Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Chứng nhận công trình Nhà máy dệt may xanh ở Việt Nam theo bộ tiêu chí của Leed và Lotus

05/09/2023

    1. Tổng quan ngành công nghiệp dệt may Việt Nam

    Ngành Công nghiệp dệt may đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và được coi là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Việt Nam với mức đóng góp GDP hàng năm từ 16%, đứng đầu về KNXK với 40,4 tỷ USD chiếm 12% KNXK cả nước (2021). Ngành dệt may cũng tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, chiếm hơn 25% tổng số lao động ngành chế biến chế tạo và 12,5% lao động công nghiệp. Là ngành đứng đầu cả nước về thu dụng lao động, ngành dệt may đã tạo việc làm ổn định với thu nhập bình quân 8.5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng 5 - 6% Kim ngạch xuất khẩu bình quân, tương đương 70 tỷ USD và 2 - 3% giai đoạn 2031 - 2045 với 100 tỷ USD.

    Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ phát triển nhanh chóng, ngành dệt may cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức khi là một ngành gây ô nhiễm chỉ đứng sau công nghiệp dầu mỏ với lượng khí CO2 phát thải ra môi trường cao gấp đôi so với một số ngành công nghiệp khác. Năm 2016, khoảng 3,3Gt khí CO2 phát thải ra môi trường, chiếm 6,7% tổng phát thải của toàn cầu. Trong quá trình sản xuất hàng hóa, ngành công nghiệp dệt may sử dụng khoảng 93 tỷ m3 nước mỗi năm, tương ứng với 4% lượng nước ngọt được khai thác trên toàn thế giới. Có thể thấy, bên cạnh những giá trị kinh tế mà ngành mang lại thì việc tiêu tốn tài nguyên và các tác động gây ô nhiễm đến môi trường đang ở mức báo động.

    Do đó, nhu cầu chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo xu hướng xanh hóa ngành dệt may trên toàn cầu. Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng khi đại dịch Covid-19 đã đang và tiếp tục gây nên những thay đổi to lớn về kinh tế - xã hội và thậm chí là tình hình địa chính trị trên toàn thế giới, trong đó, ảnh hưởng của nó đến ngành công nghiệp thời trang - dệt may là không nhỏ.

    2. Xu hướng Công trình Xanh tại Việt Nam

  1. Chứng nhận Công trình Xanh tại Việt Nam

    Một trong những xu hướng quan trọng có đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển ngành dệt may Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh chính là Chứng nhận Công trình Xanh. Đây là một quá trình xác định những tác động của công trình xây dựng và cơ sở vật chất đến môi trường xung quanh. Chứng nhận Công trình Xanh được triển khai ở các cấp độ từ thiết kế quản lý, tìm nguồn cung ứng đến lắp ráp sản phẩm cuối cùng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, quản lý chất thải, sử dụng năng lượng, sử dụng nước...nhằm giảm các tác động tiêu cực và không vượt quá giới hạn bền vững hoặc sức tải của tự nhiên.

    Tại Việt Nam, Chứng nhận Công trình Xanh phổ biến nhất được biết tới là LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (United States Green Building Council - USGBC) và LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council - VGBC). Đây là hai Chương trình được quốc tế công nhận là một trong số những Chứng nhận Công trình Xanh với các quy định khắt khe nhất hiện nay xét về tiêu chuẩn bền vững môi trường cho các tòa nhà cũng như thực hành trách nhiệm xã hội (WWF).  Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 34 dự án được cấp Chứng chỉ LOTUS (26% là Nhà máy) và 93 dự án được cấp Chứng chỉ LEED (56% là Nhà máy), cùng với nhiều dự án đang triển khai xin cấp các chứng chỉ này. Hiện nay, hầu hết các nhà máy đạt chứng chỉ LEED hoặc LOTUS đều thuộc lĩnh vực dệt may.

  1. Bộ tiêu chí đánh giá Công trình Xanh từ Leed và Lotus

Bảng 1: Đặc điểm chứng nhận Công trình Xanh của LEED và LOTUS tại Việt Nam

Chứng chỉ Công trình Xanh

LEED

LOTUS

Đơn vị cấp

Hội đồng công trình Xxanh - Mỹ

Hội đồng Công trình Xanh - Việt Nam

Đối tượng

Các dự án trên thế giới

Các dự án tại Việt Nam

Phương thức đánh giá

  • Thiết kế địa điểm
  • Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước
  • Năng lượng và môi trường
  • Vật liệu và tài nguyên
  • Chất lượng môi trường trong phòng
  • Đổi mới trong thiết kế
  • Năng lượng
  • Nước
  • Vật liệu
  • Sinh thái
  • Chất thải và ô nhiễm
  • Sức khỏe và tiện nghi
  • Thích ứng và giảm nhẹ
  • Quản lý
  • Sáng kiến

    Chứng nhận chuẩn Công trình Xanh của Mỹ được coi là bộ tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Về quy mô công trình, LEED có các công cụ đánh giá áp dụng cho các nhóm công trình khác nhau như:

  • Leed BD+C (Building Design and Construction) áp dụng cho dự án xây mới hoặc cải tạo lớn;
  • Leed ID+C (Interior Design and Construction) áp dụng cho các dự án hoàn thiện nội thất thương mại (văn phòng, bán lẻ…);
  • Leed O+M (Building Operations and Maintenance) áp dụng cho các công trình đang vận hành;
  • Leed ND (Neighborhood Development) áp dụng cho các dự án khu đô thị, khu phức hợp…
  • Leed Homes áp dụng cho các dự án nhà ở đơn lẻ, hoặc các dự án chung cư nhà ở thấp tầng.

    Bảng 2: Các tiêu chí chấm điểm theo quy định của LEED

Tiêu chí

Điểm số

Khả năng giảm tiêu thụ năng lượng/Energy & Atmosphere (EA)

35  điểm

Dự án tận dụng nguồn nước hiệu quả/Water Efficiency (WE)

10 điểm

Có vị trí và kết nối giao thông/Location and Transportation

26 điểm

Sử dụng nguyên vật liệu/Material & Resources (MR)

14 điểm

Đảm bảo chất lượng môi trường sống trong nhà/Indoor Environment Quality (IE)

14 điểm

Tính sáng tạo trong thiết kế/Innovation & Design (ID)

06 điểm

Môi trường phát triển bền vững/Sustainable Sites (SS)

04 điểm

    Về thang điểm tiêu chuẩn cho các công trình mới và đại trùng tu của LEED cụ thể như sau: (1) Đạt 40 - 49 điểm: Chứng nhận Certified; (2) Đạt 50 - 59 điểm: Chứng nhận Bạc (Silver); (3) Đạt 60 - 79 điểm: Chứng nhận Vàng (Gold); (4) Từ 80 điểm trở lên: Chứng nhận Bạch Kim (Platinium).

Hình 1: Hình ảnh biểu tượng các cấp chứng nhận của LEED

        Chi phí cấp chứng nhận của LEED:

  • Chi phí của chứng nhận LEED phụ thuộc vào hệ thống đánh giá và quy mô của dự án;
  • Theo USGBC, chi phí của Chứng chỉ LEED được chia nhỏ như sau: (1) Đăng ký dự án: 35.224.000 VND; (2) Tiền chứng minh: 117.413.000 VND; (3) Đánh giá chứng nhận: Dao động từ 79.840.500 VND - 774.993.000 VND.

 Mức giá sẽ tùy thuộc vào tổng diện tích sàn của dự án.

    Tương tự cấu trúc của các hệ thống Chứng nhận Công trình Xanh quốc tế, LOTUS có cấu trúc gồm các tiêu chí bắt buộc (Prerequisites) và các tiêu chí tự nguyện (optional credits), được chia thành các nhóm tiêu chí (Categories). LOTUS NC v3 hiện có 6 nhóm chính (Năng lượng, nước, vật liệu và tài nguyên, sức khỏe và tiện nghi, địa điểm và sinh thái, quản lý) và 1 mục Bonus (ghi nhận các giải pháp sáng tạo hoặc dự án có hiệu năng vượt trội). 

    Về quy mô công trình, LOTUS có các công cụ đánh giá áp dụng cho các nhóm công trình khác nhau như:

  • LOTUS NC v3, áp dụng cho dự án xây mới hoặc cải tạo quy mô lớn với tổng diện tích sàn (GFA) từ 2500m2 trở lên;
  • LOTUS BIO, áp dụng cho công trình hiện hữu;
  • LOTUS Homes, áp dụng cho công trình nhà ở riêng lẻ;
  • LOTUS SB, áp dụng cho dự án phi nhà ở với GFA nhỏ hơn 2500 m2
  • LOTUS Interiors, áp dụng dự án hoàn thiện nội thất;
  • LOTUS Small Interiors, áp dụng dự án hoàn thiện nội thất với GFA nhỏ hơn 1000 m2.

    Bảng 3: Các tiêu chí đánh giá theo LOTUS

Categories

Non-residential

Residential

Weight (%)

Max Points

Weight (%)

Max Points

Energy (Năng lượng)

32%

32

32%

32

Water (Nước)

13%

13

13%

13

Materials & Resources (Vật liệu và tài nguyên)

12%

12

13%

13

Health & Comfort (Sức khỏe và Tiện nghi)

14%

14

14%

14

Site & Environment (Địa điểm & Sinh thái)

21%

21

20%

20

Management (Quản lý)

8%

8

8%

8

Total                                        

100%

100

100%

100

    ++8 điểm thưởng (bonus) dưới hạng mục Exceptional Performance

    Thang tiêu chuẩn Lotus: Mức chứng nhận tối thiểu của LOTUS NC (LOTUS Certified) được ấn định tại 40% tổng số điểm (không bao gồm 8 điểm thưởng). Giá trị này cho thấy công trình đã đáp ứng những yêu cầu tối thiểu để được coi là một Công trình Xanh. Các mức chứng nhận tiếp theo tương ứng với các mức 55% (LOTUS Bạc), 65% (LOTUS Vàng) và 75% (LOTUS Bạch kim) tổng số điểm, cụ thể: 0 - 39 điểm: Uncertified (Không đạt); 40 - 54 điểm: Certified (Đạt chứng nhận); 55 - 64 điểm: Silver (Bạc); 65 - 74 điểm: Gold (Vàng); 75 - 108 điểm: Platinum (Bạch Kim).

Hình 2: Hình ảnh biểu tượng các cấp Chứng nhận của LOTUS

    Về chi phí Chứng nhận, thang LOTUS bao gồm các loại phí chính như sau:

    Biểu phí đăng ký LOTUS: Từ 1.100.000 - 11.000.000 VND tùy hệ thống Chứng nhận (Công trình mới, đang vận hành, không gian nội thất…). Phí đánh giá Chứng nhận LOTUS theo LOTUS NC v3: Từ 48.400.000 - 435.600.000 VND tùy theo quy mô dự án lớn hay nhỏ. Phí đánh giá chứng nhận theo LOTUS Interior: Từ 33.000.000 - 82.500.000 VND tùy theo quy mô dự án lớn hay nhỏ.

3. So sánh bộ tiêu chí đánh giá Công trình Xanh Leed và Lotus tại Nhà máy DBW

    Một ví dụ điển hình về Công trình Xanh tại Việt Nam là Nhà máy Deutsche Bekleidungs Werke Limited (DBW) - đạt chứng chỉ Bạch Kim của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (LEED) và hệ thống chứng nhận của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (LOTUS).

    DBW trực thuộc Tập đoàn Royal Spirit, nằm tại KCN Long Hậu với tổng diện tích 18.000 m2 chuyên sản xuất hàng may mặc thời trang. Đây là Nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được trang bị hệ thống pin mặt trời áp mái, hệ thống này cùng với việc sử dụng xăng sinh học đã giúp cho Nhà máy cải thiện đến  44,3% hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất, giảm 50% năng lượng chiếu sáng từ đèn LED.

    Toàn bộ hệ thống Nhà máy được xây dựng với không gian mở, với 98% diện tích làm việc có tầm nhìn ra không gian bên ngoài, hạn chế tới 76% lượng gạch truyền thống dễ gây ô nhiễm, tái chế 93% lượng phát thải xây dựng trong quá trình triển khai dự án, với các khu vực dành riêng để phân loại và tập kết sản phẩm tái chế. Xung quanh khuôn viên Nhà máy trồng hơn 100 loài thực vật, kết hợp với các biện pháp giảm nhiệt trên bề mặt giúp cho không khí luôn xanh mát và thoáng đãng. 100% lượng nước mưa được lưu trữ và sử dụng cho các hoạt động khác như tưới tiêu cho khu vực vườn rau sân thượng để cải thiện bữa ăn cho công nhân.

    Bảng 4: Bảng so sánh các hợp phần đánh giá giữa LEED và LOTUS

Công cụ đánh giá: LOTUS NR V2.0 và LEED BD+C: New Construction V3-LEED 2009

Loại hình công trình: Nhà máy

Diện tích sàn (GFA): 14,561m2

LOTUS (10 hợp phần,  tiêu chí)

 LEED (7 hợp phần, 110 tiêu chí)

 

Năng lượng

25/34

 

Vị trí xây dựng bền vững

22/26

 

Nước

11/15

 

Tận dụng nguồn nước hiệu quả

10/10

 

Vật liệu

5/20

 

Tận dụng và tái tạo nguồn năng lượng

33/35

 

Sinh thái

8/13

 

Tiết kiệm tài nguyên và vật liệu

6/14

 

Chất thải và ô nhiễm

7/13

 

Bảo đảm không khí và môi trường sống

5/15

 

Sức khỏe và tiện nghi

7/20

 

Cập nhật và tối ưu hóa thiết kế

6/6

 

Thích ứng và giảm nhẹ

10/13

 

Khu vực ưu tiên

4/4

 

Cộng đồng

3/13

Total

86/110            

 

Quản lý

8/12

  

 

Sáng kiến

3 điểm

Total

87/110

    Khi so sánh và đánh giá các chỉ tiêu giữa hai bộ tiêu chí của LEED và LOTUS trong trường hợp của Nhà máy DBW, với tất cả những tiêu chuẩn đưa ra trong quá trình thẩm định, thì cả hai Chương trình này đều có các tiêu chí cơ sở và điểm chuẩn tương đương nhau, đều nằm trong nhóm những Chứng chỉ Công trình Xanh khắt khe nhất hiện nay về hệ thống tiêu chuẩn môi trường bền vững cho các tòa nhà cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời cũng được các nhãn hàng quốc tế công nhận.

    Các công trình LEED và LOTUS đều đạt được những mục tiêu ấn tượng về việc giảm năng lượng tiêu hao trong quá trình vận hành sản xuất, tiết kiệm và tái sử dụng nguồn tài nguyên nước, đảm bảo cảnh quan và môi trường xung quanh, giảm phát thải CO2… tối ưu chi phí vận hành quản lý cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng.

    Có thể thấy, đối với các công trình mới, cả hai bên đều đưa ra quy chuẩn cho việc phát triển một Công trình Xanh toàn diện, hỗ trợ các đơn vị xây dựng được một khuôn viên sống và làm việc có lợi cho sức khỏe, tối ưu nguồn nguyên liệu và tiết kiệm chi phí và đem lại sự phát triển bền vững trên mọi khía cạnh. Ngược lại, khi thiết lập các giải pháp nhằm cải tạo công trình cũ, cả hai đồng thời đều có những phương pháp chi phí tối ưu giúp nâng cao hiệu quả sử dụng công trình một cách tối đa. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tiện ích đem lại không gian sống có lợi cho sức khỏe và tinh thần của cán bộ công nhân viên cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu của hai Chứng chỉ Công trình Xanh này.

    Việc đạt được Chứng nhận Công trình Xanh không chỉ thúc đẩy xu hướng xây dựng các công trình bền vững mà còn nâng cao chất lượng lao động. Tại một số doanh nghiệp, hiệu suất tinh thần của cán bộ công nhân viên được cải thiện 25%, số lần nghỉ ốm ít hơn và sức khỏe cũng tốt hơn, do đó năng suất cũng cao hơn, giảm thiểu tỷ lệ công nhân viên nghỉ việc.

    Tuy nhiên, trong khi LOTUS chú trọng hơn vào việc khuyến khích các giải pháp kiến trúc dựa vào thiên nhiên (natural-based) hay những thiết kế hỗ trợ trong việc giải quyết các mục tiêu sức khỏe và tiện ích cho người sử dụng thay vì đặt nặng vào các giải pháp cơ điện, sử dụng các hệ thống cơ điện hiệu năng cao. Còn đối với LEED chủ yếu tập trung vào mô hình hóa năng lượng mang lại nhiều lợi ích và tối đa hóa môi trường sinh hoạt lành mạnh về lâu dài.

    4. Kết luận

    Có thể thấy, các Công trình Xanh được coi là giải pháp mang tính khả thi và đem tới hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp trong mục tiêu giảm phát thải ngành, tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện phúc lợi của người lao động và đảm bảo môi trường sinh thái.

    Theo một nghiên cứu từ Tập đoàn McKinsey vào tháng 4/2023 cho thấy, tuy nhu cầu của người tiêu dùng cho thời trang bị cắt giảm 60% nhưng 65% người tiêu dùng đã dịch chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững. Đồng thời, nhận thức của người tiêu dùng ngày càng cao khi số người sẵn sàng chi trả cho mức giá cao hơn đối với các sản phẩm mang tính sử dụng lâu dài và bảo vệ môi trường tăng vọt.

    Các sức ép này buộc những doanh nghiệp dệt may phải hành động để cải thiện tính bền vững xuyên suốt chuỗi cung ứng và thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng sản xuất xanh, như: giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, sử dụng nguyên vật liệu tái chế, nâng cao tính minh bạch trong quy trình sản xuất và vận hành nhằm tìm cách giảm tác động đến môi trường.

    Công trình Xanh tại Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với những con số ấn tượng, và là tín hiệu tích cực trong việc thiết lập mạng lưới công nghiệp dệt may xanh ở Việt Nam. Với hơn 3000 doanh nghiệp, công cuộc xanh hóa ngành dệt may sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Phạm Thùy Linh, Bùi Thị Thanh Hương

Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2023)

    Tài liệu tham khảo

  1. C.K. Chau, M.S. Tse, and K.Y. Chung, A choice experiment to estimate the effect of green experience on preferences and willingness-to-pay for green building attributes. Building & Environment. 45(11) (2010) 2553-2561.
  2. D.L. Nguyen, A critical review on Energy Efficiency and Conservation policies and programs in Vietnam. Renewable and Sustainable Energy Reviews. 52 (2015) 623-634.
  3. D.N. Pham, Phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam – Thực trạng và đề xuất [Developing green building in Vietnam - status quo and recommendations], in Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam [Journal of Vietnamese Architecture] Hanoi. 2015.
  4. Deutsche Bekleidungswerke (DBW)
  5. E.H.W. Chan, Q.K. Qian, and P.T.I. Lam, The market for green building in developed Asian cities—the perspectives of building designers. Energy Policy. 37(8) (2009) 3061-3070.
  6. Green Building Standards | US EPA
  7. Green Building Performance (gsa.gov)Home - EDGE Buildings
  8. Green building certification in Vietnam - VGBC
  9. Hong-Trang Nguyen and Matthew Gray: General Statistics office of Vietnam. Average population by province. 2015; Procedia Engineering 142 ( 2016 ) 314 – 321
  10. Hong-Trang Nguyen, Matthew Gray,A Review on Green Building in Vietnam,Procedia Engineering, Volume 142, 2016, Pages 314-321, ISSN 1877-7058.
  11. Hướng dẫn Xanh hóa ngành dệt may ở Việt Nam | WWF (panda.org)
  12. K.J. Oneill and D.C. Gibbs, Towards a sustainable economy? Socio-technical transitions in the green building sector. Local Environment. 19(6) (2014) 572-590.
  13. L. Steer and K. Sen, Formal and Informal Institutions in a Transition Economy: The Case of Vietnam. World Development. 38(11) (2010) 1603-1615.
Ý kiến của bạn