Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường biển

06/07/2023

    Với bờ biển dài trên 250 km, 40.000 ha bãi triều, trên 2.000 đảo lớn nhỏ... là lợi thế lớn cho Quảng Ninh phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện. Song hành với đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển, hải đảo, thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vừa tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, vừa kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

    Quảng Ninh đã kiện toàn bộ máy quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh; xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; ban hành chính sách khuyến khích thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển; chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lồng ghép các mục tiêu, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phương án phát triển kinh tế biển và sử dụng không gian biển tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2050... Ngoài việc quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo, tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp kịp thời, tăng cường năng lực ứng phó trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển.

    Với 9/13 địa phương tiếp giáp với biển, Quảng Ninh đã đầu tư mạnh các hệ thống xử lý, ngăn ngừa chất thải từ bờ. Cụ thể, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh tích cực đổi mới công nghệ khai thác, triển khai nhiều giải pháp BVMT, hạn chế xả thải vào nguồn nước chảy ra biển. Cụ thể, tại các nhà máy tuyển than đã xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung; đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường. Các đơn vị khai thác than đều có công trình thu gom nước chảy tràn bề mặt đưa về khu vực xử lý…

    Bên cạnh đó, 6/6 khu công nghiệp có các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và 4/5 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. 100% các khu đô thị mới trên địa bàn có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Riêng trên địa bàn TP. Hạ Long có một số khu đô thị mới, nước thải sinh hoạt phát sinh được thu gom, xử lý cục bộ sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố. Hiện Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại Hạ Long, Móng Cái. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh năm 2021, định hướng đến năm 2025, trong đó tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí… Các đơn vị, doanh nghiệp đều xây dựng hệ thống thu gom chất thải tại cảng bến neo đậu, như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu Hòn Gai, Cảng Cô Tô, các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long…

    Tại khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan hàng năm, việc giám sát các nguồn thải được tăng cường. Tỉnh đã hoàn thiện lắp đặt thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt Jokaso của Nhật Bản, thu gom xử lý toàn bộ nước thải phát sinh do khách du lịch và nhân viên quản lý tại đảo Titop, nước thải đạt tiêu chuẩn loại A (QCVN 14:2008) trước khi thải ra vịnh…

Khẩu hiệu tuyên truyền về BVMT biển của tàu kinh doanh xăng dầu trên biển neo đậu tại âu tàu Cô Tô

    Để nâng cao hiệu quả quản lý phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, trong đó giao Sở TN&MT phụ trách công tác ứng phó sự cố môi trường (bao gồm cả ứng phó sự cố tràn dầu). Trên cơ sở quy định pháp luật, Sở TN&MT đã ban hành các văn bản hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các cảng, dự án ngoài khơi, các tàu chở dầu và các loại tàu khác gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định. Hầu hết các đơn vị có hoạt động xăng dầu trên địa bàn đã có ý thức quan tâm, chú trọng đến công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu và đào tạo tập huấn cho cán bộ nhân viên các kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu chủ động theo phương châm 4 tại chỗ. Do vậy, dù trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 sự cố tràn dầu nhưng đã được các đơn vị liên quan tiến hành ứng phó kịp thời, xử lý, khắc phục triệt để không để ảnh hưởng tới môi trường khu vực.

    Không chỉ ngăn ngừa chất thải từ bờ gây ô nhiễm môi trường biển, Quảng Ninh còn tăng cường giải pháp hạn chế ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đánh bắt, nuôi trồng, vận tải… trên biển. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành xây dựng, lồng ghép các phương án BVMT, đa dạng sinh học vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác quản lý, BVMT vịnh Hạ Long tiếp tục được quan tâm, tăng cường. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý 3 vụ phá rừng ngập mặn trái pháp luật với 4.050m2, tổng số tiền phạt là 45 triệu đồng; 6 vụ vi phạm môi trường trên biển, xử phạt 170 triệu đồng; đình chỉ có thời hạn 9 tàu du lịch do vi phạm môi trường, giao thông… cưỡng chế di chuyển 22 bè mảng ra khỏi vịnh Hạ Long…

    Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3739/QĐ-UBND ngày 5/9/2019 “về việc phê duyệt đề cương xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí nhân sinh thái Cánh buồm xanh… Qua đó, các địa phương tích cực giám sát các tàu du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong việc không sử dụng và bán sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần cho khách du lịch; yêu cầu các tàu du lịch có các giải pháp BVMT như thu gom nước thải, rác thải sinh hoạt từ tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long... Đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa theo quy chuẩn đối với cơ sở nuôi biển được quy hoạch trên địa bàn đạt 94,02%. Đã có 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long; 100% tàu du lịch lắp đặt thiết bị phân ly dầu - nước.

    Tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát. Tổng khối lượng rác được thu gom, vận chuyển về bờ đi xử lý từ năm 2018 đến nay khoảng 2.800 tấn. Ngoài ra tỉnh còn duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường biển; tăng cường quản lý hoạt động các trạm quan trắc môi trường tự động để giám sát các nguồn phát thải, kịp thời cảnh báo hiện tượng ô nhiễm môi trường biển tại các địa phương, doanh nghiệp

    Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó khắc phục sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành chú trọng. Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, địa phương ven biển tăng cường quan trắc, kiểm soát môi trường vùng biển để theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 76 trạm giám sát nước thải và 1 trạm khí tượng thủy văn. Đồng thời, tích cực bảo vệ rừng ngập mặt, đa dạng sinh học biển thông qua việc thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long; thực hiện điều tra, quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị công nhận khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR) cho khu đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên); thực hiện xong việc Quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần và 16 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bảo vệ các loài thủy sản đặc sản (sá sùng, ngán, rươi…). Từ năm 2017 - 2022, toàn tỉnh trồng mới và trồng bổ sung được 560 ha rừng ngập mặn, trở thành địa phương có diện tích trồng rừng ngập mặn lớn nhất khu vực phía Bắc.

Châu Long

 

Ý kiến của bạn