Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo - Đề xuất giải pháp hoàn thiện

13/11/2024

    Ngày 13/11/2024, tại Đà Nẵng, Cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo - Đề xuất giải pháp hoàn thiện. Hội thảo thu hút sự tham gia của 100 đại biểu là đại diện Sở TN&MT và cơ quan chuyên môn trực thuộc tại 8 tỉnh, thành phố ven biển khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bBộ cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

    Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Tài nguyên, môi trường Biển và hải đảo đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Một số quy định chưa đầy đủ, chưa thống nhất với Luật Thủy sản, Luật BVMT, Luật Địa chất Khoáng sản... đặc biệt là một số nội dung mà Luật Đất đai năm 2024 mới quy định, liên quan đến hoạt động lấn biển. Trên cơ sở đó, Cục Biển và hải đảo Việt Nam đang tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm triển khai thi hành luật một cách khả thi, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng cũng như giữ vững chủ quyền, bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển.

Toàn cảnh Hội thảo

    Theo Báo cáo của Cục Biển và hải đảo Việt Nam, đến nay, 14/28 địa phương có biển đã và đang lập hồ sơ quản lý tài nguyên biển, đảo; 27 địa phương phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; hơn 560 khu vực ven biển, hải đảo được thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển dài gần 1.700 km (khoảng 50% tổng chiều dài bờ biển); chất lượng nước biển ven bờ được bảo đảm; 14 địa phương đã được phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh... Bộ TN&MT phê duyệt 37 giấy phép nhận chìm gần 100 triệu m3 chất nạo vét trên khu vực biển có tổng diện tích 5.713 ha; UBND cấp tỉnh phê duyệt 22 giấy phép nhận chìm gần 11 triệu m3 chất nạo vét trên khu vực biển có tổng diện tích 1.390 ha. Các địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính khoảng 23 tỷ đồng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

    Cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý; thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng không gian biển, bảo vệ môi trường biển; giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người khai thác, sử dụng tài nguyên biển và nhà đầu tư; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình khai thác, sử dụng không gian biển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.

Trần Tân

Ý kiến của bạn