Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại trong giai đoạn 2022 - 2025

04/05/2022

    Ô nhiễm không khí (ÔNKK) luôn là một trong các vấn đề nóng về môi trường ở nước ta. Môi trường không khí ở Việt Nam bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5).  Các nguồn thải chính gây ÔNKK không khí như: Một số khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) chưa có các biện pháp BVMT phù hợp; công tác BVMT làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng đô thị hóa nhanh và hoạt động xây dựng gây áp lực lớn về ô nhiễm môi trường (ÔNMT); tốc độ phát triển tăng cao của giao thông vận tải gây ra nguồn thải ÔNKK rất lớn; đốt chất thải và đốt rơm rạ mùa thu hoạch lúa. ÔNMT tác động tiêu cực đối với các hệ sinh vật (động vật và thực vật) và sức khỏe con người, gây thiệt hại kinh tế khoảng 4,45-5,64% GDP cả nước. Vì vậy, đẩy mạnh triển khai nghiên cứu đánh giá mối đe dọa suy thoái đa dạng sinh học và sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường không khí gây ra là một yêu cầu cấp thiết. Bài báo đã đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm giảm thiểu tác hại của ÔNMT không khí đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Từ khóa: Ô nhiễm không khí, đa dạng sinh học, sức khoẻ con người

1. Thực trạng ÔNMT không khí ở nước ta

    Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ TN&MT [1], ÔNKK ở nước ta tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), điển hình ở các đô thị lớn, ở một số khu công nghiệp, một số khu vực khai thác khoáng sản và ở một số làng nghề. Ô nhiễm bụi có xu hướng giảm dần từ năm 2015 đến nay, đặc biệt giảm mạnh vào năm 2020 do đại dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất suy thoái (Hình 1). Các thông số khí ô nhiễm như SO2, NO2, O3, CO, VOC… về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Chất lượng không khí ở các đô thị nhỏ và các vùng nông thôn vẫn được duy trì tương đối ổn định ở mức khá tốt và trung bình.

    ÔNKK đô thị: Tình trạng ô nhiễm bụi (TSP, PM10, PM2.5) đang xảy ra ở nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Tại Hà Nội: giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 tại tất cả các trạm quan trắc không khí tự động trong giai đoạn 2018-2020 đều vượt trị số cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 - 2,2 lần, cao nhất xảy ra vào năm 2019; số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm khoảng 30,5% tổng số ngày quan trắc, trong đó có một số ngày có AQI suy giảm tới mức rất xấu (AQI = 201- 300). Trong khi đó ở TP. Hồ Chí Minh và các đô thị khác ở miền Nam giá trị trung bình năm của bụi PM10, PM2.5 khá ổn định. Nhìn chung, chất lượng không khí về bụi ở các đô thị miền Trung và miền Nam đều tốt hơn so với các đô thị ở miền Bắc. Chất lượng môi trường không khí ở các đô thị ven biển đều tốt hơn so với các đô thị trong vùng đất liền. Ở nước ta ô nhiễm bụi chịu tác động rõ rệt bởi các yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm và theo giờ trong ngày. Ở miền Bắc ô nhiễm bụi lớn hơn xảy ra vào mùa lạnh (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau). Đối với khu vực miền Nam, mức độ ô nhiễm bụi cũng giảm rõ rệt vào các tháng mùa mưa, và cao hơn vào mùa khô. Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung quy luật này không thấy rõ rệt (Hình 2). Xét diễn biến trong ngày, nồng độ bụi PM10, PM2.5 cực đại vào các giờ cao điểm giao thông và thấp nhất vào các giờ giữa trưa và ban đêm (Hình 3).

    Theo kết quả quan trắc của hệ thống quan trắc môi trường không khí quốc gia giai đoạn 2015-2020 cho thấy, phần lớn các thông số ô nhiễm các khí SO2, NO2, CO, VOC và Otrung bình năm tại các đô thị đều khá thấp, ít biến động và đều thấp hơn trị số giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT, phần lớn các giá trị nồng độ NO2 chỉ bằng 1/2 trị số TCCP (Hình 4).

    ÔNKK tại các KCN và CCN: Tương tự như ở các đô thị lớn nước ta, nồng độ bụi TSP ở phần lớn các KCN, CCN đều vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT. Ô nhiễm bụi ở các KCN, CCN ở các tỉnh thành phía Bắc thường lớn hơn so với các KCN, CCN ở phía Nam, trong khi chênh lệch ô nhiễm bụi ở các KCN, CCN ở miền Trung và miền Nam là không nhiều. Xét về các ngành công nghiệp thì các ngành sản xuất điện than, công nghiệp sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động khai thác khoáng sản là các ngành phát sinh nhiều bụi nhất và gây ra ô nhiễm bụi nặng ở các vùng xung quanh. Ô nhiễm khí SOxung quanh các KCN ở miền Bắc đều lớn hơn so với các KCN ở phía Nam. Ngược lại, nồng độ khí NOở xung quanh các KCN ở miền Nam là lớn hơn so với các KCN ở phía Bắc. Tuy vậy, nồng độ khí SO2, NO2 ở gần hầu hết các KCN ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Nồng độ khí CO chủ yếu do hoạt động giao thông vận tải gây ra nên nó thường đạt trị số lớn nhất từ 7-9 giờ và 17-19 giờ trong ngày. Nồng độ khí Othường biến thiên theo bức xạ mặt trời trong ngày, nên nó thường có xu hướng tăng dần từ 7 giờ sáng (Hình 5).

    ÔNKK ở làng nghề: Cho đến nay, ÔNMT không khí làng nghề vẫn chưa được kiểm soát, công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa có đầu tư thích đáng cho xử lý nguồn thải, nhiên liệu thường dùng là than đá chất lượng thấp. Vì vậy, ô nhiễm không khí làng nghề trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Ở một số làng nghề bị ô nhiễm nặng về bụi, khí độc, hơi kim loại, ô nhiễm mùi và tiếng ồn.

    Chất lượng môi trường không khí nông thôn và các đô thị nhỏ: Nhìn chung chất lượng môi trường không khí ở các đô thị nhỏ và các vùng nông thôn còn tương đối tốt. Nồng độ các chất ÔNKK đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy vậy ở một số nơi đã bị ô nhiễm không khí cục bộ do đốt chất thải sinh hoạt không đúng kỹ thuật và đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.

Hình 1. Diễn biến bụi lơ lửng (TSP) tại một số khu dân cư giai đoạn 2015-2019 [1]

Hình 2. Diễn biến theo tháng trong năm của bụi PM10, PM2.5 ở một số địa phương (Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa) [1]

             

Hình 3. Diễn biến nồng độ bụi PM10, PM2.5 trong ngày tại các trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội [1]

Hình 4. Diễn biến nồng độ khí NO2 trung bình năm tại một số trạm đo chất lượng không khí tự động ở Hà Nội, Việt Trì, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang [1]

Hình 5. Diễn biến nồng độ O3 trung bình giờ/ngày ở Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội [1]

2. Các nguồn thải gây ÔNMT không khí chủ yếu

    ÔNKK là mối đe dọa lớn đối với môi trường, xã hội và sức khỏe con người. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Sau đây là các nguyên nhân chính:  

    Phát triển công nghiệp và sức ép lên môi trường:  Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP quốc gia, liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 8,2% năm. Tính đến cuối năm 2020 trên phạm vi toàn quốc có 369 KCN, với tổng diện tích chiếm khoảng 114 nghìn ha, trong đó có 284 KCN đã đi vào hoạt động, tăng 72 KCN so với năm 2015; Có 698 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm khoảng 22 nghìn ha.

    Việc tăng nhanh các dự án đầu tư nước ngoài tại KCN, thuộc lĩnh vực gia công, chế biến (giấy, dệt nhuộm, thuộc da, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, nhiệt điện...) tiềm ẩn khả năng gây ra ÔNMT.

    Đối với CCN, vẫn còn khoảng 60% số CCN đang hoạt động chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng nghĩa với việc các CCN này vẫn chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) phù hợp, đặt ra nhiều thách thức trong công tác BVMT.

    ÔNMT làng nghề: Theo Báo cáo năm 2020 của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Có tới 47 làng nghề bị ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, trong đó ở miền Bắc có 34 làng nghề, miền Trung có 11 làng nghề và miền Nam có 2 làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhìn chung, công tác BVMT làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.

    Tình trạng đô thị hóa nhanh: Thực hiện công cuộc “Đổi mới” từ năm 1986 ở nước ta đã mở ra một thời kỳ đô thị hóa nhanh. Năm 1990, nước ta mới có 500 đô thị lớn nhỏ; năm 2000 đã có 649 đô thị. Tính đến tháng 12/2020, mạng lưới đô thị Việt Nam gồm 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ dân số đô thị của nước ta năm 2016 là 36,7%, năm 2020 là 39,3%. Dự báo đến năm 2026 tỷ lệ dân số đô thị nước ta sẽ tăng lên 45%. Tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là ở vùng Đông Nam bộ (71,68%), thấp nhất là ở vùng trung du miền núi Bắc bộ (21,89%). Các tỉnh/thành phố có tỷ lệ dân số đô thị cao bao gồm: TP. Hồ Chí Minh (83%), Đà Nẵng (78,6%), Bình Dương (84,23%) và Quảng Ninh 68,8%. Đô thị hóa ở nước ta hiện nay thấp hơn so với nhiều nước xung quanh, như: Trung Quốc (59%), Triều Tiên (61,2%), Lào (42%), Philippine (44,8%), Inđônêxia (54,7%), Malaixia (77%), Singapore (100%). Quá trình đô thị hóa nhanh sẽ gây áp lực lớn về ÔNMT, tác động đến an ninh và xã hội.

    Phát triển giao thông vận tải (GTVT): Cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa, ngành GTVT ở nước cũng đã phát triển rất nhanh chóng, gây ra nguồn thải ÔNKK rất lớn, đặc biệt là ÔNMT không khí đô thị. Đến cuối năm 2020 toàn quốc có tới 4.180.478 xe ô tô các loại và hơn 30 triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành. Công tác kiểm soát nguồn thải ô nhiễm từ GTVT còn rất hạn chế. Cho đến nay chỉ mới kiểm định khí thải đối với 1.736.188 xe ôtô động cơ xăng và 1.749.387 xe ôtô động cơ diesel đang lưu hành.

    Phát triển hoạt động xây dựng: Khác biệt với nhiều nước phát triển trên thế giới, ở nước ta hoạt động xây dựng cũng là một nguồn gây ra ÔNMT không khí rất lớn. Hàng năm ở nước ta xây dựng hàng chục triệu m2 diện tích nhà ở mới, hàng trăm km đường bộ, hàng chục chiếc cầu trung bình và lớn. Nhiều nơi các công trường xây dựng hoạt động gây ra ÔNMT không khí xung quanh.

     Đốt chất thải và đốt rơm rạ: Hiện nay ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng đồng bằng thường đốt rác thải sinh hoạt theo kiểu tự nhiên hoặc bằng các lò đốt công suất nhỏ, nhiệt độ đốt không đủ cao để đốt cháy vô cơ hóa các hóa chất độc hại, tác hại rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, thời vụ thu hoạch nông nghiệp, chất lượng không khí tại một số địa phương có xu hướng suy giảm, đặc biệt xảy ra vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là do hiện tượng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong giai đoạn thu hoạch lúa, khiến cho nồng độ bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại từ 21 giờ đến 01 giờ sáng hôm sau, vượt trị số tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 5 lần.

3. Tác hại của ÔNMT không khí đối với đa dạng sinh học

    Vào những năm 2010 trở về trước, môi trường không khí ở nước ta bị ô nhiễm hết sức nặng nề do các nhà máy sản xuất nung gạch ngói, các nhà máy xi-măng lò đứng và một số nhà máy hóa chất gây ra. Các chất thải bụi (TSP, PM10, PM2.5), SO2, NO2, CO, H2S, HF, chì và ... do các nhà máy này gây ra đã tác hại rất lớn đến hệ sinh thái nông nghiệp ở các vùng xung quanh, như là các vụ lúa hàng năm bị lép, mất mùa, các vườn cây ăn quả hàng năm đều bị rụng hoa quả... Các nhà máy này hàng năm đều phải đền bù thiệt hại cho các gia đình nông dân. Theo số liệu nghiên cứu Đề tài "Đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường không khí do sự cố nổ bộ thiết bị lọc bụi tĩnh điện của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch gây ra và đề xuất giải pháp xử lý" [5] cho thấy, thiệt hại sản suất nông nghiệp đã giảm sản lượng sản xuất lúa, khoai lang, lạc, đỗ tương và các loại đỗ khác từ 5% đến 42%, tính trung bình là 15,8% của các xã của huyện Đông Triều năm xung quanh Nhà máy.

    Kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam cho thấy, hiện nay do ô nhiễm môi trường quá mức của nước sông Tô Lịch đã triệt tiêu 14 loài cá, lươn, 6 loài lưỡng cư, 5 loài bò sát, một số loài tôm, cua, ốc và một số loại thực vật thuỷ sinh có chức năng hấp thụ chất ô nhiễm. Kết quả phân tích của Liên hiệp Hội Bảo tồn thiên nhiên (JNCC) [6], hiện nay ở Việt Nam có khoảng 1.020 loài sinh vật bị đe dọa suy thoái, trong đó có 330 loài (chiếm 32%) bị đe doạ do ô nhiễm môi trường và 68% các loài bị đe dọa do các mối đe dọa khác. Cũng theo tài liệu [6] số loài bị ảnh hưởng bởi các mối ÔNMT ở Việt Nam như sau: 298 loài sinh vật bị đe dọa bởi ô nhiễm nước thải nông nghiệp và lâm nghiệp; 258 loài sinh vật bị đe dọa bởi ô nhiễm nước thải sinh hoạt đô thị; 245 loài sinh vật bị đe dọa bởi ô nhiễm nước thải công nghiệp; 211 loài sinh vật bị đe dọa bởi ÔNMT không khí; 17 loài sinh vật bị đe dọa bởi ô nhiễm chất thải rắn; 8 loài sinh vật bị đe dọa bởi ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng.

    Mức độ tác động của ÔNMT đối với từng loài sinh vật là có sự khác nhau. Theo Báo cáo của JNC [6]: xếp thứ tự các loài sinh vật theo mức độ giảm dần tác động đe doạ của ÔNMT ở Việt Nam là: cá xương, thực vật, chim, động vật có vú, lưỡng cư, ốc và sên, bò sát, vỏ hai mảnh, cá sụn (cá mập và cá đuối), một số động vật khác và côn trùng. Các loài giáp xác là các loài có số lượng và tỷ lệ các loài bị ô nhiễm môi trường đe dọa ít nhất…

    Nhìn chung, ÔNKK gây ra các tác hại nặng nề đối với các hệ sinh vật (động vật và thực vật). Các chất ô nhiễm này đi vào khí quản của các loài động vật gây ra tắc nghẽn hô hấp, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, cũng như cản trở quá trình trao đổi chất. Các loài thực vật bị ô nhiễm bụi bám vào làm giảm quá trình lục diệp hóa (quang hợp), khi bị các khí ô nhiễm tác dụng, nhất là bị khí ô nhiễm HF và SO2 tác dụng gây ra các bệnh vàng lá, rụng lá hàng loạt. Các chấtkhí ô nhiễm SO2, NOx dưới tác dụng của bức xạ mặt trời và hơi nước sẽ tạo ra mưa axit và lắng đọng khô axit. Lắng đọng axit có khả năng giết chết các loài vi sịnh vật, sinh vật trong môi trường đất và môi trường nước, làm thay đổi chất lượng nguồn nước, phá hoại rừng và mùa màng. Mưa axit nặng có thể làm chết hàng loạt động vật và thực vật. Ô nhiễm khí CO2, khí CH4 (khí “nhà kính”) sẽ gây ra biến đổi khí hậu, làm cho trái đất ngày càng nóng hơn và biến đổi khí hậu dị thường, gây ra suy thoái tất cả các loài động vật và thực vật.

4. Tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với sức khỏe con người

      Những hoạt động sản xuất của con người (các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải...), đốt chất thải, đun nấu sinh hoạt, đã phát thải vào không khí rất nhiều hợp chất khác nhau, tạo nên hai nhóm chính các chất ô nhiễm như sau (1) Các chất khí ô nhiễm, như NOx, SOx, O3 (ozon), CO, CO2, TVOC, HF, HC, Formadehyde…, có kích thước phân tử vô cùng nhỏ, khoảng dưới 5 nanomet (1 mm = 1.000 µm = 1.000.000 nm); (2) Các hạt bụi lơ lửng thường có đường kính ≤ 100 µm, bụi mịn PM10 (có đường kính ≤ 10 µm), bụi mịn PM5 (có đường kính ≤ 5 µm), bụi siêu mịn PM2.5 (có đường kính ≤ 2,5 µm), và bụi siêu mịn PM1 (có đường kính ≤ 1 µm). Những hạt bụi kích cỡ nhỏ hơn PM10 tồn tại rất lâu dài trong không khí. Những hạt bụi có đường kính lớn hơn 100 µm, thường được gọi là bụi nặng, sẽ tách ra khỏi không khí và lắng đọng xuống mặt đất. Các hạt bụi càng nhỏ thì càng truyền vào sâu trong khí quản và càng gây ra tác hại sức khỏe càng lớn. ÔNMT không khí gây ra các tác hại sức khỏe như sau:

ÔNKK, bệnh tật và chết non

Tác động ngắn hạn

Tác động lâu dài

Dị ứng da, mề đay, ngứa

Nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc)

Kích ứng mũi và họng

Ho, suyễn

Viêm phế quản, viên mũi

Khó thở, viêm họng, viêm phổi

Đau đầu và buồn nôn

Các bệnh đường hô hấp mãn tính

Ung thư phổi

Làm trầm trọng bệnh tim

Bệnh bụi phổi silic

Gây tác hại cho não và thần kinh

Gây thiệt hại cho cơ quan nội tạng (ví dụ như gan và thận)

    Vào các năm 1970 - 1995 thế kỷ trước, GS.TS. Đào Ngọc Phong cùng với các công sự đã nghiên cứu nhiều đề tài về tác động của ÔNMT và biến đổi thời tiết đối với sức khỏe con người ở Hà Nội và ở nông thôn vùng Trung du và đồng bằng Bắc bộ nước ta. Theo Báo cáo của GS. Nguyễn Văn Phước và các cộng sự [3] đã ứng dụng mô hình BENMAP và GIS để tính toán tác động của ÔNMT không khí đối với sức khỏe con người ở TP. Hồ Chí Minh thông qua một số loại bệnh gây tử vong. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng có 1.397 ca tử vong trong năm 2017, trong đó số người tử vong do bệnh tim-phổi là cao nhất (841 người, chiếm tỷ lệ 60,20%), đứng thứ hai là bệnh IHD (483 người, chiếm 34,57%) và cuối cùng là bệnh ung thư phổi  (73 người, chiếm 5,23%). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ô nhiễm bụi PM2.5 có ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe khi được cho là nguyên nhân tử vong của 1.137 người (81,32%), sau đó đến NO2 (171 người, chiếm 12,31%) và cuối cùng là SO2 (88 người, chiếm 6,37%). Nhìn chung, ÔNKK là nguyên nhân gây ra tử vong trong khoảng 13,46% tổng số ca tử vong TP. Hồ Chí Minh.

    Theo số liệu của WHO, ÔNKK xung quanh ở cả thành phố và nông thôn ước tính gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới vào năm 2016; tỷ lệ tử vong này là do tiếp xúc với bụi mịn có đường kính từ 2,5 µm trở xuống (PM2.5), gây ra bệnh tim mạch và hô hấp, và các bệnh ung thư. Trong đó những người sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chịu gánh nặng ÔNKK xung quanh chiếm đến 91% trong số 4,2 triệu ca tử vong sớm này, và các nước chịu gánh nặng lớn nhất ở là Đông Nam Á và các khu vực Tây Thái Bình Dương [5]. 

5. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra

    Trong thời gian 10 năm gần đây ở Việt Nam đã có một số đề tài cấp Bộ và cấp quốc gia tiến hành nghiên cứu đánh giá tác hại của ÔNMT không khí đối với sức khỏe con người và tác hại kinh tế. Cụ thể là Đề tài của Chương trình kế hoạch quốc gia số 23 do Cục Y tế, Bộ GTVT, thực hiện 2011-2012 cho thấy, tỷ lệ số người bị mắc các bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn TP. Hồ Chí Minh khoảng 1,3 - 1,5 lần (vì Hà Nội có tác động đồng thời của biến thiên khí hậu lạnh và ÔNMT). Nghiên cứu cho kết quả xác định thiệt hại kinh tế do ÔNKK gây ra các bệnh đường hô hấp (chỉ tính đến chi phí khám chữa bệnh và nghỉ việc do bị ốm hoặc chăm sóc người già, trẻ em ốm đau, chưa tính đến thiệt hại kinh tế do mắc bệnh chết non vì ÔNKK). Tính trung bình một người dân mỗi ngày ở Hà Nội là 1.538 đồng, ở TP. Hồ Chí Minh là 739 đồng. Tính với 3 triệu dân nội thành Hà Nội thì mỗi năm Hà Nội bị thiệt hại 76,550 triệu USD. Tính với 5 triệu dân nội thành TP. Hồ Chí Minh thì mỗi năm TP. Hồ Chí Minh thiệt hại 61,305 triệu USD.

    Tại cuộc Tọa đàm "ÔNKK ở Việt Nam từ góc nhìn kinh tế" tổ chức vào sáng ngày 14/1/2020 tại Hà Nội cũng cho thấy, theo số liệu của WHO ở Việt Nam: ÔNMT không khí khiến khoảng 50.000 người tử vong, trong đó do ÔNKK trong nhà chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Khoảng 30% các trường hợp tử vọng do ung thư phổi có liên quan đến ÔNKK. Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% do ÔNKK, cho nên người ta thường coi ÔNKK là kẻ giết người thầm lặng. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.

    Cũng theo kêt quả nghiên cứu đối với sự cố môi trường của Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch từ năm 1987 [6]  cho thấy, tỷ lệ số người bị các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, hen, viêm họng ở các xã xung quanh Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch đã tăng lên sau sự cố môi trường so với thời gian trước khi xảy ra sự cố môi trường đối với người lớn là 34,4% và đối với các trẻ em là 44,4%.

    Trong khi đó, số liệu quốc tế cho thấy, năng suất làm việc trong môi trường không khí có chất lượng tốt, tiện nghi sẽ được tăng hơn khoảng 5%.

6. Kết luận và giải pháp

    Ô nhiễm môi trường đang tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người, trong khi đó, cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào về sự đe dọa suy thoái đa dạng sinh học do ÔNMT không khí gây ra ở nước ta. Còn tác hại của ÔNMT đối với sức khỏe con người thì đã có một số đề tài khoa học đã được tiến hành nghiên cứu, nhưng đó là các đề tài mang tính cục bộ, thiếu toàn diện và không có tính hệ thống, không bao quát tất cả các vùng miền rất đa dạng về khí hậu, địa hình, địa mạo và  đa dạng sinh học của nước ta. Vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai nghiên cứu đánh giá mối đe dọa suy thoái đa dạng sinh học và sức khỏe con người do ÔNMT không khí gây ra là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Từ  năm 2021 - 2025, Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn của Vương Quốc Anh đang triển khai thực hiện Chương trình khoa học Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm giúp đỡ các nước thuộc diện có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để giải quyết ÔNMT và giảm thiểu tác hại. Mục tiêu chính của Chương trình nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, xây dựng khả năng phục hồi sinh thái, khi đối mặt với biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe con người. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu thuộc lĩnh vực này đối ứng hiệu quả đối với Chương trình hỗ trợ ODA của Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn của Vương quốc Anh.

    Trong thời gian tới thế giới cũng như nước ta sẽ vượt qua đại dịch Covid-19, bước vào giai đoạn phục hồi phát triển KT-XH mạnh. Các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải sẽ phục hồi và phát triển mạnh, sẽ gây áp lực lớn đối với môi trường không khí ở nước ta.

    Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, sẽ phát sinh nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan làm cho ÔNKK càng thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, gia tăng bệnh dịch và rủi ro về sức khỏe con người.

    Đánh giá hiện trạng ÔNMT không khí ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy, mức độ trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm bụi, bộc lộ rất nhiều yếu kém và thách thức, bất cập về quản lý và kiểm soát các nguồn thải ô nhiễm không khí như: Văn bản pháp luật về quản lý môi trường không khí còn chưa hoàn thiện; chưa có Luật Không khí sạch; công nghệ sản xuất của nhiều ngành công nghiệp còn lạc hậu; nguồn lực đầu tư cho BVMT không khí còn bị hạn chế; quản lý nguồn thải ÔNKK còn chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức BVMT không khí của người dân còn nhiều hạn chế.

    Xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm giảm thiểu tác hại của ÔNMT không khí đối với ĐDSH, sức khỏe con người trong giai đoạn tới:

    Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí, trước hết là xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch, hoàn thiện và thực thi triệt để các chính sách pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quy định pháp luật về BVMT không khí.  Đặc biệt là triển khai hiệu quả Chỉ thị số 3/CT-TTg, ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ÔNKK.

    Thứ hai, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương, như là thành lập các phòng quản lý môi trường không khí thuộc Chi cục BVMT ở các tỉnh/thành, tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra môi trường không khí. 

    Thứ ba, tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới, cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về BVMT; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, đi xe đạp; phát triển các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện.

    Thứ tư, kiểm soát, kiểm tra các nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, bảo đảm đạt quy chuẩn quốc gia, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý nguồn thải phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh các khu/CCN.

    Thứ năm, tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, đặc biệt là vận chuyển vật liệu rời về ban đêm.

    Thứ sáu, bảo vệ và phát triển trồng rừng, phủ xanh các vùng đất trống, đồi núi trọc, triệt để phòng ngừa cháy rừng, suy thoái rừng, nâng tỷ lệ đất rừng lên 45% vào năm 2050. Phát triển mạnh mẽ phong trào trồng cây xanh trên phạm vi toàn quốc, nhất là các hệ thống cây xanh trong các đô thị và trên các mạng lưới giao thông vận tải.

    Thứ bảy, vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị (nội thành và ngoại thành), áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

    Thứ tám, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị và các KCN.

    Thứ chín, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định BVMT. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác BVMT không khí nói riêng và BVMT, nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ TN&MT, 2021. Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

2.  Phạm Ngọc Đăng. Đánh giá đúng hiện trạng và nguyên nhân ÔNKK đô thị nước ta để tìm ra các giải pháp cải thiện hữu hiệu. Tạp chí Kinh tế Môi trường, số 165 - tháng 8/2020, trang 73-76.

3. Phạm Ngọc Đăng. Thực trạng chất lượng môi trường không khí Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, xác định các thách thức và đề xuất các giải pháp cải thiện trong 5 năm tới. Tạp chí Môi trường số tháng 1/2022. 

4. Nguyễn Văn Phước và các cộng sự. Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ người dân tại TP Hồ Chí Minh và xây dựng giải pháp bảo vệ sức khỏe người dân. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế. Tác động của ÔNMT đến ĐDSH và Sức khỏe con người Việt Nam, 10 - 11/3/2022. Các trang từ 215 -231.

5. WHO. Ambient (outdoor) air pollution.

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/ambient-(outdoor)-air-quality-and-health

6. GS. Phạm Ngọc Đăng năm 1987- Đề tài nghiên cứu "Đánh giá tác hại của ô nhiễm môi trường không khí do sự cố nổ bộ thiết bị lọc bụi tĩnh điện của nhà máy Xi măng Hoàng Thạch gây ra và đề xuất giải pháp xử lý".

7. JNCC. Giảm thiểu ô nhiễm thông qua quan hệ đối tác, báo cáo phân tích ô nhiễm quốc gia thí điểm cho Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Tác động của ÔNMT đến ĐDSH và sức khỏe con người. Việt Nam, 10-11/3/2022. Các trang từ 11 - 152.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam (VACNE)

TS.KTS Phạm Thị Hải Hà

Bộ môn Kiến trúc môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt I/2022)

 

Ý kiến của bạn