Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Đánh giá định kỳ 10 năm Khu Dự trữ sinh quyển thế giới - Thực hiện cam kết quốc tế và pháp luật về quản lý di sản thiên nhiên tại Việt Nam

10/06/2024

1. Mở đầu

    Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới là danh hiệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận trên toàn thế giới đối với “những khu vực có các hệ sinh thái trên cạn, biển và ven biển góp phần thúc đẩy các giải pháp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và sử dụng bền vững khu vực đó”. Mục tiêu của các khu DTSQTG là đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên thông qua việc thực hiện ba chức năng chính là bảo tồn, phát triển và hỗ trợ. Cách tiếp cận quản lý các khu DTSQTG được thực hiện theo hướng mở, liên ngành và đa lĩnh vực.

Khu DTSQ châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận là khu DTSQTG vào năm 2004

    Năm 1976, mạng lưới các khu DTSQTG được thành lập và đến nay trên toàn cầu đã có 748 khu DTSQTG thuộc 134 quốc gia, trong đó có 23 khu DTSQTG xuyên quốc gia và một khu DTSQTG xuyên lục địa. Dưới mạng lưới khu DTSQ toàn cầu có các mạng lưới khu vực: Châu Âu và Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Á và Thái Bình Dương, Các nước Mỹ Latin và Caribbean, các nước Ả-rập [5].

    Trong thời gian qua, Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong việc phát triển mạng lưới các khu DTSQ trên toàn cầu với 11 khu DTSQTG được UNESCO công nhận, gồm có: Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000); Đồng Nai (2001/2011); Châu thổ sông Hồng (2004); Quần đảo Cát Bà (2004); Kiên Giang (2006); Miền Tây Nghệ An (2007); Cù Lao Chàm - Hội An (2009); Mũi Cà Mau (2009); Langbiang (2015); Núi Chúa (2021); Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021).

    Tại khoản 4, Điều 20 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, Bộ TN&MT hướng dẫn kỹ thuật việc đề cử, công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên của Việt Nam theo quy định của các tổ chức quốc tế; chỉ định đầu mối thông tin, liên lạc với các tổ chức quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.

    Cũng tại điểm c, khoản 4, Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: Các khu DTSQTG là Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt. Do đó, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ của thành viên mạng lưới khu DTSQTG theo yêu cầu của UNESCO, các khu DTSQTG thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật về quản lý, BVMT, bảo tồn ĐDSH.

    Thực hiện đánh giá định kỳ (ĐGĐK) 10 năm là nghĩa vụ của các địa phương có khu DTSQTG thực hiện cam kết khi là thành viên mạng lưới khu DTSQTG theo yêu cầu của UNESCO và quy định pháp luật về BVMT, bảo tồn ĐDSH. Việc ĐGĐK có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng của mạng lưới các khu DTSQTG và giúp các quốc gia thành viên thiết lập các tiêu chuẩn để đảm bảo các khu DTSQTG của quốc gia đáp ứng các tiêu chí theo Khung pháp lý của mạng lưới các khu DTSQTG. Thông qua đánh giá, các bài học kinh nghiệm, mô hình thành công của một khu DTSQTG có thể được học tập, nhân rộng và áp dụng cho các khu DTSQTG khác, đồng thời, thu hút các nhà tài trợ và các đối tác hỗ trợ cho khu DTSQTG. Ngược lại, nếu việc ĐGĐK không được thực hiện hoặc nếu báo cáo ĐGĐK cho thấy không còn đáp ứng được những tiêu chí, khu DTSQTG có thể sẽ bị rút danh hiệu.

2. Quy định về ĐGĐK 10 năm khu DTSQTG

    Quy định về ĐGĐK 10 năm khu DTSQTG của UNESCO được thông qua tại kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng UNESCO với Nghị quyết 28 C/2.4 về Khung pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các khu DTSQTG. UNESCO quy định các khu DTSQ có nghĩa vụ thực hiện ĐGĐK 10 năm một lần trên cơ sở các tiêu chí để được công nhận là khu DTSQTG (Điều 9). Thời điểm 10 năm tính từ thời điểm được công nhận danh hiệu khu DTSQTG hoặc thời điểm báo cáo ĐGĐK kỳ trước được thông qua với việc khu DTSQTG vẫn đáp ứng các tiêu chí theo quy định của UNESCO [1,5].

    ĐGĐK 10 năm khu DTSQTG được thực hiện theo hướng dẫn của Quy trình hoàn thiện và thúc đẩy Mạng lưới toàn cầu các khu DTSQTG, đồng thời cải thiện chất lượng của các thành viên thuộc Mạng lưới toàn cầu (Quy trình hoàn thiện). Quy trình hoàn thiện được thông qua tại kỳ họp thứ 29 năm 2017 của Hội đồng điều phối liên Chính phủ Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB-ICC) và Hướng dẫn thực hiện Quy trình hoàn thiện được thông qua tại kỳ họp MAB-ICC lần thứ 33 năm 2021 nhằm đảm bảo các khu DTSQTG đóng vai trò là các mô hình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Công ước khung về ĐDSH sau năm 2020 và các Hiệp định môi trường đa phương khác [1,5].

    Để làm rõ quá trình ĐGĐK, UNESCO đã quy định một hệ thống đánh số theo năm được áp dụng cho giai đoạn 10 năm. Năm đến hạn cần trình báo cáo ĐGĐK hoặc thời hạn muộn nhất là 10 năm sau khi khu DTSQTG được UNESCO công nhận hoặc 10 năm sau khi báo cáo ĐGĐK được MAB-ICC thông qua. Thời điểm này được coi là Năm ĐGĐK 0; tất cả các năm tiếp theo đều được đánh số tương ứng, ví dụ năm Năm ĐGĐK 1, Năm đánh giá 2 [6].

    Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)/Chương trình Con người và Sinh quyển; và theo các quy định tại điểm i khoản 10 Điều 2 Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ TN&MT; tại khoản 4 Điều 20 và tại điểm c, khoản 4 Điều 21 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, trong đó quy định: “ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, Vườn Di sản của ASEAN, khu DTSQTG và các di sản thiên nhiên khác được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định của pháp luật’’.

3. Nội dung đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG

    Nội dung ĐGĐK tập trung làm rõ việc khu DTSQTG có đáp ứng được các tiêu chí của khu DTSQTG theo quy định của UNESCO, bao gồm [5]:(i) Khu vực cần phải bao gồm một tập hợp các hệ sinh thái đại diện cho các khu vực địa sinh học chính, bao gồm các mức độ tác động của con người; (ii) Khu vực phải có tầm quan trọng đối với bảo tồn ĐDSH; (iii) Khu vực cần cung cấp cơ hội để khám phá và chứng minh các phương pháp tiếp cận phát triển bền vững trên quy mô khu vực; (iv) Khu vực phải có kích thước phù hợp và đảm bảo ba chức năng của khu DTSQTG; (v) Khu vực bao gồm các phân vùng chức năng, thông qua việc phân vùng thích hợp như: (a) Vùng lõi được thiết lập bằng văn bản pháp lý hoặc các khu vực dành cho việc bảo vệ lâu dài, theo các mục tiêu bảo tồn của khu DTSQ và có diện tích đủ lớn để đáp ứng các mục tiêu này; (b) Vùng đệm hoặc các vùng đệm được xác định rõ ràng và bao quanh hoặc tiếp giáp với một hoặc nhiều vùng lõi, nơi chỉ các hoạt động phù hợp với các mục tiêu bảo tồn mới có thể được thực hiện; (c) Vùng chuyển tiếp bên ngoài, nơi các mô hình về quản lý tài nguyên bền vững được thúc đẩy và phát triển; (vi) Các sắp xếp về tổ chức cần được thiết lập và có sự tham gia ở một mức độ phù hợp của các cơ quan quản lý khác nhau, cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong việc thiết kế và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển; (vii) Ngoài ra, các điều khoản cần được chuẩn bị như cơ chế để quản lý con người và các hoạt động trong vùng đệm hoặc các vùng; chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho khu vực khi trở thành một khu DTSQTG; cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ chế để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch này; các chương trình nghiên cứu, giám sát, giáo dục và đào tạo. Đây là 7 tiêu chí bắt buộc đáp ứng khi đề cử khu DTSQTG, báo cáo ĐGĐK cần thể hiện việc đáp ứng các tiêu chí này trong giai đoạn 10 năm và so sánh với hồ sơ đề cử và/hoặc giai đoạn ĐGĐK 10 năm trước đó.

 

 Hệ động thực vật phong phú, đa dạng tại Khu DTSQTG Mũi Cà Mau

    Những thông tin chính cần cung cấp trong báo cáo ĐGĐK bao gồm: Các thông tin chung của khu DTSQTG (được cập nhật); Những thay đổi nổi bật của khu DTSQTG trong 10 năm qua; Các dịch vụ hệ sinh thái; Chức năng bảo tồn; Chức năng phát triển; Chức năng hỗ trợ; Quản trị, quản lý và điều phối/phối hợp khu DTSQTG; Tiêu chí và thành tựu đạt được; Các tài liệu hỗ trợ [6].   

    Quá trình ĐGĐK cần có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan đến khu DTSQTG. Thông tin được cung cấp trong tài liệu phải trung thực và chính xác, tất cả các yêu cầu thông tin cần được đáp ứng về mặt cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam và đảm bảo tính khoa học, yêu cầu của UNESCO. Nếu báo cáo đánh giá có mô tả bất kỳ điểm yếu nào, các cơ quan phụ trách hoặc cơ quan quản lý khu DTSQTG chỉ ra thủ tục hoặc giải pháp cần phải thực hiện để cải thiện tình hình. 

    Kinh phí thực hiện ĐGĐK khu DTSQTG của Việt Nam được bố trí từ ngân sách của UBND tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý trực tiếp khu DTSQTG hoặc huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc huy động nguồn lực một cách linh hoạt và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan cần sự nỗ lực và điều phối phù hợp với bối cảnh thực tế của mỗi khu DTSQTG.

4. Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp

    Trong quá trình ĐGĐK, các khu DTSQTG có thể gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc khác nhau do sự khác biệt giữa các khu DTSQTG, tuy nhiên có thể có một số khó khăn, vướng mắc chung như: Thiếu dữ liệu phục vụ ĐGĐK; Các kết quả mà khu DTSQTG đạt được sau 10 năm không thực sự “nổi bật”; Không thể trả lời một số nội dung trong ĐGĐK do không phù hợp bối cảnh KDTSQ hoặc không có thông tin phù hợp (ví dụ đánh giá dịch vụ hệ sinh thái); Thiếu tài chính để thực hiện ĐGĐK; Thiếu cán bộ có đủ chuyên môn và năng lực thực hiện ĐGĐK và xây dựng báo cáo ĐGĐK; KDTSQTG có thay đổi quan trọng về phân vùng hoặc có các hoạt động diễn ra trên địa bàn đã, đang hoặc có tiềm năng ảnh hưởng tới các chức năng của KDTSQTG

    Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan chủ trì ĐGĐK tham khảo bài học kinh nghiệm của các khu DTSQTG khác hoặc tham vấn với các bên liên quan nhằm tìm kiếm sự đồng thuận cho các giải pháp cụ thể và phù hợp, cụ thể: Xây dựng kế hoạch ĐGĐK sớm với yêu cầu điều tra, đánh giá bổ sung/tổng hợp dữ liệu/tham vấn các bên liên quan nhằm thu thập đủ dữ liệu phục vụ ĐGĐK; Huy động từ các nguồn lực, tận dụng cơ sở dữ liệu hiện có và có quá trình chuẩn bị kế hoạch phân bổ ngân sách trước để trình phê duyệt theo chu kỳ tài chính của từng địa phương cho nhiệm vụ ĐGĐK;  Vận động sự hỗ trợ từ các bên liên quan, tham vấn chuyên gia trong suốt quá trình xây dựng báo cáo ĐGĐK hoặc làm việc với đơn vị tư vấn để tổ chức thực hiện; Tham vấn các bên liên quan trước khi ĐGĐK, chỉ trình bày thông tin trong báo cáo ĐGĐK khi được sự thông qua của cơ quan quản lý. Các thông tin cập nhật trong báo cáo ĐGĐK đảm bảo phản ánh đầy đủ, chính xác theo các văn bản pháp lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với khu DTSQTG có sự điều chỉnh ranh giới, diện tích, phân vùng, báo cáo ĐGĐK cần được báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi trình MAB quốc tế.

5. Kết luận

    ĐGĐK 10 năm Khu DTSQ thế giới là nghĩa vụ của địa phương có khu DTSQTG thực hiện cam kết quốc tế và pháp luật về quản lý di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. ĐGĐK là cơ hội để nhìn lại những thành tựu đạt được cũng như rút ra các giải pháp nhằm quản lý khu DTSQTG hiệu quả hơn.

    Quá trình thực hiện ĐGĐK gồm 6 bước, cần có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan đến khu DTSQTG. Thông tin được cung cấp trong tài liệu phải trung thực và chính xác, tất cả các yêu cầu thông tin cần được đáp ứng về mặt cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam và đảm bảo tính khoa học, yêu cầu của UNESCO.

    Kết quả ĐGĐK là cơ sở để xem xét, điều chỉnh hoạt động quản lý của khu DTSQ, lồng ghép xây dựng các kế hoạch quản lý cho khu DTSQTG trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, thông tin được trình bày trong ĐGĐK cung cấp nội dung cho các ấn phẩm của khu DTSQTG, hỗ trợ hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo tồn và phát triển bền vững những di sản thiên nhiên của quốc gia.

TS. Nguyễn Xuân Dũng, TS. Phạm Hạnh Nguyên

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Dự thảo “Tài liệu hướng dẫn xây dựng Báo cáo ĐGĐK 10 năm cho các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam”. Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, 2024.

2. Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

3. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4. Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 của Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Website: https://www.unesco.org/en/mab

6. Website: https://en.unesco.org/sites/default/files/periodic_review_form_english_2013.pdf

Ý kiến của bạn