Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

COP 15: Cần sự cam kết chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên vào năm 2050

30/12/2022

    Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp kép do chính con người gây ra: biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Đây là những yếu tố đe dọa tới phúc lợi của thế hệ hiện tại và tương lai. Việc ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái thiết yếu đang là mối quan tâm hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng ngày một gia tăng về khí hậu, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

    Quần thể các loài hoang dã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970

    Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 của WWF là ấn bản thứ 14 của loạt báo cáo Sức sống Hành tinh - một ấn phẩm quan trọng của WWF được xuất bản 2 năm một lần đã phản ánh hiện trạng rõ nét của thiên nhiên và cảnh báo các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng thực hiện các hành động khẩn cấp, mang tính chuyển đổi để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra.

    Theo Báo cáo, quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970. Với bộ dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm gần 32.000 quần thể của 5.230 loài, chỉ số sức sống hành tinh (LPI) do Hiệp hội Động vật học London nghiên cứu chỉ ra rằng các loài động vật hoang dã có xương sống (được giám sát trong LPI) đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới - nơi sở hữu những cảnh quan đa dạng lớn nhất thế giới. Cụ thể, dữ liệu LPI cho thấy từ năm 1970 cho đến năm 2018, những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 55%. Con số này tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%. Nguyên nhân chính làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã trên khắp thế giới bao gồm suy thoái và mất sinh cảnh, khai thác, du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Nhiều loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng

    Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) là một trong những chỉ số giúp cảnh báo sớm về tình trạng sức khỏe của thiên nhiên, cung cấp một thước đo toàn diện nhất về cách các loài đang thích ứng với những áp lực từ môi trường xung quanh, do suy giảm giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, đồng thời giúp chúng ta hiểu hơn về tác động của con người đối với đa dạng sinh học. LPI cho thấy, loài người không còn nhiều thời gian để xây dựng một xã hội trong đó thiên nhiên được bồi hoàn.

    Tuy nhiên không thể so sánh các phiên bản nối tiếp của Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) do có sự khác nhau về loài được đo lường trong từng bộ chỉ số. Cũng cần lưu ý rằng mốc cơ sở năm 1970 có ý nghĩa khác nhau tại mỗi khu vực được giám sát. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, các loài và sinh cảnh đã chịu rất nhiều áp lực trước mốc 1970, do đó, mặc dù mức độ suy giảm tại những vùng này thường không quá cao về mặt số liệu, nhưng điều này không có nghĩa là đa dạng sinh học tại những khu vực này được bảo toàn hơn những nơi khác. Trên thực tế, châu Âu là một trong những khu vực có số điểm thấp nhất trong thống kê Chỉ số Nguyên vẹn Đa dạng Sinh học (BII) trong báo cáo. Ngược lại, các khu vực nhiệt đới sẽ có điểm bắt đầu nguyên vẹn hơn vào năm 1970, nhưng kể từ đó hệ sinh thái nơi đây đã trải qua những thay đổi nhanh chóng hơn.

    Cần có sự cam kết mạnh mẽ tại COP15

    Hiện nay, một nửa nền kinh tế toàn cầu và hàng tỷ người phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên. Việc ngăn chặn mất mát đa dạng sinh học và khôi phục các hệ sinh thái thiết yếu cần phải được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu để giải quyết các cuộc khủng hoảng ngày một gia tăng về khí hậu, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Báo cáo cho rằng, cộng đồng địa phương và người bản địa ở khắp thế giới cần phải được công nhận quyền trong việc tham gia quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo tồn, phục hồi, chú trọng sản xuất, tiêu thụ thực phẩm một cách bền vững, nhanh chóng cắt giảm lượng các-bon trong tất cả các ngành nhằm giúp giảm thiểu tác động của khủng hoảng kép. Đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện chuyển đổi nền kinh tế để giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên được đánh giá đúng mức.

    Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới và là nơi sinh sống của các cộng đồng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Để khẩn trương giảm thiểu và thích ứng với những nguy cơ khí hậu trong tương lai, cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ và chủ động của phụ nữ, người bản địa, cộng đồng địa phương, giới trẻ và những nhóm thiểu số khác trong các chương trình nghị sự về khí hậu. Đồng thời, vấn đề bất bình đẳng khí hậu và phân bổ tài chính công bằng trong khu vực phải là một trọng tâm cốt lõi cần được quan tâm trong các chương trình nghị sự về mất đa dạng sinh học hoặc khủng hoảng khí hậu.

Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên về Công ước của Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP15)

dự kiến sẽ diễn ra tại Montreal, Canada, từ ngày 7 - 9/12/2022

    Hội nghị lần thứ 15 giữa các bên về Công ước của Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP15) dự kiến sẽ diễn ra tại Montreal, Canađa, từ ngày 7 - 9/12/2022, dưới sự chủ trì của Trung Quốc. Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Chính phủ các nước đang chuẩn bị đưa ra các mục tiêu về đa dạng sinh học cho thập kỷ tới. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có bàn thảo các hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của con người và hành tinh. Vì vậy, việc vận động các nhà lãnh đạo cam kết một thỏa thuận tương tự với “Thỏa thuận Paris” có khả năng sẽ đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học nhằm đảm bảo một thế giới trong đó thiên nhiên được bồi hoàn vào năm 2030. Theo đó, các mục tiêu dự thảo sẽ được đàm phán ở Montreal bao gồm các đề xuất loại bỏ ô nhiễm nhựa, giảm 2/3 việc sử dụng thuốc trừ sâu, giảm một nửa tỷ lệ du nhập các loài xâm lấn và loại bỏ các khoản trợ cấp chính phủ có hại cho môi trường, giảm 90% tỷ lệ tuyệt chủng hiện nay, tăng tính toàn vẹn của tất cả các hệ sinh thái, đánh giá vai trò của thiên nhiên đối với nhân loại và cung cấp các nguồn tài chính để đạt được tầm nhìn này.

    Thế giới đang mong đợi một thỏa thuận đủ tham vọng để ngăn chặn sự suy tàn của thiên nhiên, nhưng cũng đủ khiêm tốn để đặt ra các mục tiêu thiết thực. Hiện tại đã có rất nhiều thành công trong diệt trừ các loài xâm lấn trên các đảo, giảm ô nhiễm, cung cấp tiền cho các nỗ lực khôi phục tự nhiên, nhưng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào ý chí của các nguyên thủ quốc gia. COP15 sẽ là thời điểm biến lời nói thành hành động và trở thành một phần quan trọng trong tham vọng lớn hơn của Liên hợp quốc về thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên vào năm 2050.

    Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất Đông Nam Á, nhờ vậy mà mức sống của người dân cũng đang được nâng cao. Nhưng cũng chính sự phát triển kinh tế nhanh chóng này lại tạo ra nhiều áp lực cho các nguồn tài nguyên, gây suy giảm các hệ sinh thái và đe dọa đa dạng sự sống nơi đây. Tại Hội nghị COP15 ở Montreal, Lãnh đạo Bộ TN&MT sẽ tổ chức một sự kiện nhằm chia sẻ Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, được phê duyệt vào tháng 2/2022. Sự kiện sẽ cho thấy Việt Nam là một quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và là quốc gia tiên phong tham gia các cam kết quốc tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, tại sự kiện này, Bộ TN&MT và WWF sẽ cùng thảo luận về cách huy động sự hỗ trợ, tham gia của các khu vực công và tư nhân nhằm bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam, thông qua phát triển kinh tế bền vững và các chương trình bảo vệ đa dạng sinh học xuyên biên giới. COP15 là cơ hội để Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế nâng cao hơn nữa những tham vọng bảo tồn. Điều này là vô cùng cần thiết để đảm bảo kinh tế thế giới phát triển bền vững.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)

Ý kiến của bạn