá mức. Tuy vậy, các mô hình cần được đánh giá một cách tổng hợp về hiệu quả cũng như tác động ở các khía cạnh: kinh tế - xã hội, môi trường và ở các quy mô khác nhau như hộ gia đình, cộng đồng, Ban Quản lý (BQL) rừng... nhằm hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có tỉnh Sơn La, trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp và chính sách phù hợp nhằm khai thác tốt nhất tài nguyên do các hệ sinh thái (HST) rừng cung cấp nhưng vẫn phải đảm bảo các mục tiêu bảo tồn các HST rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp rà soát tài liệu thứ cấp; khảo sát, đánh giá các mô hình tiêu biểu; tham vấn với Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện, xã, BQL rừng phòng hộ (RPH)/rừng đặc dụng (RĐD) và các hộ gia đình tham gia mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng tại tỉnh Sơn La. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng của Sơn La đa dạng, phong phú, có hiệu quả và tác động khác nhau ở các quy mô khác nhau. Hầu hết các mô hình đều có tiềm năng mở rộng để khai thác giá trị mà HST rừng đem lại. Tuy nhiên, mô hình nào cũng tiềm ẩn những rủi ro cần được đánh giá sâu hơn trước khi nhân rộng.

Từ khóa: Phát triển kinh tế, rừng đa dụng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Ngày nhận bài: 16/5/2024; Ngày sửa chữa: 3/6/2024; Ngày duyệt đăng: 19/6/2024.       .

INTEGRATED ASSESSMENT OF MULTI-FUNCTIONAL FOREST ECONOMIC DEVELOPMENT ASSOCIATED WITH FOREST ECOSYSTEMCONSERVATIONIN SON LA PROVINCE

Abstract:

    Existing forest-based economic development models (i.e., non-timber forest product and medicine herb exploitation, agro-forestry, eco-tourism business, etc.) are bringing stable livelihood and income to forest-dependent households and communities, contributing to reduce the risk of forest encroachment for forest conversion to agricultural productions and forest resource overexploitation. These models, however, these models need to be assessed in terms of socio-economic and environmental dimensions at different scales (i.e. household, community, commune, province, etc.) to inform provinces, including Son La, to establish and implement proper measures and policies for promoting forest-based economic development models to take advantages of forest resources while still ensuring the goals of conserving forest ecosystems and biodiversity. By reviewing secondary documents, surveying and collecting information and data of typical forest-based economic development models, and consulting representatives of Department of Agriculture and Rural Development, Department of Forest Protection, District’s/Commune’s People’s Committees, Special-use forest/Protection forest Management Boards and households involving in forest-based economic development in Son La province, the study results show that: Forest-based economic models in Son La province are diverse in form  with varying level of effectiveness and impact at different scales. Most of the models are potential to continue expanding to take advantages of forest ecosystem services. However, every model has its own risks that need to be fully assessed before being widely replicatedin the province.

Keywords: Economic development, multi-functional forest, special-use forest, protection forest.

JEL Classifications: N52, N53, R00, O13.

1. Đặt vấn đề

    Tại Việt Nam, việc khai thác, sử dụng tài nguyên rừng được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp lý, điển hình là Luật Lâm nghiệp (2017) và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, đề án liên quan đến quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn ĐDSH, BVMT sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo điều kiện cho các chủ rừng chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp. Các địa phương cũng đã nhận thức rõ hơn về giá trị và cơ hội phát triển kinh tế do các HST rừng mang lại nên đã tập trung nguồn lực để xây dựng, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế bền vững dưới tán rừng trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên. Một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng (như trồng cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển du lịch sinh thái…) đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, qua đó giúp giảm nguy cơ xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất hay khai thác tài nguyên rừng quá mức. Tuy vậy, các mô hình cần được đánh giá một cách tổng hợp về hiệu quả cũng như tác động ở các khía cạnh: kinh tế - xã hội, môi trường và ở các quy mô khác nhau như hộ gia đình, cộng đồng, BQL rừng... nhằm hỗ trợ cho các địa phương, trong đó có tỉnh Sơn La, xây dựng được các chính sách đầu tư đúng đắn, hiệu quả cho các mô hình phát triển kinh tế nhằm khai thác giá trị tổng hợp của các HST rừng trên địa bàn tỉnh.

2. Phương pháp nghiên cứu

    - Tham vấn và thu thập thông tin số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, Quỹ Bảo vệ và phát triển rùng Sơn La, Phòng Nông nghiệp huyện Sốp Cộp, BQL RPH-RĐD Sốp Cộp,  về các nội dung liên quan đến: (i) hiện trạng rừng của địa phương; (ii) hiện trạng các mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên rừng tại địa phương; (iii) hiệu quả và tác động của các mô hình kinh tế dựa vào rừng tại địa phương và (iv) định hướng của tỉnh đối với vấn đề khai thác giá trị đa dụng của rừng và vấn đề bảo tồn các HST rừng tại địa phương.

    - Khảo sát và thu thập thông tin về các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng về: (i) đặc điểm của mô hình, hiệu quả và tác động kinh tế, xã hội và môi trường của mô hình; (ii) thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển mô hình; (iii) đề xuất của cá nhân/hộ gia đình/cộng đồng đối với việc nhân rộng mô hình trong thực tế.

    Việc khảo sát và thu thập thông tin được thực hiện qua hình thức phỏng vấn trực tiếp, sử dụng các phiếu thu thập thông tin được thiết kế riêng biệt cho từng đối tượng được tham vấn nhằm đảm bảo cho các thông tin, số liệu cần thiết cho nghiên cứu được thu thập đúng và đủ.

    Thông tin, số liệu thu thập được từ hiện trường sau đó sẽ được tổng hợp và phân tích theo Khung đánh giá hiệu quả và tác động dưới đây:

Bảng 1. Khung đánh giá hiệu quả và tác động của các mô hình

Lĩnh vực

Tiêu chí đánh giá

Ví dụ về các chỉ số đánh giá hiệu quả

Ví dụ về các chỉ số đánh giá tác động

Kinh tế

Mức độ đáp ứng về nhu cầu kinh tế/tài chính

Mức độ đóng góp (tỷ lệ %) đóng góp của mô hình đối với dòng ngân sách/dòng tài chính dành cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Mức độ rủi ro về tài chính/kinh tế của mô hình khi chịu tác động các yếu tố bên ngoài (thị trường, dịch bệnh, kỹ thuật…)

Mức độ đóng góp vào sự phát triển của ngành/lĩnh vực/địa phương

Mức độ đáp ứng (tỷ lệ %) về nhu cầu tiêu dùng/nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực có liên quan

Hiệu quả sử dụng lao động

Thu nhập bình quân của các lao động tham gia vào mô hình so với thu nhập bình quân của các ngành nghề phổ biến khác tại địa phương

Xã hội

Thu hút sự tham gia của cộng đồng

- Tỷ lệ lao động (%) tham gia vào mô hình/chuỗi giá trị sử dụng các sản phẩm từ mô hình là đầu vào.

- Mức độ quan tâm của các bên liên quan (cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng, người dân) đối với việc phát triển mô hình.

Mức độ rủi ro về xã hội của mô hình khi chịu tác động từ bên ngoài/khi mở rộng mô hình (tỷ lệ lao động bị thất nghiệp; tỷ lệ các ngành, nghề, lĩnh vực có liên quan bị ảnh hưởng…)

Bảo tồn kiến thức, văn hóa, truyền thống bản địa

Tỷ trọng kiến thức/tri thức/văn hóa bản địa được sử dụng trong việc phát triển mô hình

Cải thiện chất lượng cuộc sống, văn hóa, nhận thức (đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn ĐDSH, bảo tồn thiên nhiên)

Mức độ đóng góp/Tầm quan trọng của mô hình đối với việc cải thiện chất lượng cuộc sống, văn hóa, nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH, bảo tồn thiên nhiên, quản lý và sử dụng tài nguyên rừng bền vững tại địa phương

Môi trường

Bảo tồn thiên nhiên/ĐDSH

Mức độ đóng góp/Tầm quan trọng của mô hình trong việc bảo tồn HST rừng, BVMT (đất, nước, không khí) tại địa phương (ví dụ: Diện tích/Tỷ lệ diện tích rừng được bảo vệ từ sự đóng góp của mô hình)

Mức độ rủi ro về môi trường của mô hình khi chịu tác động từ yếu tố bên ngoài/khi mở rộng mô hình (ví dụ: Diện tích/tỷ lệ diện tích rừng bị xâm hại, chuyển đổi, phá vỡ tính nguyên vẹn; số lượng/tỷ lệ các loài động vật hoang dã/loài bản địa bị đe dọa; diện tích bị ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…)

Bảo toàn tính nguyên vẹn của HST

Mức độ đóng góp/Tầm quan trọng của mô hình đối với việc bảo toàn tính nguyên vẹn của HST rừng và các HST khác có liên quan (ví dụ: Diện tích/tỷ lệ diện tích rừng được bảo toàn nguyên vẹn nhờ sự đóng góp của mô hình)

Không khí và nước sạch

Mức độ đóng góp/Tầm quan trọng của mô hình đối với việc cải thiện chất lượng nguồn nước và chất lượng không khí tại địa phương.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Hiện trạng quản lý và sử dụng tài nguyên rừng tại Sơn La

    Theo Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 8/3/2023 của UBND tỉnh Sơn La công bố hiện trạng rừng tỉnh Sơn La, đến ngày 31/12/2022, tỉnh Sơn La có 855.752,3 ha rừng và đất rừng, trong đó diện tích có rừng là 666.887,6 ha (chiếm 77,9%), tỷ lệ che phủ rừng 47,3%.

    Theo nguồn gốc, rừng tự nhiên (RTN) có diện tích là 594.075,6 ha (chiếm 89,1%); rừng trồng (RT) có diện tích là 72.812,1 ha (chiếm 10,9%) trong đó có 6.199,7 ha rừng cao su và 43.346,0 ha cây đặc sản; diện tích RT chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng, diện tích khoanh nuôi tái sinh và diện tích khác là 188.864,7 ha (chiếm 22,1%).  Còn theo mục đích sử dụng, tại Sơn La, rừng sản xuất (RSX) có diện tích lớn nhất với 303.711,1 ha, chiếm 45,54% tổng diện tích rừng của tỉnh (trong đó RTN là 239.222,8 ha và rừng trồng là 64.488,3 ha); tiếp theo là rừng RPH với 292.774,2 ha chiếm 43,9% (trong đó RTN là 286.244,1 ha và rừng trồng là 6.530,1 ha); cuối cùng là RĐD với 70.402,4 ha chiếm 10,56% (trong đó RTN là 68.608,6 ha và rừng trồng là 1.793,7 ha). Về điều kiện lập địa, tại Sơn La, rừng phân bố chủ yếu trên núi đất với 552.599,8 ha (chiếm 82,86%), còn lại là rừng trên núi đá với 111.287,8 ha chiếm 17,14%. Đối với thành phần loài cây, rừng cây gỗ có diện tích là 443.835,9 ha (chiếm 66,55%), rừng tre nứa có diện tích là 15.358,1 ha (chiếm 2,3%) và rừng hỗn giao gỗ - tre nứa có diện tích là 13.881,0 ha (chiếm 2,08%).

a) Theo nguồn gốc b) Theo chức năng

Hình 1. Hiện trạng rừng của Sơn La phân theo nguồn gốc và chức năng (Nguồn: UBND tỉnh Sơn La (2023))

    Theo đơn vị hành chính, Mường La là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh (71.212,9 ha); tiếp theo là các huyện: Thuận Châu (70.903,2 ha), Sốp Cộp (69.779,8 ha). Tuy nhiên, do diện tích tự nhiên các huyện khác nhau nên theo tỷ lệ che phủ rừng thì huyện Vân Hồ có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất là 57,9%, tiếp theo là Yên Châu 52,8%, trong khi Mường La 49,8%, Thuận Châu 45,7% (UBND tỉnh Sơn La, 2023).

    Hiện tại các diện tích rừng tại Sơn La đang được quản lý bởi 9 nhóm chủ rừng khác nhau gồm: BQL RĐD; BQL RPH; Tổ chức kinh tế; Doanh nghiệp FDI; Lực lượng vũ trang, Tổ chức Khoa học và Công nghệ, Đào tạo, Giáo dục; cộng đồng; Hộ gia đình và UBND, trong đó các cộng đồng được giao quản lý diện tích rừng lớn nhất với 375.639,7 ha, chiếm 55,82 % tổng diện tích rừng và đất rừng của tỉnh, đây là một đặc điểm đặc thù trong quản lý rừng của Sơn La (xem Hình 3). Các BQL RĐD và BQL RPH có thể giao khoán một phần diện tích cho các hộ gia đình/cộng đồng quản lý, bảo vệ theo quy định hiện hành của nhà nước. Một điểm đáng chú ý khác là RPH chiếm 43,9% diện tích rừng toàn tỉnh nhưng BQL RPH chỉ quản lý 5.985,8 ha (chiếm 0,89% diện tích rừng của tỉnh), phần lớn RPH do các đơn vị khác quản lý.

Hình 2. Hiện trạng quản lý rừng theo nhóm chủ rừng tại Sơn La (Nguồn: UBND tỉnh Sơn La (2023))

3.1.1. Hiện trạng, hiệu quả và tác động của các mô hình phát triển kinh tế rừng đa dụng tại Sơn La

a) Mô hình cung cấp nguyên liệu gỗ, củi

    Hiện trạng

   Đối với RTN: Mặc dù có diện tích RTN rất lớn nhưng do chủ trương đóng cửa RTN trên cả nước của Chính phủ nên tại Sơn La không có hoạt động khai thác gỗ chính thức ở RTN; tuy nhiên, trên toàn tỉnh hiện có trên 0,5 triệu người đang sinh sống ở khu vực vùng II, III, trực tiếp tham gia sản xuất lâm nghiệp trên 193.439 ha RTN là (số liệu năm 2019). Theo ước tính, mỗi năm các hộ gia đình khai thác 40.000 - 60.000 m3 gỗ để làm nhà cửa và tận thu củi để sử dụng trong gia đình.

    Đối với RT: RT ở Sơn La hiện nay đến tuổi khai thác phần lớn được hình thành từ Chương trình trồng rừng 327 (phủ xanh đất trống đồi núi trọc) và 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng). Về thành phần loài cây chủ yếu là thông mã vĩ, sản phẩm chính là gỗ xẻ và gỗ bóc. Năng suất, sản lượng của các loại rừng trồng hình thành từ Chương trình trồng rừng 327 và 661 thường không cao do suất đầu tư thấp (thực tế được gọi là kinh phí hỗ trợ để trồng rừng) nên mức độ thâm canh thấp, nguồn giống không đảm bảo, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng rừng hạn chế.

    Hiệu quả và tác động về mặt kinh tế

    Ở cấp độ toàn tỉnh: Sản lượng khai thác gỗ và củi trên địa bàn tỉnh đều tăng lên qua các năm, có năm tăng đột biến như năm 2021 do diện tích rừng trồng đã đến thời kỳ khai thác tăng và giá bán gỗ tăng so với năm trước. Năm 2022, sản lượng khai thác toàn tỉnh gồm: 27.268 m3 gỗ từ rừng trồng tập trung, 864.806 ste củi và 50.000 m3 gỗ do các hộ gia đình tự khai thác tận thu từ RTN và rừng trồng. Với giá gỗ bình quân 0,7 triệu đồng/m3 và giá củi 0,3 triệu đồng/ste, tổng giá trị thu được từ gỗ và củi của tỉnh Sơn La năm 2022 ước đạt khoảng 308,5 tỷ đồng, tương đương với 1,94% GRDP ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh và chiếm 0,5% GRDP) của tỉnh Sơn La (theo Báo cáo số 734/BC-CTK ngày 25/12/2022 của Cục Thống kê Sơn La, giá trị GRDP toàn tỉnh năm 2022 là 64.508,06 tỷ đồng, của ngành Nông - Lâm - Thủy sản là 15.863 tỷ đồng) (Cục Thống kê Sơn La, 2022).

    Ở cấp độ hộ gia đình: Theo kết quả khảo sát của nhóm tư vấn, thu nhập từ khai thác, tận thu gỗ và củi chiếm khoảng 10 - 15% tổng thu nhập của các hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tại Sơn La. Mặc dù mức đóng góp từ gỗ, củi vào kinh tế của hộ không quá cao nhưng khoản thu một lần từ khai thác rừng trồng là một khoản thu lớn đối các hộ gia đình miền núi. Mặt khác, sản phẩm củi có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống hàng ngày của đồng bào miền núi vì hầu hết chất đốt là củi từ rừng.

    Ở cấp độ BQL RĐD và RPH: Theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản có liên quan tại địa phương, các BQL RĐD và RPH tại Sơn La gần như không được khai thác/tận thu gỗ, củi trên diện tích rừng do đơn vị quản lý. Đối với các diện tích rừng đã giao cho các hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ theo hợp đồng, việc khai thác tận thu gỗ và củi do các hộ gia đình và cộng đồng thực hiện và hưởng lợi; các BQL không được chia sẻ lợi ích từ các khoạt động này. Do phần lớn diện tích rừng của tỉnh Sơn La đã được giao khoán cho các cộng đồng và  hộ gia đình nên mức độ đóng góp từ khai thác gỗ, củi vào ngân sách nhà nước hay ngân sách dành cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương là không đáng kể.

    Hiệu quả và tác động về mặt xã hội

    Toàn tỉnh Sơn La có trên 1.248.416 nhân khẩu trong đó 86,2% sống ở nông thôn. Tỉnh có 270.000 hộ nhưng có 92.000 hộ nghèo (chiếm 34,07% số hộ), khoảng 0,5 triệu người (40% dân số của tỉnh) sinh sống ở khu vực vùng II, III cơ bản đều trực tiếp tham gia các hoạt động lâm nghiệp với các hình thức và mức độ khác nhau. Rừng ở Sơn La được giao cho các cộng đồng quản lý là 375.639,7 ha, chiếm 55,82% tổng diện tích rừng và đất rừng, là nhóm chủ rừng lớn nhất của tỉnh; tiếp theo là hộ gia đình, cá nhân được giao 123.213,5 ha, chiếm 18,31% (2). Mặc dù giá trị không lớn, nhưng các hoạt động trồng, khai thác, tận thu gỗ và củi có ý nghĩa to lớn đối với người dân địa phương, góp phần tạo việc làm và thu nhập, nhiều vùng là sinh kế quan trọng để bảo đảm ổn định cuộc sống.

    Cùng với việc giá trị lâm sản ngày càng tăng, nhận thức của người dân về giá trị của rừng cũng như ý nghĩa của  công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện trồng rừng trên đất được giao. Tuy vậy, do số lượng cộng đồng và hộ gia đình được giao đất, giao rừng lớn nên quy mô bị ảnh hưởng  của các thay đổi trong chính sách lâm nghiệp cũng như các biến động về thị trường, giá lâm sản đều rất lớn.

    Hiệu quả và tác động về mặt môi trường

    Trong những năm gần đây, do có các quy định khá chặt chẽ về quản lý, bảo vệ rừng nên việc khai thác, tận thu gỗ, củi không gây ảnh hưởng đến độ che phủ rừng ở tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, nếu xem xét trong thời gian dài có thể nhận thấy việc khai thác lâm sản cũng như chuyển đổi một số diện tích rừng sang trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả đã ảnh hưởng đến diện tích cũng như tính toàn vẹn của các HST rừng ở tỉnh. Ví dụ Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp trước đây được thành lập nhằm bảo tồn voi và bò rừng, nhưng đến nay (2023), voi chỉ còn 1 cá thể còn bò rừng không còn được ghi nhận là có mặt. Theo kết quả khảo sát của tư vấn, hiện nay một số huyện (chẳng hạn Sốp Cộp) muốn giảm diện tích rừng trên địa bàn đối với diện tích được quy hoạch là đất lâm nghiệp nhưng không còn rừng.

b. Mô hình khai thác lâm sản ngoài gỗ (LSNG) và dược liệu

    Hiện trạng

    LSNG trong RTN ở Sơn La khá phong phú, phân bố ở hầu hết các huyện được chia thành các nhóm, gồm: lấy sợi, thực phẩm, dược liệu, lấy nhựa.

    Nhóm cây LSNG lấy sợi gồm có: Tre, luồng, vầu, trúc, nứa, giang, song, mây... phân bố chủ yếu tại TP. Sơn La và các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, Phù Yên, Mường La. Trong đó, diện tích RTN là rừng tre nứa là 15.358,1 ha, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa là 13.881,0 ha. Năm 2022, sản lượng tre nứa khai thác là 17.210 tấn; sản lượng cây lấy sợi khai thác đạt 40.264 tấn.

    Nhóm LSNG lấy thực phẩm gồm măng tươi, mộc nhĩ, lá dong, mắc ca... có ở TP. Sơn La và các huyện như Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Thuận Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Mường La... Hàng năm, thu hoạch măng tươi đạt 13.305 tấn, mộc nhĩ 69 tấn, lá dong 38 triệu lá.

    Nhóm cây dược liệu như đẳng Sâm, hà thủ ô, hoài Sơn, sa nhân, khúc khắc... có ở Quỳnh Nhai, Yên Châu, Thuận Châu, Bắc Yên, Mường La và TP. Sơn La vẫn được các hộ gia đình khai thác từ RTN nhưng không có số liệu thống kê sản lượng.

    Nhóm LSNG lấy nhựa: Trên toàn tỉnh có 1.930 ha tập trung tại các huyện Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, bình quân khai thác đạt 0,135 tấn/ha/năm, sản lượng nhựa 911,3 tấn/năm.

    Hiệu quả và tác động về mặt kinh tế

    Kết quả tổng hợp thông tin thứ cấp và khảo sát thực tế cho thấy: hầu hết người dân được giao rừng hoặc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn ở tỉnh Sơn La đều tham gia vào khai thác nguồn lợi LSNG/dược liệu từ rừng, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày trong hộ gia đình hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Mặc dù vậy, hoạt động khai thác nguồn lợi LSNG từ rừng là hoàn toàn tự phát và phụ thuộc vào thị trường tự do.

    Hoạt động khai thác LSNG và dược liệu dưới tán rừng là hoạt động tự phát (tự thực hiện, tự quản lý) của người dân và họ được hưởng toàn bộ sản phẩm thu được mà không phải đóng góp cho các BQL hay cho ngân sách của địa phương.

    Hiệu quả và tác động về mặt xã hội

    Nguồn thu từ hoạt động khai thác nguồn lợi LSNG/dược liệu dưới tán rừng góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ gia đình và cộng đồng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ rừng để duy trì nguồn lợi tự nhiên; đồng thời góp phần duy trì và phát huy kiến thức bản địa, truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số trong sử dụng tài nguyên rừng.

    Hiệu quả và tác động về mặt môi trường

    Mặc dù không được quản lý nhưng hoạt động khai thác nguồn lợi LSNG/dược liệu từ rừng tự nhiên tại Sơn La được đánh giá là không gây ra tác động quá lớn đến các HST rừng. Hiện nay, ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng người dân vào rừng khai thác trái phép động, thực vật rừng hoang dã hoặc khai thác quá mức một số đối tượng có giá trị cao nhưng chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ lẻ và không có vi phạm lớn.

c) Mô hình nông - lâm - ngư kết hợp dưới tán rừng

    Hiện trạng

    Theo Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La (2023), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 25 mô hình phát triển kinh tế nông - lâm - ngư kết hợp dưới tán RTN cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm; cụ thể như mô hình trồng Sa nhân tại huyện Sốp Cộp; xã Mường Giàng, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai sau khi trồng 2  - 3 năm, cây bắt đầu cho quả và có thể thu hoạch 5 - 6 năm liền, bình quân 1 ha Sa nhân có thể cho thu từ 150 - 250 kg quả khô/năm, với giá 100.000 đồng/kg, mỗi năm thu từ 15 - 25 triệu đồng/ha.

Hình 3. Mô hình trồng Sa nhân tím tại xã Nậm Cang, huyện Sốp Cộp

    Ngoài phát triển trồng cây LSNG, cây dược liệu, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã tận dụng diện tích dưới tán rừng để nuôi ong, gia súc, gia cầm... nhằm nâng cao thu nhập.

    Hiệu quả và tác động về mặt kinh tế

    Theo Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La (2023), tổng thu nhập của các mô hình nông-lâm kết hợp trên địa bàn tỉnh là 2,5 - 5,0 tỷ/năm. Mặc dù ý nghĩa kinh tế của các mô hình nông - lâm kết hợp ở quy mô lớn như cấp huyện hay tỉnh là không lớn nhưng đối với các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình là rất đáng kể. Ví dụ, 1 hộ trồng 2 ha sa nhân dưới tán rừng có thể thu được 30 - 50 triệu đồng/năm, hay 1 hộ nuôi 20 đàn ong có thể thu được 30 kg mật và 66 kg phấn hoa, trị giá khoảng 70 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát và tham vấn các bên liên quan tại Sơn La cho thấy mô hình canh tác nông - lâm kết hợp (ví dụ trồng Sa nhân tím dưới tán RTN) mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường.

    Hiệu quả và tác động về mặt xã hội

    Các mô hình sản xuất nông-lâm kết hợp dưới tán rừng nhằm sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, chịu sự chi phối của thị trường, ngoài khả năng kiểm soát của các hộ gia đình và cộng đồng nên chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, các mô hình này thường yêu cầu kỹ thuật không quá phức tạp, phù hợp năng lực người dân và dễ các tác dụng lan tỏa, hình thành các nhóm đồng sở thích (điển hình như các câu lạc bộ nuôi ong) tạo điều kiện tiếp cận thông tin (về giống, kỹ thuật, thị trường...) thuận lợi hơn do thời gian ban đầu các hộ gia đình, cộng đồng luôn nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn vốn của các chương trình, dự án. Qua quá trình thực hiện các mô hình, người dân được nâng cao nhận thức không chỉ về phương thức canh thác, cách tổ chức sản xuất  mới, mà cả về tính hợp tác, liên kết và trách nhiệm trong sản xuất.

    Hiệu quả và tác động về mặt môi trường

    Các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp dưới tán rừng nhìn chung đều phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và dựa vào tự nhiên nên ít ảnh hưởng đến rừng, có tác dụng bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH và môi trường nói chung. Tuy nhiên, ở quy mô hẹp và cục bộ, một số mô hình cũng ảnh hưởng nhất định đến trạng thái rừng như làm giảm độ tàn che của tầng cao để bảo đảm sinh trưởng và năng suất thu hoạch cho các loài LSNG được trồng xen dưới tán rừng.

d) Mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào rừng

    Hiện trạng

    Sơn La có diện tích rừng lớn, trong đó RTN chiếm gần 90% tổng diện tích đất có rừng với 5 Khu Bảo tồn thiên nhiên (Copia, Sốp Cộp, Tà Xùa, Xuân Nha, Mường La) trên diện tích 87.805 ha là những nơi có tính ĐDSH cao, cảnh quan đẹp và không khí trong lành. Ngoài ra, vùng lòng hồ với chiều dài tới 150 km, diện tích khoảng 16.000 ha là những tài nguyên du lịch tự nhiên vô giá có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái (DLST), trong đó mô hình phát triển DSLT dựa vào rừng nổi bất nhất tại Sơn La là Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu. Tại đây, các hoạt động kinh doanh DLST được hưởng lợi từ diện tích RTN trong khu trung tâm du lịch trọng điểm và một phần diện tích của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha.

    Hiệu quả và tác động về mặt kinh tế

    Mặc dù có tiềm năng lớn về cảnh quan thiên nhiên, nhưng các hoạt động du lịch nói chung và DLST dựa vào cảnh quan và môi trường rừng nói riêng ở Sơn La còn rất hạn chế và hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Tại vùng trọng điểm phát triển du lịch hàng đầu của tỉnh là Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tổng lượt khách du lịch năm 2019 là 1,3 triệu lượt chiếm hơn 50% số lượt khách du lịch tại Sơn La với tổng thu đạt khoảng 1.135 tỷ đồng. Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hiệu quả kinh tế của hoạt động kinh doanh  DLST trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu rất thấp, nhiều cơ sở nhỏ, lẻ phải đóng cửa.

    Đối với các BQL RPH, BQL RĐD, nguồn thu từ DLST hầu như không có vì hoạt động kinh doanh DLST chưa được triển khai do cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Một vài khu bảo tồn có hoạt động kinh doanh DLST nhưng nguồn thu chỉ gồm vé vào cửa và nguồn thu này phải nộp về ngân sách theo quy định hiện hành.

    Hiệu quả và tác động về mặt xã hội

    Các hoạt động DLST dựa vào cảnh quan và môi trường rừng kết hợp với bản sắc văn hóa các DTTS ở Sơn La có hiệu quả và tác động rất tốt về mặt xã hội, góp phần giao lưu, kết nối giữa các cộng đồng cũng như tôn vinh các giá trị của tự nhiên và của các cộng đồng cư dân bản địa.

    Hiệu quả và tác động về mặt môi trường

    Các hoạt động DLST dựa vào rừng góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH và các HST rừng; nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với bảo vệ và phát triển rừng của các bên liên quan. Tuy nhiên, phát triển DLST nếu không được quy định rõ ràng, kiểm soát tốt có thể phát sinh ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường rừng và ĐDSH như việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường đi, nhà nghỉ trong rừng…

e) Mô hình khai thác dịch vụ môi trường rừng

    Hiện trạng

    Tỉnh Sơn La đang thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với thủy điện và nước sạch với 39 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR nội tỉnh, gồm 44 nhà máy thủy điện và 1 nhà máy nước. Tổng thu từ chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh là 220 - 250 tỷ đồng/năm, chủ yếu là từ thủy điện (thu từ nước sạch khoảng 500 triệu đồng/năm). Năm 2022, tỉnh đã chi trả trên 242,85/243,1 tỷ đồng cho 40.139/40.538 chủ rừng với tổng diện tích rừng 565.638,89 ha.

    Hiệu quả và tác động về mặt kinh tế

    Nguồn thu từ DVMTR có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành lâm nghiệp của tỉnh Sơn La trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ xấp xỉ 10 tỷ đồng/năm. Nguồn thu từ DVMTR cũng là một nguồn thu quan trọng của các BQL RPH, RĐD. Với nguồn thu này, các BQL RPH, RĐD có thể chủ động tổ chức các phương án quản lý rừng bền vững để đạt hiệu quả tốt nhất đối với lâm phần do đơn vị quản lý.

    Ở cấp độ hộ gia đình và cộng đồng, nguồn thu từ DVMTR đã được chi trả cho trên 40.000 chủ rừng, trong đó có trên 2.000 cộng đồng thôn bản, với mức chi trả bình quân từ 0,26 - 1,7 triệu đồng/ha, cao nhất > 2triệu đồng/ha/năm, góp phần tích cực vào phát triển cộng đồng và sinh kế của người dân.

    Hiệu quả và tác động về mặt xã hội

    Nguồn thu từ DVMTR đã thực sự làm thay đổi nhận thức về vai trò của các HST và tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng của nhiều bên liên quan trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, nhờ nguồn thu từ DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đã tổ chức được 71 lớp đào tạo, tập huấn với sự tham gia của 2.186 lượt học viên, qua đó, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho cán bộ và người dân.

    Hiệu quả và tác động về mặt môi trường

    Nguồn thu từ DVMTR ở Sơn La có hiệu quả và tác động rất lớn đến công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng; giúp cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chủ động và hiệu quả hơn; giảm số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, qua đó tác động tích cực đến hiệu quả BVMT nói chung.

3.2. Nhận xét chung và một số đề xuất

    Tài nguyên rừng của tỉnh Sơn La rất phong phú, đa dạng và có giá trị rất lớn; các mô hình phát triển kinh tế dựa vào rừng cũng rất đa dạng và có vai trò quan trọng cả về kinh tế - xã hội, môi trường từ quy mô hộ gia đình, cộng đồng đến các phạm vi lớn hơn như xã, huyện, tỉnh và thậm chí ở phạm vi quốc gia. Mặc dù giá trị của các HST rừng của Sơn La là rất lớn, kể cả khi xem xét từng khía cạnh hay đánh giá tổng thể chung, nhưng giá trị thực tế khai thác được hiện nay còn tương đối thấp và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng giá trị mà các HST rừng tại Sơn La đang lưu giữ. Mô hình cung cấp  sản phẩm gỗ, củi là phổ biến, có tính truyền thống và quan trọng hàng đầu, tuy nhiên do Sơn La là vùng có hệ thống giao thông vận tải lạc hậu và có thị trường gỗ hạn chế nên các mô hình cung cấp gỗ chất lượng, giá trị cao còn hạn chế. Các mô hình khai thác LSNG có thể đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt cho các hộ gia đình và cộng đồng nhưng nếu không có các quy định rõ về mặt kỹ thuật (đối tượng, cường độ khai thác, tiêu chuẩn khai thác… và quản lý (chính sách hưởng lợi, trách nhiệm chủ rừng…) thì các mô hình này đều không bền vững và có khả năng ảnh hưởng đến ĐDSH rừng. Các mô hình nông - lâm kết hợp hiện nay mới đang được triển khai nhỏ lẻ, tự phát và bị ảnh hưởng rất nhiều từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là tính ổn định của thị trường. Các mô hình khai thác DLST dựa vào rừng tại Sơn La hiện nay còn ở giai đoạn sơ khai, nguồn thu hạn chế do các rào cản về pháp lý và hạ tầng. Các mô hình khai thác DVMTR tại Sơn La còn non trẻ nhưng hiệu quả cao và có tiềm năng để tiếp tục mở rộng, đặc biệt là đối với dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các-bon.

    Lời cảm ơn: Nghiên cứu này là một phần của nghiên cứu “Đánh giá tổng hợp phát triển kinh tế rừng đa dụng gắn với bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH các HST rừng toàn quốc” do WWF-Việt Nam phối hợp với nhóm tư vấn thực hiện nhằm hỗ trợ cho Cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của HST rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trần Thị Thu Hà1

 Triệu Văn Hùng2

1Viện Nghiên cứu sinh thái và Môi trường rừng,

 Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

2Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Thu Hà. Đánh giá tiềm năng mở rộng nguồn thu từ chi trả DVMTR trong hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La. Báo cáo tư vấn hợp phần "Quản lý rừng bền vững", Dự án Quản lý rừng bền vững và ĐDSH VFBC) do USAID tài trợ. Hà Nội, 2/2023.

2. UBND tỉnh Sơn La, 2023, Báo cáo số 92/BC-UBND ngày 7/3/2023 của UBND tỉnh Sơn La về thực trạng gây trồng, phát triển, khai thác, chế biến, tiêu thụ dược liệu và tình hình phát triển các giá trị của HST rừng trên địa bàn tỉnh.

3. Cục Thống kê Sơn La, 2022, Báo cáo số 734/BC-CTK ngày 25/12/2022 của Cục Thống kê Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.

4. UBND tỉnh Sơn La, 2021, Thực trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kỷ yếu Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Lai Châu, tháng 12/2021.

Ý kiến của bạn