Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu: Đáp ứng đầy đủ điều kiện thu gom, vận chuyển tái chế và xử lý chất thải trên địa bàn cả nước

19/09/2022

    Sau 3 năm khởi công xây dựng, vừa qua Nhà máy Tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM) do Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư chính thức đi vào vận hành. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Trương Kiên Dũng, Tổng Giám đốc Công ty về định hướng phát triển Nhà máy trong thời gian tới.

Phối cảnh Nhà máy Tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại

PV: Xin ông cho biết, đôi nét quá trình hình thành dự án Nhà máy Tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty làm chủ đầu tư?

Ông Trương Kiên Dũng: Mộc An Châu (mAc) thành lập từ 2007, mỗi sản phẩm, hành động của Công ty đều hướng tới sự phát triển bền vững trên cả ba phương diện: (1) Lành mạnh về tài chính; (2) Lợi ích cho cộng đồng; (3) Gìn giữ môi trường sống tốt đẹp.

    Với định hướng đó, chúng tôi đã dành hơn 10 năm tâm huyết để theo đuổi dự án này từ những năm 2011, mong muốn có thể cung cấp thêm các giải pháp cho TP. Hồ Chí Minh trong việc bảo vệ môi sinh cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững... Định hướng này phù hợp và đáp ứng nhiệm vụ đặt ra của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, cùng Nghị quyết số 03 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.HCM.

    Ngày 20/12/2019, đánh dấu bước ngoặt mới của mAc nói riêng cũng như của TP.HCM nói chung, khi khởi công xây dựng Nhà máy Tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước. Đây là một trong số rất ít dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung đầu tiên trên địa bàn TP.HCM. Sau Lễ khởi công, mAc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình và lắp đặt máy móc thiết bị để đưa dự án sớm vào vận hành chính thức.

    Ngày 6/7/2021, là một cột mốc đáng nhớ đối với mAc khi Nhà máy được Bộ TN&MT cấp phép vận hành thử nghiệm, đủ điều kiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Việc được cấp phép vào thời điểm đó, có thể nói là cơ hội cho mAc thực hiện sứ mệnh của mình là đồng hành cùng TP.HCM trong tình trạng khẩn cấp ứng phó trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 khi lượng chất thải lây nhiễm tăng cao.

    Sau một năm vận hành thử nghiệm, ngày 7/7/2022, Nhà máy xử lý chất thải Mộc An Châu được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động chính thức giai đoạn 1, xử lý 313 tấn/ngày (Giấy phép môi trường số 140/GPMT-TCMT).

Lò đốt là trái tim của Nhà máy với công suất đốt của 2 lò lớn nhất TP.HCM 48 tấn/ngày

PV: Những thuận lợi và khó khăn gì khi bắt tay triển khai dự án này? Nhà máy có những ưu Việt gì đáp ứng quy định hiện nay về công tác bảo vệ môi trường, thưa ông?

Ông Trương Kiên Dũng: Về khách quan, mAc vô cùng cám ơn sự ủng hộ của Lãnh đạo TP.HCM đối với dự án. Tính đến thời điểm 2012, thời gian đầu khi triển khai dự án, theo thống kê chưa đầy đủ tại TP.HCM chất thải công nghiệp phát sinh từ 1.500 tấn đến 2.000 tấn/ngày trong đó, chất thải nguy hại (CTNH) khoảng 250 tấn đến 350 tấn/ngày. Trong những năm tiếp theo theo sự phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp thì chất thải ngày càng tăng cao, cụ thể năm 2020 mỗi ngày tại TP.HCM còn phát sinh hơn 4.000 tấn chất thải rắn công nghiệp và 400 tấn CTNH, trong đó có 45 tấn chất thải y tế. Tuy nhiên tại thời điểm đó, Thành phố có các Công ty được cấp phép hoạt động xử lý CTNH, nhưng do phần lớn hoạt động với quy mô diện tích nhỏ, công suất xử lý thấp,   chỉ  chiếm khoảng 30% công suất  theo yêu cầu thực tế, số lượng mã chất thải có thể xử lý còn hạn chế, không liên kết… Vì vậy, dự án của mAc ra đời góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách của TP.HCM hiện nay và giai đoạn tới.

    Về chủ quan, mAc có được sự tư vấn từ những chuyên gia đầu ngành và đội ngũ chuyên viên tâm huyết, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải để xây dựng Nhà máy một cách hoàn thiện nhất.

    Bên cạnh thuận lợi trên, chúng tôi gặp một số khó khăn, thách thức vì là dự án xử lý chất thải có quy mô lớn của Thành phố nên việc xin chấp thuận chủ trương, xét duyệt công nghệ, năng lực tài chính, xin phép xây dựng, cấp phép xử lý và các thủ tục liên quan khác đều phải xét duyệt kỹ càng nên quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý cũng như hồ sơ kỹ thuật bị kéo dài hơn tiến độ đề ra.

    Đặc biệt, trong giai đoạn triển khai xây dựng dự án, Công ty Mộc An Châu nói riêng và cả nước nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ các làn sóng dịch Covid – 19 gây ra. Do đó, công tác đặt hàng, xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị đều bị kéo dài. Tuy nhiên, với sự cố gắng, Công ty chúng tôi cùng các đối tác đã đưa Nhà máy vào giai đoạn vận hành thử nghiệm trước làn sóng dịch mới và lớn nhất diễn ra.  

    Một số ưu điểm nổi bật của Nhà máy Xử lý chất thải Mộc An Châu có thể kể đến: Nhà máy nằm trong khu quy hoạch xử lý chất thải rắn tập trung của TP.HCM, xa khu dân cư, giúp dự án hoạt động lâu dài, ổn định, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh... Với quy mô Nhà máy vào loại lớn nhất cả nước, cơ sở hạ tầng đồng bộ, máy móc thiết bị hiện đại như: Hai hệ thống lò đốt chất thải công nghiệp - nguy hại được lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động cho mỗi ống khói. Hệ thống xử lý nước thải của mAc cũng được đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Các hệ thống quan trắc tự động đều đã được kết nối truyền dữ liệu tới Sở TN&MT TP.HCM. Do đó, Nhà máy đủ các điều kiện xử lý hầu hết các mã chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, đảm bảo thu gom hiệu quả và triệt để cho các chủ nguồn thải.

    Hiện nay, Nhà máy đang định hướng phát triển mở rộng qua những đề án đặc thù như: Tái chế chất thải phục vụ cho Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của TP.HCM; Xử lý xe cơ giới quá hạn; Tái chế pin mặt trời,…

PV: Là Nhà máy hiện đại, công suất lớn nhất  khu vực phía Nam, vậy để có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất, Công ty đã có sự hợp tác và mở rộng mạng lưới như thế nào để khách hàng tìm đến xử lý?

Ông Trương Kiên Dũng: Vì Nhà máy của mAc mới gia nhập thị trường nên thương hiệu còn khá mới mẻ, do đó chúng tôi đang từng bước tiếp cận các khách hàng tiềm năng và xây dựng thương hiệu để tìm nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất. Ngoài phương án kinh doanh truyền thống, trong thời đại 4.0 thì công tác marketing online rất phù hợp để cho khách hàng có thể tiếp cận và có cái nhìn tổng quan nhanh về mAc.

    Hiện nay, một trong số loại chất thải của xã hội mà Nhà máy tập trung đẩy mạnh xử lý trong thời gian tới là  pin mặt trời. Ngành công nghiệp pin mặt trời tại Việt Nam đang phát triển trong những năm gần đây, rất nhiều dự án điện mặt trời lớn nhỏ đã và đang lắp đặt. Các nhà sản xuất luôn nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới, từ đó nâng hiệu suất của tấm pin, tối ưu chi phí để thay thế cho các tấm pin cũ. Như vậy, trong tương lai gần, sẽ có nhiều tấm pin năng lượng mặt trời sắp hết hạn sử dụng hoặc không còn đáp ứng được nhu cầu sẽ bị thải bỏ. Là đơn vị xử lý đầu tiên được Bộ TN&MT cấp mã xử lý chất thải pin mặt trời (Tấm quang năng thải mã 19 02 08) theo Luật BVMT năm 2020, đây là lợi thế mà mAc muốn triển khai trong thời gian tới.

Hệ thống tái chế nhựa cũng là 1 trong nhứng hệ thống nổi bật của Nhà máy

PV: Vừa qua Luật BVMT năm 2020 có quy định chi tiết về việc trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm thải bỏ (EPR) cũng như thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững… Những quy định trên giúp gì để Doanh nghiệp xử lý chất thải hoạt động hiệu quả trong thời gian tới?

Ông Trương Kiên Dũng: Thay vì chỉ thực hiện công tác bảo vệ môi trường truyền thống bằng việc xử lý chất thải phát sinh ở khâu sản xuất, kinh doanh; EPR yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm quản lý cả vòng đời sản phẩm sau khi chúng trở thành chất thải bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

    Đối với cơ quan quản lý, EPR hiệu quả trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính và  một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ chính quyền địa phương và người nộp thuế nói chung sang cho nhà sản xuất. Thông qua việc giảm chất thải sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tăng tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đảm bảo sự phát triển bền vững.

    Đối với nhà sản xuất, nhập khẩu, việc quy định trách nhiệm cụ thể (Trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý) sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong việc cải tiến sản phẩm như việc thay đổi bao bì, nguyên nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn, có khả năng tái chế cao, giảm thiểu lượng bao bì không cần thiết,… nhằm phù hợp với chính sách EPR. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu hàng hóa trên thế giới tăng cao, việc tăng cường thu gom, tái chế sẽ giúp các doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời giảm chi phí xử lý chất thải, gia tăng thương hiệu, phát triển kinh tế xanh.

    Đối với các doanh nghiệp xử lý chất thải, EPR yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu bắt buộc thu gom, tái chế, xử lý hoặc thuê đơn vị có chức năng thu gom, tái chế, xử lý. Do đó, EPR tạo cơ hội kinh tế trong suốt các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường trong quản lý và xử lý chất thải. Ngoài ra, EPR tăng cường khả năng thu hồi sản phẩm thải bỏ, chất thải có khả năng tái chế cao hơn, việc này sẽ giảm gánh nặng về chi phí tái chế và xử lý cho đơn vị tái chế và xử lý chất thải.

Hệ thống xử lý nước thải với công suất 203 m³/ngày

PV: Để Nhà máy hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng bức xúc trong việc xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam hiện nay, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Ông Trương Kiên Dũng: Trong tương lai, dự kiến lượng chất thải ngày càng gia tăng theo sự phát triển của các ngành công nghiệp. Vì vậy, việc nâng công suất tái chế và xử lý là cấp thiết và phù hợp với xu hướng. Hiện nay, mAc đang dự kiến mở rộng, nâng công suất Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại 500 tấn/ngày lên 3.500 tấn/ngày. Trong đó, bổ sung xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt phát điện với công suất 1.000 tấn/ngày và xử lý chất thải công nghiệp, CTNH với công suất 2.500 tấn/ngày. Công ty Mộc An Châu rất mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp nâng công suất Nhà máy để đáp ứng nhu cầu tái chế và xử lý chất thải ngày càng gia tăng.

Phương tiện thu gom vận chuyển chuyên dụng đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành

    Ngoài ra, Công ty Mộc An Châu mong muốn chính sách EPR được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới. Nếu EPR được siết chặt thì lượng chất thải sẽ được thu hồi, thải bỏ một cách có quy hoạch thì gánh nặng về chi phí tái chế và xử lý sẽ giảm đáng kể, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Phạm Đình (Thực hiện)

Ý kiến của bạn