Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Cùng chung tay bảo vệ rùa tại Việt Nam

03/11/2022

    Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa (8,68%) trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới, 34,83% trong tổng số 89 loài rùa bản địa châu Á, trong đó có 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển. Trong khi đó, Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 1 loài sắp bị đe dọa và 1 loài chưa được đánh giá (IUCN, 2021). Trước thực trạng trên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannature) và Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) đã phối hợp thực hiện khảo sát thực trạng buôn bán rùa trên mạng xã hội tại Việt Nam trên hai nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất là Facebook và Youtube. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Hà, Chương trình bảo tồn rùa châu Á.

Ông Hoàng Văn Hà, Chương trình bảo tồn rùa châu Á

    PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng buôn bán rùa trên mạng hiện nay tại Việt Nam?

    Ông Hoàng Văn Hà: Buôn bán rùa trên mạng xã hội hiện nay cực kỳ sôi động với số lượng người bán và người mua gia tăng liên tục trong các năm vừa qua. Theo kết quả khảo sát về tình trạng buôn bán rùa trên mạng xã hội do Pannature và ATP công bố vào ngày 14/10/2022 vừa qua dựa trên các khảo sát về buôn bán rùa trực tuyến trong năm 2021, số lượng trang, nhóm Facebook phục vụ buôn bán rùa trực tuyến đều có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể, vào năm 2013, chỉ có 4 trang và nhóm chuyên mua bán rùa thì trong năm 2021, con số này là 155. Về phân bố của các trang, nhóm, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các trang, nhóm này cũng thu hút khoảng hơn nửa triệu người theo dõi trên nền tảng Facebook. Về thành phần loài rùa bị buôn bán, trong năm 2021, nhóm nghiên cứu ghi nhận tới 17 loài rùa bản địa của Việt Nam bị rao bán trên mạng xã hội. Đáng buồn thay, toàn bộ các loài rùa này đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Một thực trạng đáng lo ngại khác là tình trạng buôn bán trái phép các loài rùa ngoại lai, nhóm nghiên cứu cũng đã ghi nhận tới 30 loài rùa ngoại lai, phần lớn có nguồn gốc từ châu Mỹ, bị rao bán trái phép trên mạng xã hội Việt Nam. Ngoài ra, năm 2021 cũng được coi là năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, tình trạng buôn bán rùa trên mạng không hề có dấu hiệu suy giảm.

    PV: Hoạt động buôn bán rùa ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe con người và tình trạng loài rùa, thưa ông?

    Ông Hoàng Văn Hà: Buôn bán rùa tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cho con người. Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các vi khuẩn cư trú trong khoang miệng và ký sinh trên cơ thể rùa có thể lây truyền, gây bệnh, và thậm chí dẫn tới tử vong cho người nuôi chúng. Trong số này, bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella, chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ rùa là phổ biến nhất và được nghiên cứu kỹ. Theo đó, bệnh nhiễm khuẩn Salmonella do vi khuẩn Salmonella gây ra ở ruột và có thể lây lan vào máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Người ta ước tính rằng, khoảng 90% các cá thể bò sát đều mang vi khuẩn Salmonella trong phân của chúng (Mermin et al., 2004). Vi khuẩn này lây lan theo đường tiêu hóa từ phân của rùa có thể nhiễm khuẩn theo thức ăn qua tiếp xúc với tay hoặc đồ vật có dính vi khuẩn, sau đó xâm nhập sang người. Vi khuẩn cũng có thể nhiễm từ người sang người nếu tiếp xúc mà không rửa tay sạch. Rùa thường mang vi khuẩn Salmonella trên da và mai của chúng. Trẻ nhỏ, vốn có xu hướng đưa tay vào miệng, là các đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn trong các hộ gia đình nuôi rùa. Ngoài ra, việc vệ sinh rùa hoặc chuồng nuôi, dụng cụ nuôi rùa trong các bồn rửa ở nhà bếp cũng có thể làm lây nhiễm chéo vào thực phẩm hoặc dụng cụ ăn uống (Chatfield et al., 2007). Trên thực tế, chưa có một phương pháp phòng tránh đáng tin cậy nào có thể đảm bảo rằng một con rùa không bị nhiễm khuẩn Salmonella (CDC Mỹ, 2008). Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm Salmonella. Nhưng nguy cơ cao nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, và những người có sức đề kháng tự nhiên thấp hơn đối với nhiễm trùng do mang thai, ung thư, HIV/AIDS, tiểu đường và các bệnh khác (Chatfield, 2007). Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ ước tính vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người với 26,500 người nhập viện và 420 người tử vong hàng năm ở Mỹ.

    Buôn bán rùa cũng được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nguy cấp của nhiều loài rùa trên thế giới. Hiện nay, các nhà khoa học ước tính có tới 183 loài (chiếm 51,26%) trên tổng số 357 loài rùa hiện còn tồn tại trên thế giới đang phải đổi mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị ảnh hưởng tiêu cực của nạn buôn bán rùa trái phép. Ở Việt Nam, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn với 29 loài (chiếm 93,55%) trên tổng số 31 loài rùa bản địa đang phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất ngoài tự nhiên. Buôn bán trái phép rùa bản địa và rùa ngoại lai đều mang lại tác động to lớn tới các quần thể rùa hoang dã không chỉ của Việt Nam mà còn ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

    PV: Để ngăn chặn/kiểm soát hoạt động buôn bán rùa trên mạng hiện nay, theo ông, cần những giải pháp nào?

    Ông Hoàng Văn Hà: Để giải quyết vấn nạn này, cần sự vào cuộc tích cực của tất cả các bên liên quan, từ các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật, đơn vị vận chuyển và đặc biệt là người sử dụng mạng xã hội.

Cứu hộ rùa hộp trán vàng miền Trung được tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép ở miền Bắc Việt Nam

    Với các nền tảng mạng xã hội, cần thường xuyên cập nhật, thay đổi chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng nhằm kiểm soát tình trạng đăng bài quảng cáo, giao dịch rùa và động vật hoang dã trái phép trên nền tảng của mình. Cụ thể hơn, các trang mạng xã hội cần có cơ chế cập nhật thường xuyên các hình thức kiểm soát nội dung vi phạm, nâng cao hiệu quả cơ chế báo cáo vi phạm của người dùng và cấm vĩnh viễn các tài khoản từng có lịch sử vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng với hoạt động kinh doanh động vật hoang dã. Bên cạnh đó, các mạng xã hội cũng có thể nâng cao nhận thức cho người dùng bằng cách phản hồi chi tiết với các bài viết vi phạm bởi vì đôi khi có trường hợp công chúng không hiểu rõ quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và không cố ý vi phạm. Hơn nữa, các trang mạng có thể góp sức mình vào việc nâng cao nhận thức công chúng thông qua việc tiếp sức cho các chiến dịch giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã của các tổ chức bảo tồn và các bên liên quan để thông điệp đến được với đông đảo người dùng hơn. Các nền tảng này cũng có thể hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động truy vết các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã trực tuyến.

    Với cơ quan quản lý, Việt Nam đã có các quy định pháp luật về xử lý hành vi quảng cáo, buôn bán động vật hoang dã không có giấy phép và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên việc thực thi pháp luật trên thực tế vẫn còn hạn chế. Các cơ quan chức năng cần coi giao dịch trực tuyến động vật hoang dã, trong đó có rùa, là một phần quan trọng của thị trường buôn bán động vật hoang dã và cần theo dõi, giám sát, điều tra chặt chẽ.

    Các đơn vị vận chuyển cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn hiệu quả các giao dịch mua bán rùa thông qua các nền tảng mạng xã hội. Qua theo dõi các trường hợp mua bán trên mạng xã hội, hầu hết các trường hợp mua bán đều vận chuyển rùa qua dịch vụ chuyển phát nhanh được ngụy trang bằng hàng hóa khác. Do vậy, các đơn vị vận chuyển cần siết chặt việc kiểm tra nội dung bưu phẩm trước khi tiếp nhận nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển rùa trái phép. Chẳng hạn, cần quy định kiểm tra hàng hóa được lưu ý là nhạy cảm, dễ vỡ vì rùa thường được ngụy trang vận chuyển dưới hình thức này. Đồng thời, cần có quy định cấm vĩnh viễn các tài khoản giao dịch có lịch sử vi phạm. 

    Cuối cùng, người dùng mạng xã hội cần bày tỏ sự phản đối của mình với các hành vi quảng cáo, rao bán động vật hoang dã cũng như các loài rùa trên mạng xã hội bằng cách tích cực báo cáo các vi phạm này tới mạng xã hội, hoặc cơ quan chức năng, hoặc tới các tổ chức bảo tồn. Người dùng mạng xã hội cũng nên nói không với hành vi tiêu thụ, sử dụng và nuôi rùa làm cảnh.

    PV: Xin ông cho biết các hoạt động bảo tồn rùa đang được thực hiện như thế nào tại ATP và trong thời gian tới, ATP sẽ triển khai những hoạt động gì để bảo tồn loài rùa ở Việt Nam?

    Ông Hoàng Văn Hà: Là một tổ chức chuyên sâu trong công tác nghiên cứu, bảo tồn rùa ở Việt Nam, ATP đã xây dựng, triển khai, và thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nội và ngoại vi với các loài nguy cấp nhất ở Việt Nam. Trong số này, với các dự án bảo tồn tại chỗ, có thể kể tới Dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm ở khu vực miền Bắc Việt Nam được triển khai từ năm 2003 cho đến nay. Ngoài ra, các dự án dài hơi khác của ATP tập trung vào loài rùa Trung bộ, nhóm rùa hộp trán vàng ở khu vực miền Trung Việt Nam. Gần đây, ATP cũng tập trung vào công tác nghiên cứu, bảo tồn loài rùa đầu to, loài cực kỳ nguy cấp, có giá trị bảo tồn đặc biệt trên phạm vi toàn cầu. Với hoạt động bảo tồn chuyển vị, ATP đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương, các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Việt Nam nhằm cứu hộ, phục hồi sức khỏe và tái thả các loài rùa bản địa của Việt Nam.

    Trong thời gian tới, ATP sẽ tiếp tục duy trì các dự án bảo tồn tập trung vào các loài rùa nguy cấp nhất ở các khu vực trọng điểm về bảo tồn rùa của Việt Nam. Ngoài ra, ATP cũng sẽ phát triển mảng phòng chống buôn bán trái phép rùa và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn rùa ở Việt Nam.

Hồng Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

Ý kiến của bạn