Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Công nghệ và giải pháp hướng tới nền kinh tế xanh

15/11/2022

    TOMRA là công ty tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực tự động hóa phân loại rác thải. Hiện TOMRA đã lắp đặt 6.460 thiết bị ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Công nghệ TOMRA có thể hỗ trợ việc giảm thiểu chất thải, ngăn chặn rác thải nhựa trên biển, hạn chế việc phát thải carbon, đồng thời thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Từ ngày 28-30/11/2022, TOMRA sẽ tham dự Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Trước thềm Hội nghị và Triển lãm diễn ra, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Hoàng Nam, đại diện của Công ty TOMRA (Na Uy) tại thị trường Việt Nam về cơ hội thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ông Cao Hoàng Nam, đại diện của Công ty TOMRA (Na Uy) tại thị trường Việt Nam bên máy thu đổi vỏ chai tự động

    PV: Xin ông chia sẻ về các giải pháp và công nghệ mà TOMRA mang tới Việt Nam lần này để thúc đẩy nền kinh tế xanh, phát triển bền vững?

    Ông Cao Hoàng Nam: Chúng ta hãy hình dung một ngày thế giới không còn rác thải và để làm được điều đó phải bắt đầu từ sự chuyển đổi. Chuyển đổi cách chúng ta thu gom, sử dụng, tái sử dụng rác thải và các tài nguyên quý giá của hành tinh. Chuyển đổi cách tư duy và hành động của con người, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để mọi người cùng tham gia. Vấn đề không chỉ là thu gom chai nước nhựa hay tái chế nó, mà phải đảm bảo mọi tài nguyên đều có giá trị. Điểm mấu chốt của nền kinh tế tuần hoàn là phải chuyển đổi để tài nguyên có thể được sử dụng nhiều lần, sử dụng tài nguyên một cách bền vững nhất có thể. Với những giải pháp và công nghệ của TOMRA, việc giảm thiểu chất thải, ngăn chặn rác thải nhựa, hạn chế việc phát thải carbon tại Việt Nam có thể hoàn toàn khả thi. TOMRA đặt ra những mục tiêu tham vọng nhằm tác động lâu dài tới môi trường và mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.

    TOMRA được thành lập năm 1972 khi phát minh máy thu đổi tự động (Reverse Vending Machine - RVM) đầu tiên, sau khi một cửa hàng tạp hóa địa phương yêu cầu được trợ giúp để thu lại vỏ chai đã qua sử dụng. Với phát minh này, khách hàng có thể trả lại các chai đã sử dụng để lấy lại khoản tiền đặt cọc khi mua. Kể từ đó, TOMRA đã dành hơn 50 năm để cải tiến công nghệ thu gom và phân loại dựa trên cảm biến, nhằm mục đích thu hồi các nguyên liệu có giá trị từ hầu hết các loại rác thải, qua đó thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh - tuần hoàn. Tới nay, Công ty đã lắp đặt trên 100.000 thiết bị tại 80 thị trường trên khắp thế giới.

    Hàng năm, hệ thống của TOMRA thu gom hơn 40 tỷ vỏ lon, vỏ chai đã qua sử dụng, đồng thời đem lại cho các nhà bán lẻ và khách hàng một phương thức thu gom, phân loại, xử lý hiệu quả các nguyên liệu này. Với tỷ lệ thu hồi từ 90% trở lên, các hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc (Deposit Return System - DRS) đảm bảo việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và không thải ra môi trường. Công nghệ thu đổi tự động (RVM) của  TOMRA là nhân tố quan trọng của hệ thống này.

    Công ty đã phát triển nhiều loại máy, hệ thống hiện đại phù hợp với các đối tượng khách hàng và ứng dụng khác nhau - từ các cửa hàng tiện lợi nhỏ đến trạm thu gom lớn. Ngoài ra, nền tảng ứng dụng Internet vạn vật (Internet of things – IOT) giúp chuyển hóa dữ liệu từ các máy thu đổi tự động và tạo ra các giải pháp tối ưu cho khách hàng.

    TOMRA cũng là công ty tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực tự động hóa phân loại rác thải. Hệ thống phân loại linh hoạt của chúng tôi có thể giúp phân loại kim loại và các chất thải khác nhau để tái chế hoặc chuyển hóa thành năng lượng. Hiện tại, chúng tôi đã lắp đặt 6.460 thiết bị ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ.

    Với những quy định mới về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mà Việt Nam vừa ban hành, việc thực hiện các giải pháp thu gom và tái chế khép kín ngày càng trở nên quan trọng góp phần giảm áp lực cho các bãi chôn lấp. Công nghệ của chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết quốc gia và quốc tế về giảm thiểu chất thải, ngăn chặn rác thải nhựa trên biển, hạn chế việc phát thải carbon, và cuối cùng là thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới nền kinh tế xanh.

    PV: Thưa ông, công nghệ và các giải pháp thông minh đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon?

    Ông Cao Hoàng Nam: Theo kinh nghiệm mà TOMRA có được từ hoạt động tại nhiều quốc gia, việc xây dựng và thực thi quy định có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thu gom rác ở Việt Nam. Cụ thể là nếu quản trị tốt cũng như áp dụng công nghệ phù hợp sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hình thành nền kinh tế tuần hoàn và đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon mà Việt Nam đặt ra.

                                     Hệ thống phân loại rác thải của TOMRA

    Việc áp dụng EPR là một bước tiến rất lớn tại Việt Nam để xử lý các vấn đề về rác thải nhựa đã tồn tại hàng chục năm. Để đạt được sự tuần hoàn trong quản lý rác thải, có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó bao gồm tập trung thu gom nhiều hơn, phân loại tốt hơn và tăng tỷ lệ cũng như chất lượng tái chế với mục tiêu giữ nguyên liệu trong vòng tuần hoàn tái sinh càng lâu càng tốt. Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị việc triển khai hiệu quả các quy định về EPR và ứng dụng  hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc (DRS) để đạt được hiệu suất tối đa như TOMRA đã và đang áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

    Tại Na Uy, hệ thống DRS có tỷ lệ thu gom là 92% và có thể cung cấp cho ngành công nghiệp nhựa với tỉ lệ 80% nhựa tái chế (rPET) sử dụng trong sản xuất chai mới. Hệ thống này được vận hành bởi chính các công ty sản xuất và người bán lẻ. Hệ thống DRS chỉ thu gom và tái chế trong một hệ thống tuần hoàn khép kín những bao bì được nhận diện thông qua mã vạch. Điều này đảm bảo sản lượng nguyên liệu tái chế với chất lượng cao và ổn định. Hệ thống cũng cung cấp khả năng truy xuất nguồn gốc tốt và đảm bảo chất lượng như nguyên liệu của vòng đầu tiên được sản xuất.

    Theo tính toán của TOMRA, với hệ thống thu gom thông thường, cứ 100 vỏ chai nhựa đưa ra thị trường thì chỉ 49 chai được thu hồi với tỷ lệ vòng đời tái chế là 60 chai (tỷ lệ 75% nhựa tái chế/chai mới) thì với hệ thống DRS, tỷ lệ thu gom sẽ là 90 chai với vòng tái chế lên tới 208 chai. Đây chính là yếu tố chủ chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

    Bên cạnh đó, việc quản trị rác thải tốt sẽ là yếu tố quan trọng giảm khí thải carbon. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, phát thải khí nhà kính của rác thải đô thị tăng 30% (không bao gồm CO2 sinh học).  Do đó, theo tính toán hệ thống thu gom rác thải toàn diện (tích hợp đồng bộ nhiều giải pháp) có khả năng giảm 2.76 tỷ tấn CO2 hàng năm. Đây cũng là con số rất ý nghĩa có thể áp dụng hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng không vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại COP 26.

    PV: Ông nghĩ sao về mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và thực hiện NetZero 2050 của Việt Nam và TOMRA có thể hỗ trợ gì cho Việt Nam trong thời gian tới?

    Ông Cao Hoàng Nam: Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài các yếu tố như quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các bên liên quan, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy các giải pháp và công nghệ tiên tiến đóng vai trò quan trọng. Việt Nam có tiềm năng áp dụng các hệ thống thu gom hiệu quả để có thể tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho lĩnh vực tái chế đang được xây dựng trong nước và đảm sự ổn định về nguồn cho các nhà sản xuất.

    Chúng tôi đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm việc với khu vực tư nhân, nhà nước và dân sự để thúc đẩy các công nghệ, giải pháp thu gom và tái chế có hiệu quả. Với hệ thống DRS, chúng tôi có thể giúp Việt Nam hình thành chuỗi giá trị khép kín (closed loop recyclying) tối ưu hóa năng suất tài nguyên. DRS vừa hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu về thu gom, tái chế vừa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm qua nhiều vòng đời tái sinh. Bên cạnh đó, DRS cũng góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa.

    Là công ty tiên phong trên thế giới về tự động hóa phân loại rác thải, hệ thống phân loại linh hoạt dựa trên cảm biến của chúng tôi có thể giúp chuyển hóa chất thải thành tài nguyên thứ cấp có giá trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô sơ cấp và giảm thiểu tác động môi trường do các bãi chôn lấp và đốt rác gây ra. TOMRA cam kết hỗ trợ và chia sẻ kiến ​​thức nhằm tối ưu hóa các điều kiện phù hợp để đáp ứng các mục tiêu tái chế và môi trường khác cho Việt Nam.

    PV: Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

Ý kiến của bạn