Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Công bố báo cáo mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam

22/08/2022

    Nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng và phương hướng, giải pháp phát triển các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn tại Việt Nam, ngày 19/8/2022, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH): Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM và ông Carsten Baltzer Rode, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM chia sẻ, hiện nay, kinh tế tuần hoàn (KTTH), mô hình KDTH đang được đặc biệt quan tâm. Từ kinh nghiệm ở các nước châu Âu như Đan Mạch và nhiều quốc gia khác cho thấy, kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã đề ra định hướng “xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường” và “khuyến khích phát triển mô hình KTTH, để sử dụng tổng hợp, hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình KTTH”. Cụ thể hóa các chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt “Đề án phát triển KTTH tại Việt Nam”. Trong bối cảnh này, Báo cáo “Mô hình KDTH: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” được công bố nhằm cung cấp những luận cứ khoa học thúc đẩy việc chuyển đổi từ kinh doanh theo hình thức tuyến tính sang KDTH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.  Phó Viện trưởng trân trọng cảm ơn Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã tài trợ thực hiện nghiên cứu này.

    Trình bày nghiên cứu về mô hình KDTH, ông Trịnh Đức Chiều, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (DN), CIEM cho biết, mặc dù KTTH đã xuất hiện từ rất sớm nhưng kinh doanh trong KTTH mới xuất hiện từ năm 2015 trở lại đây và hiện nay đang là xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Việt Nam dù đã có sự xuất hiện mô hình KDTH nhưng hiện vẫn ở mức thấp và tự phát, do vậy, trong tương lai, mô hình này cần được nhân rộng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cam kết COP26 về biến đổi khí hậu. Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy, kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành một xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành các mô hình KDTH, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng, trước hết cần xây dựng khung pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tuyến tính sang tuần hoàn.

Toàn cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nội dung: Kết quả nghiên cứu về mô hình KDTH; vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của KDTH; kinh nghiệm quốc tế về mô hình KDTH; thực trạng kinh doanh theo hướng tuần hoàn của DN Việt Nam; những rào cản, khó khăn đối với phát triển KDTH; các giải pháp thúc đẩy phát triển KDTH và khuyến nghị về các cơ chế, chính sách có liên quan…

    TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay, sự chuyển dịch sang phát triển bền vững trong đó có việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH không còn là câu chuyện chỉ là xu hướng mà nó đã bắt đầu diễn ra khá mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, khu vực trê thế giới. Việc chuyển dịch này xuất phát từ áp lực lối sống, ý tưởng về phát triển bền vững, từ đòi hỏi của thị trường về sản xuất kinh doanh hay uy tín, năng lực cạnh tranh của DN. Việc chuyển sang được mô hình mới có nhiều ý nghĩa và về lâu dài đem lại hiệu quả nhưng quá trình này không hề đơn giản và nhanh chóng. Lý do là chúng ta quen với kinh tế tuyến tính, tức là khai thác, sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ còn với KTTH, phải làm sao tối thiểu được nguyên vật liệu, tài nguyên sử dụng, giảm khí phát thải, tăng vòng đời của sản phẩm. Như vậy, để chuyển dịch đòi hỏi thay đổi nhận thức, thói quen, suy nghĩ về cách quản trị, công nghệ, kỹ năng của DN. Bên cạnh đó, do liên quan nhiều đến sản phẩm nên đòi hỏi sự sáng tạo, chưa kể là những công nghệ lõi khác. Đây chính là những khó khăn của DN - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

    Từ thực tiễn trên, CIEM nhận định, những khó khăn, thách thức đối với phát triển các mô hình KDTH vẫn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, đó là nguồn lực, công nghệ, thị trường. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về KTTH và mô hình KDTH tại Việt Nam chưa thống nhất. Mặt khác, khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực, nguồn lực của DN chưa đáp ứng yêu cầu; văn hóa kinh doanh, thói quen tiêu dùng và nội dung chính sách pháp luật vẫn chủ yếu dựa trên triết lý kinh doanh tuyến tính truyền thống. Vì vậy, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đưa đến những cơ hội cũng như thách thức đối với phát triển KTTH và kinh doanh trong KTTH, nhất là trong thời gian gần đây đã có chủ trương, chính sách mới về KTTH, KDTH để đạt mục tiêu phát triển bền vững, cam kết của Việt Nam tại COP26… CIEM khuyến nghị, để phát triển KTTH nói chung và KDTH nói riêng, một số giải pháp quan trọng cần tập trung trong giai đoạn tới gồm: Tăng cường nhận thức về KTTH, KDTH; hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan; đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển KTTH, KDTH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các DN và xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ KDTH của DN cũng như có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình KDTH cho các DN theo ngành, lĩnh vực... Về phía DN, cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

    Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã công bố cuốn sách: “Mô hình KDTH - Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam”.

Gia Linh

Ý kiến của bạn